Hôm nay là lễ Hiển linh, nghĩa là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, cho dân ngoại. Ý nghĩa của đại lễ này toát lên từ đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe đọc.
Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Mát-thêu kể lại cuộc bái yết của những vị được gọi là các nhà chiêm tinh (vì biết ngắm sao đoán điềm trời) hay các nhà hiền triết (vì biết đi tìm lẽ khôn ngoan) hay các vị đạo sĩ (vì cố công truy tìm chân đạo) hoặc là các vị quân vương (ba vua theo kiểu nói bình dân) (vì đại diện cho mọi dân tộc), một ông là vua Phi châu, một ông là vua Á châu, một ông là vua Âu châu, với 3 cái tên gán “ẩu” là Gaspar, Melchior, Balthasar.
Mát-thêu đặt câu chuyện ngay từ các trang đầu cuốn Tin Mừng của ông, bởi lẽ ông muốn trình bày họ như đại diện cho những vùng đất xa xôi mà Đấng Phục Sinh sẽ sai các môn đệ đến trong lần gặp gỡ cuối cùng ở Ga-li-lê: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19). Ba lễ vật dâng cho Chúa Giêsu ngay đầu đời của Người hôm ấy: nhũ hương xưng tụng Người như Thiên Chúa, vàng xưng tụng Người như Vua cả và một dược xưng tụng Người như phàm nhân phải tử vong, thật ứng với lời tuyên bố cuối đời trần thế của Người: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Hãy đi làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa (x, Mt 28,18-19). Hãy đi rao giảng: Đấng Kitô đã chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại (x. Lc 24,46-47).
Hôm nay, chúng ta hãy cùng xem lệnh truyền đó đã thực hiện ra sao trên cái vùng đất xa cách Galilê vạn dặm trong không gian và xa cách Chúa Giêsu gần cả vạn niên trong thời gian. Đó là đất nước chúng ta, dân Việt chúng ta, để hiểu rõ thế nào là hồng ân ánh sáng mà chúng ta đang được hưởng, vì quả thật là đây hồng ân ánh sáng, như lời cụ già Simêon tuyên bố khi bồng Hài Nhi trên tay tại Đền thờ: “Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32).
Tựa làn sóng, tỏa lan ngàn thế hệ,
Lời ấy thúc bao chiến sĩ Nước Trời
Vượt nghìn trùng, đến tận chốn xa xôi.
Băng vạn nẻo, tới Đông phương huyền bí.
An Nam quốc, đã từ bao thế kỷ,
Bóng đêm dày, chẳng ánh sáng trời cao
Có biết đâu ơn cứu độ tràn trào
Hơn ngàn năm, cõi Tây phương hứng nhận.
Các vị Thừa sai đã rao giảng cho chúng ta những gì kể từ đầu thế kỷ thứ 16 để chúng ta phải gọi ánh sáng trời cao đó là hồng ân:
Dĩ nhiên những lời rao giảng như thế đã được đón nhận bởi tổ tiên chúng ta, vốn có tâm hồn chất phác, thuần hậu, và phải công bằng mà nói là đã được Tam giáo Khổng, Lão, Phật dọn đất, dọn lòng. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho hồng ân ánh sáng đó chính là sinh mạng, là bị hành hạ hay bị giết chết từ phía những người cất tiếng rao giảng cho đến những kẻ đón nhận lời giảng rao.
Lòng dân Việt đã hân hoan chào đón
Hạt giống như gặp được mảnh đất màu.
Nhưng dễ gì chẳng gai góc thương đau
Giữa một nơi đủ bụt thần ngự trị.
Máu, mồ hôi, nước mắt bao chiến sĩ
Không ngưng nghỉ tưới ướt những luống cày.
Nắm xương tàn của lắm vị Thừa sai
Đã hòa quyện vào lòng đất nước Việt.
Được đạo Trời, thì sinh mạng chẳng tiếc
Đem máu đào để minh chứng niềm tin,
Tân tòng vui tuẫn giáo cả muôn nghìn.
Triệu anh hùng dệt nên trang giáo sử.
Hôm nay, nhân lễ Hiển linh, chúng ta cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa đã chiếu rọi ánh sáng hồng ân vào một vùng đất xa xôi là nước Việt, đã ban hồng ân ánh sáng ấy cho tổ tiên chúng ta và con cháu các đấng, đã thúc đẩy bao thế hệ tín hữu Việt Nam đổ máu đào, chịu gian khổ, để một đàng, vừa chứng minh giá trị của phúc lành Tin Mừng, vừa làm cho Tin Mừng đó trở nên phúc lành cho mọi con Rồng cháu Tiên hết thảy. Chúng ta cũng cám ơn các tiền nhân đã để lại cho chúng ta một gia sản quý báu là đức tin, một đức tin làm cho cuộc đời chúng ta hạnh phúc và cuộc sống xã hội tốt đẹp.
Và lời cảm ơn này phải được cụ thể hóa bằng nếp sống chính trực của mỗi người chúng ta cũng như bằng hoạt động truyền giáo của chúng ta, để tất cả lương dân xung quanh chúng ta sớm tung hô Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, đáng tôn thờ, là con người thật đã tử nạn cứu chuộc, là Vua cả vũ hoàn, thống trị hiển vinh, y như lời tuyên xưng của các vị đạo sĩ thuở nào. Amen.