Cũng như các môn đệ bị sóng gió vùi dập trong khi Chúa Giêsu vẫn ngủ và họ đã phải kêu cứu: “Chúng con sắp chết, mà Thày vẫn ngủ sao?”, trong những cơn bệnh tật, khi mất mát người thân, chúng ta cũng thường hốt hoảng kêu than: “Lậy Chúa, Chúa ở đâu? Con chết mất, mà Chúa chẳng quan tâm sao?” Chúng ta đau buồn đến mất niềm tin, chán nản đến nỗi bỏ cả việc thờ phượng, sinh hoạt đạo đức!
Khi ấy, chúng ta có nhớ ông Gióp trong Cựu Ước, mất hết của cải, mất hết cả 10 đứa con, thân mình đầy ghẻ lở, nằm trên đống tro, lấy miếng mảnh sành mà gãi ghẻ. Chúng ta có nhớ đến ông Tobit, lòng đầy kính sợ Chúa, cả đời làm việc chôn cất những người nghèo khó bên lề xã hội.... mà bị mù. Ông vẫn không mất lòng trông cậy Chúa.
Dĩ nhiên ai đau khổ thì người ấy mới biết cái đau ấy nó nghiệt ngã chừng nào. Người khác chỉ nói được vài câu an ủi, chẳng hề thấm động trong lòng kẻ đang đau đớn.
Nhưng may thay, chúng ta có Chúa. Người yêu thương chúng ta. Người trung thành trong tình yêu với con cái loài người. Người đã cho Con Một yêu dấu của Người chịu nạn, chịu chết cho chúng ta. Dấu chứng tình yêu của Người trải rộng khắp chung quanh chúng ta, từ cây trái, mùa màng, rau cỏ xanh tươi, tôm cá đầy sông đầy biển, chim trời, muông thú rừng hoang, đến không khí chúng ta thở từng giây phút.
Xin anh chị em đừng bao giờ quên những ơn lành đó của Chúa, nhất là những lúc chúng ta đau khổ.
1. Khi đau khổ tôi có bị mất đức tin không? Tôi còn muốn đến nhà thờ, tham gia hội đoàn không? Tôi có muốn xa tránh anh chị em không?
2. Khi đau khổ, tôi có nghĩ sự đau khổ đem lại ơn cứu độ không?
3. Những giờ phút đau khổ cùng cực, tôi có trông lên tượng Chúa chịu nạn không? Tôi có thể kêu lên như Chúa Giêsu thốt lên trong vườn Giêsimani “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này” không?