Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • TIN TÒA THÁNH & THẾ GIỚI
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU
  1. Sách Dòng Máu Anh Hùng (pdf)
  2. Danh Sách 117 Vị Tử Đạo
  3. Thời Trịnh Nguyễn & Tây Sơn
  4. Những Cuộc Bách Ðạo từ 1833 -- 1840
  5. Bức họa Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Phần V: Những Cuộc Bách Ðạo Thế Kỷ 19

CH 7: Giáo Hội Việt Nam Trên Ðường Núi Sọ

Những biến chuyển chính trị và tôn giáo tại Việt Nam trong thời kỳ này không phải là những biến cố riêng rẽ nhưng là hậu quả của trào lưu thực dân do tây phương chủ trương, những cuộc nổi loạn trong nước và ảnh hưởng thái độ của các nước lân bang như Trung Hoa, Thái Lan, Tân Gia Ba (Nam Dương) trước sức bành trướng tây phương trong vùng Ðông Nam Á.

Nhưng dù thế nào đi nữa, người Công Giáo vẫn là những nạn nhân vô tội của một chính sách sai lầm đầy nghi kỵ của nhà cầm quyền họ Nguyễn trước mưu đồ xâm lăng của tây phương cũng như những cuộc nổi loạn. Không có đời nào lắm giặc cho bằng đời Tự Ðức làm vua (260 vụ). Sử gia Trần Trọng Kim sau khi đã đề cao đức độ của Vua Tự Ðức đã phải nhận xét về thời cuộc như sau: “Xem cái chân tướng của vua Dực Tông như thế thì người không phải là người to béo vạm vỡ, mà cũng không phải là ông vua tàn ác bạo ngược như người ta thường nói. Chỉ vì người làm vua về một thời đại khó khăn, trong nước lắm việc mà những người phò tá thì tuy có người thanh liêm như ông Trương Ðăng Quế, ông Vũ Trọng Bình, trung liệt như ông Phan Thanh Giản, ông Nguyễn Tri Phương, ông Hoàng Diệu... nhưng mà các ông ấy đều là người cũ không am hiểu thời thế mới. Vả lại cái thế lực lúc bấy giờ kém hèn quá, dầu có muốn cải cách duy tân cũng không kịp nữa cho nên mọi việc đều hỏng cả”.

Cho dù Việt Nam không cấm đạo thì tây phương vẫn xâm lăng Việt Nam vì yêu sách họ đặt ra cho triều đình trước tiên là việc buôn bán. Người Pháp để mặc cho triều đình bắt đạo, giết chết người có đạo Kitô, thản nhiên chiếm đất đai miền Nam. Vấn đề tự do tôn giáo chỉ là phụ thuộc mà họ nêu ra với dụng ý làm cho triều đình chia rẽ và lúng túng. Nếu thực sự họ chỉ muốn bênh vực người Công Giáo thì người Công Giáo đâu có phải trải qua cơn hấp hối triền miên và đâu có xảy ra cuộc chiến tranh. Trước đây tầu Pháp đã đến can thiệp để trả tự do cho các thừa sai, triều đình đã làm theo. Triều đình Việt Nam đã sai rất nhiều người đi dò thám tin tức các chiến thuyền và hành động của các nước tây phương như Pháp, Anh, Hoà Lan, nên mới đi đến một chính sách bế quan tỏa cảng, với ý nghĩ rằng người tây phương ở xa không có tiếp tế lâu ngày tức khắc phải rút, ta không đánh họ cũng phải thua. Vì thế triều đình cấm ngặt mọi liên lạc với người tây phương, và lẽ đương nhiên cấm người Công Giáo vì có liên lạc tôn giáo với tây phương, dần dà triều đình đi đến chỗ áp dụng chính sách tru diệt người Công Giáo và coi họ là kẻ nội thù.

Chúng tôi xin tổng hợp các bài tường thuật khác nhau và sắp xếp lại những biến cố xẩy ra theo thứ tự để có thể nhìn nhận một cách đứng đắn và trung thực những động cơ của các phản ứng của triều đình Việt Nam cũng như của người Pháp. Các bản tường trình của thừa sai là cuốn sổ tử đạo ghi danh những anh hùng đức tin. Ðiểm vàng son của thời kỳ này là không có một linh mục nào chối đạo.

1. Năm 1858

  • Ngày 9-1, lực lượng của ba tỉnh vây làng Ngọc Ðồng để truy kích tàn quân của cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát, khiến các cơ sở, học viện của các thừa sai dòng Ða Minh bị tàn phá và một số linh mục bị bắt theo. Ngày hôm sau quan lớn đã phải ra lệnh phân biệt rõ ràng người lương thiện (Công Giáo) với những kẻ phản nghịch. Trong tất cả các cuộc khởi nghĩa, với hình phạt vạ tuyệt thông các giám mục hoàn toàn cấm người Công Giáo nào theo kẻ nghịch. Trước tình trạng bất ổn, Cha chính Salgot dòng Ða Minh phải đưa các chủng sinh sang Macao để tiếp tục công cuộc huấn luyện.
  • Ngày 2-2 quân lính đến phá họ đạo Kim Long tại Huế và ngày 19-3 họ đạo Phú Cam bị phá hủy.
  • Ngày 3-3 Cha Berri-Ochoa và Riano đến Việt Nam.
  • Ðầu tháng 5, tổng đốc Nam Ðịnh Nguyễn Ðình Tân ra lệnh cho mọi người Công Giáo phải đạp ảnh, xây chùa và cúng tế. Giáo dân phải bỏ nhiều tiền cho các quan địa phương để được châm chước.
  • Ngày 18-5, bắt được người Công Giáo mang hai lá thư của Cha Venard và Theurel gửi sang Hồng Kông, sau đó có lệnh bao vây chủng viện Hoàng Nguyên, Kẻ Non và Kẻ Vĩnh thuộc địa phận Tây Ðàng Ngoài của các cha thừa sai Pháp.
  • Ngày 10-6, ba linh mục bị bắt và chém đầu.
  • Tháng Sáu, các thương gia Trung Hoa đến Hà Nội phao tin rằng người Âu Châu đang chuẩn bị chiến thuyền mở cuộc tấn công Việt Nam. Với tin này, tổng đốc Nam Ðịnh gia tăng các cuộc thám sát và theo dõi người Công Giáo, nhất là các thừa sai.
  • Ngày 26-6, tấn phong Cha Ochoa làm giám mục phụ tá Bùi Chu dưới hầm trú ẩn.
  • Ngày 8-7, họ bắt được Ðức Cha Sampedro ở Kiên Lao và trong vòng 20 ngày các quan tỉnh và triều đình đã xử người phải tội lăng trì như là một người phản nghịch. Sau khi bắt được Ðức Cha Sampedro, quân lính còn bắt Cha Cẩn ngày 9-7, khi vây làng Ta Mố bắt 11 người, làng Quần Cống 22 người. Ngày 16-7 bắt Cha Lương, Cha Mậu, ngày 26-7 vây làng Cát Lái bắt Cha Lim.
  • Ngày 13-8, vây làng Kẻ Heo bắt Cha Quí, ngày 14-8 vây làng Lát Sơn. Ngày 15-8, Cha Galy ở Nghệ An đã thoát được vòng vây kiểm soát của những người do thám trốn sang được Hồng Kông. Ngày 20-8 vây Phát Diệm bắt bốn chú và hai nữ tu, vây Thiên Dương đốt nhà thờ.
  • Ngày 1-9, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đem 2500 lính đến tấn công Cửa Hàn ở Ðà Nẵng. Hai tuần sau, 14-9, viện binh Tây Ban Nha đến thêm 600 người. Theo ý kiến của Cha Gainza, tuyên úy cho hạm đội Tây Ban Nha, sau làm giám mục ở Phi Luật Tân, thì người Tây Ban Nha tham chiến hoàn toàn vì lý do bênh vực tôn giáo, còn người Pháp coi Cửa Hàn là một vị thế chiến lược tối quan trọng, một Gibraltar ở Ðông Phương. Khí giới của quân đội Việt Nam khá tinh vi và dồi dào. Chỉ huy quân đội Pháp lưỡng lự không tiến thẳng lên Huế nhưng ngày 14-9 chỉ để lại một số lính nhỏ giữ đồn cửa Hàn, còn đem đại binh tiến đánh Gia Ðịnh, kho lương thực của triều đình Huế. Trong khi đó tầu Primauguet đến Vịnh Bắc Việt để di tản các thừa sai, nhưng các thừa sai bị bao vây ngặt không thể ra khỏi hầm trú ẩn, chỉ có Thừa Sai Rivas và một số người dòng họ Lê lên tầu. Nhóm người này đã giúp nhiều tin tức cho quân viễn chinh Pháp. Cuối tháng 9, ngày 30, một tầu khác trở lại Bắc Việt để rước thừa sai.
  • Phản ứng của triều đình trước thái độ tấn công của người Pháp là tận diệt người Công Giáo. Trương Ðăng Quế và Nguyễn Ðình Tân (Hưng) đề nghị Vua Tự Ðức ra mật lệnh hẹn một ngày giết tất cả người có đạo, nhưng Vua Tự Ðức ngần ngại nói chờ khi người Pháp rút quân đã. Ðồng thời thay thế các quan đầu tỉnh ôn hòa bằng những ông quan ác nghiệt trong hàng ngũ quan võ, ân xá cho tù nhân để họ gia nhập đội quân chống Pháp, nhưng tất cả phải đạp ảnh. Quan đội Phanxicô Trung đang bị giam vì tội gian lận trường thi, tình nguyện đi đánh Pháp nhưng nhất định không chịu đạp ảnh đã bị chém đầu ngày 6-10. Về phía các thừa sai, phản ứng chung là rất bất mãn vì thái độ của viên chỉ huy Rigault chỉ can thiệp nửa vời. Giữa tình cảnh trốn tránh trong hầm trú không thấy mặt trời, Ðức Cha Retord, vị thừa sai lão thành, từ trần 22-10, thọ 56 tuổi.
  • Ngày 17-11 liên quân viễn chinh Pháp-Tây rút lui khỏi Cửa Hàn. Trên tầu đoàn quân viễn chinh có Ðức Cha Pellerin, người làm phép nhà thương trên tầu ngày 14-11. Hai tầu đưa các thừa sai trốn ra được đi Hồng Kông, đó là Ðức Cha Gauthier, giám mục coi địa phận Vinh, Cha Marc, Roberd, Rivas, Manuel Estevez và Francesco.
  • Ngày 12-12 hội nghị các cha dòng Ða Minh để quyết định ai ở lại, ai đi ra khỏi địa điểm truyền giáo. Ở lại có Ðức Cha Hermosilla, Berri-Ochoa, ba Thừa Sai Riano, Gaspar và Ameto (đa số tử đạo). Ra đi có Ðức Cha Alcazar, Munoz, Colomer, lên tầu Pregent ngày 21-12 đi Macao.

Cha Achurara đã lên tầu ngày 13-12. Trong khi đó Cha Estevez và Masso đi thuyền đến Cửa Hàn và lên tầu Saone đi Macao. Hai tầu gặp nhau ở Cửa Hàn và chuyển các thừa sai sang chiếc Scoland.

2. Năm 1859

  • Ngày 7-1, bắt Cha Quí và ông trùm Phụng tại Vĩnh Long. Ngày 13-1 xử tử án Khảm, cai Tả và cai Thìn tại Nam Ðịnh. Liên quân Pháp-Tây chiếm Vũng Tầu.
  • Ngày 2-2 liên quân tiến đến Cần Giờ, Ðức Cha Lefebvre lên được tầu Pháp và Pháp chiếm Ðồn Nam (Kỳ Hòa). Trong khi đó ngày 12-2 chém đầu Cha Lộc tại Mỹ Thọ
  • Ngày 24-3 xử tử Cha Nghi, Cha Dụ, Cha Tri, thầy Vinh, chú Thu và chú Thuận, bị bắt trong tháng 3.
  • Ngày 20-4 liên quân Pháp-Tây trở lại Cửa Hàn.
  • Ngày 8-5 Việt Nam tổng phản công. Ngày 28-5 xử tử Thánh Hạnh.
  • Ngày 20-6 tư lệnh Rigault thương thuyết. Trong tháng này bị bắt có Cha Khanh, Cha Giuse Khang, Cha Juan Thao ở Bắc Việt. Bị chém đầu tại Bắc Việt có Cha Phêrô Mậu, Cha Cao, Cha Khanh, Cha Phêrô Cảnh.
  • Ngày 4-7 Cha Phaolô Quyên và Thầy Phêrô Tân bị bắt ở địa phận Ðông. Ngày 22-7 Cha Giản, Cha Trang bị bắt. Ngày 31-7 Cha Quí và ông trùm Phụng bị chém đầu ở Vĩnh Long. Giữa tháng 7, viên chỉ huy Tây Ban Nha thấy bị lừa nên rút lui khỏi đoàn quân viễn chinh.
  • Ngày 1-8 Cha Giản và Cha Trang bị chém ở Hải Dương. Ngày 15-8 Cha Khang và Cha Thao bị chém. Ngày 30-8 Cha Gioan Tự bị chém.
  • Ngày 15-9 Rigault bỏ thương thuyết. Triều đình ra sắc lệnh bắt mọi người từ bỏ đạo Kitô, ai chối đạo được để yên, ai cố chấp sẽ bị trừng phạt, tịch thu tài sản chia cho người có công bắt. Ngày 28-9 Cha Quyền bị chém, Cha Dương bị bắt. Một ngàn lính vây Phú Yên bắt một linh mục và 40 giáo dân, phá ba nhà dòng, 18 làng Công Giáo.
  • Ngày 19-10 đô đốc Page thương thuyết và rút quân về Gia Ðịnh. Triều đình lại ra sắc lệnh bắt các đầu mục, kiểm kê Công Giáo từ 15 tuổi, bắt các thầy giảng và những người có khả năng nâng đỡ đức tin các tín hữu và giam giữ tại các tỉnh. Ngày 28-10 Cha Dương và đầu mục Huỳnh bị xử tử.
  • Ngày 4-11, 41 đầu mục bị bắt dẫn đến Nam Ðịnh. Ngày 19-11 Cha Gabriel Tân bị xử tử tại địa phận Ðông.
  • Ngày 6-12 Cha An địa phận Ðông bị xử. Ngày 15-12 Cha Dom Thuận dòng Ða Minh, 72 tuổi bị xử. Ngày 16-12 lệnh bắt các quan Công Giáo. Hậu quả có 33 quan bị bắt, ba người chối đạo, một người già được về, mười người phải lưu đầy, 17 người xử tử giam hậu, tử đạo Lê Ðăng Thị. Ngày 17-12 lệnh bắt các lính Công Giáo, 34 người bị bắt, một phần ba chối đạo, người trung thành phải khắc chữ và lưu đầy.

3. Năm 1860

  • Ngày 8-1, Cha Gioan Hương và Thầy Ðam bị chém ở Nam Ðịnh. Ngày 17-1, sắc lệnh tận diệt người Công Giáo vì đã cầu cứu Pháp đến can thiệp để hủy bỏ các lệnh cấm đạo nhưng người Pháp ước. Vậy phải tách hẳn cỏ xấu khỏi lúa tốt, sài lang khỏi lương dân. Phải bắt các đầu mục và những người cố chấp truyền đạo, những người đàn bà mang thơ thông tin. Phải canh chừng các làng toàn tòng Công Giáo, ấn định ngày kiểm danh trai tráng từ 15 tuổi để biết chắc không ai ra khỏi làng. Cha Phêrô Cần bị bắt ngày 26-1, Ðội Thị bị chém đầu ngày 29-1, Cha Khương và chú Nghĩa bị chém tại Hưng Yên. Có tin là sẽ ban hành lệnh phân sáp.
  • Tháng 2, Hội đồng nội các chấp thuận 11 khoản trong đó có tám khoản nói về người Công Giáo, đại để sẽ không hành hình mà chỉ tịch thu tài sản, phải soạn thảo sách chỉ dẫn dân chúng cách phải sống, xây nhà riêng giam linh mục để họ không thể tiếp tục giảng đạo.
  • Ngày 20-3 quân Pháp rút khỏi Cửa Hàn để đem quân sang trợ chiến ở Trung Hoa. Pháp đưa ra 11 khoản nghị hòa.
  • Tháng 4, có lệnh của quan Quảng Trị bắt giam những người không chịu bỏ đạo để giáo dục, những người kiên quyết giảng đạo phải giam riêng không cho vợ con bạn bè đến thăm. Ngày 13-4 lệnh phân sáp tại Thạch Hãn và Co Viên ở Quảng Trị. Ngày 16-4 Cha Phêrô Cần bị chém, một nữ tu bị bắt ở Kẻ Báng.
  • Tháng 5, mưa bão bị mất mùa và quân Pháp chiếm Sàigòn không cho mang lương thực về Huế nên gặp tình trạng khan hiếm. Tại địa phận Vinh hai cha bị xử tử là Cha Mathia Khoa và Giacôbê Thông.
  • Ngày 15-6, một toán lính hai chục người đi lưu đầy. Ngày 18, toán thứ hai gồm mười chín người. Ngày 22, toán thứ ba gồm hai chục người.
  • Tháng 7, triều đình trách các quan không thi hành lệnh nghiêm chỉnh và ra lệnh lùng bắt các nữ tu là những người lén lút thông tin và tàng trữ các đồ đạo. Tại Hà Nội và Phú Yên đã bắt được những nữ tu loại này. Các huyện và làng không được phép cho đàn ông, đàn bà và cả trẻ con Công Giáo ra khỏi làng. Ngày 4-7 Việt Nam tổng phản công. Các toán lính tiếp tục bị lưu đầy, toán mười bẩy người, toán mười chín người.
  • Ngày 2-8, một toán lính 16 người đi đầy, một toán khác 13 người. Ngày 6-8, Thừa Sai Néron bị bắt ở Sơn Tây. Ngày 24-8 sắc lệnh phân chia người Công Giáo thành ba hạng: chối đạo không thực lòng, không chối đạo, và người cả gan dụ dỗ, và khiển trách các quan Nam Ðịnh, Hà Nội. Theo bá cáo, tại Hà Nội có 3.500 người chối đạo, trong khi Nam Ðịnh nơi có rất đông Công Giáo lại chỉ có 300 người chối đạo. Các quan cứ hai tháng phải làm tờ trình số người chối đạo.
  • Ngày 6-9 lệnh phân sáp tại Thừa Thiên. Ngày 15-9 mưa lụt trong hai tháng.
  • Tháng 10, Pháp ký hoà ước với Trung Hoa và đem quân trở lại Việt Nam, ngày 24-10 cai đội Thị tử đạo. Ngày 31-10 kiến nghị của quan Thừa Thiên đề nghị: kiểm kê chính xác những người Công Giáo cố chấp.
  • Ngày 3-11 xử tử Cha Néron ở Sơn Tâỵ Ngày 30-11 bắt Cha Vénard.
  • Ngày 2-12 phát giấy vụ âm mưu của phe ôn hòa trong triều và bắt Cẩm Hòa là con của Hoàng Tử Cảnh.

4. Năm 1861

  • Ngày 3-1 Cha Phêrô Lựu bị bắt. Ngày 6-1 Cha Gioan Hoan và Thầy Ðắc bị bắt.
  • Ngày 7-2 Charner đến Gia Ðịnh để kiện toàn chính sách xâm lăng. Ngày 13-2 Cha Phaolô Triêm bị chém. Ngày 14-2 Pháp tấn công Chí Hòa.
  • Ngày 1-3 các quan Trương Ðăng Quế, Lâm Duy Nghĩa và Nguyên Luân dâng kiến nghị mộ dân quan hứa thưởng tước lộc để chống Pháp tại các tỉnh miền Nam.
  • Ngày 7-4 Pháp chiếm tỉnh Ðịnh Tường và đưa ra mười hai khoản nếu muốn hòa. Cha Phêrô Lựu bị xử tử. Ngày 30-4 Cha Giuse Tuân bị chém đầu.
  • Ngày 26-5 Cha Hoan và thầy Ðắc Phượng bị hành quyết.
  • Ngày 12-6 hai giáo dân địa phận Vinh, lưu đầy ở Hưng Yên, bị chém đầu.
  • Cuối tháng 7 sắc lệnh phân sáp toàn diện gồm năm khoản: Tất cả già cả lớn bé nam nữ phải chia ra phân tán vào các làng không Công Giáo, các làng không Công Giáo phải nhận canh chừng theo tỉ lệ năm người lương canh một người Công Giáo, các nhà Công Giáo bị phá hủy, đất đai giao cho các người lương canh tác để nộp thuế. Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau, phải khắc chữ tả đạo ở má trái và nơi lưu đầy ở má phải.
  • Ngày 5-8 sắc lệnh phân sáp áp dụng tại Hải Dương. Ngày 29-8 Cha Carbonnier và Mathevon bị bắt tại Bắc. Ngày 31-8 Cha Herengt trốn khỏi Qui Nhơn vào Sàigòn.
  • Ngày 21-10 Ðức Cha Hermosilla và Thầy Khang bị bắt ở Hải Dương. Ngày 25-10 Ðức Cha Berrie-Ochoa và Cha Almato bị bắt tại Hải Dương. Ngày 27-10 Ðức Cha Cuénot bị bắt ở Qui Nhơn.
  • Ngày 1-11 Ðức Cha Hermosilla, Berrie-Ochoa, Almato và Thầy Khang bị hành quyết mà không có lệnh của vua. Ngày 14-11 Ðức Cha Cuénot chết rũ tù. Ngày 16-11 Cha Nang địa phận Vinh bị hành quyết. Ngày 29-11 Charner giao quyền lại cho Bonnard.
  • Tháng 12 Tạ Văn Phụng nổi loạn ở Quảng Yên và Hải Dương, Bắc Kỳ. Ngày 11-12 Cha Trạch địa phận Vinh bị bắt. Ngày 17-12 Pháp chiếm Biên Hòa. Ngày 29-12 Cha Nghi địa phận Vinh bị giết.

5. Năm 1862

  • Có lệnh làm nhà riêng tại Nam Ðịnh để giam người Công Giáo và bỏ đói người Công Giáo, phải trình diện mỗi tháng hai lần.
  • Ngày 10-2 Cha Tôma Lương, Thầy Mỹ và một số giáo dân bị bắt. Ngày 22-2 quân Pháp chiếm Vĩnh Long.
  • Tháng 3, cai tổng Vàng Nguyễn Văn Thịnh ở Bắc Ninh nổi loạn hợp với Tạ Văn Phụng. Triều đình hành quân tận diệt. Nguyễn Ðình Tân bị bại trận tức giận giết người Công Giáo ở tỉnh Nam Ðịnh. Giết hai mươi bốn vị đầu mục Công Giáo đang bị giam trong tù.
  • Ngày 23-4, hai chục người bị giết ở Hải Dương.
  • Tháng 5 bắt 300 đầu mục ở Nam Ðịnh bỏ đói, trong đó 240 người bị chết. Ngoài ra mỗi ngày đều có các vụ chém đầu giáo dân: ngày 18 chém hai mươi mốt người; ngày 20 chém một thầy giảng và hai giáo dân; ngày 22 chém bốn mươi lăm người; ngày 26 chém sáu mươi bẩy người; ngày 27 chém bẩy mươi lăm người; ngày 28 chém hai người. Ngày 30 trói từng năm người bỏ trôi sông cho chết đuối, tất cả 112 người. Ngày 31 bỏ chết đuối thêm 112 người khác. Tại phủ Sa Ốc ngày 29 chém ba mươi sáu người; ngày 30 chém hai chục người. Tại phủ Chấn Ninh ngày 29 chém chín mươi sáu người, tại phủ Quỳnh Côi rất nhiều người bị bắt, tại Ðại Yên một trăm năm chục người bị bắt, trong đó hai chục người bị chém, số còn lại bị trầm mình dưới sông cho chết.
  • Ngày 5-6 Việt Nam ký hòa đầu tiên với mười hai khoản năm Nhâm Tuất trên tầu Duperré ở Sàigòn. Khoản hai công nhận quyền tự do giảng đạo.
  • Ðầu tháng 6 tại Nam Hạ chém 53 người, ngày 1-6 chém 100 người, ngày 2-6 chém 300 người, ngày 3-6 chém 600 người, cứ thế cho tới 5.000 người bị giết. Ngày 5-6 tại Chấn Ðinh buông sông 200 người, trong đó 41 người lội được vào bờ. Tại Quỳnh Côi và Phú Ðức rất nhiều người bị chôn sống trừ có một người thoát chết. Ngày 15-6 sắc lệnh ân xá nhân dịp Tự Ðức mừng ngày sinh nhật, cho những đàn bà, người già và trẻ con, những đầu mục chối đạo cũng sẽ được trả tự do nhưng không được trở về nguyên quán, những đầu mục cố chấp vẫn phải giam như trước. Cuối tháng 6 quan đầu tỉnh Qui Nhơn áp dụng lệnh ân xá trả tự do cho giáo dân.
  • Ngày 13-7 sắc lệnh ân xá được niêm yết ở Nam Ðịnh nhưng tổng đốc Nguyễn Ðình Tân tuyên bố sẽ xin triều định thu hồi lại. Ngày 23-7 một phái đoàn thừa sai từ Sàigòn đến Huế để xin phép triều đình trở lại nhiệm sở mang thư giới thiệu của Tây Ban Nha chứ không phải của Pháp.
  • Ngày 5-8 phái đoàn thừa sai đến Huế bị hạch hỏi nhưng đến được nhiệm sở. Thừa Sai Croc đến Nghệ An, Desveau ở lại Huế, Roy xuống Qui Nhơn, trừ hai thừa sai bị bắt trước thì phải trục xuất.
  • Các sắc lệnh giới hạn tự do Công Giáo. Sắc lệnh thứ nhất, các quan phải họp người Công Giáo mỗi tháng hai lần để khuyên bảo bỏ đạo. Mặc dù cho tự do giữ đạo, nhưng triều đình không từ bỏ việc khuyên bảo bỏ đàng tà để theo phong tục tốt đẹp của quốc gia. Lệnh thứ hai cấm người không Công Giáo theo đạo, nếu không hình phạt rất nặng. Chỉ làm thinh cho những người đã có đạo kỳ cựu, vì thế tất cả những người đã chối đạo trước không được giữ đạo, tất cả những người má không có khắc chữ tả đạo cũng không được thực hành đạo. Lệnh thứ ba cấm đọc kinh to tiếng và thực hành đạo công khai, cấm hội họp trên một trăm người tại nhà thờ, cấm dựng lại nhà thờ đã hủy nếu không có giấy phép của quan sở tại. Cấm người Công Giáo dự thi hay giữ các chức vụ. Người Công Giáo từ 20 tuổi phải ghi tên vào lính và làm việc tạp dịch trong quân đội. Lệnh đặc biệt đối với thừa sai: Không được có hai thừa sai trong một tỉnh, một người được phép thì phải ở chính tỉnh trong nhà do quan đầu tỉnh chỉ định và không được vắng mặt quá bốn ngày. Chỉ những người má có khắc chữ tả đạo mới được vào nhà thừa sai này.

6. Vài con số tổng kết

Thật khó mà kiểm kê chính xác nạn nhân của thời kỳ này, vừa phần thừa sai còn lại rất ít, vừa phần giáo dân tản mác không có tin tức chính xác. Theo Cha Estevez ước lượng năm 1864 thì nạn nhân của năm năm bắt đạo khủng khiếp này tại miền Bắc là 40.000, nguyên địa phận Bùi Chu là 16.000 người, ba chục linh mục. Người gọi Bắc Việt là nghĩa địa chôn các vị tử đạo. Theo thơ của Ðức Cha Jeantet địa phận Hà Nội thì số tử đạo trong thời kỳ này tại giáo phận là 1.500 giáo dân và ba chục linh mục. Ðịa phận Vinh không được biết rõ, ít ra có mười chín linh mục và thầy giảng bị chém đầu. Sử gia Louvet tổng kết số linh mục chết tử đạo trong thời kỳ này là 115 người: Hải Phòng 9, Bùi Chu 38, Hà Nội 31, Vinh 20, Huế 3, Qui Nhơn 11, Sàigòn 3. Về nữ tu, Cha Louvet cho biết 2.000 người trong 80 tu viện bị phân tán, trong đó khoảng hơn 100 chết vì đạo. Số các vụ cấm đạo trên toàn nước: Hơn 2.000 họ đạo bị hủy diệt và 300.000 giáo dân bị phân tán trong các làng bên lương. Theo một tài liệu khá chính xác thì 40.000 người thiệt mạng trong thời kỳ phân sáp. Không kể ruộng vườn nhà cửa và tài sản của giáo dân bị tịch thu và phá hủy. Phải diễn tả thế nào cho đúng được một hoàn cảnh hết sức bi thảm này trong lịch sử?

Những Cuộc Bách Ðạo Thế Kỷ 19

  • CH 1: Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô XVI & Tử Ðạo Việt Nam
  • CH 2: Tình Hình Giáo Hội Việt Nam Giữa Thời Minh Mệnh & Tự Ðức
  • CH 3: Những Cuộc Bắt Ðạo Công Giáo Dưới Thời Vua Thiệu Trị 1841-1847
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của BÀ ANÊ LÊ THỊ THÀNH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC PHÊRÔ KHANH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG MATTHÊÔ LÊ VĂN GẪM
  • CH 4: Sắc Lệnh Cấm Ðạo Ðầu Tiên Của Vua Tự Ðức
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THỪA SAI AUGUSTINÔ SCHOEFFLER (ÐÔNG)
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THỪA SAI LOUIS BONNARD (HƯƠNG)
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG TRÙM GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU
  • CH 5: Kiến Nghị Của Hội Ðồng Nội Các Và Sắc Lệnh của Vua Tự Ðức 3-9-1854
  • CH 6: Cuộc Bách Hại Ðạo Công Giáo Từ Khi Người Pháp Gây Hấn 1856-1857
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC PHAOLÔ LÊ BẢO TỊNH
  • Đường Nên Thánh của Thánh LÊ BẢO TỊNH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của QUAN MICAE HỒ ÐÌNH HY
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THẦY PHÊRÔ ÐÀO VĂN VÂN
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÐỨC CHA GIUSE DIAZ SANJURJO (AN)
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của CỤ TRÙM ANRÊ THÔNG (NĂM THUÔNG)
  • CH 7: Giáo Hội Việt Nam Trên Ðường Núi Sọ
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÐỨC CHA MELCHIOR SAMPEDRO
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của CAI ÐỘI PHANXICÔ TRẦN VĂN TRUNG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC ÐA-MINH MẦU
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của CAI TỔNG LUCA PHẠM VIẾT THÌN
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của QUAN ÁN ÐA-MINH PHẠM VIẾT KHẢM
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của CAI ÐỘI GIUSE TẢ
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC PHAOLÔ LÊ VĂN LỘC
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC ÐA-MINH CẨM
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG PHAOLÔ HẠNH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC LAURENSÔ NGUYỄN VĂN HƯỞNG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG TRÙM EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC PHÊRÔ ÐOÀN CÔNG QUÍ
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC TÔMA KHUÔNG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của CAI ÐỘI GIUSE LÊ ÐĂNG THỊ
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THỪA SAI NÉRON (BẮC)
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THỪA SAI THÉOPHANE VÉNARD
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của CHA PHERÔ NGUYỄN VĂN LỰU
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC GIUSE TUÂN, O.P.
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC GIOAN HOAN
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN ÐẮC PHƯỢNG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của LINH MỤC ALMATO BÌNH, O.P.
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THẦY GIUSE NGUYỄN DUY KHANG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÐỨC CHA GIRÔLAMÔ HERMOSILLA
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÐỨC CHA BERRIO-OCHOA VINH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÐỨC CHA STÊPHAN THÉODORE CUÉNOT THỂ
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG GIUSE TUÂN
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG LAURENSÔ NGÔN
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ANH GIUSE TÚC
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÐAMINH NINH
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG TRÙM PHAOLÔ ÐỔNG
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của ÔNG ÐAMINH HUYỆN VÀ ÐAMINH TOÁI
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của THÁNH VINHSƠN DƯƠNG VÀ CÁC BẠN TỬ ÐẠO
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của HAI CHA CON PHÊRÔ DŨNG VÀ PHÊRÔ THUẦN
  • Cuộc Xưng Ðạo Và Tử Ðạo của Các ANH HÙNG TỬ ÐẠO HỌ NGỌC CỤC
  • CH 8: Những Vụ Thảm Sát Người Công Giáo Do Phong Trào Văn Thân Khởi Xướng
  • CH 9: Máu Tử Ðạo Minh Chứng Ðạo Thật
  • PHỤ LỤC: CÁC HỒ SƠ ÁN PHONG THÁNH
© 2025 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU