Tôi thực tập đời sống tin kính như một đứa trẻ và đối diện với sự bắt bớ đức tin từ trong nhà ra ngoài phố. Giai đoạn tôi làm giấy dép, tuy cuộc sống an lành phước hạnh, nhưng không có nhiều tiền. Bà vợ tôi không dễ gì mượn nợ như khi còn làm chủ tiệm cơm. Vì được tiếng là bà chủ một tiệm cơm đắt đỏ thì dễ mượn nợ, nhưng sửa giầy dép cũ thì không mấy ai cho mượn nợ. Do đó người đầy tớ Mamon nghĩ đến cách làm sống lại mối tình đầu với một người yêu đang ở Mỹ. Sự liên lạc thư từ của “người tình” nội địa với người yêu cũ ở hải ngoại đã đem đến cho gia đình “người yêu hải ngoại” một trận ghen. Bà Mừng, vợ của anh ta từ bên Mỹ đã xua cơn thịnh nộ tràn về Việt Nam dạt xô lên bờ biển Phước Hải. Người bạn tên B. Hồ đã bị vạ lây, vì trót cho bà nhà tôi địa chỉ của người tình cũ ấy. B. Hồ viết cho tôi một lá thư với lời lẽ rất nặng. (Linh, đứa con gái đầu lòng của B. Hồ đang học ở Mỹ). Ðây là cơ sở cho tôi quyết định dứt khoát ly dị vợ mà không một lời cãi cọ. Bình thường những lúc khó khăn nhục nhã như thế, ý định tự tử xuất hiện trong đầu tôi rất sâu sắc. Nhưng bây giờ đã có Chúa, rõ ràng là tôi không hề nghĩ đến tự tử, dù khi ấy tôi rất yếu đuối.
Lần nầy tôi dứt khoát chia tay vì đã chịu sự phiền toái và bị cắm sừng nhiều lần. Một gia đình tin Chúa mà ly dị là một điều rất đau xót cho hội Thánh P. T. H bên Quận 8. Mục Sư H. T. B khuyên tôi nên kiêng ăn cầu nguyện. Sau ba ngày kiêng ăn cầu nguyện, tôi nghe Chúa dạy tôi phải ăn năn về tội mình và tha thứ tội của vợ mình. Khi kiêng ăn cầu nguyện mà được nghe Lời Chúa dạy thì tôi không dám cãi! Hội thánh P. T. H vui mừng, một số người đã rơi nước mắt. Dĩ nhiên tôi là người đổ nhiều nước mắt nhất. Sau buổi cầu nguyện giảng hòa, tôi đưa vợ con về nhà và tắm cho vợ tôi để tỏ thái độ muốn xóa hết quá khứ tối tăm với tràn đầy hy vọng rằng bà ta biết ăn năn, biết hối cãi để theo Chúa thật lòng. Ngay lúc đó cũng như bao nhiêu lần khác nhà tôi chưa bao giờ có một lần tỏ thái độ nhận lỗi để ăn năn. Chưa bao giờ! Nhưng dù sao thì mùa Nô-en và mùa xuân năm ấy chúng tôi dắt tay nhau với đứa con đi chợ Hoa. Mục Sư H. T. B nở một nụ cười rất ân hậu khi ông gặp chúng tôi ngoài phố. Thế mà chỉ bốn năm sau đó nợ nần mới, nan đề tiền bạc mới, những vụ tình cảm mới trở lại khiến cho mối liên hệ mật thiết giữa Mục Sư H. T. B và gia đình tôi tan tành mây khói.
Sau vụ bức thư tố cáo của B. Hồ gởi đến năm 1985, Chúa vẫn đưa gia đình tôi vượt qua tình trạng ly dị. Gần một năm chúng tôi thiết lập lại sự tin cậy nhau. Cuối năm 1985 ngôi chợ cơ khí Lương Như Học được mở ra. Ngôi nhà chúng tôi ở nằm ngay vị trí mặt tiền của khu chợ. Khách đem giầy dép cũ đến sửa chữa càng đông hơn nhiều. Cuối năm 1985, con tôi bị sốt xuất huyết trụy tim mạch. Tôi phải đi mượn tiền để mua nước biển Thái Lan trong khi con mình đang hấp hối. Con tôi được chuyền nước biển xã hội chủ nghĩa nên bị sốc. Bác sỹ cho biết bịnh viện Nhi Ðồng 1 không có thuốc tốt. Ai cần thuốc tốt thì phải ra ngã tư Lý Thái Tỗ Sư Vạn Hạnh để mua chui theo sự hướng dẫn của bác sỹ. Tôi chạy tới chạy lui để tìm mua chai nước biển chợ đen cho con mình đến nỗi quàng cả mắt, suýt ngất xỉu dọc đường. Khi đem chai nước biển lên tới phòng bịnh của con tôi thì nó gần như xong rồi! Tôi nhìn thấy con tôi đang chết. Nó đứng tròng, cứng đơ. Bác sỹ tỏ ra bó tay. Tôi định thần để nhìn con mình lần cuối. Tinh thần tôi lúc đó hoàn toàn không nghĩ đến một câu cầu nguyện nào cả mà chỉ chú tâm nhìn con để chào tạm biệt nó hầu ghi nhớ trọn đời giây phút đau xót và yêu thương. Nhưng vợ tôi kêu cầu với Chúa. Người nhậm lời kêu cầu của bà ấy như sau:
Trong khi bác sỹ, y tá bận rộn làm hô hấp cho con tôi, người ta bu quanh giường bịnh của nó đông nghẹt, có lẽ họ nghe vợ tôi cầu nguyện. Bất thình thình lình con tôi thở phì và la lớn: “Cảm tạ Chúa Người cứu con”. Sau câu nói “Cảm Tạ Chúa” của con tôi, nó bắt đầu nhúc nhích được, rồi vùng vẫy, nói sảng và sống khỏe mạnh cho đến nay. Lúc đó con tôi vừa hơn 6 tuổi, đang chuẩn bị hát bài Tiếng Trống Ba-Rum-Bùm-Bum với ban ấu nhi trong Hội Thánh P. T. H để tặng Chúa Jesus vào dịp Nô-en gần kề. Phép lạ nầy vô cùng quan trọng. Tôi đã tin tưởng vợ tôi thêm bội phần. Gia đình tôi thêm hạnh phúc. Ðứa con càng trở nên quý giá vô song. Tình vợ chồng khắng khít.
Qua năm 1986, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố đổi mới tư duy. Tôi xếp bớt việc giầy dép qua một bên để làm nghề cơ khí với một anh bạn người Hoa sau khi tôi làm chứng cho anh tin Chúa. Khi tình cảm vợ chồng chúng tôi đang ở mức đáng tin cậy và hạnh phúc nhất, nhà tôi ra Sài Gòn bàn với ông bố nuôi (cụ Xích Ðiểu Trần Minh Tước, một đàn em của ông Lê Ðức Thọ) để mở tiệm sách Chim Ðỏ. Chim Ðỏ là nghĩa nôm của hai chữ Xích Ðiểu, bút hiệu của ông. Nhà tôi cam đoan rằng “sau những thất bại lỗi lầm, nay em đã trưởng thành, đã biết hầu việc Chúa... Chắc chắn em sẽ làm ăn thành công”. Bà nhờ tôi mượn anh tân tín hữu người Hoa ba cây vàng để mở tiệm sách tại đường Ðồng Khởi. Nhờ cụ Xích Ðiểu nói với ông Nguyễn Bá, giám đốc bưu điện Sài Gòn gắn cho nhà tôi một cái điện thoại. Thời buổi đó mà có điện thoại tư gia là một điều đáng nể. Tôi ra đó giúp nhà sách một tay từ khi mới bắt đầu. Công việc nhà sách bộn bề tất bật, nhưng nhờ một số con cái Chúa tham gia cộng tác. Một năm sau nhà tôi không muốn “chồng bà” tham gia công việc nhà sách nữa. Bà cho rằng nghề nghiệp của bà vững vàng rồi, cứ để một mình bà tự do xoay trở thì chắc chắn thành công tốt đẹp hơn. Bà muốn tôi trở lại công việc trong nhà và đừng xen vào “nội bộ làm ăn” của bà nữa. Thấy thế, tôi nghĩ rằng tham gia để giúp đỡ vợ mình cũng vô ích, vì bà quen biết quá nhiều. Giữa xã hội đông đúc, đôi khi bà không giới thiệu tôi là chồng của bà nữa. Ðôi khi bà giải thích rằng “giữa chốn làm ăn mà giới thiệu vợ chồng cũng hơi bất tiện, anh thông cảm, vì thế, khi vắng mặt anh, em dễ đối phó hơn. “ Tôi im lặng rút lui và biết trước rằng tai họa không làm sao tránh được. Có một vài người đàn ông từ Hà Nội vào đã gặp tôi. Họ để lộ sự ngỡ ngàng khi vừa gặp tôi và nghe nói tôi là chồng của “em M”, điều nầy đã làm cho nhà tôi lúng túng thật là tội nghiệp. Tôi quyết định rút lui khỏi vai trò “giúp vợ làm ăn”.
Qua năm thứ hai nhà sách mở rộng những vụ làm ăn lớn. Nào là mai mối xuất cảng đồ gốm cho một nhà buôn Hoa Kỳ tên là Carson. Giai đoạn đầu tôi được sử dụng làm thông dịch viên cho Carson và phái đoàn của vợ tôi. Tôi giới thiệu Carson cho Ðỗ Trung Hiếu để anh ấy kêu gọi đầu tư. Dĩ nhiên đi đâu cũng phải có một hai người của A 18 và PA. 16, là danh xưng của cục Quản Lý Người Nước Ngoài và Cục Phản Gián. Tôi lén lút đưa cho Carson những mẫu răng của quân đội Mỹ do bạn tôi cung cấp (mà tôi tin là thứ thiệt), nhưng sau nầy chẳng có tin tức gì đáp lại. Tiếp theo là những mai mối sắt thép phế liệu liệu Hải Phòng, bộ Quốc Phòng, bộ Lao Ðộng, bộ Thương Binh. Lại thêm những vụ làm ăn “trong tầm tay” như xuất bản sách, cung cấp giấy cho các nhà in và báo Công An. Một ông công an tên là Phi Long làm kinh tài cho tờ báo, nhỏ hơn vợ tôi vài tuổi, nhưng nồng độ công tác giữa hai người khắng khít ra phết. Có một người đã cho tôi biết rằng quán sách Chim Ðỏ chăm sóc Phi Long từng chiếc áo gió, từng ly cà phê. Tôi không tin. Người ấy khuyên tôi hãy ra ngồi bên văn phòng du lịch đối diện quán sách Chim Ðỏ là thấy ngay. Tôi đã ra đó vài lần và thấy nhiều hơn mình tưởng. Ngồi đọc sách hướng dẫn du lịch tại văn phong du lịch nầy, tôi thấy Liêm và Ái Nhi làm việc. Hòa Lễ đùa dởn. Phi Long rề xe đến trước cửa. Người ta vồn vã tấp nập lên xe xuống ghế, cười nói thênh thang. Mọi sự mất hút sau khi họ dìu nhau lên khách sạn Ðộc Lập, nơi đây người giám đốc khách sạn là một nhân viên phản gián nhà nòi, đồng nghiệp với vợ tôi. Tôi đóng vai một người đến xin làm thông dịch viên cho công ty Du Lịch Thành Ðoàn. Ban ngày tôi ngồi trong căn trong phòng nhỏ nhìn qua thư quán Chim Ðỏ bên kia đường Ðồng Khởi cách tôi chỉ vỏn vẹn 20 mét. Tối về, tôi nghe nàng kể những chuyện không giống như tôi thấy. Tôi ngây thơ hồ hỡi hòa đồng, nhưng biết thêm bao nhiêu chuyện không ngờ. Tiền bạc. Danh vọng. Ảo ảnh của phồn hoa đô hội... Mùi thơm ngoài xã hội ban ngày là mùi tanh trong phòng ngủ ban đêm.
Theo như tính toán của bà nhà tôi: “tiền huê hồng mỗi chuyến làm ăn như thế lên đến hàng chục ngàn đô la Mỹ”. Tôi biết chắc là không bao giờ một người làm trung gian dùng nước bọt để ráp nối các nhà kinh doan quốc tế vào Việt Nam mà thu được hàng chục ngàn đô la như thế được. Tôi biết đây là những màn kịch quen thuộc để ma quỷ tung hoành qua khả năng và hoàn cảnh giao tế của bà. Có cả một vụ làm ăn với tập đoàn luật gia Do Thái đến từ Bangkok do Việt Kiều John Havan làm trung gian. Nghe nói John Havan là con của đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Lào tên là Hà văn Vượng thời cụ Ngô. John Havan là người thông minh, khéo léo, vừa sang trọng vừa bình dân, thông thạo nhiều sinh ngữ. Trông anh ấy hoàn toàn như một ông tây nhưng nói tiếng Việt giọng Bắc giống y như người Việt. Dí dỏm, tháo vát, cảm thông, vui tính và thích thể thao, thích chọc cười. Tôi có nhiều tình cảm và nhiều ý tưởng muốn chia xẻ với anh ấy, nhưng chung quanh bầu không khí “kinh doanh” đó, tôi cảm thấy những mũi dùi A. 18, PA. 16 rải rác đóng chốt khá kỹ. Bầu không khí làm ăn theo chiều hướng mở cửa của cộng sản Việt Nam đã đầy dẫy mùi vị phản gián mỗi khi tôi nghe các cuộc điện đàm ban đêm với ai đó từ Hà Nội, Bangkok....
Dù hoàn cảnh và tình cảm của chúng tôi có đong đưa đi về mấy bận ngược xuôi lắc léo, thì trên nguyên tắc, tôi vẫn còn chút tư cách làm chồng khi bà về tới nhà. Nhưng khi một người chồng đã được vợ đặt ra ngoài công việc “kinh doanh vĩ đại” như thế, thì không thể nói gì hơn được rồi. Càng hỏi tin tức, tôi càng bị bà xã cho rằng “anh đừng xen vào công việc làm ăn của em”. Một người vợ như thế giữa thời buổi mở cửa của cộng sản Việt Nam, đi sớm về khuya, có khi ra Hà Nội gặp “Cấp Bộ” cả tuần, cả tháng. Người chồng ở nhà lo liệu nuôi con. Mỗi khi bà vợ về báo những tin mừng: “tiền sắp vào ào ạt”, sự lo lắng trong tôi càng tăng thêm. Nhờ thế lực của cụ Trần Minh Tước, xưởng cơ khí của tôi gắn được đồng hồ điện ba pha (xưởng cơ khí đứng tên cụ Trần Minh Tước, tôi không có hộ khẩu). Tôi lo sản xuất lẻ tẻ máy tiện, máy khoan, máy hàn, máy xay cà phê và máy bơm nước, láp chân vịt ghe tàu nhỏ. Vợ tôi làm ăn lớn hơn nên thỉnh thoảng hụt tiền nhờ tôi xoay xở thêm vốn. Nghề cơ khí làm cho tôi hom hem dầu mỡ, nhưng vợ tôi hay đi xe hơi loại xịn ghé về nhà bất chợt với cách ăn mặc sang trọng rực rỡ làm cho tôi nhớ lại con người cũ của bà trong thời gian bà mới nghỉ việc ở ban lãnh đạo đoàn hát. Hồi đó tôi đạp xích lô. Có những đêm bà vợ tôi mặc đồ đẹp ngồi lên xích lô nhờ tôi đưa đến gặp Cục Quân Báo Bộ Quốc Phòng sát bịnh viện Ðồn Ðất. Nơi đây có một cái bar bán rượu tây gồm toàn những ông tai to mặt lớn tụ họp nhảy đầm và hú hý hằng đêm. Họ là tướng, tá, bác sỹ quen thân với vợ tôi như anh em ruột trong nhà. Nơi đây có những cô ca-va đẹp như hoa. Quán rượu tây nầy rất sang trọng trong một biệt thự Tây có vườn cây và sân cỏ. Có lẽ nó đã được tổ chức từ trước khi chúng tôi quen nhau. Theo như vợ tôi thổ lộ, họ nhảy đầm và giải quyết nhiều công tác đặc biệt. Vợ tôi cần đến để tìm cách xin một tờ giấy giải ngũ cho đứa em ruột tôi đang trốn nghĩa vụ quân sự trong nhà. Ở đây có một vị bác sỹ, vợ tôi gọi là anh Năm, mỗi khi say rượu, ông ta cứ lè nhè một câu: “Ðừng dỡn mặt với chính quyền Sô Viết”. Một người con gái em ruột của bác sỹ Năm nầy cũng làm bác sỹ ở phòng Y Tế Quận 5. Gia đình họ ở đường Cô Giang Q I. Sau khi vợ tôi đã tin Chúa, tôi nghĩ rằng bà không còn dính dấp với Cục Quân Báo đó nữa. Nhưng tôi đã lầm to nên đồng ý cho bà mở nhà sách Chim Ðỏ để:
Châu về hiệp phố thênh thang
Ngựa quen đường cũ nhẹ nhàng gọn bâng
Khuê trung gác vó phi tần
Phu quân viễn lộ sương gần rụng rơi
Chợt nghe gió thổi bời bời
Ðêm trường lặng lẽ chân trời rộng thênh
Vi vu gió rít trên ghềnh
Em đi mấy bước, anh đành chết trân!
Một hôm, cô Ái Nhi đang ở cửa hàng sách điện thoại về Chợ Lớn báo cho tôi biết: “chị M bất đồng với ông cụ. Tình cảm cha con có gì sứt mẻ. Chị M đi suốt ngày không biết gì đến nhà sách. Ông cụ xuống nhà sách chưởi bới om sòm. Các chủ nợ đến đòi tiền suốt ngày, nhưng không có chị M ở nhà, chẳng ai giải quyết gì được. Xin anh Nhật cho ý kiến”. Một hôm khác anh Liêm gọi điện vào Chợ Lớn hỏi “anh Huệ Nhật biết bác sỹ Hòa Lễ không? Có muốn nói chuyện với Hòa Lễ không?” Lại một hôm khác nữa tôi nghe trong điện thoại có tiếng đỏng đảnh của Hoà Lễ với nhà tôi. Tôi tự nhủ rằng trước đây hắn đã nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Mày là một con chó đói khốn nạn đã dùng vợ mày để làm tiền tao một lượng vàng”. Hắn đã cùng anh ruột là Ðiền Hòa Lộc xông vào đánh tôi vì vợ tôi mắc nợ hắn. Ðây là một vụ nợ nần giữa họ với nhau trước khi tôi gặp bà ấy, nhưng họ đem ra để làm nhục tôi vì muốn thử xem tôi ứng phó bằng cách nào. Tôi tin rằng Ðiền Hoà Lễ là một mật báo viên trong mê hồn trận của Mai Chí Thọ. Sau nầy tôi còn biết thêm một số dữ kiện khác nữa do một người phụ nữ đã từng là vợ chính thức của Hòa Lễ. Bà có một đứa con với Hoà Lễ, nhưng chịu mất chồng vì anh ta “công tác” với chị M quá kỹ. Người đàn bà đáng thương nầy hiện đang sống tại Hoa Kỳ.
Một người vợ đã gây ra chuyện nợ nần kinh khủng và để cho tình nhân hạ nhục chồng mình như thế, nhưng chưa hề thấy mình có lỗi với chồng. Bởi vì bà chỉ quan tâm đến trách nhiệm công tác của bà trên đời sống tôi. Chuyện đau lòng, nhưng nhờ ơn Chúa, tôi chịu đựng được và giữ êm thấm gia đình suốt cả chục năm. Bây giờ bà ấy trở lại đỏng đảnh với Hòa Lễ một cách éo le ngay tại nhà sách trong khi có Ái Nhi và Liêm là hai con cái Chúa đang giúp việc. Khi bà về nhà, tôi hỏi về Hòa Lễ, bà không nói. Một hôm khác có anh chị em trong Chúa nói với tôi: “Tình cờ em gặp chị M đi với một người đàn ông trẻ tuổi đẹp trai, chị giới thiệu đây là người chồng cũ, tức là bố của Bé Trang. Họ chở nhau bằng xe Lambrettic”.
Người chồng cũ có một đứa con ngoại hôn với vợ tôi tên là Ngà sống ở Tây Ninh. Tôi đã gặp Ngà. Ngà thì đen và không đẹp trai. Bây giờ nhà tôi giới thiệu người chồng cũ nầy khi gặp người chị em trong Chúa, tôi nghĩ rằng đây là Hòa Lễ chứ không ai khác. Những tin tức như thế dồn dập cho đến khi một anh bạn của tôi cho biết thêm nhiều chi tiết như đi ăn tiệc, nhảy đầm với bác sỹ Hòa Lễ ở đâu... Ở đâu... đi bằng phương tiện gì... Khi sự việc đến là đến dồn dập như chuyện của Gióp. Cùng lúc với các tin tức liên quan tới Hòa Lễ, tôi còn phải tiếp những người khách đến tìm cô M để đòi nợ: vợ chồng bà Vũ (bộ Quốc Phòng) và ông thiếu tá Sơn (công an bí mật) đến đòi nợ. Chị V. Liên đòi nợ. Bà Hoan đòi nợ. Cô Trà Giang nhà xuất bản An Giang đòi hàng chục triệu tiền nợ. Cô Liên và ông Minh giám đốc Nhà In Số 4 đòi nợ. Chị Thủy, nhà xuất bản Văn Nghệ đòi nợ. Cô Nga công ty Fimexco đòi nợ. Cô Thảo, thường trực văn phòng Ban Ngoại Thương của Thành Uỷ đòi nợ. Chú Bắc ở đường Ðồng Khởi đến đòi nợ. Chị Nga (mẹ của bạn bé Phương) đòi nợ. Mỗi món nợ ít nhất là nửa triệu và nhiều nhất lên tới 17 triệu. Người đòi nợ dai dẳng, nhịn nhục, đau lòng nhất là bà vợ ông Hoan. Bà gầy ốm xác xơ, cứ chiều chiều đến ngồi im trước cửa nhà tôi để chờ cô M. Bà chờ cho đến tối sẫm rồi quay vào nhà chào tôi một tiếng với hai hàng nước mắt để đi về. Bà không than thở, không kêu ca, chỉ ngồi một chỗ ngay trước cửa như một người ăn xin! Tôi nghĩ rằng bà Hoan muốn đánh động lòng trắc ẩn trong tôi để tôi có thể gây ảnh hưởng lên bà M. Bà Hoan tưởng rằng cô M còn đôi chút “lương tri” để nghe chồng đánh thức. Nghe nói bà Hoan đã giao cho bà M một số vàng để chạy chọt cho người chồng đang bị tù. Chồng bà là ông Hoan, có đến nhà tôi vài lần, có tặng cho xưởng cơ khí của tôi những cuộn giây điện phi 03mm. Hình như ông Hoan và bà M có hùn hạp làm ăn chung với nhau! Một người đàn bà khác có cung cách đòi nợ rất hống hách là cô Thảo, thường trực văn phòng Ban Ngoại Thương của Thành Uỷ. Mỗi ngày cô Thảo dùng điện thoại để chưởi bới và hăm dọa tôi năm bảy lần. Người đòi nợ nhẹ nhàng là chị Nga Fimexco, mười bảy triệu. Người đòi nợ nửa úp nửa mở là hai chị em ruột V. Liên và V. Tâm. Hai chị nầy thân với bà xã tôi quá và đã cho bà ấy mượn nợ nhiều lần mà cứ dấu tôi, đến khi kẹt quá mới tìm tôi để dò hỏi. Năm 1992 chị V. Liên ở Mỹ về Saigon cũng nhắn tôi đến để hỏi nợ. Tôi nói: “chị cho bà ấy mượn, chị và bà ấy ở bên Mỹ, tại sao lại về VN hỏi tôi?” Chị V. Liên im lặng!
Tổng cộng những món nợ mà tôi biết được là trên một trăm triệu. Thế gian nói thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi. Suốt 12 năm sống với bà M, tôi có cả ba thứ một lúc và chia ra ba đợt nợ nần. Còn nhà dột, vợ dại trong nhà thì tôi vẫn có triền miên. Vợ dại trong nhà chưa khổ bằng vợ khôn nhà mà dại chợ, đặc biệt là cái chợ an ninh tình báo. Tôi bàng hoàng, bối rối như gà mái tìm không ra chỗ đẻ. Trong khi ấy nhà tôi đã ra Hà Nội cả tháng trời. Có lẽ bà ấy đi trốn nợ, hoặc đi xoay xở nợ ở cấp “trung ương”. Cũng thời gian nầy tôi nhận được một tin rất lạ. Mục Sư H. T. B đến nhà cho tôi biết rằng: “Vợ anh đã ngoại tình, đã ăn ở với một Việt Kiều tên là Mẫu tại Vũng Tàu, tôi biết chính xác”. Mục Sư H. T. B đem tin nầy cho tôi để đẩy tôi vào sự bận tâm mới, vì tôi đã trách ông về việc mua con lai để làm hồ sơ đi Mỹ (vô tình mà tôi biết được chuyện này). Ông sợ tôi đem chuyện con lai ra giữa Hội Thánh, nên dùng chuyện ngoại tình của vợ tôi để đánh lạc hướng dư luận trong hội thánh, trong khi tôi quý trọng ông và muốn bảo vệ uy tín cho ông! Biết được thâm ý Mục Sư H. T. B, tôi càng giận, càng buồn, càng sa sút, và mất sức lực nhất. Tình trạng thê thảm đến mức tôi phải thâu băng để giữ lại những lời nói khủng khiếp nầy, vì biết nhà tôi là một người rất ngoan cố, chỉ có bằng chứng rõ ràng mới làm cho bà im lặng (im lặng, chưa bao giờ nhận lỗi!). Người cộng sản chủ trương nhất lý nhì lì đúng y như bà M. Tôi đã học được những bài học chua chát; vì nói đúng nhưng không nêu được bằng chứng, nên đã bị bà ấy ghép tội “vu khống, độc ác, bất nhân, ăn nói gian ngoa, dùng lời cay độc... “ Mặc dù bằng chứng cũng không thể giúp bà nhận lỗi, nhưng ít ra cũng giúp bà bớt cãi bướng và không còn đổ cho tôi cái tội “phá hoại công việc kinh doanh đang ngon trớn của em”.
Tôi mời ban trị sự họp lại để công khai hóa bản tin của Mục Sư H. T. B. Tôi muốn đem nan đề đặt vào tay những người cùng hầu việc Chúa và nhân tiện tôi xin ra khỏi ban chấp sự. Tôi muốn giải quyết nhanh chóng những bằng chứng về cuộc sống của vợ mình. Tôi cũng xin thu băng cuộc họp ấy. Mục Sư H. T. B và ban trị sự đến nhà tôi đúng 19 giờ như đã hẹn, nhưng chờ đến 22 giờ 30 bà ấy mới về. Bà vừa về đến nhà, tức khắc xẩy ra một cuộc cãi vã với ông bà Mục Sư H. T. B. Theo sự hiểu biết của tôi thì việc bà ấy ăn ở với Việt Kiều tên Mẫu ở Vũng Tàu là không đúng. Tôi biết ông Việt Kiều ấy chưa về Việt Nam. Gia đình ông ở xã Phước Hải. Một người đã từng có tiếng tăm trong xã Phước Hải, sau mấy chục năm sống bên Mỹ, nay trở về quê mà tại sao tôi không hay biết? Có thể bà ấy ăn ở với một áp phe làm ăn, hoặc một ca phản gián nào khác, hoặc chính là Hòa Lễ, nhưng đã bị lộ tẩy nên bà ta phải đánh tráo thông tin để tạo hỏa mù. Tôi đã ở trong chăn thì phải biết rận hơn người ở ngoài chăn chứ!
Mục Sư H. T. B cho tôi biết rằng nguồn tin “rận” nầy do chị Kim Ðặng cung cấp là đúng 100%. Chị Kim Ðặng là người có làm ăn chung với nhà tôi từ lâu. Cả hai người đã từng là vợ bé ông cựu dân biểu Nguyễn Văn Hàm. Dù gì thì tôi cũng phải đặt lại vấn đề trực tiếp với bà nhà tôi. Tiếc thay, những câu hỏi tôi đặt ra cho bà chỉ nhận lại những câu trả lời rất vô lễ. Tôi hỏi tiếp: “Ði chơi với bác sỹ Hoà Lễ sao phải giới thiệu hắn là chồng cũ của mình? “. Câu hỏi bất ngờ nầy đã làm cho bà bối rối nên phải nói liều: “Tôi chỉ đi chơi với nó cho vui thôi chứ không ăn ngủ với nó đâu, anh đừng lo”. Không còn gì để giận, không còn gì để tiếc, tôi dững dưng nói: “Uổng cho em quá, chỉ đi chơi cho vui, không ăn ngủ gì cả mà cũng để tan nát gia đình”. Cả hai chúng tôi đều cười một cách khô khan. Ôi nụ cười đáng sợ của một cặp vợ chồng chỉ hiểu nhau sau khi đã giết chết tình nghĩa phu thê! Nếu không có ơn thương xót của Chúa thì những nụ cười ấy không thể nào tan biến đi đâu được mà càng thêm tối dạ mù lòng. Người lãnh đủ không phải hai vợ chồng chúng tôi mà là đứa con trai duy nhất 11 tuổi. Ðây là những giây phút mà tôi cần Chúa nhất. Chính những lúc nầy mới thấy Ðức Tin của Thập Tự Giá quý báu đến mức nào. Lúc nầy tình thương yêu trong hội thánh hầu như không còn nữa. Một gia đình gây gương xấu đến mức đó thì chẳng mấy ai tin tưởng, chẳng mấy ai dám an ủi viếng thăm. Chưa kể mình là đề tài nóng bỏng trên cửa miệng của nhiều người. Mình là gánh nặng, là cục đá gây vấp phạm. Vắng mặt mình, anh em yên tâm hơn. Ðó là tình trạng hội thánh hữu hình.
Lần lượt những lá thư nặc danh, hữu danh từ xa gởi đến khuyên tôi nhiều câu thiêng liêng: “Ông nên làm sáng danh Chúa. Ông nên nhờ Ơn Chúa mà đứng dậy. Xin ông đừng bỏ Chúa vì nhiều người đã biết đến ông... “ Không có một người nào han hỏi tình trạng thuộc linh thuộc thể của tôi ngoài những lá thư nói bóng gió và dạy đời làm như họ đã quá biết tôi rồi; mà thật ra những người đó chưa quen biết tôi, hoặc nếu có người quen thì họ cũng chưa hề trực tiếp hỏi thăm tôi một câu nào để biết hoàn cảnh của tôi hư thật ra sao. Những lời khuyên thiêng liêng như thế trở thành những nhát búa. Người ta muốn tôi tiếp tục chạy để “làm sáng” danh Chúa trong khi tôi đang què và mang đầy những vết thương! Trong tình huống ấy, nếu không có Chúa xoa dịu trong linh hồn tôi thì cả bộ não phải vỡ tung ra rồi. Nếu bộ não không vỡ tung thì phải kiếm con ma tự tử. Nhưng tạ ơn Chúa. Chúa là Ðấng nhân từ, thực hữu dù khi ấy tôi không nói hết với Người, nhưng tối thiểu tôi cũng kêu lên một tiếng như lời được khắc trên vách tường xà lim: “Chúa ơi sao con khổ thế nầy? “Câu nầy nếu chỉ kêu ở đầu môi chót lưỡi như người ngoại kêu trời thì chẳng khác chi tiếng vọng phớt qua như dầu cù là xức da cùi hũi. Nhưng một người đã được Chúa cứu với những bằng chứng từ nội tâm đến ngoại cảnh thì câu nầy không phải là một tiếng vọng mà là một câu hỏi liều mạng nhất để chỉ còn nhắm mắt chờ đợi như một sự phó thác tạm thời. Nhờ vậy mà tiếng gào kêu sâu thẳm của tâm can không gây tiếng ồn đến người lân cận, và giọt nước mắt chảy yên lặng về đêm không làm cho đứa con thơ trằn trọc mất giấc ngủ tuôi thơ. Thật ra tôi cũng không biết tại sao lúc đó tâm hồn tôi vẫn còn hai tiếng Chúa Ơi và linh hồn tôi tin chắc Người biết hết. Ðây là Hồng Ân của Chúa, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Vâng, Ðức Tin là như thế đó.
Bây giờ quay lòng nhìn lại cũng phải nhờ ơn Chúa mình mới thấy rõ vấn đề; nhất là vấn đề được nhìn lại sau hàng chục năm yếu đuối, chẳng khác chi ống kính viễn vọng Hubble trên không gian đã được chỉnh lại.
Một người chồng trí thức Phật Giáo mà gặp hoàn cảnh như tôi, anh ta có thể ngồi thiền được không? Trên lý thuyết thì được, và nếu được thì phải có kết quả. Nhưng trên thực tế, tôi chưa gặp một ông chồng nào bắt được vợ mình ngoại tình và hoang phí đến đổ nợ mà có thể ngồi thiền để nhập đại định từ bi vô lượng vô biên đạt thành chánh quả đáo bỉ ngạn... Trên thực tế, tôi biết chắc và kinh nghiệm xác thực rằng ông chồng đó phải biết kêu: “Chúa Ơi”. Phải hỏi Chúa tại sao Người để con bị như thế nầy? Chắc chắn Người biết trước mà! Dù hoang mang đến mấy cũng phải hỏi Chúa, Ðấng vô hình. Càng hoang mang càng phải hỏi Người và phải biết Người là ai để mình đặt câu hỏi kín nhiệm. Phải nhớ lại, nếu không nhớ bằng trí thì nhớ bằng “bản năng” của Ðức Tin, rằng Chúa đã làm gì cho mình lâu nay (như Thi Thiên 90:12, Giê-rê-mi 12:1-6). Hiện tại mình cần làm gì cho mình và cho Chúa? Nếu mình trách móc Chúa, mình có quyền nói và Người lắng nghe. Kinh khủng quá! Chúa thật là kỳ diệu. Ai đã từng ở trong nguy nan mà kêu cầu Chúa và được Người đáp lại thì tin điều tôi viết ra đây, và nói Amen. Ai đã kinh nghiệm sự thương xót của Ðấng Toàn Năng, đã từng ẩn núp trong Người thì chỉ thêm lời cảm tạ. Nhưng với bất cứ ai không ở trong Chúa, thì điều nầy thật là khó tin! Ai đã trải qua cơn đau khổ để biện luận với Chúa như Người cho phép trong Ê-sai 1:8 “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau... “ chắc chắn người ấy cũng xem điều tôi viết ra đây là bởi ơn thương xót của Người. Những đứa con cùng một cha khi ngồi kể chuyện tình yêu của cha cho nhau nghe, họ không nghe lộn được, họ không nghi ngờ và không dối lòng được. Cám tạ Chúa là Cha nhân từ.
Không đòi được nợ, các chủ nợ đến bắt kẹt tôi: “Tại sao ông làm chồng mà không biết vợ mình mắc nợ?” Tôi đem câu hỏi đó để yêu cầu nhà tôi giải thích. Thay vì trả lời cho tôi, bà đổi cách ứng phó thật là ngộ nghĩnh. Mỗi đêm về đến nhà bà cầu nguyện bằng tiếng lạ trước khi đi ngủ. Khi đi ngủ thì nói sảng bằng những lời mơ ngủ cố ý làm cho tôi nghe. Câu nói nằm mơ ấy được lặp đi lặp lại: “Hỏi toàn việc ác không à”. Tất cả những điều ấy không làm tôi nao núng. Tôi đề nghị ly dị và tìm cách ra nước ngoài. Lúc đầu bà không chịu ly dị mà xin được sống theo tôi với tư cách một người “đầy tớ”! Ðúng là người cộng sản nhất lý nhì lì chứ không bao giờ nhận lỗi, không bao giờ ăn ăn. Khi bí quá thì thực hiện khổ nhục kế. Tôi không trả lời ý kiến “xin được làm người đầy tớ” của bà. Tôi nghĩ người Cộng Sản lì lợm thật. Ðảng viên cộng sản còng cổ dân rồi xưng mình là “đầy tớ” của dân, bây giờ vợ cộng xin làm “đầy tớ” cho chồng sau khi đã bán rẻ danh dự của chồng mình cả tình lẫn tiền. Ôi họ “chung thủy” một cách đáng sợ! Chẳng có ông chồng nào chấp nhận để vợ làm đầy tớ mình sau khi bà ta đã bội tín hằng tá lần cả tình lẫn tiền. Tư cách một người đầy tớ thì cũng phải là người đáng tin cậy mới được chứ. Nhưng người vợ bội tình, bội tiền, bán rẽ danh dự chồng, đam mê chính trị và tình báo thì làm sao có thể trở thành người đầy tớ cho chồng được? Thế mà bà nhà tôi đã đề nghị với cả “tấm lòng tha thiết” để được làm đầy tớ cho tôi chứ không hề nhận lỗi! Tôi nói một mình trong bụng: “thưa chị, em không dám có đầy tớ đâu!”
Tôi đã đối diện với những con nợ, lòng tôi nặng trĩu, không làm sao giải thích nổi. Nhưng rồi mọi sự cũng đi qua, vì tôi cứ nói “Chúa ơi, chỉ có Chúa biết con phải làm gì. Ngoài Chúa ra con không có phước nào khác. “ Nhà văn Kim Dung diễn tả một môn võ thuật “vô-chiêu thắng hữu-chiêu” nghe rất hay, nhưng trên thực tế không bao giờ con người đạt đến vô-chiêu cả. Sau nầy tôi suy gẫm, và thấy rằng vô-chiêu là phó thác mình cho Chúa. Sở dĩ chúng ta có được vô-chiêu vì Chúa là tất cả chiêu thức cho chúng ta. Tạ Ơn Chúa!