Nhân dịp sinh nhật của đứa cháu khoảng 14 tuổi, tôi dẫn nó vào một trung tâm thương mãi để mua cho nó bất cứ món quà mà nó thích. Hôm ấy, có nhiều món hàng đại hạ giá được bày bán ngay ở lối ra vào của một tiệm lớn, trông cũng đẹp mắt, nhưng nó không thèm nhìn đến mà đi thẳng vào bên trong tiệm. Tôi hỏi, “Bác thấy có nhiều món đồ đại hạ giá ở đằng kia cũng đẹp lắm, sao con không thích?” Nó trả lời, “Món đồ có giá trị thì không bao giờ đại hạ giá!”
Câu trả lời của nó giúp tôi hiểu được phần nào tại sao trong bốn tuần lễ liên tiếp, từ Chúa Nhật XX đến hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe những đoạn phúc âm, có thể nói, rất khó nghe.
Trong phúc âm Chúa Nhật XX, Chúa Giêsu nói, “Anh em tưởng Thầy đến để đem hoà bình cho trái đất này hay sao? Thầy bảo cho anh em biết không phải thế đâu, nhưng đúng hơn là đem sự chia rẽ.” Chúa Nhật XXI, Chúa nói, “Hãy phấn đấu để qua được cửa hẹp mà vào” nước thiên đường. Rồi Chúa Nhật XXII, Chúa nói, “Ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống,” và “Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, … thì mới thật có phúc”. Và hôm nay, Chúa nói với đám người đi theo Chúa những điều thật khó hiểu: ai muốn trở thành môn đệ của Chúa thì phải “ghét bỏ” người thân yêu trong gia đình, ngay cả “ghét bỏ” mạng sống của mình; và phải “từ bỏ hết những gì mình có”!
Không lạ gì, khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, chỉ còn một vài người trung thành theo Chúa đến cùng. Tuy thế, Kitô Giáo đã tồn tại trên 2,000 năm và điều đó khiến tôi tin rằng Kitô Giáo là đạo thật và sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai theo Chúa.
Trong bài phúc âm hôm nay, Đức Giêsu đề cập đến tinh thần môn đệ. Chúng ta thử tìm hiểu xem tinh thần môn đệ được áp dụng như thế nào và khác biệt thế nào với những người mang danh là Kitô Hữu.
Chúng ta trở thành tín hữu Kitô qua bí tích rửa tội, khi còn nhỏ hay khi trưởng thành, nhưng đó mới chỉ là theo đạo, chúng ta có tinh thần môn đệ hay không thì phải đợi cho đến khi chúng ta đương đầu với những thử thách.
Trong những gia đình Công Giáo đạo gốc, chúng ta thường nghe ông bà, cha mẹ nói với con cháu, “Chúa Nhật phải đi lễ. Không đi lễ thì có tội!”. “Tối trước khi đi ngủ thì phải đọc kinh. Không đọc kinh thì quỷ kéo chân!”, hay “Khi hấp hối gần chết thì phải gọi cha xức dầu, nếu không thì xuống hỏa ngục!”, v.v. Các lớp giáo lý cho tuổi trẻ thì không đi sâu vào lối sống đạo. Được dạy bảo thế nào, chúng ta tin như thế mà không thắc mắc gì thêm, và rồi chúng ta thi hành những công việc đạo đức đó một cách máy móc.
Nhiều người trở lại đạo Công Giáo nhân dịp kết hôn. Điều đáng tiếc là một số người không thành tâm trở lại, không coi hôn nhân là một cơ hội để tìm hiểu về Thiên Chúa, do đó, việc giữ đạo của họ cũng chỉ là những hình thức đạo đức bên ngoài.
Với sự hiểu biết về đạo như thế, đời sống của chúng ta có thể có hai mặt. Khi ở nhà thờ, chúng ta là một tín đồ ngoan đạo, nhưng ngoài xã hội, chúng ta cũng không khác gì một người không có đức tin – cũng gian dối lỗi đức công bằng; cũng tin dị đoan, xem bói hay coi tử vi hàng ngày, và nếu có mở tiệm buôn bán thì cũng thờ ông địa để được đắt hàng!
Tinh thần môn đệ của Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại thói quen đạo đức của mình để xem có còn đúng với sự giảng dạy của Chúa hay không. Nói cách khác, đức tin mà chúng ta lãnh nhận khi còn nhỏ là của cha mẹ hay giáo lý viên, đó chưa phải là đức tin của mình. Tương tự, khi kết hôn với người Công Giáo, đức tin của vợ/chồng thì chưa phải là đức tin của mình cho đến khi chúng ta thực sự tìm hiểu, và sống đức tin đó trong đời sống hàng ngày.
Sống đức tin là thập giá hàng ngày trong cuộc đời chúng ta. Nhiều người Công Giáo lầm lẫn cho rằng thập giá là các biến cố bi thảm gây ra đau khổ, tỉ như tai nạn xe cộ, bệnh ung thư, bị thất nghiệp hay cái chết bất ngờ của người thân, hoặc những đổ vỡ trong hôn nhân, v.v. Nếu hiểu thập giá là sự đau khổ như thế, câu nói của Chúa Giêsu, “Ai không vác thập giá của mình và theo tôi thì không thể là môn đệ của tôi”, sẽ bị chúng ta giải thích một cách sai lầm rằng Thiên Chúa thích gây đau khổ cho loài người và bắt họ phải gánh chịu! Thực tế cho thấy, nhiều người Công Giáo đã sai lầm an ủi những ai bị đau khổ rằng “hãy vui lòng chấp nhận thập giá Chúa gửi”! Một Thiên Chúa đầy tình thương đã bị chúng ta trình bầy như một người hung ác!
Quan sát chúng ta thấy, ngoài những đau khổ vì thiên tai, chính con người gây ra đau khổ cho nhau vì những tham sân si, những dục vọng khiến chúng ta có những lời nói, những hành động đưa đến sự đau khổ. Học thuyết Công Giáo cho rằng đó là hậu quả của tội nguyên tổ nên con người không còn làm chủ được chính mình. “Điều tôi muốn thì tôi không làm. Điều tôi không muốn thì tôi lại làm.” Không ai muốn gây ra đau khổ cho người thân yêu, nhưng chúng ta lại không thể làm chủ được chính mình để bớt nóng giận, để kiểm soát lời ăn tiếng nói, để dứt bỏ những dục vọng sai lầm, hoặc thay đổi lối sống lười biếng của chính mình.
Tinh thần môn đệ ở đây là chúng ta phải nhận biết bản tính yếu đuối của con người và cố gắng thay đổi tốt hơn với sự trợ giúp của Chúa qua sự cầu nguyện và các bí tích. Thay đổi trở nên tốt không phải dễ, do đó, cố gắng thay đổi chính mình là “vác thập giá”, là tập luyện một nếp sống mới theo gương Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu: ai không “ghét bỏ chính mạng sống của mình” thì không thể là môn đệ của Chúa. Chúa kêu gọi chúng ta hãy chết đi con người cũ để tập luyện trở nên một con người mới.
Sống tinh thần môn đệ là một thập giá mà không phải người Công Giáo nào cũng có thể chấp nhận. Bởi đó, trong gia đình, con cái có thể xa lạ với cha mẹ bởi vì họ không sống đức tin làm gương, họ trở nên người giả hình. Hay ngay cả vợ chồng cũng không còn tâm đầu ý hợp khi một người sống tinh thần môn đệ, và người kia chỉ muốn hình thức bề ngoài. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi văn minh ngày nay là “văn hóa sự chết.” Chúng ta không chết về thể xác nhưng chết về tinh thần.
Xã hội ngày nay đề cao sự hưởng thụ nên sự phục vụ tha nhân dường như không còn ý nghĩa, lời giảng dạy của Chúa Giêsu bị coi thường. Ngày nay, người ta được đánh giá qua y phục, đồ trang sức hay căn nhà, hoặc chiếc xe. Càng đắt tiền thì càng được coi là có giá trị. Trong khi đó, loài người có giá trị là vì được “dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa”, và điểm chính là sự thánh thiện.
Khi xuôi theo dòng xã hội, chúng ta vô tình đánh mất căn tính đích thực của mình mà lại tự hào về điều đó. Chúng ta bám lấy những giá trị tạm thời mà tưởng là cùng đích. Chúng ta để vật chất làm chủ chính mình, và dần dà chúng ta khinh bị người nghèo, bởi vì họ không có được các tiêu chuẩn mà xã hội vật chất này đặt ra.
Một cái chết khác là xã hội đề cao cá nhân chủ nghĩa nên sự hy sinh dường như vô nghĩa, hậu quả là người phụ nữ dễ phá thai hơn là hy sinh cho con cái; vợ chồng sống chung trong một mái nhà như hai người “share” phòng, bình đẳng về quyền lợi thay vì hy sinh cho nhau để nói lên tình yêu của mình. Tỉ lệ ly dị của người Công Giáo hiện thời thì cũng ngang bằng với người đời.
Khi nhắm mắt đi theo dòng văn hóa sự chết, chúng ta không khác gì người xây tháp trong dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay. Họ khởi công mà không có sức hoàn thành thì chẳng được lợi ích gì. Hay giống như ông vua đem quân đi giao chiến mà không tính toán cho kỹ thì sẽ thất bại.
Tương tự như thế, chúng ta chỉ theo Chúa qua những hình thức đạo đức bên ngoài mà không sống tinh thần môn đệ thì không hiểu được thế nào là bình an, là niềm vui của một người đã tìm thấy chân lý trong cuộc đời.
Vào thời của Đức Giêsu, có người hỏi, “Thưa Ngài, những người được cứu độ thì ít, có phải không?” Đức Giêsu không trả lời là “có” hay “không”, bởi vì, nói cho cùng Đức Giêsu không phải là người quyết định. Chính chúng ta là người quyết định, bởi vì chúng ta có tự do để lựa chọn. Chúng ta có muốn “phấn đấu để qua được cửa hẹp”, hay chúng ta không đủ sức để vượt qua?
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thuộc về một vài người dám đứng dưới chân thập giá. Chúa kêu lên, “Tôi khát” không vì sự tàn nhẫn của khổ hình thập giá, nhưng vì Chúa khao khát tình yêu của chúng ta.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để trở nên một chứng nhân cho Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.