Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • THƠ CÔNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Ý NGHĨA PHỤC VỤ

Máccô 9:30-37

Bài phúc âm hôm nay dường như có hai phần riêng biệt nhau, phần đầu Đức Giêsu tiên báo về sự thương khó và sự phục sinh của Người, và phần thứ hai Đức Giêsu đề cao sự phục vụ. Nhưng nếu tìm hiểu về văn hóa vùng Địa Trung Hải thời xưa thì chúng ta sẽ thấy được sự liên quan giữa hai phần này. Nói chung, phần thứ hai giải thích cho phần thứ nhất, hay nói khác, chỉ khi nào thấy được ý nghĩa của sự phục vụ thì chúng ta mới chấp nhận được cái chết đau khổ của Chúa Giêsu.

Đoạn chót của phần thứ hai là câu nói của Đức Giêsu, “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như đứa này trong danh Thầy là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy thì không chỉ đón nhận Thầy nhưng còn đón nhận Đấng đã sai Thầy.”

Đón nhận một người trong danh Chúa, hay nhân danh Chúa, có nghĩa chúng ta phải thi hành điều đó một cách trân trọng, thành khẩn, và với tất cả khả năng để không làm ô danh Chúa. Nhưng tại sao phải đón nhận một trẻ em cách trân trọng?

Sống trong nền văn minh Tây Phương, hầu như mọi người chúng ta đều hiểu câu này theo nghĩa bóng của một đứa trẻ với các đặc tính như ngây thơ, trong trắng, dễ tin, dễ sai bảo, v.v. Đón nhận một người tốt lành như thế thì chẳng có gì là khó, chẳng cần phải nhân danh Chúa mới làm được công việc dễ dàng này!

Hơn nữa, nếu hiểu việc đón nhận một đứa trẻ theo nghĩa bóng thì đoạn phúc âm hôm nay dường như vô nghĩa. Bởi vì, trước khi đặt một em nhỏ ở giữa các môn đệ, Đức Giêsu đã nghe biết về việc các ông tranh cãi nhau về địa vị vinh dự trong nhóm xem ai là người lớn nhất, sau đó, Người đã dạy các ông rằng, “Nếu ai muốn là người đầu, họ phải là người chót và phục vụ mọi người.” Rồi Đức Giêsu bế một em bé lên, đặt giữa các ông và nói câu trên.

Thời xưa, trẻ em được coi là không có giá trị, thân phận của chúng ngang hàng với một người nô lệ. Cho đến thời Trung Cổ, thần học gia Công Giáo nổi tiếng là T. Tôma Aquinas còn dậy rằng: “trong cơn hỏa hoạn, người chồng có bổn phận cứu cha mình trước, rồi đến mẹ mình, kế đến là vợ mình, và sau cùng là con nhỏ. Khi nạn đói xảy đến trong vùng, trẻ em sẽ được cho ăn cuối cùng, sau những người lớn” (theo John J. Pilch). Trẻ em thời xưa chỉ ngang hàng với nô lệ.

Hiểu được thân phận của trẻ em như thế chúng ta mới thấy được ý nghĩa lời của Chúa Giêsu, có thể nói, người làm lớn thì phải phục vụ ngay cả những người không có giá trị. Chúng ta phải trân trọng, thành khẩn, và với tất cả khả năng đón tiếp những người được xã hội coi là không có giá trị, tỉ như, các thai nhi, những người tàn tật, người ít học, người già nua, phế tật mà xã hội cho là không còn khả năng “sản xuất”.

Đây là điểm độc đáo của Kitô Giáo mà từ đó hầu như đạo Công Giáo phát triển đến đâu thì đều có những tổ chức bác ái, tỉ như cô nhi viện, nhà phát thức ăn phục vụ người nghèo, người vô gia cư, v.v. Và ngày nay, Giáo Hội Công Giáo luôn chống đối sự phá thai và an tử (euthanasia) là dùng thuốc để gây ra cái chết không đau đớn cho những người già yếu, bệnh tật.

Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu, “người đầu… phải là người chót và phục vụ mọi người” ngay cả những người không có giá trị, đó là một thách đố vô cùng khó khăn cho những người trong vai trò lãnh đạo, dù trong gia đình, trong đoàn thể Công Giáo tiến hành hay trong giáo xứ.

Ở ngoài đời, những người lãnh đạo hoặc người có chức sắc trong xã hội thì thường được đề cao, được hưởng rất nhiều lợi lộc và được tâng bốc hơn cả sự thật. Điều đáng buồn là thái độ này cũng ăn sâu vào đạo Công Giáo đến độ khó gạt bỏ.

Ngay từ thế kỷ thứ 4, khi Kitô Giáo trở thành quốc giáo của Đế Quốc La Mã thì nhiều hình thức phẩm trật của triều đình cũng được du nhập vào tổ chức Kitô Giáo. Cũng như các quan trong triều tách biệt với thường dân, càng ngày, các giáo sĩ càng xa rời giáo dân. Chủ nghĩa giáo quyền (clericalism) ngày càng phát triển và sai lạc với những giảng dạy của Chúa Giêsu. Các chức thánh trong Giáo Hội không còn rõ tính cách phục vụ mà chỉ thấy quyền hành. Điều đáng buồn là chủ nghĩa giáo quyền vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Giáo hoàng Phanxicô cũng nhiều lần đả kích chủ nghĩa này. Trong bài giảng năm 2016, người gọi đó là một điều “rất xấu xa; nó là một phiên bản mới của một tệ nạn từ xưa”.

Cũng theo lời Giáo Hoàng Phanxicô, “chủ nghĩa giáo quyền không chỉ được nuôi dưỡng bởi các giáo sĩ, nhưng còn được củng cố bởi giáo dân” (1). Các giám mục được xưng hô là “Your Excellency”, các hồng y là “Your Eminence” và họ được coi là các “prince” (hoàng tử) của Giáo Hội, và giáo hoàng được gọi là “Holy Father”! Danh xưng này phải dành cho Thiên Chúa Cha mà thôi.

Giáo Hội Việt Nam cũng không tránh khỏi não trạng này. Một linh mục ngày xưa được gọi là “cụ” dù chưa đến 30 tuổi! Các thầy có chức sáu ngày xưa được gọi là “cụ sáu”! Vợ của các phó tế ngày nay được gọi là “Cô Sáu” dù Giáo Hội chưa có chức phó tế cho phụ nữ! Nhiều nữ tu không thích xưng hô là “dì phước” hay "chị" cho đúng với chức năng của họ mà thích dùng chữ rất Tây là “sơ” (soeur = chị)!  Cha mẹ của một người có chức thánh, như phó tế hay linh mục – và ngay cả cha mẹ của những tu sĩ nam nữ không có chức thánh – được đặt cho một danh xưng vô nghĩa và chỉ để tâng bốc là “ông bà cố”! Ý nghĩa của sự hy sinh dường như không còn.

Thay vì đưa đạo vào đời, chúng ta đưa đời vào đạo. Bản tính loài người nói chung thì thích được đề cao, muốn được danh tiếng và muốn có một địa vị trong xã hội, nhưng trong Kitô giáo, theo gương Chúa Giêsu, chức vụ là để phục vụ và chính sự phục vụ đó mới đem lại vinh dự, không phải đối với người đời nhưng đối với Thiên Chúa. Điều đáng tiếc là nhiều người trong đạo chỉ nhìn đến địa vị cao của chức vụ và coi đó là cùng đích của cuộc đời.

Tại sao Chúa Giêsu đề cao sự phục vụ?

Chúa Giêsu đề cao sự phục vụ bởi vì sự phục vụ nói lên ý nghĩa của tình yêu. Để thấy được điều đó, chúng ta cần phân biệt giữa sự làm việc và phục vụ. Người ta có thể làm việc để nuôi sống bản thân và có lợi cho chính mình, nhưng người ta phục vụ để đem lại ích lợi cho người khác.

Nghĩ đến người khác đã là khó khăn, nói chi đến sự phục vụ. Do đó, để có thể phục vụ thì cần có lòng yêu mến đến độ hy sinh – hy sinh cái tôi, hy sinh ý riêng, hy sinh thời giờ, địa vị của mình để đem lại ích lợi cho những người thấp kém hơn, ngu dốt hơn, nghèo nàn hơn, và ngay cả những người bị xã hội ruồng bỏ.

Chúa Giêsu đề cao sự phục vụ một phần là vì sự hy sinh phục vụ sẽ từ từ giúp người phục vụ chiến thắng được bản thân, chiến thắng được sự kiêu căng, ích kỷ, tham lam để trở nên giống Chúa Kitô, là “Tôi Tớ” phục vụ mọi người, và để mọi người nhận ra được giá trị của tình yêu.

Áp dụng vào đời sống thực tế, những người làm cha mẹ, thay vì chỉ thi hành bổn phận đối với con cái, chúng ta có thể phục vụ con cái trong danh Chúa. Điều đó có nghĩa chúng ta thực sự tôn trọng, thực sự đối xử với con cái như những người có phẩm giá mà chính vì phẩm giá ấy con cái sẽ thấy chúng có giá trị, và bởi đó chúng không có những lối sống làm mất đi giá trị của một con người.

Với những người lãnh đạo các tổ chức, giáo xứ Công Giáo, hãy coi chức vụ là cơ hội để luyện tập bản thân hơn là dịp để thi thố quyền hành của một ông trùm, bà quản, hay người trưởng, người phó, hay thủ quỹ, v.v. Đừng dùng quyền hành để thực hiện những tham vọng của mình nhưng hãy lắng nghe người dưới, bởi vì, tham vọng ấy có thể sai lầm, và Thiên Chúa sẽ dạy bảo qua những người thấp kém nhất để giúp người phục vụ khiêm tốn hơn, và đạt được mục đích của sự phục vụ.

Với hàng giáo sĩ, nhất là các vị lãnh đạo, sự phục vụ phải vượt trên công việc, nếu không giáo sĩ đó chỉ thi hành bổn phận chứ không phải phục vụ người khác. Theo lời của T. Têrêsa Calcutta và theo gương Chúa Giêsu, “phục vụ cho đến khi đau khổ” thì mới xứng đáng là người thay mặt cho Chúa Kitô.

Một khi chúng ta thấy được giá trị của sự phục vụ chúng ta mới chấp nhận được lời của Đức Giêsu trong phần đầu đoạn phúc âm hôm nay, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người”. Sự thất bại là điều nhục nhã, không thể chấp nhận đối với người đời. Nhưng đối với Chúa Giêsu, sự thất bại này có giá trị vô cùng cao quý, bởi vì, dù là một Thiên Chúa, nhưng Người không dùng quyền năng của một Thiên Chúa để chiến thắng sự dữ, nhưng Người đã chiến thắng chính bản thân và hy sinh mạng sống để minh chứng cho chúng ta thấy rằng điều quan trọng trong cuộc đời là tình yêu.

Cầu mong sao, sự hy sinh của Chúa Giêsu có thể cảm hóa được những con tim còn biết rung động với tình người, trong đó có chúng ta, những người theo Chúa Kitô, để hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại của chúng ta và để mọi người nhận ra được giá trị của tình yêu.


1. Bishop Thomas Zinkula, “Bishop Addresses Issue of Clericalism.” The Catholic Messenger, www.catholicmessenger.net/2018/09/bishop-addresses-issue-of-clericalism.

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU