Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

THIÊN CHÚA TRƯỚC ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI

Mc 1:40-45

Theo một phương pháp văn chương Do-thái cổ điển, mà người ta gọi là “bao gồm”, trang Tin Mừng này của Mác-cô được đóng khung bởi hai công thức tương tự: “Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su”... “Dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”. Đầu trình thuật, đó là một hành động cá nhân. Cuối trình thuật, đó là một thái độ tập thể. Đức Giê-su là Thiên-Chúa-đến-gặp-gỡ-con-người. Nhưng con người cũng phải đến gặp gỡ Đấng đã “tới để làm việc đó” (Mc 1,39).

Rung Động Tâm Hồn

Người phong “quỳ xuống van rằng: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chúng ta chớ quên rằng mình đang ở đầu Tin Mừng Mác-cô (chương I, câu 40): con người này thật táo bạo... hoặc anh ta có một đức tin phi thường. Anh làm một cử chỉ, anh nói đôi ba lời... mà người ta chỉ có thể làm và nói với Thiên Chúa.

Bệnh phong, đặc biệt vào thời ấy, gần như là một bệnh bất khả điều trị. Việc chữa lành người phong là một loại kỳ công sánh ngang với việc hồi sinh một kẻ chết. Đấy là một trong những “dấu chỉ” cho thấy Triều đại Thiên Chúa đã đến rồi (x. Mt 11,2-5; Lc 7,18-22). Lời van xin khiêm tốn của người phong cho thấy anh tin vào Đức Giê-su biết bao. Vâng, có những hoàn cảnh mà phương sách duy nhất là kêu lên như thế với Thiên Chúa, Đấng duy nhất làm được điều bất khả: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!” Một lời cầu nguyện cần lặp đi lặp lại.

 “Đức Giê-su chạnh lòng thương...”. Ở đây, các thủ sao Hy-lạp ghi một trong hai từ: “splagknisteis”, động lòng thương, hoặc “orgisteis”, động lòng tức (nổi giận). Có nhiều cơ may để từ đích thực, được Mác-cô sử dụng, phải là “nổi giận”, vì khó giải thích hơn: thấy bực bội trước thành ngữ này, một ký lục hẳn đã làm dịu nó. Vì cả hai “truyền bản” đều có trong các thủ sao, nên chẳng vô ích khi suy niệm cả hai nghĩa. Tại sao Thánh Thần, Đấng linh hứng Kinh Thánh, lại chẳng đi đến đó? đến chỗ sử dụng những sai lầm của những người sao chép để nói với chúng ta? Dẫu sao, trong hai từ này, chúng ta thấy có một “phản ứng rất người”! Việc nhập thể của Thiên Chúa là “thật” và đi đến tận những tình cảm nhân loài rất khiêm tốn: xót thương, giận dữ.

 “Nổi giận...” Điều ấy có ý nghĩa như thế nào? Thiết tưởng đó là phản ứng rất tự nhiên của Thiên Chúa trước “sự dữ con người gánh chịu”. Đức Giê-su thấy trước mình một khuôn mặt khốn khổ, bị các vết thương nung mủ tàn phá, và điều đó “không thể chịu đựng” đối với Người, khiến Người phẫn nộ. Chúng ta chớ quên Đức Giê-su là “Thiên Chúa đã hóa nên hữu hình”. Qua cơn bực bội này, Người nói với chúng ta rằng Thiên Chúa kết án cái thân phận khủng khiếp (bị bệnh tật tác hại trong xác thịt) của phàm nhân như thế. Cơn nổi loạn này giống cơn nổi loạn của biết bao người coi “vấn đề sự ác” là vấn nạn mạnh mẽ nhất chống lại việc Thiên Chúa hiện hữu.

 “Động lòng/Chạnh lòng...”. Thành ngữ này dễ hiểu ngay hơn. Không, chúng ta không có một Thiên Chúa vô cảm, dửng dưng... song là một Thiên Chúa dễ thương tổn, một Thiên Chúa khổ đau với những người đau khổ, một Thiên Chúa mang trên bản thân các vết thương của nhân loài (x. Is 53,5). Đấng “hữu hình hóa” Thiên Chúa bày tỏ với chúng ta tất cả lòng âu yếm của Người đối với kẻ bệnh tật. Bao giờ thì chúng ta rốt cục công nhận thế giới này, như đang thấy “lúc này”, là bất “hoàn hảo”? Chỉ mình Thiên Chúa là Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa hoàn hảo. Vũ trụ đâu phải là “thần thánh”, nên làm sao hoàn hảo được! Thiên Chúa đã chẳng có thể làm cái gì khác ngoài một thế giới “phi-thần”, nếu không thì Người chẳng làm gì cả và sẽ mãi mãi cô đơn. Thành thử Người đã quyết định dựng nên một đối tác thật sự là con người, bắt buộc in dấu “hữu hạn”, bắt buộc mang tính “phi thần”, và thành thử phải chịu một sức khỏe bấp bênh, có khả năng khủng khiếp là thành si ngốc hay phong hủi, khi các nhiễm sắc thể hoạt động không hữu hiệu: phải dám nhìn thẳng “thế giới” này như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa đã làm nên một tạo vật in dấu hữu hạn và bất toàn... thì cũng chỉ trong dự tính ban cho nó sự Sống thần linh của Người một ngày kia. Đối với Thiên Chúa, con người chưa hoàn thành, bao lâu chưa phục sinh, bao lâu chưa được thần hóa! Và sự ác động tới nó đã “khiến Người nổi giận” và “gợi nhớ lòng Người xót thương”: do đó, Đức Giê-su mới chữa một số bệnh nhân, như “dấu chỉ” tiên báo Ngày cuối cùng, khi mọi sự “sẽ hoàn tất” (Rm 8,18).

Ra Tay Cứu Chữa

 “Người giơ tay đụng vào anh...”. Đối với một bệnh nhân phong hủi, vốn là kẻ “không được chạm đến”, cử chỉ này mặc một ý nghĩa đặc biệt. Đã chẳng bao giờ có ai đụng chạm, ôm ẵm, ve vuốt anh ta. Việc đó bị Lề luật cấm hẳn. Khi một ai đó đến quá gần anh, anh phải kêu lên: “Nhơ uế! Nhơ uế!” để đương sự lánh xa. Nhưng này Đức Giê-su lại dám phá vỡ cấm kỵ khủng khiếp đó: Người đụng đến kẻ phong cùi. Rồi bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Người cứu bằng một “cử chỉ” và bằng một “lời nói”: đây là chính nguyên tắc của mỗi bí tích. Là những hữu thể có thân xác, chúng ta cần những cử chỉ của xác thân. Do đó, có nước chảy trên trán chúng ta khi chịu phép rửa, đang lúc một lời nói giải thích ý nghĩa của sự tiếp xúc này. Có bánh sự sống chạm đến tay, đi vào mình chúng ta trong bí tích Thánh Thể, đang khi một lời nói giải thích ý nghĩa: “Này là Mình Chúa Ki-tô”.

 “Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch”. Thành ngữ biểu lộ bối cảnh văn hóa thời Mác-cô viết. Đối với người Do-thái, phong hủi là một “hình phạt” Thiên Chúa từng giáng xuống Mi-ri-am, chị của ông Mô-sê (Ds 12,9), Giê-kha-di, đầy tớ của Ê-li-sa (2V 5,27), Út-di-gia-hu, ông vua tự cao tự đại (2Sb 26,16). Phong hủi từng là bệnh gây sợ hãi, thậm chí người ta cũng kinh hoảng khi thấy nấm mốc trên tường. Vì thế sách Lê-vi đã dành cho nó đến hai chương. Sự thối rữa khuôn mặt và bàn tay nói lên tất cả tính khủng khiếp của sự dữ này, mà người ta xem như là do ma quỷ: nói thật nghiêm chỉnh, người hủi là kẻ bị trục xuất, bị loại khỏi cộng đoàn (x. Lv 13,1.46). Sự dữ tàn phá kẻ xấu số này bị người xưa coi là “biểu tượng” của tội lỗi. Nhưng nếu vậy, ai mà không bị hủi? Và ai sẽ chữa chúng ta khỏi một bệnh hủi như thế? Chính Đức Giê-su qua “bàn tay đụng chạm” và “lời nói truyền phán” của Người! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Thân thể Chúa, xin chữa trái tim con người hôm nay. Tuy bệnh hủi đã biến mất nhiều nơi song vẫn còn hàng triệu kẻ phong hủi trong các nước nghèo. Và ngay giữa các xã hội tân tiến sang giàu, vẫn còn có nhiều người cần được Đức Giê-su chữa lành qua những bàn tay và trái tim nhân ái: đó là hết thảy những ai chẳng có vẻ bề ngoài lôi kéo, những ai bị khai trừ khỏi xã hội, những em bé tật nguyền, những bệnh nhân nan y.

Che Giấu Hành Tung

 “Nhưng Người nghiêm giọng... bảo anh ta: Coi chừng, đừng nói gì với ai cả”. Như đã buộc ma quỷ lặng im, Đức Giê-su cũng nghiêm giọng buộc kẻ được chữa lành phải im lặng. Thành ngữ thật hùng hồn: “Đừng nói gì với ai cả”... Đấy là “bí mật Mê-si-a” nổi tiếng, 10 lần lặp lại trong Mác-cô. Như thể là Đức Giê-su tránh làm nhiều phép lạ, mà rất thường bị hiểu sai lạc! Người Do-thái (và cả chúng ta!) từng chờ một Mê-si-a trần thế. Đám đông đổ xô tới với niềm hy vọng Đức Giê-su sẽ mang lại cho họ hạnh phúc đời này, sẽ giải quyết cho họ các vấn đề sức khỏe, sẽ khôi phục độc lập chính trị cho Ít-ra-en. Vâng, các phép lạ quả là nguy hiểm đối với Đức Giê-su, vì chúng có thể làm thất bại hay trệch hướng sứ vụ của Người trọn vẹn: chúng có thể khiến nghĩ rằng Triều đại Thiên Chúa hệ tại một hạnh phúc tầm thường. “Ơn rỗi” đích thực, sự cứu thoát triệt để mà Đức Giê-su đề nghị, sẽ chỉ có thể hiểu rõ dưới ánh sáng cuộc tử nạn và phục sinh của Người: phải chờ tới lúc đó mới thôi lầm lẫn về bản chất cuộc “giải phóng” con người do Đức Giê-su thực hiện! Các lần chữa lành đều là những lời loan báo cuộc Phục sinh.

Nhưng dù cấm không được nói cho đám đông, Đức Giê-su vẫn giao cho kẻ hưởng phép lạ sứ mạng bên cạnh các tư tế. Vả lại đây là điều cần thiết, để anh ta có thể được tái nhập vào xã hội. Nhưng hơn nữa, Đức Giê-su thử mở mắt các tư tế Giê-ru-sa-lem này, vốn sẽ chống đối Người dữ dội, khi cho họ thấy dấu chỉ Mê-si-a là việc chữa lành kẻ phong hủi: họ sẽ không thể chạy tội khi lên án Người về sau (x. Ga 15,22).

 “Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”. Đối với Mác-cô, chữ “tin” ở đây là một từ chuyên môn, sử dụng 11 lần trong sách của ông: đó là Tin Mừng. Bất chấp lệnh cấm của Đức Giê-su, ta thấy “người được cứu” đến lượt mình trở nên “người giải cứu”. Phần ta thế nào? Có công bố Lời Chúa không? Một lần nữa, ta lại thấy Đức Giê-su yêu thích sự cô độc, “nơi vắng vẻ”: Người thật là hình ảnh của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa kín đáo, vị Thiên Chúa không ồn ào, vị “Thiên Chúa mai ẩn”...

Thánh Blasiô tử đạo (+316) là Giám mục thành Sébaste bên Armênia (mừng 3/2). Truyền thuyết trình bày người như một vị thánh rất bình dân. Người đã học nghề thuốc để cứu giúp người nghèo, nhưng chẳng bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, như thể vị y sĩ vĩ đại này muốn nói: “Tôi băng bó cho anh em nhưng chính Thiên Chúa chữa lành”. Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều hoàng đế Rô-ma Valêriô Lixiniô (308-324) khiến vị Giám mục phải ẩn mình ở hang núi Agêa, sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh người và người chữa lành những con bệnh tật. Chúng tuôn đến với người mỗi ngày một nhiều. Nhưng nếu thấy người đang cầu nguyện, chúng lặng lẽ không ngăn cản và đợi cho đến khi người cầu nguyện xong. Lúc đó thánh nhân mới quay lại với đoàn vật, chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại với sa mạc, núi rừng.

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU