Con ơi, có thể con không biết cách thực hành tâm nguyện, vì ngày nay nó bị lãng quên. Cha sẽ đưa ra một phương pháp đơn giản cho con sử dụng cho đến khi con có thể đọc thêm về đề tài này và học qua thực hành.
Chuẩn Bị Cầu Nguyện
Trước khi con bắt đầu cầu nguyện, hãy sử dụng một trong những phương pháp này để đặt mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Đừng cố gắng sử dụng tất cả cùng một lúc; thay vào đó, hãy chọn một phương pháp và giữ cho nó ngắn gọn và đơn giản.
Sự cầu khẩn được thực hiện như sau: Khi tâm hồn con nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, hãy khiêm tốn cúi đầu tôn kính, thừa nhận sự bất xứng của mình để đứng trước Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, hãy biết rằng trong sự Nhân Từ của Người, Người muốn con đến với Người, hãy cầu xin Người ban ân sủng để con có thể phụng sự và thờ phượng Người trong suốt thời gian chiêm niệm. Con có thể sử dụng những lời cầu nguyện ngắn gọn, chân thành như của Đavít:
Ngoài ra, hãy nghĩ đến thiên thần bản mệnh của con và các thánh liên quan đến mầu nhiệm đặc biệt mà con đang suy niệm, như Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Gioan, Thánh Maria Mácđala, người trộm lành, và những người khác khi suy niệm về cuộc Khổ Nạn. Điều này giúp con chia sẻ lòng sùng kính và ý định của họ, và con có thể thi hành tương tự với các chủ đề suy niệm khác.
Hình Dung Địa Điểm Hoặc Hình Ảnh Nội Tâm là một bước tùy chọn trong việc suy niệm. Điều này bao gồm việc tưởng tượng một cách sống động cảnh tượng hoặc mầu nhiệm mà con đang suy niệm, như thể con đang thực sự chứng kiến nó. Ví dụ, nếu con muốn suy niệm về Chúa Giêsu trên Thánh Giá, hãy tưởng tượng chính con đang ở trên núi Canvê, nhìn thấy và nghe thấy mọi thứ xảy ra trong cuộc Khổ Nạn, như được mô tả bởi các Thánh Sử.
Tương tự, khi suy niệm về cái chết, hãy tưởng tượng những hoàn cảnh xung quanh cái chết của chính con. Khi suy gẫm về địa ngục hoặc bất cứ chủ đề nào bao gồm các yếu tố hữu hình và xác thực, hãy sử dụng trí tưởng tượng của con để làm sống động những cảnh tượng này. Tuy nhiên, khi suy niệm về những điều vô hình, như sự vĩ đại của Thiên Chúa, các thuộc tính của Người, hoặc mục đích của việc tạo dựng chúng ta, thì phương pháp này không phù hợp. Trong những trường hợp như vậy, con có thể sử dụng các so sánh hoặc ẩn dụ, nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết. Tốt nhất là giữ cách tiếp cận của con đơn giản và không làm phức tạp hóa việc suy niệm bằng cách cố gắng nghĩ ra những phương cách mới để mường tượng.
Việc sử dụng trí tưởng tượng của con theo cách này có thể giúp con tập trung tâm trí vào mầu nhiệm mà con đang suy niệm và tránh được những suy nghĩ mông lung của con, giống như giữ một con chim trong lồng hoặc buộc chặt con chim ưng. Trong khi một số người có thể đề nghị chỉ tập trung vào những suy nghĩ trừu tượng hoặc những suy gẫm thuần túy tâm linh, điều này có thể quá thách thức đối với những ai mới bắt đầu. Cho đến khi con cảm thấy được mời gọi đến một hình thức suy niệm cao hơn, cha khuyên con nên tiếp tục với phương pháp này vì nó đơn giản hơn.
Hiểu Biết trong Chiêm Niệm: Sau khi sử dụng trí tưởng tượng, bước tiếp theo trong chiêm niệm bao gồm việc sử dụng sự hiểu biết của con. Điều này có nghĩa là suy gẫm về một số ý tưởng hoặc suy xét nhất định giúp nâng cao tâm hồn con hướng về Thiên Chúa và những điều thuộc về thiên đường. Chiêm niệm khác với việc học tập hoặc suy nghĩ thông thường vì mục tiêu của nó không phải để đạt được kiến thức hoặc phát triển những tranh luận nhưng để lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và sự thánh thiện.
Một khi con đã tập trung tâm trí – sử dụng trí tưởng tượng cho các chủ đề vật lý hoặc suy nghĩ hợp lý các chủ đề tâm linh – con có thể bắt đầu suy gẫm, theo các ví dụ về suy niệm mà cha đã phác họa cho con. Nếu tâm trí con tìm thấy điều gì đó có ý nghĩa và hữu ích trong những suy gẫm này, hãy bám lấy điều đó, giống như một con ong bám lấy bông hoa khi nó có thể hút mật.
Nhưng nếu con không tìm thấy nhiều điều để suy gẫm, ngay cả sau một số nỗ lực hợp lý, hãy nhẹ nhàng chuyển sang một suy nghĩ hoặc suy gẫm khác. Hãy bình tĩnh và đơn giản trong quá trình này, không quá háo hức hoặc vội vàng.
Việc chiêm niệm linh hứng những ao ước tốt lành trong ý muốn, hoặc phần cảm xúc của linh hồn. Những điều này có thể bao gồm tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, sự khao khát vinh quang Thiên Đường, sự đam mê cứu vớt người khác, sự mong muốn noi gương Chúa, sự từ bi, sự biết ơn, sự kính sợ trước cơn thịnh nộ và phán xét của Thiên Chúa, sự ghét bỏ tội lỗi, sự tin tưởng vào lòng tốt và sự thương xót của Thiên Chúa, và sự hổ thẹn những sai lầm trong quá khứ. Con nên hết lòng bày tỏ các cảm xúc này càng nhiều nếu có thể. Nếu cần sự trợ giúp, con có thể sử dụng một cuốn sách đạo đức đơn giản, như “Gương Chúa Giêsu” hoặc “Sự Chiến Đấu Tâm Linh,” hoặc bất cứ cuốn sách nào khác mà con thấy hữu ích nhất.
Tuy nhiên, con đừng chỉ dừng lại ở những cảm xúc chung chung này; hãy biến chúng thành những quyết tâm cụ thể cho sự phát triển và cải thiện cá nhân của con. Ví dụ, nếu con suy gẫm về những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trên Thập Giá, con có thể cảm thấy muốn noi theo Người trong việc tha thứ và yêu thương kẻ thù của mình. Nhưng điều đó chưa đủ trừ khi con có một quyết định cụ thể, chẳng hạn như: “Tôi sẽ không còn tức giận về những gì người này nói về tôi, hoặc những lời xúc phạm từ người đó nữa. Thay vào đó, tôi sẽ làm những điều cụ thể này để dịu bớt và chinh phục họ.”
Bởi đưa ra những quyết tâm cụ thể như vậy, con sẽ nhanh chóng sửa chữa những thiếu sót của mình. Ngược lại, nếu con chỉ đưa ra những quyết tâm chung chung, sự tiến bộ của con sẽ chậm và không chắc chắn.
Kết Thúc Chiêm Niệm: Kết thúc sự chiêm niệm của con với ba hành động được thực hiện với lòng khiêm nhường sâu xa:
Ngoài ra, cha đề nghị con làm một “bó hoa tinh thần” nhỏ. Điều này có nghĩa là cũng như ai đó đi dạo trong một khu vườn đẹp có thể hái một vài bông hoa để tận hưởng suốt cả ngày, con nên chọn một hoặc vài điểm từ sự chiêm niệm mà đặc biệt thu hút sự chú ý của con và sẽ hữu ích nhất cho con trong suốt cả ngày. Hãy làm điều này ngay trước khi kết thúc sự chiêm niệm của con.
Sau Khi Chiêm Niệm: Trên hết, hỡi con, hãy cố gắng giữ những suy nghĩ và quyết tâm mà con đã thực hiện trong khi chiêm niệm và thực hành chúng trong suốt cả ngày. Đây là lợi ích thực sự của chiêm niệm. Nếu không thực hành sau đó, việc chiêm niệm có thể trở nên vô ích, hoặc ngay cả có hại, bởi vì chỉ nghĩ về các nhân đức mà không thực sự thực hành chúng thì có thể khiến chúng ta tin tưởng một cách sai lầm rằng chúng ta là người đức hạnh khi thực tế không phải vậy. Nếu các quyết tâm của chúng ta thành thật và xác thực, điều đó rất tốt, nhưng nếu chúng không được đưa vào việc thực hành, chúng trở nên trống rỗng và nguy hiểm.
Hãy nỗ lực thực hiện các quyết tâm của con và tìm mọi cơ hội, dù lớn hay nhỏ. Ví dụ, nếu con quyết định đối xử dịu dàng với những ai chống đối con, hãy tìm kiếm các cơ hội trong suốt cả ngày để ân cần gặp gỡ họ. Nếu con không gặp họ, hãy nói tốt về họ và cầu nguyện cho họ.
Khi kết thúc chiêm niệm, hãy cố giữ tâm hồn ổn định và thanh thản để không mất đi sự bình an mà con đã đạt được từ chiêm niệm. Hãy dành một chút thời gian để giữ im lặng và chuyển dần từ trạng thái thiêng liêng sang những nhiệm vụ hằng ngày, giữ cho những cảm xúc và sự nhận thức từ chiêm niệm sống động càng lâu càng tốt. Hãy tưởng tượng rằng con đã nhận được một bình sứ quý giá chứa đầy một chất lỏng quý giá mà con cần mang về nhà. Con sẽ bước đi cẩn thận, chú ý tránh vấp ngã hoặc làm đổ. Tương tự, sau khi chiêm niệm, tránh các sự phân tâm và giữ tập trung. Nếu con cần giao tiếp với ai, hãy làm điều đó tùy theo tình huống, nhưng vẫn giữ cho tâm hồn mình còn tối đa những lợi ích của sự chiêm niệm.
Con cũng nên luyện tập để chuyển đổi một cách trôi chảy từ việc cầu nguyện sang các nhiệm vụ hàng ngày, ngay cả khi chúng có vẻ rất khác với những suy nghĩ và cảm xúc trong sự cầu nguyện. Dù con là một luật sư đến tòa án, một thương gia lo việc kinh doanh, hay một người nội trợ quản lý các công việc gia đình, hãy làm mọi sự một cách êm ả và nhẹ nhàng, vì biết rằng cả hai việc cầu nguyện và công việc đều chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Con phải có thể chuyển tiếp từ việc này sang việc kia với tinh thần nhiệt thành và khiêm nhường.
Đôi khi, ngay sau khi mới chuẩn bị cầu nguyện, tâm hồn con có thể hoàn toàn hướng về Thiên Chúa. Khi điều này xảy ra, hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi những cảm xúc đó thay vì tuân theo một phương pháp cố định. Thông thường, con nên suy nghĩ về mọi thứ trước khi cảm nhận chúng, nhưng nếu Chúa Thánh Thần ban cho con những cảm xúc đó ngay lập tức, thì không cần phải sử dụng các phương pháp khác để đạt được kết quả tương tự. Bất cứ khi nào những cảm xúc này xuất hiện, hãy đón nhận chúng và để chúng được ưu tiên hơn tất cả những suy nghĩ khác.
Mục đích của việc đặt cảm xúc sau những suy nghĩ thâm trầm trong chiêm niệm chỉ để làm rõ hơn quá trình chiêm niệm. Tuy nhiên, nếu cảm xúc xuất hiện, không bao giờ nên đàn áp chúng nhưng hãy khích lệ để tuôn trào tự do. Điều này cũng áp dụng cho các việc tạ ơn, dâng hiến và cầu xin — chúng không nên bị hạn chế, mặc dù nên lặp lại hoặc đổi mới chúng vào cuối buổi chiêm niệm. Tuy nhiên, các quyết tâm cụ thể của con phải đến sau các cảm xúc và ở cuối việc chiêm niệm bởi vì chúng bao gồm các vấn đề thông thường, thực tế mà chúng có thể gây ra sự phân tâm nếu hòa lẫn với các cảm xúc thiêng liêng.
Trong những cảm xúc và quyết tâm, thật hữu ích khi có những cuộc trò chuyện hoặc đối thoại trong sự chiêm niệm. Đôi khi nói chuyện với Thiên Chúa, thiên thần bản mệnh, hoặc những người liên quan đến mầu nhiệm mà con đang chiêm niệm, các thánh, bản thân con, tâm hồn con, những người tội lỗi, hoặc ngay cả thế giới vô tri xung quanh con. Điều này giống như những gì Đavít làm trong các Thánh Vịnh và những gì các thánh làm trong các việc chiêm niệm và cầu nguyện.
Khi Thấy Khó Chiêm Niệm: Nếu nhiều khi con thấy không thoải mái hoặc không vui trong việc chiêm niệm, đừng bối rối. Thay vào đó, hãy chuyển sang cầu nguyện bằng lời. Hãy nói với Thiên Chúa cảm giác của con, hãy nhìn nhận sự không xứng đáng của mình, xin Người giúp đỡ, và nếu con có hình ảnh của Người gần bên, hãy hôn hình ảnh ấy. Hãy nói như Gia-cóp, “Con sẽ không buông Người ra trừ khi Người chúc lành cho con,” hoặc như người phụ nữ Ca-na-an, “Vâng, thưa Chúa, con như một con chó trước mặt Ngài, nhưng ngay cả con chó cũng được ăn những mảnh vụn rơi từ bàn của chủ.”
Ngoài ra, con có thể chăm chú đọc một cuốn sách cho đến khi tâm trí con bình thản và tập trung. Đôi khi, những hành động thể chất như quỳ sụp xuống, chắp tay trước ngực, hoặc hôn một cây thánh giá cũng có thể giúp ích, đặc biệt là khi con ở một mình.
Tuy nhiên, nếu sau tất cả những điều này mà con vẫn cảm thấy khô khan và không hài hòa, đừng bối rối. Hãy tiếp tục cố gắng giữ thái độ thành kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy nghĩ đến biết bao người xuất hiện trước triều đình chỉ để tỏ lòng tôn kính với vua mà không mong được chú ý. Tương tự như vậy, chúng ta nên đi vào sự cầu nguyện đơn giản để chu toàn bổn phận và thể hiện lòng sùng kính của chúng ta. Nếu điều đó làm Thiên Chúa hài lòng mà nói chuyện với chúng ta qua những linh cảm thiêng liêng và ban cho chúng ta sự an ủi nội tâm, đó là một vinh dự và niềm vui lớn lao cho linh hồn chúng ta. Nhưng nếu Người không ban những ân huệ đó và dường như quên chúng ta, chúng ta vẫn phải giữ sự bình thản và thành kính trong sự hiện diện của Người.
Thiên Chúa đánh giá sự kiên nhẫn và kiên trì của chúng ta, và Người sẽ thưởng cho chúng ta đúng lúc bằng những an ủi của Người, cho phép chúng ta cảm nghiệm sự ngọt ngào của sự chiêm niệm thánh thiêng. Nhưng ngay cả khi Người không làm như vậy, chúng ta hãy hài lòng với đặc ân được ở trong sự hiện diện của Người và được Người nhìn thấy.
Những Lời Cầu Nguyện Ngắn Cho Cả Ngày: Ngoài việc thường xuyên chiêm niệm và cầu nguyện bằng lời, có năm loại cầu nguyện ngắn hơn có thể giúp hỗ trợ sự đạo đức nói chung của con. Quan trọng nhất trong số này là lời cầu nguyện buổi sáng, chuẩn bị cho con ngày mới. Đây là cách để thực hiện:
Hãy cố gắng thực hiện tất cả các bước này một cách ngắn gọn và chân thành trước khi rời khỏi phòng, để công việc trong ngày của con được Thiên Chúa chúc lành. Tuy nhiên, hỡi con, ngay cả khi con không thể thi hành các điều này ngay lập tức, hãy đảm bảo là con không bao giờ bỏ qua chúng.
Chuẩn Bị Tinh Thần Trước Bữa Ăn Tối: Cũng như cha đã khuyên con có một bữa tiệc tinh thần với sự chiêm niệm trước bữa ăn chính, con cũng phải có một thời gian cầu nguyện sùng kính trước bữa ăn tối. Hãy tìm một vài phút yên tĩnh trước bữa tối, sau đó, cúi đầu trước Thiên Chúa, đặt mình vào sự hiện diện của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Hãy tập trung vào Người với cái nhìn đăm chiêu, từ bên trong, và làm sống lại sự ấm áp của sự chiêm niệm buổi sáng bằng những lời cầu nguyện chân thành và những suy nghĩ nâng cao cả hướng về Đấng Cứu Độ của con. Con có thể nhớ lại những phần của sự chiêm niệm buổi sáng mà con thấy ý nghĩa nhất, hoặc kích động tâm hồn con với những suy tư đạo đức khác.
Xét Mình Trước Khi Đi Ngủ: Tất cả chúng ta nên dành một chút thời gian để xét mình trước khi đi ngủ. Đây là cách để làm điều đó:
Không nên bỏ qua sự thực hành buổi tối này cũng như buổi sáng. Lời cầu nguyện buổi sáng mở tâm hồn con cho ánh sáng của sự công chính, trong khi lời cầu nguyện buổi tối đóng tâm hồn trước bóng tối của tội lỗi.