Gương Mẫu của Chúa
Dầu thánh, được Giáo Hội sử dụng theo truyền thống tông đồ, được làm từ dầu ô liu hòa với nhựa thơm. Những thứ này tượng trưng cho hai đức tính rất nổi bật ở Chúa yêu dấu của chúng ta, và Người đặc biệt khuyên bảo chúng ta: “Hãy mang lấy ách của Ta, và học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Khiêm nhường làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên đẹp lòng Chúa; hiền hòa làm cho chúng ta trở nên đáng mến đối với mọi người.
Khiêm Nhường và Hiền Hòa
Nhựa thơm chìm xuống đáy tất cả các chất lỏng, biểu thị sự khiêm nhường, trong khi dầu nổi lên trên mặt, biểu thị sự hiền hòa và vui vẻ. Những đức tính này nổi lên trên mọi thứ và vượt qua tất cả mọi thứ, tiêu biểu cho bông hoa Tình Yêu, mà theo Thánh Bernard, nó đạt đến sự toàn hảo khi không chỉ kiên nhẫn mà còn hiền hòa và vui vẻ.
Duy Trì Sự Hiền Hòa và Khiêm Nhường Thực Sự
Hãy giữ dầu thánh huyền bí của sự hiền hòa và khiêm nhường trong tâm hồn con. Kẻ thù thường làm cho người ta hài lòng với vẻ bề ngoài giả tạo của những ơn sủng này, khiến họ tin rằng họ hiền hòa và khiêm nhường trong khi họ còn xa với điều đó. Điều này dễ thấy khi họ dễ bị khích động đến độ kiêu ngạo và tức giận bởi những điều sai trái hoặc bất đồng nhỏ nhặt.
Thuốc Giải Độc của Sự Hiền Hòa Đích Thực
Có một sự tin tưởng chung rằng những ai sử dụng thuốc giải độc thường được gọi là “ơn sủng của Thánh Phao-lô” sẽ không bị đau đớn bởi rắn cắn nếu phương thuốc đó tinh khiết. Tương tự như vậy, sự hiền hòa và khiêm nhường thực sự sẽ ngăn chặn sự nóng nẩy và sưng phồng do sự bất đồng gây ra. Nếu sự vu khống hoặc ác ý châm chọc chúng ta và chúng ta phùng mang trợn má tức giận, điều đó chứng tỏ sự hiền hòa và khiêm nhường của chúng ta không có thực và chỉ là hình thức.
Sống Hòa Thuận
Khi Tổ phụ Giô-sép tiễn các anh em của mình từ Ai Cập trở về nhà cha, ông đã đưa ra một lời khuyên: “Hãy coi chừng, đừng cãi nhau trên đường đi.” Tương tự, chúng ta phải cố gắng sống hiền hòa, bình an và tử tế với anh chị em của mình trên hành trình cuộc đời này.
Tránh Tức Giận
Nếu có thể, hãy tránh xung đột với bất kỳ ai, và đừng để sự tức giận và cảm xúc mãnh liệt đi vào tâm hồn con. Thánh Gia-cô-bê nói rằng “sự thịnh nộ của con người không làm nên sự công chính của Thiên Chúa.” Chúng ta phải chống lại sự dữ và kiềm chế những lỗi lầm một cách kiên định và dứt khoát nhưng luôn nhẹ nhàng và điềm tĩnh.
Giận Dữ Sửa Đổi thì Không Hiệu Quả
Sự sửa đổi được đưa ra trong lúc giận dữ, ngay cả khi được dịu bớt bởi lý trí, thì không bao giờ hiệu quả bằng sự sửa đổi mà không giận dữ. Sự sửa đổi hợp lý thì hiệu quả hơn bởi vì linh hồn nào biết phải trái thì tự nhiên phục tùng lý trí. Khi lý trí bị lôi cuốn bởi cảm xúc mãnh liệt, nó trở nên ghê tởm, và quy tắc của nó bị phản kháng.
Tránh Sự Tức Giận Hoàn Toàn
Thánh Augustinô khuyên hãy từ chối đi vào ngay cả bóng dáng của sự tức giận, vì rất khó để loại bỏ khi nó xâm nhập. Sự tức giận gia tăng với những ảo tưởng sai lầm, vì không ai tức giận mà nghĩ rằng sự tức giận của mình thì phi lý. Sống không tức giận thì tốt hơn cố gắng giảm nhẹ nó. Nếu sự tức giận xảy đến bất thình lình, mạnh mẽ loại bỏ nó thì tốt hơn thương lượng với nó.
Loại Bỏ Sự Tức Giận
Khi con cảm thấy thoáng hiện sự tức giận, hãy tự thu mình lại một cách nhẹ nhàng và nghiêm trọng. Đừng mạnh bạo kiềm chế tính khí của con, vì điều này có thể làm cho tâm hồn con rối loạn tệ hơn. Hãy từ tốn cố gắng và theo lời khuyên của Thánh Augustinô: “Hãy làm điều mà một người phải làm.” Khi bị khuấy động bởi sự tức giận, hãy xin Chúa giúp đỡ, và Người sẽ đem lại sự bình an cho tâm hồn con.
Những Hành Động Hiền Hòa Trực Tiếp
Ngay sau một hành động giận dữ, hãy chuộc lại lỗi lầm bằng hành động hiền hòa đối với người đã khích động sự tức giận của con. Cũng như phủ nhận một điều sai lầm ngay lập tức là sữa chữa cho sự không trung thực, chuộc lỗi bằng một hành động khiêm nhường là chữa trị sự tức giận.
Nuôi Dưỡng Sự Hiền Hòa và Tử Tế
Khi không có gì khích động cơn thịnh nộ của con, hãy nuôi dưỡng sự hiền hòa và tử tế, hãy nói và hành động cách dịu dàng trong mọi việc. Nàng Dâu trong thánh ca được mô tả như có mật ong và sữa không chỉ trên môi mà còn ở lưỡi, tượng trưng cho một tâm hồn hiền hòa. Chúng ta phải hiền hòa không chỉ ở nơi công cộng mà còn trong gia đình của chúng ta, hãy tránh sự mâu thuẫn giữa thiên thần ở ngoài đường và ác quỷ ở nhà.
Sự Quan Trọng của Sự Hiền Hòa Với Bản Thân
Một lĩnh vực quan trọng mà chúng ta phải thực hành sự hiền hòa là với chính bản thân mình. Chúng ta không bao giờ nên trở nên cáu kỉnh với những khuyết điểm của mình. Tuy hợp lý khi không hài lòng và buồn bã trước những lỗi lầm của mình, chúng ta phải đề phòng thái độ cay đắng, tức giận, hoặc cáu kỉnh về các lỗi lầm này.
Nguy Cơ Cáu Kỉnh Chính Mình
Nhiều người sai lầm khi tức giận bởi vì họ đã tức giận hoặc khó chịu vì nhượng bộ điều phiền toái. Điều này tạo ra một tình trạng cáu kỉnh kinh niên, mà nó thêm vào cho sự xấu đã qua và chuẩn bị cho những vấp ngã sẽ đến. Sự tức giận và cáu kỉnh như vậy đối với bản thân thì nuôi dưỡng sự kiêu hãnh và hoàn toàn phát sinh từ sự yêu mình, mà nó bị xáo trộn và hao mòn bởi sự bất toàn của chính nó.
Thực Hành Sự Ăn Năn Kiên Định
Điều chúng ta cần là bất mãn những lỗi lầm của mình một cách âm thầm, kiên định, và mạnh mẽ. Một thẩm phán đưa ra bản án có hiệu quả khi thận trọng và bình tĩnh hơn là khi bốc đồng và đầy cảm xúc. Tương tự, chúng ta có thể gọt giũa bản thân tốt hơn qua sự ăn năn âm thầm, kiên định thay vì ăn năn vội vàng và háo hức, mà nó thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và xu hướng của chúng ta hơn là sự trầm trọng của những lỗi lầm.
Phán Xét Bản Thân Đúng Đắn
Người ta thường không phán xét bản thân với ánh sáng của lý trí mà dưới ảnh hưởng của cảm xúc. Ví dụ, một người nhắm mục đích khiết tịnh thì họ có thể cảm thấy cực kỳ khó chịu bởi một lỗi nhỏ tương phản trong khi họ bỏ qua sự vu khống nghiêm trọng như một chuyện khôi hài. Một người khác có thể tự dằn vặt mình vì một chút phóng đại trong khi bỏ qua một sự xúc phạm nghiêm trọng trái với sự khiết tịnh. Sự khác biệt này phát sinh vì những phán đoán của họ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hơn là lý trí.
Sức Mạnh Của Tự Trách Mình Nhẹ Nhàng
Lời khuyên nhẹ nhàng và trìu mến của cha mẹ thường có ảnh hưởng mạnh đến một đứa con hơn là sự tức giận và nghiêm khắc. Tương tự, khi chúng ta tự xét mình có tội, hãy tự đối xử một cách nhẹ nhàng và thương xót thay vì tức giận, điều đó khích lệ sự ăn năn sâu xa và lâu dài hơn. Ví dụ, nếu con đang tìm cách chiến thắng tính kiêu căng và lại rơi vào tội ấy, đừng tự lên án mình một cách khắc nghiệt. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng khuyến khích bản thân chỗi dậy và tìm kiếm lòng thương xót của Chúa, hy vọng vào Người, và bắt đầu lại đường lối khiêm nhường.
Sử Dụng Các Biện Pháp Bên Ngoài và Tìm Kiếm Hướng Dẫn
Để quyết tâm kiên định chống lại một lỗi lầm cụ thể, hãy bao gồm việc tự trách mình cách nhẹ nhàng với bất kỳ phương tiện nào phù hợp và lời khuyên của một vị hướng dẫn. Nếu sự giải quyết nhẹ nhàng không đủ, hãy tự trách mình nghiêm khắc hơn, miễn là sau cùng nó dẫn đến sự tín thác yêu thương vào Thiên Chúa.
Tin Tưởng Vào Lòng Thương Xót Của Chúa
Khi con vấp ngã, hãy âm thầm nâng tâm hồn lên, hãy hạ mình sâu thẳm trước Thiên Chúa, và đừng ngạc nhiên trước sự sa ngã của mình—sự yếu đuối thì tự nhiên yếu ớt, và bệnh tật là bệnh tật. Hãy than van rằng con đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng hãy bắt đầu lại để vun xới ân sủng còn thiếu với sự tin tưởng sâu xa vào lòng thương xót của Người và với một tâm hồn dũng cảm, mạnh mẽ. Hãy theo gương của người sám hối trong Thánh Vịnh mà họ đã kêu lên: “Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.” (Tv 42:12)
Sự Chăm Sóc và Chuyên Cần so với Sự Lo Lắng và Bồn Chồn
Sự chăm sóc và chuyên cần trong công việc hàng ngày rất khác biệt so với sự háo hức, bồn chồn và nôn nóng. Các Thiên Thần chăm lo cho sự cứu độ của chúng ta và siêng năng tìm kiếm nó, nhưng họ hoàn toàn không lo lắng và bồn chồn. Sự chăm sóc và chuyên cần thì thích hợp với tình yêu của họ một cách tự nhiên, trong khi sự lo lắng sẽ hoàn toàn mâu thuẫn với hạnh phúc của họ. Sự chăm sóc và chuyên cần có thể đi đôi với sự điềm tĩnh và bình an, nhưng các thuộc tính của thiên thần thì không thể kết hợp với sự lo lắng hay bồn chồn, đừng nói đến quá háo hức.
Tránh Lo Lắng và Quá Háo Hức
Do đó, hãy cẩn thận và chuyên cần trong mọi việc của con; Thiên Chúa, Đấng giao chúng cho con, muốn con dồn hết sự chú ý của mình vào chúng. Tuy nhiên, hãy cố đừng lo lắng và bồn chồn. Đừng bắt đầu công việc của con với sự bồn chồn và khích động, và đừng vội vàng và háo hức trong những gì con làm. Mọi hình thức khích động đều ảnh hưởng đến sự phán đoán và cả lý trí, nó cản trở sự thi hành đúng đắn chính điều đã khích động chúng ta.
Gương Mẫu Của Mác-ta
Chúa Giêsu khi quở trách Mác-ta, đã nói: “Con lo lắng và bối rối về nhiều điều.” Nếu cô chỉ đơn giản thận trọng, cô sẽ không bị khó khăn. Bởi nhường bộ sự băn khoăn lo lắng và bất an, cô trở nên háo hức và bị khó khăn, và vì thế, Chúa đã khiển trách cô.
Trôi Chảy Nhẹ Nhàng so với Lũ Lụt và Bão Tố
Những con sông nhẹ nhàng chảy qua các cánh đồng mang theo những con thuyền đầy hàng hóa quý giá, và những cơn mưa dịu dàng rơi xuống đất làm cho màu mỡ để sinh hoa trái. Tuy nhiên, khi sông dâng cao thành lũ lụt, chúng cản trở thương mại và tàn phá đất nước, và những cơn bão dữ dội cũng vậy. Không có công việc nào làm trong sự hấp tấp và khích động mà thành công, và câu ngạn ngữ, “Làm vội vàng một cách chậm rãi” là một câu rất hay. Sách Huấn Ca viết, “Có người càng vất vả, nhọc nhằn và hấp tấp, thì lại càng không đạt được gì.” Khi chúng ta làm tốt thì thường không trễ nải.
Con Ong Bầu So Với Con Ong Mật
Con ong bầu tạo ra nhiều tiếng ồn hơn và bận rộn hơn con ong mật, nhưng nó chỉ tạo ra sáp chứ không phải mật ong. Tương tự như vậy, những người bồn chồn và nôn nóng, hoặc đầy lo lắng ồn ào, không bao giờ làm được nhiều việc hoặc việc tốt. Những con ruồi quấy rầy chúng ta không phải vì những gì chúng làm mà vì chúng đông, và những việc lớn ít gây phiền nhiễu cho chúng ta hơn là một loạt những việc nhỏ.
Hoàn Thành Nhiệm Vụ Một Cách Âm Thầm và Có Phương Pháp
Hãy âm thầm chấp nhận những bổn phận đến với con, và cố gắng hoàn thành chúng một cách có phương pháp, từng việc một. Nếu con cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc hoặc với sự mơ hồ, con sẽ chỉ trở ngại chính con với sự cố gắng, và bởi rối trí, con có thể bị tràn ngập và không hoàn thành được gì.
Dựa Vào Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa
Trong tất cả các việc con làm, hãy chỉ dựa vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, chỉ bởi cách đó các kế hoạch của con mới có thể thành công. Trong khi đó, hãy âm thầm làm việc trong sự hợp tác với Người, và hãy yên tâm rằng nếu con hoàn toàn tín thác vào Người, con sẽ luôn đạt được mức độ thành công nào đó ích lợi nhất cho con, dù có như thế hay không theo sự phán đoán của riêng con.
Gương Mẫu Của Một Đứa Trẻ
Hãy bắt chước một đứa trẻ, mà con thấy nó nắm chặt bàn tay của cha nó, trong khi tay kia nó hái dâu đỏ hoặc dâu đen từ hàng rào ven đường. Cũng vậy, trong khi con hái và sử dụng của cải thế gian này bằng một tay, hãy để tay kia luôn nắm chặt vào Bàn Tay Cha Trên Trời của con, và thỉnh thoảng hãy nhìn xung quanh để biết chắc rằng Người hài lòng với những gì con đang làm, ở nhà hay ngoài đường. Hãy cẩn thận đừng buông tay vì nghĩ rằng có thể làm thêm hay nhận thêm—nếu Người buông tay, con sẽ ngã xuống đất ngay bước đầu tiên.
Đặt Tâm Hồn Con Nơi Thiên Chúa
Khi công việc hàng ngày hoặc việc kinh doanh của con không choán hết thời giờ, hãy đặt tâm hồn con nơi Thiên Chúa nhiều hơn vào công việc. Nếu công việc đòi hỏi sự chú ý không ngừng, thỉnh thoảng hãy tạm ngưng và nhìn đến Thiên Chúa, cũng như các hoa tiêu điều khiển con tầu đến bến mà họ muốn bằng cách nhìn lên trời thay vì nhìn xuống biển sâu mà họ đang chèo chống. Bằng cách đó, Thiên Chúa sẽ hoạt động với con, trong con và cho con, và công việc của con sẽ được chúc phúc.
Đường Đến Sự Hoàn Thiện
Chỉ có tình yêu mới dẫn đến sự hoàn thiện, nhưng ba phương tiện chính để đạt được tình yêu là vâng lời, khiết tịnh, và nghèo khó. Vâng lời là một sự thánh hiến tâm hồn, khiết tịnh thánh hiến thân xác, và nghèo khó thánh hiến tất cả của cải thế gian cho Tình Yêu và Phục Vụ Thiên Chúa. Đây là ba phần của Thập Giá Tinh Thần, và cả ba phải được nâng lên trên phần thứ tư, đó là sự khiêm nhường.
Phân Biệt Giữa Lời Khấn và Thực Hành
Cha không định nói về ba nhân đức này như những lời khấn trọn, mà chúng chỉ liên quan đến những người đi tu, cũng không như những lời khấn thông thường, mặc dù khi được tìm kiếm dưới sự bao bọc của một lời khấn, tất cả các nhân đức đều được gia tăng ân sủng và công trạng. Không cần thiết phải có lời khấn để đạt đến sự hoàn thiện, một khi chúng được thực hành cách siêng năng. Ba lời khấn này khi được thực hiện cách trọng thể sẽ đưa một người vào tình trạng hoàn thiện, trong khi việc tuân giữ cách siêng năng đưa người đó đến sự hoàn thiện. Có một sự khác biệt lớn giữa tình trạng hoàn thiện và sự hoàn thiện thực sự, vì tất cả các giáo sĩ và tu sĩ đều ở trong tình trạng hoàn thiện, nhưng không may, không phải tất cả đều đạt được sự hoàn thiện.
Thực Hành Các Nhân Đức
Hãy cố gắng thực hành ba nhân đức này theo các ơn gọi khác nhau của chúng ta. Tuy chúng ta không được mời gọi đến một tình trạng hoàn thiện, chúng ta có thể đạt được sự hoàn thiện qua các nhân đức ấy, và một sự thật là tất cả chúng ta phải thực hành chúng, tuy không phải mọi người đều theo cùng một cách.
Các Loại Vâng Lời
Có hai loại vâng lời: cần thiết và tự nguyện. Loại thứ nhất bao gồm sự khiêm nhường vâng lời đối với các bề trên trong giáo hội, dù là giáo hoàng, giám mục, linh mục, hay những người được họ ủy nhiệm. Con cũng phải vâng lời các cấp trên dân sự như vua và các quan chức; cũng như các cấp trên trong gia đình, như cha mẹ, anh chị. Sự vâng lời như vậy được gọi là cần thiết vì không ai có thể thoát khỏi nhiệm vụ vâng lời các cấp trên này, Chúa đã chọn họ để cai quản chúng ta.
Thực Hành Sự Vâng Lời Cần Thiết
Hãy vâng theo các mệnh lệnh của họ như một điều đúng, nhưng nếu con muốn trở nên hoàn thiện, hãy tuân theo lời khuyên của họ, và ngay cả những mong muốn của họ một khi sự bác ái và thận trọng cho phép. Hãy vâng lời những điều có thể chấp nhận, tỉ như họ yêu cầu con ăn hoặc nghỉ ngơi, vì tuy sự vâng lời trong trường hợp này không phải là nhân đức lớn, nhưng không vâng lời thì có tác hại lớn. Hãy vâng lời những điều vô thưởng vô phạt, tỉ như liên quan đến vấn đề trang phục, đi lại, ca hát, hoặc giữ im lặng, vì sự vâng lời ở đây rất đáng khen ngợi. Hãy vâng lời những điều khó khăn, có thể bất đồng, và bất tiện, và sự vâng lời đó rất hoàn hảo.
Đặc Điểm Của Sự Vâng Lời Thực Sự
Hơn nữa, hãy vâng lời một cách lặng lẽ, không tranh cãi; mau mắn, không trì hoãn; vui vẻ, không do dự; và trên hết, hãy thể hiện sự vâng lời yêu thương vì Chúa, Đấng đã vâng lời cho đến chết trên Thánh Giá vì chúng ta. Thánh Bernard nói, “Người chọn từ bỏ Sự Sống của Người hơn là Sự Vâng Lời của Người.”
Nuôi Dưỡng Sự Vâng Lời với các Bề Trên
Nếu con muốn sẵn sàng vâng lời các bề trên, hãy tập quen nhường nhịn những người ngang hàng, nhường nhịn ý kiến của họ mà nó không liên quan đến sự sai trái, không tranh luận hay cáu kỉnh. Hãy dễ dàng thích nghi với những mong muốn của cấp dưới trong phạm vi có thể một cách hợp lý, và đừng thi hành quyền bính cách nghiêm khắc khi họ thi hành tốt. Với những ai thấy khó khăn trong việc vâng lời tự nguyện đối với các cấp trên tự nhiên, đó là một sai lầm khi cho rằng nếu họ là các tu sĩ có lời khấn thì họ sẽ dễ dàng vâng lời hơn.
Vâng Lời Tự Nguyện
Sự tự ý vâng lời là điều chúng ta tự chọn và không bị áp đặt bởi người khác. Mọi người không chọn vua, giám mục, hay cha mẹ của mình, nhưng hầu hết mọi người chọn cha giải tội hay cấp trên. Dù một người có lời khấn vâng lời hay không, họ phải vâng lời cha linh hướng mà họ chọn, những sự vâng lời như vậy là tự nguyện vì nó lệ thuộc vào ý chí của chúng ta.
Quy Định Sự Vâng Lời
Sự vâng lời các bề trên hợp pháp thì được quy định bởi các yêu cầu chính thức của họ. Trong tất cả các vấn đề công cộng và pháp lý, chúng ta có bổn phận vâng lời vua của chúng ta; trong các vấn đề giáo hội, chúng ta có bổn phận vâng lời đức giám mục; trong các vấn đề nội bộ, chúng ta có bổn phận vâng lời cha mẹ, ông chủ, hoặc người chồng; và trong những vấn đề cá nhân liên quan đến linh hồn, chúng ta có bổn phận vâng lời cha giải tội hoặc cha linh hướng.
Tầm Quan Trọng Của Hướng Dẫn Tinh Thần
Hãy tìm sự hướng dẫn trong các tập luyện tâm linh bởi cha linh hướng của con, vì nhờ đó ân sủng và nhân đức sẽ tăng gấp đôi. Thật phúc thay những người vâng lời, vì Thiên Chúa không bao giờ cho phép họ đi lạc đường.
Nhân Đức Thanh Khiết
Thanh khiết là hoa huệ giữa các nhân đức — nhờ đó mà người ta gần gũi với các Thiên Thần. Không có vẻ đẹp nào mà không có sự thanh khiết, và sự thanh khiết của con người là sự khiết tịnh. Chúng ta nói người khiết tịnh thì trong trắng và mất thanh khiết là hổ thẹn; thanh khiết là một điều toàn vẹn, và ngược lại là sự bại hoại. Vinh quang đặc biệt của nó nằm ở sự trong trắng không tỳ vết của linh hồn và thể xác. Không có thú vui nào bất hợp pháp có thể hòa hợp với sự khiết tịnh; tâm hồn thanh khiết thì giống như vỏ ngọc trai không để bất cứ giọt nước nào chạm vào viên ngọc trừ khi nước ấy từ Thiên Đường — nó khép kín đối với mọi sự hấp dẫn ngoại trừ những gì được thánh hóa bởi hôn nhân thánh thiện.
Bảo Vệ Tâm Hồn
Hãy đóng tâm hồn con lại trước mọi sự nhạy cảm hay thú vui đáng nghi ngờ, hãy đề phòng mọi thứ không có lợi tuy nó có thể hợp pháp, và cố tránh gắn bó quá đáng ngay cả với những điều tự nó đúng và tốt. Mọi người đều rất cần nhân đức này: những người sống trong cảnh góa bụa cần một sự khiết tịnh dũng cảm không chỉ để từ bỏ những thú vui hiện tại và tương lai nhưng còn để chống lại những ký ức trong quá khứ, mà một đời sống hôn nhân hạnh phúc tự nhiên ngập tràn trí tưởng tượng với các ký ức ấy, chúng làm mềm lòng và suy yếu ý chí. Thánh Augustinô ca ngợi sự thanh khiết của đứa con thân yêu Alipius, là người đã hoàn toàn quên đi và khinh thường những thú vui xác thịt mà thời trai trẻ của ông đã trải qua.
Giữ Gìn Sự Thanh Khiết
Khi trái cây còn nguyên vẹn, con có thể cất giữ chúng cách an toàn, một số trong rơm, một số trong cát, hoặc giữa tàn lá của chúng, nhưng một khi đã bị dập nát thì không có cách nào gìn giữ chúng ngoại trừ đường hoặc mật ong. Ngay cả như vậy, sự thanh khiết chưa bao giờ bị xâm phạm thì có thể giữ gìn cho đến cuối đời, nhưng một khi sự thanh khiết đó không còn nữa, không gì có thể đảm bảo sự tồn tại của nó ngoại trừ sự đạo đức đích thực, mà như cha thường nói, đó chính là mật ong và đường của tâm trí.
Sự Thanh Khiết Trong Các Bậc Sống Khác Nhau
Người chưa lập gia đình cần một sự thanh khiết nhạy cảm đơn giản, mà nó sẽ xua tan mọi ý nghĩ tò mò quá mức và dạy họ coi thường mọi sự thỏa mãn thuần túy xác thịt. Người trẻ có xu hướng tưởng tượng những gì họ chưa biết là vô cùng ngọt ngào, và như con thiêu thân ngu dại lượn quanh ánh sáng, và nhất định đến quá gần, chúng chết trong sự tò mò dại dột của mình, họ cũng chết vì không khôn ngoan đến gần những thú vui bị cấm.
Thanh Khiết Trong Hôn Nhân
Những người đã kết hôn cần thận trọng thanh khiết để luôn giữ Thiên Chúa trước mắt mình và tìm kiếm mọi hạnh phúc và niềm vui trần thế chỉ qua Người mà thôi, họ luôn nhớ rằng Người đã thánh hóa hôn nhân bằng cách làm cho nó trở nên hình ảnh sự kết hợp của chính Người với Giáo Hội. Thánh Tông Đồ nói, “Hãy theo đuổi sự hòa thuận với mọi người, và sự thánh thiện, mà không có sự thánh thiện thì không ai được thấy Chúa:” (Do Thái 12:14), qua đó ông muốn nói sự thánh thiện là thanh khiết.
Sự Cần Thiết Của Thanh Khiết
Thực sự, hỡi con, không có sự thanh khiết thì không ai có thể thấy Chúa; và cũng không ai có thể hy vọng được ở trong đền thờ của Người trừ khi họ sống một cuộc đời không hư hỏng; và chính Chúa đã hứa chúc phúc đặc biệt cho những ai có tâm hồn thanh khiết là họ sẽ được nhìn thấy Người.
Tránh Sự Ô Uế
Hãy hết sức nhanh chóng tránh bất cứ điều gì dẫn đến sự ô uế, vì đó là một điều xấu mà nó đến lén lút, và trong đó những khởi đầu nhỏ nhất thì dễ phát triển nhanh chóng. Thường luôn dễ tránh những điều xấu như vậy hơn là chữa trị chúng. Thân thể con người giống như những chiếc ly thủy tinh, không thể va chạm mà không có nguy cơ bị vỡ, hoặc như trái cây, dù tươi và chín đến đâu, cũng bị hỏng bởi sức ép. Đừng bao giờ cho phép bất cứ ai thể hiện bất cứ sự tự do nào ngu dại với con, vì mặc dù có thể không có ý định xấu, nhưng sự toàn hảo thanh khiết sẽ bị tổn hại bởi điều đó.
Bảo Vệ Các Giác Quan
Sự thanh khiết có nguồn gốc từ tâm hồn, nhưng chính trong thân thể mà các hậu quả vật chất thành hình, và do đó sự thanh khiết có thể bị mất đi bởi các giác quan bên ngoài và cả bởi những suy nghĩ và ước muốn của tâm hồn. Tất cả những thiếu sót trong sự đoan trang khi nhìn, nghe, nói, ngửi, hoặc chạm đến thì đều ô uế, nhất là khi tâm hồn thấy vui thích. Thánh Phaolô không ngần ngại nói rằng sự ô uế và không thanh khiết, hoặc nói chuyện ngu dại và không đúng đắn, thì không nên “được nhắc đến” trong các Kitô hữu.
Noi Gương Nàng Dâu Trong Sách Diễm Ca
Con ong không chỉ tránh xa xác chết mà còn gớm ghét và bay xa khỏi mùi hôi thối dù phảng phất. Nàng Dâu trong sách Diễm Ca được mô tả với “tay chảy nhựa thơm” (Diễm Ca 5:5), một chất bảo quản chống lại mọi sự bại hoại; đôi môi của nàng giống như “một sợi chỉ đỏ” tượng trưng cho lời nói đoan trang (Diễm Ca 4:3); đôi mắt nàng là “đôi mắt bồ câu” (Diễm Ca 4:1), trong sáng và dịu dàng; mũi của nàng “giống như tháp Libăng nhìn về hướng Đamát” (Diễm Ca 7:5), một loại gỗ không thể hỏng; tai của nàng đeo hoa tai bằng vàng ròng (Ezekiel 16:12); và cũng vậy, linh hồn đạo đức thì phải tinh khiết, trong trắng, và trong suốt ở tay, môi, mắt, tai, và toàn thân.
Tránh Những Ảnh Hưởng Có Hại
Hãy nhớ rằng có những điều làm mất đi sự thanh khiết tuyệt hảo mà tự nó không phải là những hành động ô uế hoàn toàn. Bất cứ điều gì có xu hướng làm giảm đi sự nhạy bén cao độ hoặc che mờ nó thì đều thuộc loại này; và tất cả những suy nghĩ xấu xa hoặc hành động nhẹ dạ hoặc bất cẩn đều là những bước tiến đến sự vi phạm luật khiết tịnh trực tiếp nhất.
Chọn Bạn Đồng Hành Tốt
Tránh xa những người thiếu thanh khiết, nhất là nếu họ trơ tráo, vì những người đơ bẩn thường như vậy. Nếu một con vật hôi hám liếm cây hạnh ngọt, trái của nó trở nên đắng; và cũng thế, một người bệnh hoạn thối nát thì khó có thể giao tiếp với người khác, dù là đàn ông hay phụ nữ, mà không tổn hại đến sự thanh khiết tuyệt hảo của họ — ánh nhìn của họ có nọc độc, và hơi thở của họ tàn hại như rắn hổ mang.
Tìm Kiếm Những Ảnh Hưởng Tích Cực
Mặt khác, hãy tìm kiếm những người tốt và thanh khiết, hãy đọc và suy gẫm về những điều thánh thiện; vì Lời Chúa thì tinh khiết, sẽ làm thanh khiết những ai nghiên cứu: do đó, vua Đavít đã ví Lời Chúa như vàng và đá quý. Hãy luôn ở gần Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, về mặt tinh thần trong chiêm niệm cũng như thực sự Rước Lễ; vì như những ai ngủ trên cái cây gọi là “Agnus castus” thì đều trở nên thanh khiết và khiết tịnh, nếu tâm hồn con nghỉ ngơi bên Chúa Yêu Dấu, Con Chiên Tinh Khiết và Vô Tội, con sẽ thấy rằng cả tâm hồn và linh hồn con sẽ được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ.
Phúc Lành Của Tinh Thần Khó Nghèo
“Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mátthêu 5:3); và nếu vậy, khốn cho những ai có tinh thần làm giầu, vì họ phải chịu đựng nỗi đắng cay của địa ngục. “Tinh thần làm giầu” là người mà của cải chiếm trọn tâm trí, hoặc tâm trí của họ bị chôn vùi trong sự giầu có. Người có tinh thần nghèo khó là người không bị đầy ắp tâm hồn với sự yêu quý của cải và tâm trí không đặt nặng về chúng.
Tâm Hồn Mở Ra Với Thiên Đường
Chim hải âu xây tổ của nó như một quả bóng, chỉ để lại một lỗ nhỏ ở trên cùng, và thả tổ xuống biển một cách an toàn để sóng cuốn đi mà nước không ngập tràn. Tâm hồn của con cũng phải như thế—chỉ mở ra với Thiên Đường và không để của cải hay báu vật trần gian xâm nhập. Nếu con có của cải, hãy giữ tâm hồn khỏi bị bám víu vào chúng; hãy để tâm hồn ở một độ cao hơn, và giữa những của cải, hãy sống như con không có — hãy vượt lên trên chúng. Đừng để tâm trí, là hình ảnh của Thiên Chúa, gắn chặt vào những thứ thuộc về trần gian; hãy luôn để tâm trí vươn lên cao, không bị chìm đắm trong chúng.
Sở Hữu Của Cải Mà Không Bị Chúng Sở Hữu
Có một sự khác biệt lớn giữa việc có thuốc độc và bị nhiễm độc. Tất cả các dược sĩ đều có sẵn các loại thuốc độc cho những trường hợp đặc biệt, nhưng họ không bị nhiễm độc vì thuốc độc chỉ nằm trong cửa tiệm của họ, không trong chính họ. Tương tự, con cũng có thể sở hữu của cải mà không bị chúng làm hại, một khi chúng chỉ ở trong nhà hay trong túi, và không trong tâm hồn của con. Đó là đặc ân của tín hữu Kitô khi được giàu về vật chất nhưng nghèo gắn bó với chúng, từ đó họ có thể sử dụng của cải trong thế gian này và được công trạng của sự nghèo khó ở đời sau.
Sự Dối Trá Của Tham Lam
Không ai thừa nhận mình là kẻ tham lam bao giờ; mọi người đều phủ nhận thói xấu đáng khinh này. Người ta tự bào chữa khi nói rằng họ đang lo cho con cái, hoặc viện cớ phải khôn ngoan chuẩn bị trước. Họ không bao giờ cảm thấy có quá nhiều; họ luôn có lý do tốt để tích lũy thêm. Ngay cả những người tham lam nhất cũng không chỉ phủ nhận như thế mà còn thành thật tin rằng họ không phải vậy; đó là vì lòng tham giống như một cơn sốt mãnh liệt, càng hoành hành dữ dội thì lại càng ít cảm thấy. Mô-sê nhìn thấy ngọn lửa thiêng không thiêu rụi bụi gai, nhưng lửa tham lam lại hành động ngược lại—nó làm hao mòn kẻ keo kiệt mà không thiêu đốt hắn, vì giữa cơn nóng mãnh liệt nhất, hắn lại tưởng đang mát lạnh và cho rằng cơn khát không thể thỏa mãn của mình chỉ là điều tự nhiên và đúng đắn.
Cơn Sốt Khao Khát
Nếu con khao khát mãnh liệt, lo lắng, và khăng khăng tìm kiếm những gì con không có, thì thật đúng để nói rằng con không muốn có được điều đó một cách thái quá, nhưng con vẫn phạm tội tham lam. Ai khao khát uống nước, dù chỉ là nước thôi, cho thấy họ đang lên cơn sốt. Cha không nghĩ là chúng ta có thể nói đó là điều hợp pháp khi mong muốn sở hữu những gì thuộc người khác. Làm như thế, chắc chắn chúng ta muốn có lợi cho mình mà người khác phải trả giá. Và người sở hữu bất cứ gì hợp pháp thì chắc chắn họ có quyền sở hữu điều đó hơn là chúng ta có quyền lấy nó. Tại sao chúng ta lại mong muốn những gì là của họ? Ngay cả khi điều mong ước đó hợp pháp, nó không bác ái, vì chúng ta sẽ không thích người khác mong muốn những gì chúng ta có, dù hợp pháp thế nào.
Tội của Ahab
Đây là tội của Ahab khi ông tìm cách mua lại vườn nho của Naboth một cách hợp pháp, trong khi Naboth có quyền giữ nó. Ông ta thèm muốn nó một cách mãnh liệt, liên tục, và lo lắng, và khi làm như vậy, ông làm mất lòng Thiên Chúa. Đừng cho phép bản thân mong muốn điều gì thuộc về người khác cho đến khi họ muốn từ bỏ nó—lúc đó, ước muốn của họ sẽ thực sự hợp pháp hóa sự mong muốn của con. Cha hoàn toàn đồng ý rằng con có thể gia tăng tài sản của mình, miễn là không chỉ bởi sự công bằng nghiêm ngặt nhưng còn được thi hành cách tử tế và bác ái.
Giữ Sự Tách Biệt
Nếu con bám chặt vào của cải và bị vướng víu, con yêu mến và suy nghĩ về chúng, và luôn lo sợ mất mát, thì tin cha đi, con vẫn bị sốt phần nào đó. Vì người sốt uống nước với sự khao khát và thỏa mãn mà người khỏe mạnh không có. Không thể nào quá vui thích điều gì đó mà không bị ràng buộc với nó.
Thử Thách Khi Mất Mát
Nếu con mất tài sản và cảm thấy đau khổ vì sự mất mát đó, chắc chắn con đã quá gắn bó với nó. Không có bằng chứng nào rõ ràng hơn về tình cảm đối với điều đã mất cho bằng nỗi buồn khi mất nó. Do đó, đừng khao khát bám víu vào bất cứ gì mà con không có; đừng để tâm hồn nghỉ yên trong những gì con sở hữu; đừng quá đau buồn trước những mất mát có thể xảy đến với con. Và rồi, con có thể hợp lý tin tưởng rằng tuy giàu về vật chất, con không giàu về sự gắn bó, và vì có tinh thần nghèo khó con được chúc phúc, vì Nước Trời là của con.
Cân Bằng Giữa Giàu và Nghèo
Họa sĩ Parrhasius đã khéo léo mô tả một người Athens tiêu biểu, gán cho họ nhiều đặc tính đối lập. Ông gọi họ là thất thường, nóng nảy, bất công, không kiên định, lịch sự, nhân từ, đầy lòng trắc ẩn, kiêu căng, hư danh, khiêm tốn, khoe khoang, và nhát gan. Hỡi con, về phần cha, cha muốn thấy sự giàu có và nghèo khó được kết hợp trong tâm hồn con—đó là một sự quan tâm lớn lao và một sự khinh miệt lớn lao đối với những gì tạm bợ.
Sử Dụng Của Cải để Phục Vụ Thiên Chúa
Con có mất nhiều công sức hơn người đời để làm sự giàu sang của con trở nên hữu ích và sinh lợi không? Những người làm vườn của nhà vua cẩn thận hơn nhiều trong việc chăm sóc và làm đẹp khu vườn của nhà vua so với khu vườn của chính họ. Tại sao? Bởi vì đó là khu vườn của nhà vua, và họ muốn phục vụ người một cách tận tình. Của cải chúng ta không phải của chúng ta; Thiên Chúa đã trao cho chúng ta để gầy dựng, để làm chúng sinh lợi và hữu ích trong việc phụng sự Người, và khi làm như vậy, chúng ta sẽ đẹp lòng Người. Chúng ta phải sốt sắng thi hành điều này hơn cả người đời, vì họ chăm sóc tài sản cho chính bản thân, còn chúng ta phải làm việc vì tình yêu Thiên Chúa.
Sự Khác Biệt Giữa Yêu Bản Thân và Yêu Thiên Chúa
Yêu bản thân thì bất an, lo lắng, và quá mức, khiến cho công việc trở nên khó khăn, phiền phức, và không vừa ý. Ngược lại, tình yêu Thiên Chúa thì điềm tĩnh, bình an, và lặng lẽ. Vì vậy, công việc được thực hiện vì lợi ích của nó, dù trong những điều trần thế, thì dịu dàng, đáng tin, và kín đáo. Chúng ta hãy âm thầm chăm sóc của cải tạm bợ để gìn giữ và, khi có thể, gia tăng chúng theo bổn phận địa vị của mình. Điều này được Thiên Chúa chấp nhận vì Tình Yêu của Người.
Thực Hành Nghèo Khó Giữa Sự Giàu Có
Để tránh bị lừa dối bởi yêu mình và để tránh lợi ích tạm bợ bị thoái hóa thành sự tham lam, cần phải thường xuyên thực hành sự nghèo khó thực sự giữa những của cải mà Thiên Chúa ban cho con. Hãy luôn dành một phần của cải để thành tâm cho người nghèo; con làm cho mình nghèo hơn mỗi khi cho đi. Thiên Chúa sẽ bù đắp lại cho con, không chỉ ở đời sau mà còn ở đời này. Không gì mang lại sự thịnh vượng của cải tạm bợ bằng việc tự do bố thí, nhưng đồng thời con sẽ cảm thấy mình nghèo hơn qua những gì con cho đi. Đó là một sự nghèo khó thánh thiện và phong phú xuất phát từ việc bố thí.
Yêu Thương và Phục Vụ Người Nghèo
Hãy yêu thương người nghèo và sự nghèo khó. Tình yêu này sẽ làm cho con trở nên thực sự nghèo khó, vì như Thánh Kinh nói, chúng ta trở nên giống như những gì chúng ta yêu mến. Tình yêu làm cho những người yêu thương trở nên ngang bằng. Thánh Phaolô nói: “Ai yếu đuối, và tôi không yếu đuối sao?” Người có thể nói: “Ai nghèo, và tôi không nghèo sao?” vì chính tình yêu đã làm cho người giống với những ai mà thánh nhân yêu. Nếu con yêu người nghèo, con sẽ thực sự chia sẻ sự nghèo khó của họ và trở nên nghèo như họ. Nếu con yêu người nghèo, hãy tìm đến họ, thấy vui thích khi đưa họ về nhà con, và khi đến thăm họ. Hãy thoải mái nói chuyện với họ và sẵn sàng gặp họ, dù ở nhà thờ hay ở bất cứ đâu. Con hãy nghèo trong khi chuyện vãn với họ, nhưng tay con giàu để phân phát sự dư dả của con.
Phục Vụ Người Nghèo
Hỡi con, con có sẵn sàng đi xa hơn không? Không chỉ dừng lại ở việc nghèo như người nghèo nhưng còn nghèo hơn nữa không? Đầy tớ không trọng hơn chủ của mình. Hãy trở thành đầy tớ của người nghèo, hãy chăm sóc họ trên giường bệnh bằng chính đôi tay của con, hãy là đầu bếp, thợ may cho họ. Sự phục vụ như thế vinh dự hơn cả hoàng gia!
Những Tấm Gương Phục Vụ Thánh Thiện
Thánh Louis, một trong những vị vua vĩ đại, đã chu toàn nhiệm vụ này bằng cách phục vụ người nghèo ngay tại nhà họ, ông thường mời ba người đến ăn tại bàn của ông, và thường ăn những thức ăn còn thừa trong sự khiêm tốn yêu thương. Trong những lần viếng thăm các bệnh viện, ông thường chọn những bệnh nhân hiểm nghèo nhất, những người bị lở loét, ung thư, và những căn bệnh tương tự. Ông chăm sóc họ, ông quỳ gối và đầu không đội nón, ông nhìn thấy Đấng Cứu Thế trong họ, và yêu thương họ với tất cả sự dịu dàng của tình mẫu tử.
Thánh Ê-li-gia-bét ở Hung-gia-lợi thường hòa mình với người nghèo và thích mặc quần áo đơn giản của họ giữa những người phụ nữ sang trọng. Những nhân vật hoàng gia này đã nghèo giữa sự giàu có của mình và phong phú trong sự nghèo khó. Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Vào Ngày Phán Xét, Vua của các vua và dân chúng sẽ nói với họ: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; hãy đến, thừa hưởng vương quốc đã chuẩn bị cho các ngươi từ thuở sáng tạo thế gian.”
Vui Vẻ Chấp Nhận Sự Bất Tiện
Mọi người đều đôi lúc thiếu thốn những thứ họ cần và gặp phải sự bất tiện. Một vị khách đến nhà mà chúng ta muốn tiếp đón một cách trang trọng, nhưng chúng ta không thể tiếp đãi họ như ý muốn. Chúng ta cần bộ quần áo đắt tiền của mình ở một nơi, nhưng nó lại đang ở nơi khác. Tất cả rượu trong hầm của chúng ta đột nhiên bị chua. Chúng ta thấy mình vô tình ở một nơi hẻo lánh, nơi thiếu thốn mọi thứ—phòng, giường, thức ăn, người phục vụ. Nói ngắn gọn, ngay cả những người giàu có nhất cũng có thể dễ dàng thiếu những gì họ muốn, và thực tế đó là sự chịu đựng cảnh nghèo khó. Hãy vui vẻ chấp nhận những sự việc như vậy, hãy hoan hỷ và vui lòng chịu đựng.
Đối Phó Với Những Mất Mát Không Mong Muốn
Nếu con bị mất tài sản, nhiều hay ít, bởi những sự kiện bất ngờ như bão, lũ lụt, hỏa hoạn, hạn hán, trộm cắp, hoặc kiện tụng, đó là lúc thực sự thi hành sự nghèo khó. Hãy chấp nhận sự mất mát một cách bình thản và kiên nhẫn thích ứng với hoàn cảnh mới của mình. Esau và Jacob đều đến gặp cha mình với đôi tay đầy lông, nhưng lông trên tay của Jacob không mọc từ da của anh ta và có thể bị xé ra mà không gây đau đớn. Lông trên tay của Esau là sự phát triển tự nhiên từ da của anh ta, và nếu ai đó cố xé nó đi, anh ta sẽ kêu lên và chống cự.
Nếu tài sản quá gắn bó với tâm hồn chúng ta và một cơn bão hay kẻ trộm lấy chúng đi, chúng ta sẽ không tránh khỏi những than van bất mãn và đau buồn. Nhưng nếu chúng ta chỉ gắn bó với chúng theo sự lo lắng mà Thiên Chúa muốn, và không phải với tất cả tâm hồn, chúng ta sẽ thấy chúng bị lấy đi mà không mất đi sự bình thản của mình. Đây là sự khác biệt giữa quần áo của con người và thú vật; quần áo của thú vật mọc trên thịt của chúng, trong khi quần áo của con người chỉ mặc vào để có thể cởi ra khi cần.
Hãy Đón Nhận Sự Nghèo Khó Như Một Món Quà Từ Thiên Chúa
Hỡi con, nếu con thực sự nghèo vì Chúa, hãy nghèo trong tâm hồn. Hãy biến sự cần thiết thành đức hạnh và biến viên ngọc nghèo khó thành giá trị thật của nó. Sự rực rỡ của nghèo khó thì có thể không được nhận biết ở thế gian này, nhưng nó thật sự rất lớn. Hãy kiên nhẫn! Con thuộc những người tốt lành. Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các Tông đồ, và vô số các Thánh, nam và nữ, đều nghèo. Mặc dù họ có thể trở nên giàu có, họ đã khinh thường của cải. Nhiều người vĩ đại của thế gian đã trải qua nhiều khó khăn để tìm kiếm sự nghèo khó thánh thiện trong các bệnh viện và tu viện. Thánh Alexis, Thánh Paula, Thánh Paulinus, Thánh Angela, và nhiều vị thánh khác có thể làm chứng cho điều này. Với con, con ơi, sự nghèo khó đã đến mà không xin; con đã gặp sự nghèo khó mà không cần tìm kiếm. Hãy đón nhận nó như người bạn yêu dấu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sinh ra, sống và chết trong cảnh nghèo khó, và trân quý sự nghèo khó suốt cuộc đời Người.
Hai Đặc Ân Lớn Của Sự Nghèo Khó
Có hai đặc ân lớn liên quan đến sự nghèo khó mà qua đó con có thể đạt được công phúc lớn. Thứ nhất, đó không phải là lựa chọn của con, nhưng chính là Thánh Ý của Thiên Chúa đã làm cho con trở nên nghèo khó. Bất cứ điều gì chúng ta chấp nhận vì đó là Thánh Ý Chúa thì đều đẹp lòng Người, một khi chúng ta chấp nhận điều đó với tất cả tâm hồn và vì tình yêu. Cái tôi càng ít đi, Thiên Chúa càng hiện diện. Chân thành chấp nhận Thánh Ý Chúa sẽ thanh lọc mọi đau khổ cách lớn lao.
Đặc ân thứ hai là sự nghèo khó phải thực sự nghèo. Có một loại nghèo khó được ca ngợi, được chăm sóc và được chiều chuộng đến nỗi khó có thể gọi đó là nghèo. Ngược lại, có một sự nghèo khó bị khinh miệt, coi thường và lãng quên. Hầu hết sự nghèo khó của thế gian thuộc về loại sau. Những người nghèo khó một cách bất đắc dĩ và không thể tự giúp mình thì thường không được nghĩ đến, làm cho họ nghèo hơn cả cái nghèo của tu sĩ, dù sự nghèo khó của tu sĩ có một ân sủng đặc biệt và trổi vượt bởi ý định và lời khấn mà họ chấp nhận.
Hãy Trân Quý và Chấp Nhận Sự Nghèo Khó
Hỡi con, đừng phàn nàn về sự nghèo khó của con. Chúng ta chỉ phàn nàn về những gì không được đón nhận, và nếu sự nghèo khó không được đón nhận bởi con, con không còn tinh thần nghèo khó nữa. Đừng bực hội về những sự giúp đỡ mà con cần; đó chính là một ân sủng lớn của sự nghèo khó. Đó sẽ là tham vọng quá đáng nếu muốn nghèo mà không chịu đựng bất cứ sự bất tiện nào, vả muốn được tiếng là nghèo khó và sự thoải mái của giàu có.
Đừng xấu hổ vì sự nghèo khó hay vì phải đi xin bố thí. Hãy đón nhận những gì được trao cho con với sự khiêm nhường và chấp nhận sự từ chối một cách nhu mì. Hãy thường xuyên nhớ đến hành trình của Mẹ Maria vào Ai Cập cùng với Con của Mẹ và tất cả sự nghèo khó, khinh miệt, và đau khổ mà các đấng đã chịu đựng. Nếu con theo gương các đấng ấy, con sẽ thật sự trở nên giàu giữa sự nghèo khó của mình.