CHIA SẺ

của Trí Dũng

KHI BƯỚC CHÂN TA VỀ

Năm nay tuyết đến sớm. Nhìn những bông tuyết rơi, mình cảm thấy như đang chìm vào sự thinh vắng của đất trời. Tuyết rơi mà nghe như nơi sâu lắng lòng mình lời ca “khi bước chân ta về”. Mượn cảnh mà sinh tình. Tình và cảnh này chạm vào nhau làm bật lên những câu hỏi: Làm sao mình biết lúc nào phải về? Mà về đâu? Về với chính mình ư? Bước chân mình đi là bước chân gì?

Khi nào ta về?

Truyện kể rằng có một vị đệ tử sau nhiều năm học tu đã xin phép sư phụ vào đời hành đạo. Trước khi chàng rời tu viện, sư phụ khuyên chàng một điều “hãy tỉnh thức và giữ mình” . Chàng cúi đầu cảm tạ thầy và hứa sẽ giữ lời thầy dạy. Từ ngày đó, chàng rảo khắp các phố thị, làng quê để đem đạo đến cho mọi người. Đạo chàng giảng thật dễ hiểu. Ai cũng có thể lãnh hội điều gì đó từ bài giảng của chàng. Hơn nữa, gặp ai khó khăn, chàng ra tay giúp đỡ. Gặp ai hoạn nạn, chàng lao mình giải cứu. Gặp ai ốm đau, bệnh tật, chàng tìm cách chữa trị. Bởi vậy, chàng đi tới đâu cũng được mọi người yêu mến. Danh tiếng chàng được đồn thổi khắp bốn phương. Thấy thế, nhiều người đề nghị chàng đừng đi “loanh quanh cho đời mỏi mệt” nữa mà hãy lo phát triển đạo ở tại địa phương. Chàng đồng ý cho xây cất cơ sở vật chất để có chỗ tiếp đón khách đến học đạo và giúp đỡ kẻ nghèo khổ. Nhà cửa xây xong, các thiết bị vật dụng được lắp đặt. Chàng không còn lặn lội ngược xuôi qua mọi nẻo đường để cứu đời nữa. Bây giờ người ta đến tìm chàng chứ không phải chàng đi tìm họ. Rồi thời gian trôi qua, những lời chàng giảng thì mất dần sức sống, phạm vi hoạt động của chàng thì thu hẹp trong bốn bức tường. Và chàng thoải mái với cuộc sống mới này.

Khi nào ta về? Phải chăng khi ánh hoàng hôn buông xuống là lúc mình phải trở về? Phải chăng những khoảnh khắc thinh vắng để cho tâm mình lắng đọng là thời điểm mình phải trở về? Phải chăng khi biết mình lạc lối, mình không thể tiến bước được nữa thì đó là giây phút phải trở về? Thật sự thì mình không biết lúc nào phải về! Nhiều lúc mình mải mê với việc học, mải lo chìm đắm trong suy tư rồi quên mất giờ trò chuyện với Chúa.  Nhiều lúc quỳ trước Thánh Thể mà tâm mình mải chạy theo những tư tưởng chữ nghĩa. Nhiều lúc mình trải qua những giờ cầu nguyện thật náo động do tiếng ồn từ tâm trí mình phát ra. Những lúc ấy, mình thường lấy cớ là mình vừa học vừa cầu nguyện mà, mình thường lấy cớ là Chúa nhân từ chẳng chấp chi con người mình đâu.

Ta về đâu?

Mình kể tiếp đây. Một hôm, chàng chợt nhớ tới sư phụ. Chàng muốn về thăm thầy, sẵn rồi khoe với thầy về những việc chàng đã làm. Trên đường trở về chốn tu xưa, chàng hình dung khuôn mặt hiền lành phúc hậu của thầy. Chắc thầy sẽ hài lòng về đứa học trò xuất sắc này. Chàng thầm nghĩ thế. Ý nghĩ ấy theo bước chân chàng đến bến sông. Bên kia bờ, chỉ còn một đoạn đường ngắn là chàng sẽ gặp lại thầy. Chàng ngồi bên bờ này đợi chuyến đò chiều. Nắng hút dần về phía trời Tây. Nhìn dòng sông lặng lẽ trôi, chàng tự hỏi phải chăng ở đời ai cũng muốn được êm ấm, an nhàn như con nước trôi xuôi dòng? Hay vì đường đời lắm chua cay, đầy gian khổ mà người ta thích tìm về một dòng sông ngọt ngào, hiền hòa? Những câu hỏi ấy lướt qua tâm trí chàng như dòng sông trôi vậy.

Về tới đầu ngõ, nhìn tu viện nhỏ nằm khuất mờ sau hàng tre, lòng chàng như trùng xuống. Gió thì thầm vào tai chàng như những lời kinh năm nào chàng hằng nghe. Cảnh tu chẳng thay đổi nhiều. Có chăng sự tĩnh mịch như sâu lắng hơn. Hay là do chàng tiếp xúc với nhiều người quá nên hôm nay chàng mới tìm lại được chiều sâu thinh vắng ấy? Đến trước cửa tu viện, chợt chàng thấy có lu nước để ngoài sân. Chàng muốn rửa mặt cho tỉnh táo trước khi vào thăm thầy. Nhưng khi chàng vừa lấy gáo cúi xuống múc nước, chàng liền hoảng sợ và la thật to. Rồi chàng bỏ chạy. Dưới lu nước, chàng đã nhìn thấy khuôn mặt một con quỷ phản chiếu từ gương mặt của chàng!

Ta về đâu? Phải chăng mình phải về với chính mình. Hẳn nhiên rồi! Nhưng thật sự mình không biết cái mình mà mình trở về ấy có phải là mình? Bởi vì, mỗi lần mình nhìn lại con người mình, mình thấy toàn những xấu xa chúng ẩn bên dưới những ước muốn tốt đẹp. Mỗi lần như vậy, mình đều bỏ chạy. Mình chạy về với những ảo tưởng của mình, chúng đã tạo nên vỏ bọc an toàn để bảo vệ chính mình.

Bước chân ta

Mình không biết khi nào về, cũng chẳng biết về đâu, vậy thì mình biết bước chân mình đi chứ? Nhà Phật có phương pháp đi thiền. Mỗi bước chân mình đi là mỗi bước chân tràn đầy ý thức. Mình đi trong ý thức mình đi thì mình mới không sợ lạc lối. Bởi vì mình biết khi nào mình về. Đó là lúc này. Bởi vì mình biết về đâu. Đó là về đây. Nhà Đạo thì có phương pháp được tác giả tin mừng Matthêu ghi lại là “chặt, móc và quăng xa”. Một nhà tu đức đã giải thích phương pháp này theo đường lối tu đức Đông Phương. Dĩ nhiên ta không thể chặt tay, chặt chân hay móc mắt theo nghĩa thể lý. Ở đây, tay, chân hay mắt là những ảo tưởng của ta. Ta cần phải dứt bỏ những ảo tưởng chúng như cánh tay gân guốc mà đòi giang rộng ôm cả bầu trời, chúng như đôi chân gầy yếu mà dám đi đến tận chân mây, chúng như đôi mắt nhỏ bé mà cả gan nhìn thấu vạn sự vạn vật.

Nhưng khi thực tập, mình nhận ra rằng mình không thể ý thức thường trực mỗi bước chân mình đi, cũng không sao gột bỏ hết mọi ảo tưởng chúng bám dính tâm trí mình. Đôi chân mình đầy bụi trần dơ bẩn của tội lỗi. Bao công sức mình bỏ ra để rửa sạch đôi chân mình đã tan thành khói. Mình bất lực không thể tự giải thoát mình khỏi mê hoặc của tội lỗi. Vậy ai có thể giúp mình đi vững bước trên đôi chân trần yếu đuối này?

Vậy phải làm gì?

Thầy nghe tiếng la kinh hãi ngoài sân thì liền ra xem có chuyện gì vậy. Bước xuống bậc thang, thầy nhìn thấy bóng ai đang chạy đằng trước. Chàng chạy một đoạn thì dừng lại. Chàng ngoảnh đầu nhìn đằng sau xem con quỷ trong lu nó có đuổi chàng không. Chàng không thấy quỷ nhưng thấy thầy đang đứng nhìn chàng.

- Con đã về đấy ư? – tiếng thầy vẫn trầm ấm như ngày nào nhưng có sức vang lớn.
Chàng liền bước vội đến quỳ dưới chân thầy:
- Thầy ơi! Con về rồi đây!
Thầy cúi xuống đỡ anh đứng dậy:
- Nào, thầy trò ta vào nhà!
Thầy mời chàng ngồi và đi lấy một chậu nước. Chàng nghĩ chắc thầy mang nước ra cho mình rửa mặt.
- Thầy ơi! Để con xuống bếp rửa mặt cũng được!
- Con cứ ngồi yên đó! Thầy vừa nói vừa mang chậu nước với khăn lau và đến quỳ dưới chân chàng. Chàng bối rối liền đứng dậy.
- Thầy làm gì vậy? Sao thầy lại quỳ thế?
- Thầy rửa chân cho con đây!
- Không được đâu, thầy ơi! Thầy là thầy, trò là trò. Sao thầy lại rửa chân cho con? Không, không thể nào thầy lại rửa chân cho trò được ! Thôi, để con vào đằng sau tự rửa được rồi.
- Con hãy ngồi xuống đi ! Nếu thầy không rửa chân cho con thì làm sao con có thể ở lại với thầy.

Nghe thầy nói thế, chàng liền miễn cưỡng ngồi xuống để thầy rửa chân. Khi nhìn thầy rửa chân cho mình, chàng bỗng cảm nghiệm điều gì đó đang rung động nơi đáy lòng. Dư chấn ấy dần lan tỏa khắp thân tâm chàng. Mọi danh lợi, hình ảnh về con người chàng đều sụp đổ. Chàng không còn bám dính vào bất cứ thứ gì nữa. Trước đây, chàng muốn thực hiện các việc lớn lao lạ lùng như thầy đã làm, chàng hăng say nhiệt tâm thi hành lời thầy dạy. Nhưng bây giờ, chàng không thể yêu như thầy, chàng không thể làm việc gì lớn lao giống những gì thầy đã làm. Chàng vẫn còn là chàng chứ chưa nên giống thầy được. Khi nhận ra được điều này thì chàng cũng liền thấy thầy đang hiện diện thực sự trước mặt chàng và chàng đang ở thực sự trước mặt thầy.

Chỉ có Thầy Giêsu mới dám đến với con người tội lỗi của mình và tẩy rửa những vết nhơ chúng bám dính tâm hồn mình. Dẫu mình phản kháng, không để cho Thầy làm việc đó thì Thầy vẫn chủ động rửa chân cho mình. Bởi vì mình chỉ gặp con người thật của mình qua Thầy Giêsu và mình chỉ gặp Thầy Giêsu qua con người tội lỗi được yêu thương, chứ không phải qua con người công trạng đáng yêu.

Mùa Vọng lại đến. Mình đang mong chờ Thầy Giêsu đến để giúp mình nhận ra con người thật của mình đấy!