Khi vừa nhận lấy Ơn Cứu Chuộc, Ơn Tha Thứ trong Chúa Jesus, cảm giác đầu tiên của tôi là mình đã trút cả một gánh nặng “u minh nghiệp chướng” ra khỏi đời sống của mình. Lòng tôi có sự thảnh thơi nhẹ nhàng vui tươi. Ðược sự vui thỏa ban đầu, tôi nghĩ rằng từ đây mình sẽ không bao giờ phạm tội nữa, sẽ không bao giờ buồn bã nữa! Tưởng thế nhưng không phải thế. Sau nầy tôi thấy rằng mình phải được sự dẫn dắt liên tục của Chúa. Sự hiện diện của Người trong đời sống mình là để Người chiến thắng tội lỗi cho mình, hoặc ít nhất, Người và mình cùng nhau chiến thắng tội lỗi, chứ không chỉ thụ hưởng một trạng thái nhẹ nhàng vui vẻ như lúc mình mới có đức tin. Sự chiến thắng tội lỗi là dấu hiệu vinh hiển của Thiên Chúa trong đời sống mình. Ðó cũng là sức khỏe thuộc linh, tâm hồn và thân thể. Sự hiện diện của Chúa trong đời sống đức tin là một sức sống mới để mình xa điều ác và ham thích đọc Kinh Thánh.
Kinh Thánh là chuẩn mực cho đời sống tâm linh của người tin Chúa đang được đổi mới. Ngày nào tôi cũng thấy mình “mới nhất” hết, nhưng dần dần Kinh Thánh mà tôi nói ở đây, chính là Lời Sống chứ không phải chỉ đơn thuần một quyển sách kinh. Quyển sách thánh kinh chỉ có chữ và giấy, nhưng mỗi khi đọc chữ trên giấy đó, tôi tìm thấy sự sống mới, tình yêu mới, niềm tin quyết và chân lý cứu rỗi đã thật sự xẩy đến trong tôi như Kinh Thánh đã ghi. (Giai đoạn đầu, tôi không để ý những chỗ khó hiểu, và hầu như tôi không cảm thấy một sự khó hiểu nào trong đó cả!). Dần dần tôi biết tra cứu ý nghĩa Kinh Thánh khác với ý nghĩa thế gian. Lời Chúa trong Kinh Thánh bày tỏ một sự xác quyết, quyền năng và sống động. Có khi tôi cảm thấy một sự thiếu hụt sức sống của Ðức Thánh Linh, nhưng tôi cứ làm lơ đi dù vẫn chịu khó đọc Kinh Thánh như thời gian tìm hiểu đạo Chúa. Khi ấy tôi thấy những bài học giáo khoa luân lý đạo đức bằng văn tự và tôi rơi vào sự mệt mỏi trở lại, hoặc tôi che giấu những tội lỗi còn vương vấn. Một mặt, tôi muốn có sự nhóm lại trong hội thánh; một mặt khác, tôi chán nản đối với một số người, một số việc trong cái tập thể mới mẻ đó. Những khuynh hướng, quan điểm khác nhau trong hội thánh cũng làm cho tôi bối rối buồn bực. Tôi bắt đầu phê bình chỉ trích những gì tôi không vừa ý. Nhưng có một điều đặc biệt là, tuy hội thánh có lộn xộn, có phê bình chỉ trích, nhưng trong đó không ai chấp nhận những tội lỗi như đời sống tôn giáo của tôi ngày trước. Ở trong hội thánh, người ta dám xưng ra những tội lỗi mà thông thường các tôn giáo khác che giấu hoàn toàn. Người ta cũng tha thứ cho nhau và không mặc cảm, ghim gút với nhau nữa. Cứ thế, những thử thách cũ và mới tiếp tục xẩy đến với tôi. Có khi tôi rơi ngược về tình trạng tội lỗi, nhưng tâm hồn tôi còn khá hơn ngày xưa, ấy là có sự kính sợ Chúa. Chính sự kính sợ Chúa giúp tôi ăn năn tan vỡ. Nhiều lần như thế cho đến khi tôi thấy con đường chắc chắn nhất là bớt ý mình thêm ý Chúa, vâng phục và yêu kính Chúa trong anh em dù họ có khác mình, dù họ “yếu đuối hơn mình”, mình cũng yêu họ được và cầu nguyện cho họ. Bởi lẽ, Chúa vẫn yêu họ, vậy mình còn ghét họ nghĩa là mình chưa thấy Chúa yêu họ như Người đang yêu mình! Ngày xưa chưa tin Chúa, tôi hay nghĩ rằng nếu có ông trời thật, tôi muốn ông trời trừng phạt họ!
Sau khi ở tù cộng sản về, tôi nhận lời mời của ông Ðỗ Trung Hiếu và Võ Ðình Cường vào làm việc cho tờ báo Giác Ngộ. Cùng lúc đó bà Sáu Thảo, một tay trùm công an chìm (cấp trên của vợ tôi sau này, cấp dưới Mai Chí Thọ) mời tôi làm công tác vận động Phật Giáo Yêu Nước, nghĩa là làm công an chìm theo dõi Phật Giáo. Báo Giác Ngộ có các nhân vật trụ cột như Ðỗ Trung Hiếu là biên ủy lãnh đạo chính trị. Võ Ðình Cường là trí thức phật giáo. Tống Hồ Cầm là trí thức yêu nước. Nguyễn Văn Hàm nguyên là dân biểu Quảng Ngãi làm điệp báo K 25 của Trần Bạch Ðằng và Sáu Chiến, được điều khiển từ trong chiến khu, gọi là lực lượng nội thành trước 30/4/1975, được xem là thành phần của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lưu lại. Tăng Quang Tuyền, người của Thành Ðoàn (tự nhận là đã tham gia vụ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông) làm công tác an ninh. Chị Lan, vợ của Tăng Quang Tuyền làm thư ký văn phòng tòa soạn báo Giác Ngộ. Trong số đó có hai người không hẳn là Việt Cộng hoàn toàn, nhưng vì muốn yên thân giữa thời cuộc nhiểu nhương, đồng thời có thể tương kế tựu kế để làm một cái gì cho Ðạo Pháp như cách của Hòa Thượng Trí Thủ. Hai người nầy tôi quen riêng, đó là Tống Hồ Cầm và Võ Ðình Cường. (Trước khi bà M trở thành vợ tôi, bà cũng biết tất cả những người nầy).
Ðôi lúc tôi cảm thấy may mắn được tiếp xúc với Việt Cộng mới có thể hiểu Việt Cộng nhanh hơn, nhưng tôi không cảm thấy thú vị chút nào khi làm việc với họ. Tôi thích đứng ngoài để được tự do và tránh tội ác an ninh chính trị. Dầu vậy, tôi không muốn để cho họ biết thái độ chính trị của tôi là đứng ngoài chế độ ấy. Cộng sản xem bất cứ ai đứng ngoài chế độ của họ là kẻ thù nguy hiểm. Trước khi bị bắt, tôi hăng hái làm việc với Ðỗ Trung Hiếu, được bí thư Ðoàn là Tăng Quang Tuyền xây dựng lên đoàn viên để chuẩn bị vào đảng, nhưng tôi thích làm việc mà không thích vào Ðoàn vào Ðảng. Họ ngạc nhiên về thái độ tự do phóng khoáng của tôi, vì ai cũng mong vào Ðoàn vào Ðảng, còn tôi không chịu vào. Mỗi buổi tối, sau khi làm việc với Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước tại số 32 Phùng Khắc Khoan Q I, tôi mở đài BBC nghe tự nhiên. Nhờ có người nói nhỏ cho tôi biết là “cấp trên đang quan tâm”, tôi hơi sợ và do đó hạn chế nghe đài BBC công khai. Người đó là một sỹ quan cấp uý của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình anh ấy có người tham gia cộng sản. Anh được bảo lãnh vào cơ quan Phật Giáo Yêu Nước để tạm nương thân. Anh ta rất tế nhị, khôn khéo, nhưng sau đó bị đi học tập và tôi mất liên lạc hoàn toàn.
Tôi đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm, nhưng may mắn thoát nạn nhiều lần với cái tính ngây thơ ngờ nghệch nông nổi của tôi. Trong khi cộng sản hy vọng rằng có thể sử dụng tôi trong một mức độ nào đó, hoặc ít nhất, họ cũng phải hiểu cho bằng được “tôi là ai”. Căn cứ vào quá khứ tự thiêu của tôi, họ có thể tin phần nào về niềm tin tôn giáo của tôi. Nhưng cuối cùng tính “ngây thơ” của tôi tự nhiên đến nổi họ không thể nắm tôi được, do đó sự kiện họ bắt tôi là có mục đích. Họ cũng cần theo dõi cả nhóm bạn bè chơi thân với tôi đang ở ngay trong nhà Tân Thuận, vì chúng tụ tập đàn ca hát xướng ngày đêm trong nhà tôi.
Ðêm đầu tiên bị tạm giam tại Tân Thuận, tôi nằm ngủ ngay sau vách ván có lỗ hở ăn thông với văn phòng của ông công an Sáu Ðầu Bạc. Nửa đêm ông Ðỗ Trung Hiếu đến. Lúc đầu tôi tưởng Ðỗ Trung Hiếu đến lãnh tôi ra. Nhưng qua câu chuyện to nhỏ giữa Ðỗ Trung Hiếu với ông Sáu Ðầu Bạc, tôi nín thở mới nghe được là: “Riêng Huệ Nhật, các đồng chí quan tâm điều tra kỹ và cho chúng tôi được biết kết quả”. Lời nói của ông Ðỗ Trung Hiếu lọt vào tai tôi trọn vẹn làm cho tôi ngỡ ngàng. Khi nghe câu nói đó, tôi canh cánh nói với chính mình nhiều điều căn cốt sâu xa lắm. Suốt đêm đó tâm tư tôi bắt đầu suy xét lại từng sự việc đối với chế độ cộng sản. Tôi còn nhớ rằng sau giờ phút đó, tôi thao thức đến nỗi cơ thể mình cũng xáo trộn theo, nó bắt tôi đi tiểu tiện liên tục. Ðến khi chuyển xuống trại giam Nhà Bè, tôi chuẩn bị tinh thần có-chi-nói-vậy. Chỉ có lòng thật thà mới được khỏe mạnh trong tâm hồn và không tự gây mâu thuẫn cho mình. Tôi nghĩ rằng nếu thật thà để chết vẫn đáng chết hơn là sống mà dối trá phiền phức quá. Tôi đoán rằng họ sẽ hỏi cung tôi rất chi ly phức tạp. Quả đúng y như thế! Sau đó tôi học thêm được một điều nữa; đó là đối với cộng sản, mình càng thật thà với họ bao nhiêu, họ càng nghi ngờ mình bấy nhiêu.
Chỉ có hai năm (1975-1977) mà cuộc điều tra tốn không biết bao nhiêu là giấy bút. Tôi có thể thành nhà văn nhờ viết lời khai trong tù. Tôi không viết lời khai để nói lên sự kiện, nhưng viết để nói lên nỗi lòng của mình qua các sự kiện. Họ bắt tôi viết lui viết tới nhiều lần đến nỗi tôi thuộc cả lời khai của tôi. Có nhiều câu hỏi được lặp đi lặp lại mấy chục lần khác nhau với những cán bộ khác nhau. Thế nhưng họ thả tôi về nhờ sự can thiệp của Armnesty International. Khi ở trong tù, tôi đã được xếp vào lớp tù nhân lâu năm, từng được làm trưởng phòng và được hướng dẫn một vài cách sơ đẳng để quan tâm theo dõi một vài anh em tù nhân khác. Họ thừa biết tôi không có tội, nhưng vì họ đã làm mếch lòng tôi sâu đậm đến mức không còn hy vọng thuyết phục để dùng tôi được nữa nên khi thả tôi về họ tịch thu toàn bộ giấy tờ, bằng cấp và tài sản của tôi để trục xuất đi kinh tế mới. Ðó là chính sách tiêu diệt những người trí thức mà họ không thể tin dùng. Nhưng sự việc không đơn giản như thế. Tôi viết đơn kiện lên thủ tướng Phạm Văn Ðồng, Ban Thanh Tra Trung Ương, v. v. Tôi không chịu đi kinh tế mới mà cứ lẩn quẩn trong thành phố. Họ lại tiếp tục dụ tôi vào báo Giác Ngộ, nhưng tôi chỉ viết bài khơi khơi thôi chứ không thật sự lao sâu vào công tác họ cần. Từ đó họ lôi kéo tôi vào cái mạng nhện tình cảm của một người đàn bà đang làm công tác phản gián thuộc phòng PA. 16. Nhưng éo le thay, bà ta đã bị tình yêu của tôi chinh phục và đã thành vợ tôi ngay sau đó. Con tim phản gián lạnh căm của bà ta đã bị tình cảm nóng hổi và lãng mạn của tôi “đánh ngã” vào một buổi hoàng hôn oi bức éo le. Trái tim tôi yêu ai là yêu hết mình khiến cho người đàn bà phải cảm động. Thế là bà ta chuyển sang kế hoạch tình ái để dùng tôi kết tóc xe râu. Tôi là người ngu ngơ với ai ngu ngơ, kèn cựa với ai kèn cựa và biết tỏ ra thật tình một cách tế nhị ân cần khiến cho kẻ giả trá cũng phải ngẩn ngơ thích thú.
Ông Mai Chí Thọ muốn hiểu tôi là ai nên cài thuộc hạ để thăm dò. Họ nghi ngờ tôi như một người nguy hiểm do Mỹ cài lại sau khi đã được CIA huấn luyện kỹ càng. Nhưng họ không hình dung được một con người đã đi tu mà không toại nguyện, đã thất bại về mặt tinh thần đến nỗi mang một căn bịnh kỳ cục. Ðó là căn bịnh tha thiết sống khi vui vẻ bình an, tha thiết chết mỗi khi đời sống mình có vấn đề xáo trộn tiêu cực. Nhiều khi tôi bình tĩnh, kiên nhẫn một cách thầm lặng. Tôi kiên nhẫn nhịn nhục như không ai lay chuyển được; nhưng đến khi thay đổi thì tôi thay đổi dứt khoát không ai lường trước được. Sau nầy ở trong Chúa, tôi cầu nguyện xin Người soi sáng cho con hiểu con hơn. Người cho tôi biết rằng tôi đã có một căn bịnh mâu thuẩn trong tâm hồn. Khi tôi yêu thì yêu một cách tràn ngập, trút hết tình cảm cho người mình yêu. Tình yêu ấy là sức mạnh giúp tôi kiên nhẫn, nhịn nhục một cách bền bỉ, để chiến thắng những bội phản phụ phàng, nhưng đến một mức nào đó, khi lòng nhịn nhục của tôi cạn tắt, tôi sẵn sàng quăng kẻ bội tình cái đụi; không tiếc nuối một kỷ niệm nào. Khi thật sự ở trong Chúa, tôi được Người dắt dẫn, thay đổi để nhìn thấy sự nhịn nhục, yêu thương của Người trong chính tôi. Cám ơn Chúa, với kinh nghiệm nầy, Người đã cho tôi nhận ra bản chất của tôi và Người đã chữa lành căn bịnh nội tâm khốn khổ cho tôi.
Khi người nữ thuộc hạ của ông Mai Chí Thọ gặp phải tiếng sét ái tình của tôi, bà đã xin phép ông cho chúng tôi về quê tổ chức đám hỏi, tôi còn nhớ rõ câu tỏ tình của tôi rất hấp dẫn, khiến cho bà ta phải rụng rời cảm động mặc dù đang lúc bà thi hành bổn phận của một mật báo viên (khi ấy tôi chưa hề biết bà ta là một công an chìm). Nói cho cùng, trên con đường làm an ninh chính trị rình mò, bà ta gặp tai nạn nghề nghiệp do tình cảm đặc biệt của một đối tượng mà bà ta đang theo dõi. Trong mắt của Ðấng Tạo Hóa, “Tai nạn nghề nghiệp” nầy không bao giờ ngẫu nhiên cả. Vì sao? Vì Người yêu những con người vốn đã đi theo chủ nghĩa Cộng Sản hoặc Phật Giáo hay các tôn giáo khác và Người muốn cứu họ như Người cứu tôi. Cộng sản Việt Nam đã nghi ngờ tôi, đã dùng một người đàn bà để vừa theo dõi vừa chinh phục tôi, nhưng tôi đã bày tỏ tình yêu đối với bà ta ngay khi bà chưa kịp theo dõi, chưa kịp tỏ tình với tôi. Tôi đã yêu bà thật lòng, khiến con tim của bà cũng chới với mà chấp nhận tình yêu của tôi, vì bà chưa hề gặp một tình yêu nào thiết tha và lãng mạng như tình yêu của tôi. Bà ta không ngờ một vị cựu đại đức mà có thể yêu nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Bà nghĩ rằng với một tình yêu nồng cháy mà tôi đã dâng hiến cho bà, chắc chắn bà sẽ nắm được đầu óc, lòng dạ của tôi để báo cáo lên cấp trên, để có thể theo mệnh lệnh của ngành mà điều khiển tôi vào hệ thống mật báo viên. Bà đã từng có con ngoại hôn trong công tác. Bà đã từng làm vợ một số người. Bà đã từng kinh nghiệm nhiều đàn ông trước khi gặp tôi. Nhưng bà chưa hề được “cựu thầy tu” yêu một lần nào cả! Khi người thầy tu mà yêu là yêu như lửa cháy rừng. Con người dù gian ác đến mấy, nhưng khi gặp được một tình yêu như thế cũng phải động lòng. Tiếc thay sự động lòng ấy chỉ được cháy lén lút một đôi lúc rồi tắt ngúm trong mê hồn trận của chính trị an ninh độc đảng phi nhân! Nếu bà ta không thật sự ăn năn trở lại trong Chúa thì có động lòng yêu thương cách gì đi nữa cũng không thay đổi được bản chất Việt Cộng của bà. Sự kiện tôi được cứu ra khỏi tình cảm tối tăm khờ khạo lãng mạn của một cựu thầy tu nghệ sỹ cũng là phước hạnh lớn lao cho cả bà ấy và cho con tôi, nếu bà ấy xé lòng ăn năn thật sự.
Lúc đầu, bà ấy cho tôi biết rằng ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ) không cho bà lập gia đình, vì bà là một nhân viên đặc biệt. Bà nói bóng gió cho tôi về một vài quan hệ “tình nhân trong công tác” với bác sỹ Hòa Lễ và dược sỹ Lộc và một số ông khác có tiếng tăm hơn. Sau vài tuần, bà cho biết đã thuyết phục được Mai Chí Thọ để được lấy tôi. Bà còn kể rằng bố nuôi Xích Ðiểu Trần Minh Tước của bà đã mời Mai Chí Thọ đến Ðồng Khởi ăn cơm và nói riêng với Mai Chí Thọ để cho con gái mình lập gia đình với tôi. Khi ấy bác sỹ Hòa Lễ và dược sỹ Lộc hết quan hệ với bà trên hình thức, nhưng thực tế hai người nầy đã đi đêm với bà rất nhiều lần, kể cả sau khi chúng tôi thành nghĩa vợ tình chồng, có lần tôi bắt gặp tại trận.
Vì sự hiểu biết của tôi về Việt Cộng đi từ chỗ sơ sài đến chỗ trở thành nguy hiểm cho họ, nên họ phải suy tính một giải pháp dứt khoát. Một là phải đặt tôi vào “phe ta”, hai là phải đối xử với tôi như một “kẻ thù” chứ không thể lưng chừng được nữa. Bà vợ tôi biết rằng nếu không lôi kéo được tôi vào trong tổ chức để làm một số công tác nào đó thì bà khó có thể che giấu được công tác bí mật của bà với tôi là một kẻ đang sống cận kề. Người làm công tác phản gián không bao giờ cho phép một kẽ hở sát sườn như thế. Vợ tôi cho biết rằng “Vì lấy một người chồng như anh nên em phải nghỉ công tác”. Sau đó có một bà khá xinh đẹp, to con, tên là Phượng đến nhà tôi “làm việc” với vợ tôi đúng một tuần.
Bà Phượng cũng “làm việc” với tôi một buổi như sau:
- Chào anh Nhật, cả tuần nay tôi bận nói chuyện với chị M. Bây giờ tôi muốn nói chuyện với anh được không?
- Dạ mời chị!
- Tôi muốn hỏi anh Nhật rằng lâu nay anh có biết công tác của chị M không?
- Dạ biết. Bà ấy làm bên rạp hát Vàm Cỏ và Sao Mai.
- Không. Tôi muốn hỏi anh một công tác đặc biệt của chị ấy cơ.
- Dạ đúng rồi, công tác đặc biệt của bà ấy là lãnh đạo đoàn ca kịch Tầu.
- Nếu anh không biết thật thì tôi nói cho anh biết. Công tác đặc biệt nầy do ông Năm Xuân điều khiển. Ông Năm Xuân cũng là thủ trưởng của tôi. Ông nói rằng ai làm công tác đặc biệt nầy thì “con tim phải lạnh, nhưng bộ óc phải nồng”. Bây giờ anh biết rồi đấy.
- Dạ thưa cô, ông Năm Xuân là ai?
- Anh không biết ông Năm Xuân thật sao? Tức là ông Mai Chí Thọ, giám đốc sở Công An đấy. Anh nói lâu nay anh chưa biết công tác của chị M, nhưng bây giờ thi tôi đã nói cho anh biết. Khi anh đã biết rồi thì anh phải chịu trách nhiệm để giữ mạng sống của mình.
- Chị nói thế nghĩa là gì?
- Anh là người làm thơ thì anh phải biết ý nghĩa của câu “con tim phải lạnh mà bộ óc phải nồng”. Chúng tôi đặt tình cảm qua một bên khi lý tưởng của Ðảng có dấu hiệu bị xâm phạm. Ðảng có những công tác bí mật. Ðây là một công tác sinh tử. Anh là người đã biết công tác nầy rồi. Nếu từ nơi miệng anh mà bí mật công tác bị bại lộ, mạng sống của anh tùy thuộc vào đó. Anh nhớ chưa. Bây giờ anh không thể nói rằng anh không biết công tác của chị M, vợ anh. Nhưng anh cũng nên biết thêm rằng tôi là người đang thay thế chị ấy. Từ nay chị ấy bị ngưng công tác. Anh Nhật thông cảm chưa?
- Dạ cám ơn chị.
Bẳng đi một thời gian, sự kiện tôi tin Chúa và sinh hoạt trong hội thánh Tin Lành được cấp trên chú ý. Bà Sáu Thảo mời tôi đến văn phòng đưa ra đề nghị làm việc cho Phật Giáo Yêu Nước một lần nữa. Chúa cho tôi nhạy bén để thấy rằng bà ta làm bộ mời tôi vào công tác Phật Giáo Yêu Nước nhưng để chuẩn bị điều tra tôi về Tin Lành. Cám ơn Chúa, Người cho tôi đoán đúng. Tôi nói rằng “chị ơi, bây giờ tôi tin Chúa và sinh hoạt với hội Thánh Tin Lành rồi, nếu tôi liên lạc với Phật Giáo, chẳng đem lại kết quả gì đâu”. Thế là xong. Bà Sáu Thảo gọn gàng nói: “Cám ơn anh, chúng ta sẽ tính cách khác vậy”. Về nhà, tôi kể lại cho vợ mình nghe. Bà ta lặp lại câu nói cố hữu: “Nên nhớ rằng cây cổ thụ công tác mật đây nè”. Bà Sáu Thảo gởi một tờ giấy mời làm cho tôi hồi hộp cả tuần, nhưng khi tôi đến gặp bà, bà chỉ nói chuyện 50 giây. Kể từ đó tôi càng thấy rõ mình bị quan tâm khá kỹ. Nào là giấy mời kêu ra phường, kêu lên quận, kêu lên sở để gạn hỏi, để trắc nghiệm lòng tin theo Chúa hay là có mưu ý gì khác nữa không, do ai xúi dục... Người làm việc với tôi nhiều nhất là ông Tư Trà. Ông biết tiếng Pháp và thuộc thơ Kiều. Ông chuyên gợi chuyện với tôi qua những câu thơ đâu đâu rồi bất thình lình đọc lên một câu thơ để dò phản ứng của tôi, thật là lý thú. Lắm khi giữa ông Tư Trà và tôi nói chuyện với nhau mà cả hai bên không biết mình sẽ nói gì tiếp theo sau những câu đã nói, bởi vì nội dung thì thơ văn tình cảm, nhưng sự thật là dò lòng nhau từng gang tấc một. Trong số những câu thơ ông đọc, tôi nghe lảng vảng một số câu thơ của mình đã mất. (Trong những năm đầu chung sống với vợ tôi, thỉnh thoảng tôi bị mất những vật cá nhân như nhật ký, bài thơ, một số giấy tờ cá nhân tôi bỏ trong tủ. ) Ông hỏi tôi trước đây Huệ Nhật đạp xích lô có làm nhiều bài thơ lắm phải không. Ðọc cho chú nghe bài thơ xích lô nào cho vui đi. Tôi đọc cho ông nghe bài thơ Ðạp Xích Lô. Ông đã chụp lấy hai câu để nhờ tôi giải nghĩa:
Xe qua ngõ hẹp quê nhà
Nghe thao thức mộng sơn hà phân bua.
Ông Tư Trà muốn hiểu ý của tôi khi nói về “xe qua ngõ hẹp quê nhà” là những ngõ nào, và “mộng sơn hà phân bua” là mộng gì? “Có phải Ðảng đã làm gì sai lầm nên cháu muốn phân trần và góp ý xây dựng chăng? Hoặc cháu muốn có một dự kiến gì đối với quê hương trong thời hậu chiến hay không? “ Ông cho rằng Ðảng rất mong dân phản ảnh những sai lầm của Ðảng để Ðảng phục vụ dân tốt hơn. Tôi thấy lối ăn nói của ông Tư Trà nầy có vẻ lịch sự, tình cảm và sâu sắc. Tôi linh cảm rằng con người nầy khá nguy hiểm khi ông cố moi cho ra một số ý tưởng của tôi trong vài câu thơ nào đó. Tôi bày tỏ sự đồng cảm với ông để nói lên ước muốn của mình khi bị giam trong xà lim. Ðó là tôi thèm được nhà nước cho ra quét đường và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm, tối về nhà ngủ; như thế còn ích lợi hơn là được nhà nước “nuôi ăn” để nằm không trong xà lim bực bội quá. Thế rồi ông yêu cầu tôi đọc vài bài thơ trong xà lim. Tôi chỉ nhớ một bài Chào Khốn Khổ và đọc theo kiểu nửa nhớ nửa quên.
Một vài bài thơ bị mất cắp ngay trong hộc tủ mà tôi còn nhớ thuộc lòng như sau:
Còn lại một giọt máu
Không chịu chảy qua tim
Lang thang trong buồng não
Buồn vui vẫn im lìm
Còn sót một tia sáng
Chưa chịu chiếu qua mi
Bâng khuâng mờ trong nắng
Chẳng nghe nói năng gì.
Anh về nặng nỗi sầu tư
Kiến vàng kiến đỏ bây chừ bu quanh
Cờ xưa đem dấu trên ghềnh
Ðể mầu cờ đỏ tung hoành dối gian
Nửa đêm rượu đế giăng hàng
Trong nhà khó ngủ, ngoài đàng thức canh
Ngẩn ngơ anh ngóng xa miền
Hai tay bụm chặt mối manh khôn dò
Anh về với nỗi buồn lo
Một đàn kiến đỏ bên gò ruộng hoang
Kiến chen cây cỏ điêu tàn
Cuốn dòng lịch sử bốn ngàn năm đi
Hỏi xưa anh ước mơ gì
Mà nay giọt lệ biên thùy chảy ra?
Chừng nghe cay đắng quê nhà
Vang trong ước vọng sơn hà từng đêm.
Hôm qua nằm ngủ chiêm bao
Tim mình cấu tạo bằng cao su mềm
Tháo ra gột rửa ưu phiền
Lỡ tay làm rách hai viền máu loang
Tình tuôn theo máu chứa chan
Ðổ lai láng chảy tràn lan giữa đường
Xem dòng máu đỏ mà thương
Con tim rách rưới hết đường vá may
Thương tim ta khóc cả ngày
Người đâu đến lấy tim nầy luộc ăn
Ta còn chiếc lưỡi phân trần
Không ngờ lưỡi bị hàm răng cắn lìa
Hồn lau nước mắt đầm đìa
Một bầy lang sói xé chia lưỡi mình
Thôi đành tháo sợ thần kinh
Treo buồng não trắng lên trên đầu người
Vào rừng gặp lũ đười ưöi
Nghiêng mình ta trút nụ cười trăm năm
Tìm về chín suối ta nằm
Mở mắt chợt thấy mình nằm chiêm bao!
Thấy toàn những chuyện tào lao
Giống y như thật làm sao hỡi người!
Tôi có cảm tưởng rằng nói chuyện với Tư Trà như đặt tay mình xuống một dòng suối đang chảy. Những giọt nước thoáng qua tay mình rồi đi mất không bao giờ mình nắm được vào tay. Tất cả những giọt nước đã đụng vào tay mình sẽ tụ lại một nơi nào đó để trao đổi cho nhau về sự cảm thấy của chúng khi chảy ngang qua da thịt mình. Như thế là cả dòng nước biết da thịt mình, còn da thịt mình thì ướt mà không giữ được một giọt nước nào của dòng suối cả. Thế mà mỗi tuần “chú mời cháu đến tâm tình với chú để chú tìm cách giúp đỡ cháu có cơ hội đóng góp cho Ðảng và Nhà Nước. Chú đã xem hồ sơ và lời khai của cháu nên biết cháu là người có lòng. Ðảng không dùng được cháu thì Ðảng và cháu đều bị thiệt thòi, nhân dân cũng bị thiệt”. Ðúng. Tư Trà là một cán bộ chấp pháp lão thành biết gài đòn tình cảm đối với tôi. Nếu Tư Trà gặp tôi trong thời tôi mới bị bắt giam, có thể ông chinh phục tôi dễ hơn. Rủi cho Tư Trà gặp tôi khi tôi đã tin Chúa sau một thời gian nếm đủ mùi cộng sản. Phải công nhận rằng từ khi tin Chúa, căn bịnh tự tử trong tôi đã được trục xuất ra ngoài, lòng tôi được bình an thư thái, tâm trí tôi được bình tĩnh, sáng suốt, ít bị tình cảm lôi cuốn vào các lời văn hoa hư đản của thế gian.
Sau đó không lâu, vào khoảng năm 1983, ông Tám Ðồng đến nhà tôi vào mỗi chiều thứ Ba để trực tiếp dùng tôi lấy tin tức bên Tin lành. Tám Ðồng lớn hơn tôi vài tuổi, dong dỏng cao. Sau nầy chú em ruột tôi cho biết Tám Ðồng là người Lào gốc Việt, bị chuyển qua Mặt Trận Tổ Quốc và chết vì bịnh. Hồi đó Tám Ðồng là nhân viên đặc trách tôn giáo khâu Tin Lành. Ông đến nhờ tôi như sai bảo một nhân viên của ông. Tôi cầu nguyện với Chúa để tiếp chuyện với Tám Ðồng mà không để cho mình bị Tám Ðồng lôi kéo vào mục đích ác. Ðôi khi bối rối quá, tôi đến tâm sự với Mục Sư Ðinh Thiên Tứ. Khốn nỗi tôi tâm sự nhiều quá khiến ông mục sư nầy đâm ra nghi ngờ tôi luôn! Tôi không bàn với vợ tôi, vì nghĩ rằng thế nào bà ta cũng đã hiểu hết rồi. Nếu bà ta làm lơ như là chưa hiểu, tôi đoán biết tại sao. Nếu bà muốn bàn với tôi, tôi cũng đoán biết tại sao. Nhưng thực tế là bà ta im lặng. Mỗi buổi chiều thứ Ba, tôi làm việc với Tám Ðồng, hoặc trên căn gác nhà tôi, hoặc ngoài quán cà phê, hoặc tại sở Công An Thành Phố. Tôi nghĩ rằng nếu mình từ chối làm công tác cho họ, đương nhiên họ xem mình là thù địch. Nhưng nếu nhận một vài công việc đơn giản thì mình có cơ hội làm chứng về Chúa cho họ. Tôi chấp nhận viết báo cáo bất cứ buổi nhóm nào mà tôi tham dự trong hội thánh Tin Lành Việt Nam. Tôi tham dự nhiều hội thánh vì được mời đi làm chứng nhiều nơi. Tôi tin rằng người của họ luôn luôn có mặt trong các buổi nhóm đó, nên báo cáo của tôi hoàn toàn đúng sự thật một cách vô hại. Tôi viết đúng số lượng người tham dự. Ðúng tên người giảng. Ðúng những bài thánh ca. Riêng nội dung bài giảng, tôi viết dài và viết sau cùng để gián tiếp giảng cho họ. Ðây là cách báo cáo mà tôi tin rằng Chúa đã soi sáng cho tôi.
Sau mấy tháng báo cáo như thế, Tám Ðồng bắt đầu hướng dẫn cho tôi một số chi tiết có tính cách kỹ thuật. Ví dụ hôm đó có gì đặc biệt, có ai đáng nghi ngờ, có thông báo gì, dự liệu gì, v. v. Ông khuyên bỏ qua bài giảng và các bài thánh ca. Trò chơi “đu dây” của tôi bắt đầu rắc rối từ đây. Dù suy nghĩ và cầu nguyện tiếp, nhưng tôi chỉ biết báo cáo theo kiểu cũ. Tám Ðồng bảo tôi “như thế nầy không được”. Tôi hứa với Tám Ðồng rằng sẽ quan tâm tới những điểm đặc biệt khi mắt tôi thấy, nếu không thấy gì đặc biệt thì thôi. Tám Ðồng biểu tôi theo dõi hai người: Mục Sư Ðinh Thiên Tứ và Thầy Phan Vĩnh Cự, vì hai ông nầy có mối liên hệ đáng nghi ngờ. Tôi cho Tám Ðồng biết rằng tôi đi nhà thờ là để thờ Chúa chứ không phải để theo dõi người khác. Nếu tôi quan tâm theo dõi người khác, chắc chắn tâm tình thờ phượng Chúa của tôi không còn nữa. Tôi cam kết với y rằng không cần theo dõi hai ông nầy, vì họ là những người tốt, không bao giờ chống phá cách mạng. Tám Ðồng khuyên tôi “nên có đôi mắt của một người Cộng Sản yêu nước, vì Ðảng vì nhân dân. Có nhiều thông tin mà anh chưa nắm rõ như chúng tôi, chúng ta phải giành giật đem hai ông mục sư nầy về phục vụ cho nhân dân, cho tổ quốc, cho giáo hội Tin Lành của Chúa, chứ không phải để làm hại họ đâu. Anh Huệ Nhật muốn tham gia cách mạng thì phải học theo cái nhìn của cách mạng”. Tôi đâu có dám nói mình không muốn tham gia cách mạng được. Tám Ðồng đã thắng tôi một bước nữa về sự im lặng của tôi. Hắn khuyên tôi nên chính thức học cách giúp việc nước và xây dựng giáo hội theo tinh thần xã hội chủ nghĩa. Lúc đầu hắn dùng từ ngữ “học nghệ thuật tình báo nhân dân”, nhưng tôi không chịu. Tôi nói là tôi ghét cái nghề đó từ trong thời Pháp và thời Ngô Ðình Diệm. Tám Ðồng nói “thời nào cũng có tình báo cả, nhưng mục đích thì khác nhau, chế độ ta có ngành tình báo phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, đánh bọn sâu dân mọt nước núp trong tôn giáo. Chỉ có người yêu nước yêu giáo hội, yêu Chúa chân chính như anh Huệ Nhật mới đóng góp được mà thôi. Anh phục vụ nhân dân, Ðảng ghi nhận công lao của anh! “ Tôi im lặng, hắn thắng thêm một bước nữa.