Có câu chuyện vui của một người khách đến thăm nhà thương điên. Ông này tò mò hỏi vị bác sĩ giám đốc: “Làm thế nào để xác định một người có bị điên hay không?”
Bác sĩ trả lời: “Chúng tôi đổ đầy nước vào một bồn tắm. Sau đó chúng tôi đưa cho người ấy ba đồ vật gồm có một cái muỗng, một cái ly và một cái thùng,
rồi nói người ấy làm sao cho bồn tắm cạn hết nước.”
Nghe đến đây vị khách reo lên có vẻ hiểu biết, “Ô, tôi biết rồi. Một người bình thường thì sẽ dùng cái thùng múc nước đổ đi chứ gì!”
Bác sĩ giám đốc trả lời, “Khooông! Người bình thường sẽ kéo cái nút đậy để nước thoát ra ở đáy bồn.”
Câu chuyện vui cho thấy ngôn ngữ có thể làm cho chúng ta hiểu lầm, và trong lễ Thăng Thiên hôm nay, qua bài đọc một chúng ta cũng có cảm tưởng là Chúa Giêsu bay lên trời, ở một nơi nào đó ngoài không gian, vì thế khi phi thuyền đầu tiên của nước Nga bay ra ngoài trái đất thì Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga là Khrushchev đã nhân cơ hội này để chế diễu Thiên Chúa Giáo. Ông huênh hoang, “Phi hành gia Yuri Gagarin bay vào không gian nhưng không thấy có Chúa nào cả. Do đó chúng tôi không tin có đời sau!” Lời tuyên bố của Khrushchev tiêu biểu cho những người vô thần. Họ không tin vào thế giới siêu hình bởi thế họ không hiểu được thế nào là lên trời.
Chữ “lên” ở đây tương tự như chữ “lên lớp”, hay “lên lương” để nói lên một tình trạng tốt hơn trước. Ngược lại, chúng ta nói, “bị giáng cấp”, “xuống hỏa ngục”, để nói một điều tệ hơn trước, chứ “xuống hỏa ngục” không có nghĩa là chui vào lòng đất, và “lên trời” không có nghĩa là ở trên không trung.
Lễ Thăng Thiên, “Chúa lên trời” có nghĩa Chúa Giêsu chấm dứt cuộc sống giống như chúng ta ở trần gian và hiện thời Người đang sống trong một trạng thái khác hơn trước. Bởi thế ngay cả trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã hứa là sẽ “không để chúng ta mồ côi” (Gioan 14:18), nhưng Chúa sẽ ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Qua lời của Chúa Giêsu và qua cảm nghiệm của những người được gọi là “chết đi sống lại”, chúng ta biết có hai thế giới: thế giới đời này thì hữu hình và hữu hạn, và thế giới đời sau thì vô hình và vô hạn. Điểm quan trọng chúng ta cần nhớ là cả hai thế giới đều có thật.
Vì loài người đang sống trong thế giới hữu hình nên chúng ta có khuynh hướng cho rằng, những gì không trông thấy, không nhận biết được bằng giác quan thì không có thật. Nhưng trong lịch sử Giáo Hội có những người được thấy thế giới bên kia, tỉ như ba trẻ ở Fatima được thấy Đức Mẹ và thấy cả hỏa ngục; hoặc Thánh Faustina (Lòng Thương Xót Chúa) được thấy Chúa Giêsu. Và nhiều khi chính chúng ta cũng được nghe kể những câu chuyện người chết hiện về. Tất cả chứng tỏ rằng có thế giới vô hình mà chúng ta gọi là siêu nhiên – vượt lên trên sự tự nhiên và có thật.
Ngoài sự hiện diện trong thế giới siêu nhiên, Chúa Giêsu còn hiện diện với chúng ta qua ba cách cụ thể:
1. Chúa hiện diện với chúng ta trong các bí tích, tỉ như rửa tội, thêm sức, thánh thể, v.v. Chúa hiện diện trong các bí tích có nghĩa chính Chúa là người hành động qua bàn tay, lời nói của các thừa tác viên chức thánh. Chính Chúa là người tha tội, chính Chúa là người thêm sức, chính Chúa trở nên Mình Thánh và Máu Thánh. Qua các bí tích, chúng ta được tiếp xúc với Chúa Giêsu vô hình.
2. Chúa hiện diện trong lời Chúa, cụ thể là trong các bài đọc, bài phúc âm khi được công bố trong Thánh Lễ, do đó, sau khi công bố xong, thừa tác viên đọc sách hay linh mục, phó tế nói “Đó là lời Chúa”. Chữ công bố ở đây có ý nghĩa quan trọng, vì những gì được in trong sách thì chỉ là chữ, nhưng khi được công bố qua miệng thừa tác viên thì lúc đó mới là lời. Bởi thế, trong Thánh Lễ, chúng ta nên lắng nghe hơn là nhìn vào sách lễ riêng, vì chính lúc đó lời Chúa tác động trên người nghe. Và cũng vì thế sau khi công bố xong, thừa tác viên đọc sách không nên nâng sách lên mà nói “Đó là lời Chúa”, bởi vì lời Chúa đã qua rồi, bây giờ, trong sách thánh chỉ còn là chữ.
3. Chúa hiện diện khi chúng ta họp nhau cầu nguyện trong gia đình, trong nhóm, trong khi tham dự Thánh Lễ.
Người Mỹ có câu nói rất phổ thông và rất đúng, “Family prays together, stays together.” Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì bền vững. Do đó, nếu gia đình chúng ta chưa cầu nguyện chung mỗi tối thì chúng ta nên bắt đầu thực hành. Cầu nguyện có thể là đọc kinh và cũng có thể là đọc sách thiêng liêng. Với phương tiện Internet, chúng ta có thể tìm mua những sách phù hợp với tuổi của các con cho chúng đọc hàng ngày, thay vì bắt chúng ê a lần chuỗi, hay đọc những kinh tiếng Việt mà chúng không hiểu.
Ngoài sự cầu nguyện chung trong gia đình, chúng ta còn cầu nguyện chung trong các nhóm và nhất là trong Thánh Lễ. Ngày xưa chúng ta thường gọi là xem lễ, nhưng ngày nay, đúng nghĩa phải nói là tham dự Thánh Lễ. Có nghĩa đóng góp phần của mình vào Thánh Lễ – đối đáp với vị chủ tế, ca hát, tuyên xưng, v.v. Trong Thánh Lễ còn có một ý nghĩa thầm kín nhưng rất có giá trị là cùng với Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể trở nên lễ tế – đó là những hy sinh trong đời sống – để dâng lên Thiên Chúa Cha. Và đó là lý do tại sao trong các ngày lễ trọng, phó tế xông hương giáo đoàn, một phần là để chúc tụng sự hiện diện của Chúa trong giáo đoàn, và một phần là vì chính giáo đoàn là của lễ. Cũng như chủ tế xông hương lễ vật trên bàn thờ thì phó tế cũng xông hương “lễ vật sống động” là giáo đoàn hiện diện.
Sự kiện thăng thiên của Chúa Giêsu nằm trong một chuỗi biến cố mà Giáo Hội gọi là Mầu Nhiệm Phục Sinh hay Mầu Nhiệm Vượt Qua, bao gồm sự thống khổ, sự chết, sự phục sinh và sự vinh hiển lên trời của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa, trước khi được vinh hiển, chính Chúa Giêsu cũng phải trải qua sự đau khổ, và sự chết. Là những người theo Chúa Kitô, chúng ta cũng phải sống mầu nhiệm Vượt Qua hàng ngày bằng cách kiểm điểm lại đời sống của mình để nhận thấy những gì còn thuộc về thế gian và thay đổi để noi gương Chúa Kitô.
Đây là bước đầu tiên và đau khổ nhất bởi vì ai ai cũng sợ thay đổi, dù rằng sự thay đổi sẽ tốt hơn cho chúng ta. Một khi đã dứt bỏ được một thói quen xấu, một lối suy nghĩ chủ quan, quá khích, hay một nếp sống thiếu lành mạnh, đó là chúng ta đã chết đi con người cũ của mình để trở nên một con người mới. Có thể nói chúng ta đang từ từ phục hồi sự sống đích thực mà Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta.
Khi ngày càng từ bỏ được những gì chưa hoàn hảo, chúng ta có được niềm vui mà thế gian không thể ban cho chúng ta, đó là chúng ta đang làm chủ được chính mình để không còn theo ý riêng của mình nữa mà bấy giờ chúng ta sống theo thánh ý của Thiên Chúa, trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, góp phần xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian này.
Khi Chúa Giêsu về trời, Người chấm dứt công việc của Người ở trần thế và giao cho Giáo Hội tiếp tục công việc của Chúa. Giáo Hội là những người theo Chúa Kitô, từ giáo sĩ cho đến giáo dân. Khi mừng lễ Thăng Thiên là khi chúng ta nhìn lại bổn phận của mình đã được nói rất rõ trong bài phúc âm hôm nay, “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Đó là lý do chúng ta đem con đi rửa tội, đó là lý do chúng ta cầu nguyện, giáo dục con cái trong gia đình để biết đến Thiên Chúa, và quan trọng hơn cả là chúng ta thay đổi đời sống theo các lời khuyên trong Phúc Âm để trở nên các chứng nhân trung thành cho Chúa Kitô.
Khi Chúa Giêsu “lên trời”, Người từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái siêu nhiên, từ thể xác thăng hoa lên thần khí – quyền lực hơn, vinh hiển hơn và vì vậy Chúa có thể hiện diện với mỗi người chúng ta ở bất cứ đâu, bất cứ giờ phút nào. Đó là niềm vui của những người theo Chúa Kitô. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa tùy ý chúng ta để tâm sự, cầu xin và để ngày càng mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho cái chết của mỗi người, bởi vì, chúng ta sẽ không sợ hãi khi gặp lại Đấng Phán Xét mà chúng ta sẽ sung sướng tột cùng vì được ở với Đấng Cứu Độ chúng ta.