Sau hơn sáu tháng quần thảo nhau như thế, Tám Ðồng bất ngờ đề nghị tôi phải nhận công tác để có lương, có xe gắn máy, được nhập hộ khẩu. Hắn cho tôi một tuần để suy nghĩ. Ðúng một tuần hắn đến và đi thẳng lên gác như người nhà. Bất cứ lúc nào hắn đến, vợ tôi làm ra vẻ chưa quen biết hắn bao giờ, nhưng bà cũng không xem việc Tám Ðồng đi thẳng vào nhà và tự nhiên lên gác là một chuyện lạ. Ðây là một trong những chi tiết quan trọng luôn luôn ngấm ngầm trong ý thức của tôi để liên tục cảnh giác người trong, người ngoài, và người bên cạnh là người như thế nào. Khi cả hai chúng tôi đã ngồi vào chiếc chiếu, hắn soạn giấy tờ cho tôi xem để ký vào đơn xin làm nhân viên hợp đồng của mặt trận gì đó. Bất thình lình tôi mời hắn quỳ lên:
- Trước khi chính thức làm việc, chúng ta quỳ lên để cầu nguyện với Chúa. Tôi yêu cầu anh cầu nguyện tin Chúa để làm việc với tôi.
Hắn hỏi:
- Tại sao tôi phải tin Chúa mới làm việc với anh được?
- Anh muốn cùng tôi xây dựng một giáo hội đúng ý Chúa, có ích cho xã hội chủ nghĩa, vậy anh phải cầu nguyện tin Chúa tôi mới làm việc với anh được.
- Tôi là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, Ðảng không cho tôi tin Chúa.
- Ðảng không bao giờ cấm ai tin Chúa. Nếu anh chân thành Tin Chúa, Người sẽ biến anh thành một người tốt hơn anh có thể tưởng tượng nữa.
- Tôi không tin Chúa.
- Chúa mà anh còn không tin thì làm sao anh tin tôi?
Hắn thua một cách bất ngờ, và đứng dậy ra về. Nét mặt hắn lớ ngớ, tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên về chính mình. Chúa cho tôi thắng Tám Ðồng thật bất ngờ. Tôi tin chắc chắn rằng trong những giây phút gian nguy như thế Chúa Thánh Linh đã dắt dìu tôi từng bước, từng lời như Kinh Thánh đã dạy “Vậy các ngươi hãy nhớ kỹ trong trí, đừng lo trước về sự binh vực mình thể nào. Vì ta sẽ ban cho các ngươi lời lẽ và sự khôn ngoan, mà kẻ nghịch không chống cự và bẻ bác được” (Lu-ca 21:14-15). Cảm tạ Chúa. Tôi không ngờ rằng mình có thể dám biểu ông ta tin Chúa một cách bất ngờ như vậy! Sau đó một thời gian, mọi sự lắng im bất động cho đến một hôm nọ tôi bị đuổi ra khỏi nhà lúc nửa đêm bởi công an Q 5. Vợ tôi đã ký vào tờ giấy đồng ý chấp hành trục xuất tôi ra khỏi nhà. Hơn mười năm sau khi gia đình tôi đổ vỡ, nhiều bài học mới tôi được Chúa chỉ cho, nên những văn bản như thế tôi phải phân tán đi nhiều nơi để được bảo quản, vì có những sự thật rất khó nói khi làm chứng về Ơn Thương Xót của Chúa qua những thử thách do Cộng Sản vô thần mang đến cho tôi. Ðiều sống chết của tôi hoàn toàn nằm trong tay Chúa. Hồi đó, có nhiều người đến điều tra theo dõi tôi thường xuyên. Từ người bán ve chai, ông già đi vẽ dạo, ông võ sỹ đến học nghề giầy dép, người công an hàng xóm đã về hưu, đồng nghiệp của vợ tôi (cô Phượng đô con), ban viết sử trung ương (Ông Nguyễn Hải), người khách làm giầy dép, v. v. Họ theo dõi quá nhiều đến nỗi làm cho tôi phát triển một khả năng nhận biết họ khá nhanh sau một vài lần tiếp xúc hoặc vài câu dạo đầu. Cũng có khi vì quá cảnh giác nên tôi cũng đã nhầm, nhưng bụng bảo dạ rằng thà cảnh giác còn tốt hơn là để cho mình sơ ý nói bậy bạ.
Nhận thấy rằng không thể thuyết phục tôi vào làm tai mắt cho cộng sản được nữa, công an chìm đã ra lệnh cho công an địa phương ngưng ký giấy tạm trú cho tôi để lấy cớ đuổi tôi ra khỏi nhà. Nhưng tôi đã được Chúa soi sáng để bình tỉnh quan sát nên hiểu được ý đồ của họ. Một hôm nọ, vào nửa đêm nhiều công an ập đến nhà tôi. Tôi tin rằng vợ tôi đã được “làm việc” trước với công an để hiệp với họ chỉ cho tôi thấy con đường cùng. Ấy là, nếu tôi không chịu đặt mình vào trong guồng máy an ninh của họ, thì ngay cả vợ tôi cũng không thể binh vực tôi được nữa. Công an biết tôi là người yêu vợ con nên họ nhắm vào yếu điểm đó để đánh một đòn tình cảm quyết liệt như thế. Nhưng cảm tạ Chúa, khi đó tôi vẫn bình an, và hạnh phúc thiêng liêng trong đức tin của tôi không bị đụng chạm. Bởi thế, tôi bình tĩnh và thong thả thưa với công an cấp quận trước mặt vợ mình rằng:
- Thưa các anh, tôi đã sống trong nhà nầy với vợ con tôi mấy năm nay rồi, tôi đã đăng ký tạm trú nhiều lần, nhưng nay các anh cho là bất hợp pháp. Các anh đuổi rôi ra khỏi nhà lúc nửa đêm, tôi không biết đi đâu. Hiện giờ ở ngoài đường vẫn có người vô gia cư nằm ngủ mà các anh không đuổi. Vậy tôi sẽ ra đó ngủ với họ. Sau khi các anh rút về đồn, chắc chắn vợ tôi sẽ mở cửa gọi tôi vào nhà trở lại. Nếu đúng như thế, bà ấy sẽ vi phạm luật cư trú chứ không phải tôi. Có lẽ vợ tôi sẽ có tội với Ðảng và Nhà Nước, vì bà ấy không để cho chồng mình ngủ ngoài đường như những người bụi đời. Quá lắm là ban đêm tôi chỉ có lỗi “tòng phạm”, do nghe lời vợ con tôi để vào ngủ trong nhà mình. Ban ngày tôi không có tội gì ngoài việc kiếm sống để nuôi vợ con tôi.
Thái độ và lời nói của tôi rất mềm mại, ôn tồn, nhưng đã làm cho công an và vợ tôi bối rối thấy rõ, vì thái độ khắc nghiệt của họ đã không làm cho tôi lo sợ mà lại còn giúp tôi vững chãi hơn ngày thường. Công an hỏi lại tôi:
- Tại sao anh không đăng ký tạm trú?
- Tôi đăng ký suốt mấy năm nay rồi.
- Nhưng giấy tạm trú của anh đã hết hạn, anh thấy không?
- Mấy hôm trước tôi đã ra phường xin gia hạn, nhưng các anh không cho. Vì thế tôi không xin nữa. Ðáng ra các anh cho tôi nhập lại hộ khẩu thành phố lâu rồi mới đúng. Các anh thừa biết tôi đã sống giữa Sài Gòn mấy chục năm nay cơ mà!
Thái độ ôn tồn của tôi khiến các ông công an Việt Cộng thấy rằng sự bình an trong tôi không ai có thể khuấy động được. Lúc đó tôi muốn nói cho vợ tôi biết rằng “cả họ và em phải hiểu là anh không theo ai cả. Dù có toa rập nhau để khủng bố cách nào cũng không thay đổi được anh đâu. “ Tôi gặp khó khăn nhiều lần đến mức quen thuộc. Những khó khăn đó luôn luôn xẩy ra song song với những buổi mời gọi tôi lên quận, sở, hoặc nói chuyện ngoài quán cà phê để thuyết phục tôi làm công tác “tình báo nhân dân”, hoặc bắt tôi trình diện hằng ngày, hằng tuần gọi là quản chế. Tôi tin chắc rằng cơ quan mật báo cộng sản và bà vợ nhà nghề của tôi luôn luôn thông báo trước cho nhau những chiến thuật, chiến lược của họ. Nếu không, bên ngoài của bà ấy là một cán bộ công khai đường đường chính chính có gốc gác từ trước 1975, cớ chi bà ta không đứng về phía lẽ phải với chồng mình? Tôi ước gì bà ấy không làm chuyện này và thẳng thắn nói với công an một câu đơn giản đúng sự thật rằng: “chồng tôi chỉ ở bất hợp pháp đối với các anh, nhưng đối với tôi và con tôi thì ông ấy là hợp pháp, vì chúng tôi có giấy hôn thú, con chúng tôi có giấy khai sinh, chúng tôi cùng có đức tin trong Chúa Jesus Christ”. Nhưng bà ta không nói một lời. Bà đặt tay ký vào tờ giấy để đuổi tôi ra khỏi nhà lúc nửa đêm. Một người vợ bình thường, chung thủy, yêu chồng yêu con thì không bao giờ đồng ý ký tên trục xuất chồng mình ra khỏi nhà lúc nửa đêm, vì điều đó không hề bị luật pháp nào bắt buộc. Tại Việt Nam, cộng sản bắt chủ hộ thi hành lệnh công an đuổi “khách tạm trú bất hợp pháp” ra khỏi nhà mình khi người khách đó không có mối quan hệ gia đình, bà con, không có giấy tờ tùy thân. Ở đây, tôi là người chồng chính thức của bà, người cha chính thức của một đứa con dại và đã từng được công an phường ký giấy tạm trú mấy năm trước đó rồi; thậm chí họ còn cho tôi tham gia bầu cử tại địa phương Quận 5 nữa cơ mà!
Nhờ sống trong Đức Tin, tôi đã có hơn mười năm hạnh phúc và kinh nghiệm với một bà vợ bạc bẽo đa mang để đứa con của tôi lớn lên tới 11 tuổi đời mà không bị những tổn thương do sự bất hòa của cha mẹ. Tôi đã dạy đạo cho bà vợ và đứa con của tôi, dù chưa thành công, nhưng chưa thật sự bị lâm vào một gương xấu nào khó xử đối với con tôi. Tôi đã dắt dìu bà hầu việc Chúa, dạy con và yêu thương con đúng cách. Tôi nghĩ rằng bà ấy cần có Chúa để được thoát khỏi cuồng mê cộng sản. Mười năm hạnh phúc tương đối tốt với một bà vợ bất bình thường, dù một mình tôi đơn phương nhịn nhục gầy dựng, nhưng quả thật đó là ơn Chúa ban cho. Tôi được nhiều hội thánh nâng đỡ, và cũng được nhiều anh chị em chăm sóc viếng thăm nâng đỡ đức tin của tôi. Nhà tôi như một ngã tư quốc tế, là nơi gặp gỡ và trao đổi về tôn giáo, đức tin, triết học và chính trị. Vợ tôi đã nhiều lần than phiền rằng tôi tiếp khách quá nhiều. Bà cho tôi là một người tiếp khách sa đà. Nhiều khi tôi có những người khách đặc biệt. Họ mới quen hoặc quen đã lâu, nhưng họ chưa tin Chúa. Tôi làm chứng cho họ và kêu gọi họ tin Chúa. Trong hầu hết những trường hợp như thế, vợ tôi thường ngang nhiên xen vào để giành lấy câu chuyện. Thay vì cứ để tôi làm chứng và đọc Kinh Thánh cho họ nghe, bà ấy choán hết để làm chứng một cách hăng hái hơn tôi nhiều. Vì đã hiểu bà ấy là ai, nên tôi không tỏ ra bực mình, ngược lại tôi thay đổi vai trò từ một người tiếp khách thành một người rót nước để cho vợ tôi nói thao thao bất tuyệt về Chúa. Cách rút lui nầy là cách tôi tìm hiểu lòng yêu mến Chúa nơi bà ấy. Khi gia đình tôi đi nhà thờ, bà ấy hay làm mếch lòng vợ các mục sư, hay phê bình họ, và những người hầu việc Chúa, hay hỏi vặn tôi về Lời Chúa, hay trách móc tôi đi nhà thờ quá nhiều... Nhưng khi tôi có dịp làm chứng đạo ở nhà, bà ấy giành lấy một cách ngang xương. Ðôi lúc tôi cũng mất kiên nhẫn, đành đứng dậy, kiếm cớ đi vệ sinh rồi ra ngoài để cho bà ta “giảng”. Nhưng đến 20 năm sau tôi mới hiểu được đó là cách rèn luyện tay nghề xâm nhập của người gián điệp. Vua Salomon đã nói rằng không có gì mới, không có gì được che giấu mãi dưới ánh sáng mặt trời.
Thật khó mà viết ra loạt nợ nần đợt một, vì khi chúng tôi thành vợ chồng, nợ nần đã dồn đống khá nhiều rồi, vì thế tôi chỉ ghi tóm tắt nợ nần từ đợt hai trở đi mà thôi. Khoảng giữa tháng 7 năm 1983, vào một buổi sáng đi chứng đạo, Mục Sư Ðinh Thiên Tứ và chúng tôi ghé nhà cụ Xích Ðiểu Trần Minh Tước, bố nuôi của vợ tôi. Mục Sư Ðinh Thiên Tứ muốn kêu gọi ông cụ trở lại với Chúa. Trong quyển hồi ký Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ của cụ Lê Văn Thái, có ghi rằng nhà báo Trần Minh Tước đã tin nhận Chúa trong giai đoạn đầu tiên của Hội Thánh Hà Nội. Ðang cùng Mục Sư Ðinh Thiên Tứ nói chuyện với cụ Tước, tôi nhận được điện thoại của bà xã: “Công an đóng cửa tiệm cơm và bắt hết cả nhà rồi, anh cứ chần chờ đâu đó khoan về đã”. Nhưng tôi cứ về. Về tới nhà, tôi được công an phường 7 kêu ra ngay. Cả nhà bị bắt giam tại bót công an phường 7 Q5. Tôi và gần một chục người làm trong tiệm cơm đều bị giam 2 ngày đêm, đặc biệt có hai anh em rất sốt sắng hầu việc Chúa đó là Dũng Xì Dầu và Ðặng Thanh Trung. Vợ tôi và đứa con hơn ba tuổi không bị bắt.
Tiệm cơm bị đóng cửa không bao lâu, người ta lần lượt đến đòi nợ. Bùi Trọng Tín đến đòi nợ. Chị Việt Liên đến đòi nợ. Cô Phiến, vợ anh Khoa Vũng Tàu đến đòi nợ. Chú Phạm Thành Phương, em họ vợ tôi đến đòi nợ. Cô Hạnh hàng xóm qua đòi nợ. Bà Thu (vợ ông Cương, một công an hành hạ tôi khá đậm) qua đòi nợ. Ông Ðức và bà Hiền bạn tôi đến đòi nợ. Ðó là những món nợ lớn và nhỏ tính bằng vàng lượng và vàng chỉ do vợ tôi mượn trong thời gian mở tiệm cơm nhưng tôi không hề biết. Lúc tiệm cơm còn hoạt động đông đúc thì người ta không đòi, đến khi tiệm cơm bị đóng cửa, vợ tôi thất hứa với họ nhiều lần quá, buộc lòng họ đến hỏi tôi. Tôi tuần tự tìm hiểu vấn đề. Tại sao một tiệm cơm bán ồ ạt hơn hai năm liền mà đổ nợ? Tôi nhớ rõ là một ngày bán trên một tạ gạo. Ngày nào bán ít nhất là 70 kg gạo, ngày bán cao nhất là 130kg. Tôi phải nghiên cứu chế tạo tám cái lò đất sét xây trong thùng phi để nấu nướng. Nếu tính tiền lời bán cơm trắng không thôi cũng đã quá nhiều rồi, vì một ký gạo sau khi nấu thành cơm, bán xong, thu lại được một số tiền bằng hai ký rưỡi gạo. Nếu trừ tất cả chi phí củi, thuế, công, hao hụt... thì chỉ mất một nửa số tiền ấy. Nghĩa là tiền lời tối thiểu từ một ký gạo phải nhiều hơn giá tiền vốn một ký gạo... Mỗi ngày bán trên 100 ký gạo. Vào thời buổi gạo châu củi quế, đó là cả một số tiền lời kếch sù rất đáng kể. Cứ nhân lên ba năm rưởi, (trừ các ngày Chúa Nhật nghỉ bán) là bao nhiêu tiền? Có những món thức ăn cũng dễ kiếm lời vô cùng như rau sống, nước trà đá. Mỗi ngày bán trên bốn trăm ly trà đá. Nếu có ai xin vào đó để thầu bán trà đá thôi cũng đủ giầu rồi. Thế mà nhà tôi đã mắc nợ tính thành nhiều cây vàng ngay sau khi tiệm cơm bị công an dẹp. Tôi nhờ một số tiền của bạn bè ở Tây Ðức để mở tiệm cơm, nhưng tôi không có tên trong hộ khẩu, do đó vợ tôi đứng tên chủ tiệm. Khi công an Quận 5 ra quyết định đóng cửa tiệm cơm thì chỉ có tên của bà ấy, không có tên tôi; mặc dù tôi bị tù chứ không phải bà bị tù. Sau nầy gia đình tôi đổ vỡ, bà đi vượt biên, cũng nhờ tờ giấy đóng cửa tiệm cơm vì truyền đạo Tin Lành bất hợp pháp ấy mà được tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Sau nầy nhờ mang quốc tịch Mỹ, bà mọc thêm răng nanh và móng vuốt để kềm kẹp tôi tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại! Nhưng chưa bao giờ bà được toại nguyện, vì Chúa lo liệu cho tôi nhiều hơn là tôi mong ước nữa. Không có một con đường nào phước hạnh và vinh hiển như con đường mà Ðức Chúa Trời vạch ra cho tôi như hiện nay. Người biến những thử thách thành ra phước hạnh cho tôi. Người dùng hoàn cảnh khó khăn để ban phước và dạy dổ tôi. Người cho tôi cơ hội để hiểu thấu đáo những vấn đề của mình hơn nữa để viết những chứng cớ của Người. Thật là hạnh phúc lắm thay! Cám ơn Chúa.
Tôi xem sự bắt bớ đức tin xẩy đến cho tôi, và sự đàn áp đóng cửa tiệm cơm của tôi là một ơn phước Chúa như Lời Người phán trong Ma-thi-ơ 5: 10. 12. Vì sau đó Chúa cho tôi thấy một tai họa khác nguy hiểm hơn sự bắt bớ đạo đã được chận đứng kịp thời nhờ tiệm cơm bị đóng cửa. Ðó là nợ. Những ngày buôn bán phát đạt, vợ tôi dựa vào tiệm cơm để mượn tiền nhiều người bằng một lý do rất “đáng thương”: Ðể kịp thời chuộc lại đứa con do người chị dâu cướp mất!
Tôi là một người chồng muốn đặt lòng tin nơi vợ, sẵn sàng để vợ mình quản lý tiền bạc ngay những buổi đầu. Trong thời gian tôi bị thất nghiệp khi mới ở tù ra (1977), vợ tôi làm phó giám đốc đoàn hát. Bà nắm quyền tài chánh và tuyên bố thẳng thừng rằng tiền “tôi làm ra tôi có quyền xài”. Câu nói nầy đã làm cho tôi bị tổn thương nặng. Sự tổn thương này gia tăng thêm khi Hòa Lễ và một số người khác đã đến tận nhà chúng tôi tại 92 Tổng Ðốc Phương để đòi nợ. Nợ của Hòa Lễ nằm trong loạt nợ nần đợt một manh nha trước thời gian bày ấy gặp tôi. Lúc ấy Hòa Lễ đến đòi nợ và chưởi tôi rằng “mày là con chó đói khốn nạn, mày dùng vợ mày để làm tiền tao một lượng vàng. “ Tôi im lặng để dạy vợ tôi bằng tình yêu và sự nhịn nhục. Tôi muốn bà ấy tự biết lỗi để sửa chữa, mà tối thiểu là phải biết xin lỗi tôi một tiếng. Nhưng người cộng sản có một bản chất rất tệ hại, đó là họ ngoan cố chạy tội đến tận cùng. Họ làm ác, nhưng đòi hưởng quả lành và giành tất cả tiếng thơm về một mình họ. Ai biết được việc ác của họ, sẽ bị họ căm thù tận răng, vì người ấy có thể lột mặt nạ họ. Lẽ phải, tình yêu thương, lòng tha thứ đối với những con người như thế chẳng khác chi nước đổ đầu vịt.
Sau khi tiệm cơm bị đóng cửa, tôi mở tiệm làm giày dép để vừa nuôi gia đình vừa trả nợ góp mỗi ngày. Khi đang làm giày dép, tôi bày cho nhà tôi làm nghề sửa chữa giầy dép cũ, vì bà đã xin nghỉ việc với lý do sức khỏe. Nhưng nhờ vậy mà cả hai vợ chồng cùng làm nghề sửa chữa giầy dép cũ thật có phước thay. Mỗi ngày tôi trả nợ góp 100 đồng, và trung tín với thuế thập phân nửa chứ! Tôi làm sổ sách để giữ đúng thuế thập phân vì muốn giúp cho vợ con tôi hiểu thế nào là trung tín trong việc nhỏ. Riêng những món nợ lớn, tôi phải viết thư xin ngoại viện để trả một cách rất nhục nhã. Chị V. Liên, một con cái Chúa đạo dòng, biết rõ chuyện nầy hơn ai hết.
Một gia đình yêu mến Chúa chắc chắn là một gia đình hạnh phúc. Trong một gia đình có người yêu mến Chúa và có người bắt bớ Ðức Tin vẫn còn phước hạnh lớn. Ví dụ như gia đình tôi, có một người chỉ làm bộ tin Chúa để bắt bớ đức tin của tôi nhằm phục vụ cho cộng sản. Người ấy lại tiêu pha xài phí rồi nêu lên những lý do thật đáng thương để vay mượn nợ và quỵt. Thế nhưng Chúa vẫn cho tôi có cơ hội làm một công việc rất bình dân, đó là sửa giầy dép cũ, để vừa đủ ăn, vừa trả góp một số nợ và nhất là tôi học được cách tính toán đóng thuế Thập Phân. Tôi thấy cuộc sống ở trong Chúa là một cuộc sống phước hạnh lạ lùng, vì hoàn cảnh của chúng ta dù khó khăn đến mức nào đi nữa, Chúa cũng làm cho lòng tôi thỏa mãn và biết ơn Người để đức tin càng thêm lên. Tôi tính sổ tiền sửa từng đôi giầy, tiền thay từng đôi gót, tiền lót túi da... để đóng thuế một phần mười lợi tức như Kinh Thánh dạy trong sách Ma-la-chi 3:9-12. Tôi nhân danh Ðức Chúa Trời Ba Ngôi mà viết lại rằng trong giai đoạn tôi học tập dâng Phần Mười trung tín đó, Chúa đã cho gia đình tôi sống an vui giàu có hơn cả người giầu có. Chẳng những thế, Người còn cho tôi vượt qua tất cả những khó khăn lớn lao khác do bà vợ gây ra.
Trong khi đó nhiều bè bạn phản ảnh rằng bà vợ tôi đã than phiền với họ và phao tin rằng tôi là người chồng bủn xỉn, ghi sổ từng đồng bạc lẽ không cho vợ con tiêu xài. Vợ tôi là một người biết quá rõ tánh tôi: một người chồng không thích giữ tiền, một người chồng không để ý mình có gì trong tủ lạnh nhưng trước khi đi ngủ vẫn muốn hôn vợ con một chút. Bà biết quá rõ tôi trả nợ góp do bà gây ra, nhưng bà vẫn xuyên tạc sự thật một cách “ngọt ngào”. Thế mà những điều đó không làm cho lòng tôi buồn phiền được. Lý do đơn giản là tình yêu và quyền năng của Chúa đã bao phủ lấy tôi để cho cả gia đình trong ấm ngoài êm. Chính tôi đã nhiều lần nói với vợ tôi rằng chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Người vẫn cho mình những ngày tháng bình an ngay trong khi mình làm hỏng một phần lớn ân huệ của Người. Vợ tôi cho rằng tôi là người có lời nói cay cú mỗi khi phê bình cộng sản. Ðiều nầy cũng đúng. Nhưng nhờ Ơn Chúa mà miệng tôi mất hẳn những lời cay cú ấy. Khi nghe bà ấy nhắc tới điều nầy, tôi vui mừng đến rơi nước mắt, vì thấy sự nhân từ của Chúa có hiệu năng tái tạo tâm hồn mình một cách lạ lùng đến như vậy. Hàng xóm cũng thấy rằng gia đình tôi thật là hạnh phúc. Con tôi thật là dễ thương và khỏe mạnh. Những anh công an hăm dọa tôi thường xuyên cũng chỉ thấy tôi vui cười chào hỏi họ. Lắm khi tôi đọc được cả sự bối rối của công an trong lúc họ vặn hỏi tôi.
Một hôm có một người đem giầy đến cho tôi đánh bóng. Khi tôi đang đánh bóng đôi giầy, ông hỏi tôi:
- Anh có đi theo một đạo nào không?
- Dạ thưa tôi là người Tin Lành.
- Tin Lành có gì hay mà anh theo?
- Hay hoặc dở là chuyện không cùng anh ạ, nhưng Chúa ban phước cho mình, đó mới là điều quý báu hơn gì hết.
- Anh làm anh ăn, có gì đâu mà anh gọi là Chúa ban phước?
- Thưa anh, trước hết là Chúa tha tội cho tôi, Người cho lòng tôi vui sống trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn. Bây giờ có Chúa, tôi thấy thỏa lòng hơn khi có tiền có của, có đủ thứ mà không có Chúa.
- Hồi trước anh có thế lực và giàu sang sung sướng, nay anh nghèo thiếu lắm nên cần có Chúa phải không?
- Hồi trước tôi có xe hơi, có nhà cửa, có tiền bạc, nhưng cũng chẳng bình an gì. Sau khi bị tịch thu hết và bị tù về, tôi rất thất vọng, nhưng từ khi có Chúa, tôi tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, lòng tôi vui vẻ bình an và vui sống một cách giản dị trong hoàn cảnh thiếu thốn.
- Vì anh đi đạo Tin Lành chứ gì?
- Dạ không hẳn thế, nhưng chính là vì tôi có Chúa trong đời sống của tôi.
- Cái đó anh học ở đâu, nếu không bởi đạo Tin Lành? Kinh Thánh có dạy như thế không?
- Vâng. Kinh Thánh dạy thế và từ khi tôi tin Chúa là đúng như thế.
- Vậy thì người ta tin Chúa rồi ngồi không cũng hạnh phúc, cần gì phải lao động cho khổ nhọc?
- Thưa anh Chúa dạy chúng ta phải làm việc, nếu không làm thì đừng có ăn. Nhưng làm việc mà vẫn biết rằng khả năng của mình là tương đối. Có rất nhiều thứ mình không làm mà Chúa vẫn ban cho đầy đủ. Anh thử nghĩ nếu mình không làm việc thì cuộc sống sẽ buồn tẻ lắm.
- Cái gì mình không làm mà Chúa ban cho đầy đủ đâu, anh chỉ cho tôi xem nào?
- Súc khoẻ của chúng ta. Không khí. Chúng ta có làm ra không khí đâu? Nước. Hột giống. Ðất đai mầu mỡ. Biển cả mênh mông. Núi rừng trùng điệp. Thời tiết bốn mùa. Bầu trời quang đảng. Gió mát vi vu. Nắng vàng óng ả. Ðêm để ngủ nghỉ. Ngày để gặp nhau và làm việc. Ngay cả trái tim đang đập, lá phổi thở trong thân thể chúng ta cũng không do chúng ta làm mà do Chúa làm. Bộ não của chúng ta rất tuyệt vời, do Chúa làm.
- Anh giảng đạo hay thật. Anh có Kinh Thánh không?
- Dạ có đây.
- Ủa! Anh đang làm việc nhưng không phải để kiếm tiền mà để che mắt thiên hạ về việc anh giảng đạo bất hợp pháp. Tôi có bằng chứng là anh đang giảng đạo bất hợp pháp. Ai trả lương cho anh giảng đạo Tin Lành nầy? Tôi bắt anh và yêu cầu anh về phường trả lời tiếp câu hỏi của tôi!
- Tôi làm nghề sửa chữa giầy dép. Anh là khách hàng đem giầy dép tới cho tôi đánh bóng. Nhân tiện anh hỏi tôi về đạo. Vì lịch sự với anh, tôi phải nói. Nhưng anh tự xưng là công an để gài tôi và đòi bắt tôi. Chưa chắc anh là công an hay chỉ là một người đi hù dọa dân lành. Công an không đi lừa phỉnh dân như thế. Tôi la lên cho anh coi. Anh trả tiền đánh giầy cho tôi không? Ðừng tưởng giả dạng công an để hù dọa là tôi sợ. Tôi không sợ anh đâu!
Hắn lúng túng thật sự, quay lưng bỏ đi. Chừng vài chục phút sau đó, hắn trở lại với anh công an tên Hiếu để lấy đôi giầy. Hiếu là một tên công an đánh người và được trẻ em đường phố đặt tên là Hiếu Cùi Chõ. Hiếu lớn tiếng:
- Chào anh Nhật.
- Dạ chào anh Hiếu. Anh khỏe không?
- Anh Nhật mới đánh bóng đôi giầy của anh Khải phải không?
- Dạ... đôi giầy của anh... nầy đây.
- Bao nhiêu tiền?
- Không đáng bao nhiêu đâu. Nếu quen anh Hiếu thì tôi làm giúp cũng được. Tôi ra phường hoài mà có gặp anh nầy lần nào đâu.
- Anh sẽ gặp. Thôi chào.
Họ ra đi, không trả một đồng, nhưng tôi thấy nhẹ nhõm và vui vui trong lòng. Tôi nói một mình với Chúa rằng: Cha ơi chỉ có Người bảo vệ con, chỉ có sự bình an của Người mới làm cho cuộc sống lẻ loi yếu đuối của con được vững mạnh. (Chẳng bao lâu tôi được biết người đóng vai khách hàng giầy dép để gài bẫy bắt tôi tên là Khải, mới được điều về làm Phó công an phường 7 Q. 5) Ðúng thế, sự bình an của Chúa dìu tôi từng bước rất quý giá giữa sa mạc linh hồn của một nền văn hóa lâu đời bị đảo lộn bởi một chủ nghĩa cuồng mê qua tình cảm và ý thức hệ đui mù của một thời đại tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Vợ của ông Khải nầy cũng là công an Quận 5 đã vượt biên! Vợ tôi từng biết vợ ông Khải nầy.