Hôm nay là Chúa Nhật sau cùng của niên lịch phụng vụ năm A. Giáo Hội coi việc chấm dứt niên lịch phụng vụ tương tự như ngày tận thế – ngày Chúa Kitô đến để xét xử nhân loại – và Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy nhớ đến vai trò tối cao của Đức Kitô trong cuộc đời mỗi người qua lễ Kitô Vua.
Bài phúc âm hôm nay, bất cứ ai nghe qua cũng không thể quên được những hành động từ thiện mà Đức Giêsu đã lập đi lập lại đến bốn lần.
Lần thứ nhất, Đức Giêsu nói với những người công chính: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc … vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
Lần thứ hai chúng ta nghe “những người công chính thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Ngài đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Ngài là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Ngài đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’”
Lần thứ ba, Đức Giêsu nói với những người bị nguyền rủa, “hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”
Và lần thứ tư, những người bị nguyền rủa trả lời: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”
Khi lập đi lập lại bốn lần cùng những hành động thương người, chắc chắn Chúa Giêsu muốn nói đến tầm quan trọng của việc từ thiện. Qua bài phúc âm hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu một vài ý nghĩa liên quan đến sự từ thiện.
Trước hết, có thể nói hành động từ thiện được dùng để phân biệt người lành và kẻ dữ. Người Việt chúng ta thường nói “ăn ngay ở lành”. Chữ “ở lành” có phần nào tiêu cực khi được hiểu là không làm hại ai, không ăn gian nói dối, không cướp giựt của người khác, không làm điều xấu, v.v. Nhưng qua bài phúc âm, Chúa Giêsu coi người lành là người có hành động bác ái đối với người khác. Người lành là người biết nghĩ đến người khác để có hành động tích cực trong cách đối xử. Với chúng ta, điều đó có nghĩa, Kitô Hữu không thể thụ động ngồi nhìn người khác chịu đau khổ, hoặc khi thấy có thể giúp đỡ người khác mà chúng ta không hành động, hoặc khi thấy sự dữ đang xảy ra trong xã hội mà chúng ta thờ ơ, không muốn tiếp tay ngăn ngừa bằng cách nào đó.
Điểm thứ hai, khi thi hành việc từ thiện cho người khác, chúng ta làm điều đó cho chính Chúa Giêsu. Đây là điểm độc đáo chỉ có trong Kitô Giáo! Trong Do Thái Giáo, Hồi Giáo hay các tôn giáo khác, việc từ thiện cũng được khuyến khích giống như Kitô Giáo, nhưng việc bố thí mà các tín đồ Do Thái Giáo, Hồi Giáo hay các tôn giáo khác thi hành cho con người thì tùy thuộc vào số lượng nhiều ít để có giá trị, trong khi việc từ thiện của tín hữu Kitô có giá trị rất lớn vì được làm cho chính Chúa Giêsu! Đây là điểm vui mừng và đầy khích lệ cho chúng ta, những người theo Chúa Kitô, bởi vì chúng ta không cần phải có thật nhiều tiền để bố thí cho người khác, hay phải đóng góp thật nhiều thì mới được coi là đáng kể. Giá trị hành động từ thiện của chúng ta nằm ở điểm Chúa Giêsu là người nhận dù chúng ta có ý thức điều đó hay không.
Điểm thứ ba, những hành động từ thiện, dù nhỏ bé, được dùng để quyết định sự thưởng phạt chứ không phải tiêu chuẩn đức tin. Đây là điểm rất có lợi cho chúng ta. Dù chỉ một ly nước, một chén cơm bố thí cho người có nhu cầu, nghĩa cử đó cũng được Chúa ghi nhớ.
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy trong sự phán xét, tại sao Chúa không đặt vấn đề đức tin nhiều hay ít để được thưởng hay bị phạt? Có thể giải thích điều này với hai lý do.
Thứ nhất, khi được nhìn thấy Chúa tỏ tường, dĩ nhiên ai cũng phải tin, dù là người lành hay kẻ dữ. Đức tin chỉ có giá trị khi “không thấy mà tin.” Một khi đã được diện kiến Thiên Chúa, lúc đó đức tin sẽ không còn có giá trị để xét xử.
Lý do thứ hai là theo bài phúc âm hôm nay, “các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt” Chúa trong ngày phán xét. Điều đó có nghĩa tất cả mọi người, dù họ có được biết đến Chúa hay không khi còn sống, tất cả đều phải chịu sự xét xử, do đó, để công bằng, tiêu chuẩn xét xử không thể dựa trên đức tin vào Chúa Kitô là điều mà họ không dược biết.
Nói như thế không có nghĩa chúng ta coi thường đức tin, bởi vì, đức tin và sự từ thiện đi đôi với nhau. Người không có đức tin sẽ hành động từ thiện tùy theo cảm xúc – thích thì làm, không thích thì thôi – họ không thấy điều đó quan trọng. Nhưng người có đức tin sẽ cố gắng và tìm cách để giúp đỡ người khác, bởi vì, họ tin rằng họ đang giúp đỡ chính Chúa Kitô.
Nhận xét này cho thấy hành động từ thiện là một thể hiện đức tin và có thể nói nó quan trọng hơn những việc đạo đức. Bởi vì, nghĩ cho cùng, hành động đạo đức là một hành động cho bản thân. Tôi đọc kinh, tôi xem lễ, tôi tham dự sinh hoạt đoàn thể Công Giáo Tiến Hành là có lợi cho bản thân tôi về một phương diện nào đó. Nhưng chúng ta phải thận trọng, bởi vì, sự đạo đức có thể khiến chúng ta trở nên kiêu căng ngạo mạn, tự hào về sự đạo đức của mình và rồi chúng ta phán xét người khác (đó là tự cho mình ngang bằng với Thiên Chúa), hoặc một nguy hiểm khác là chúng ta cho rằng sự đạo đức đã đủ bổn phận rồi quên đi việc từ thiện. Trong Phúc Âm Luca, Chúa Giêsu không khen ngợi người Biệt Phái đạo đức nhưng ông ta kết án người khác, mà Chúa Giêsu khen ngợi người thu thuế tội lỗi nhưng khiêm tốn, cần đến sự thương xót của Chúa (x. Luca 18:11-12).
Bài phúc âm hôm nay khiến nhiều người phải bàng hoàng khi thấy tiêu chuẩn phán xét của Chúa Giêsu là những hành động từ thiện thật đơn giản. Chỉ cần một ly nước, một chén cơm, một manh áo, một lời an ủi hay thăm viếng những ai có nhu cầu – điều đó đã đủ để được coi là công chính! Chính vì sự dễ dàng đó, nhiều người không dám tin đây là sự thật. Họ nghĩ rằng phần thưởng đời đời là một điều vô cùng quý báu và vô cùng khó khăn để chiếm được. Nhưng nếu nghĩ như thế, vô tình, họ sai lầm cho rằng chỉ bởi sức con người thì cũng có thể đạt được những công trạng xứng với phần thưởng đời đời của Thiên Chúa.
Sự thật thì loài người chúng ta phải nhớ đến công ơn vô cùng của Chúa Giêsu Kitô. Dù là Thiên Chúa cao trọng và vĩ đại, Người đã tự hạ mình xuống để trở nên một người tầm thường nhất trong chúng ta. Dù là Thiên Chúa có tất cả mọi sự, nhưng Người vẫn cần đến một ly nước, một chén cơm, một manh áo, một lời an ủi để giúp chúng ta trở nên công chính. Sự công chính này là vì Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa nên một việc từ thiện nhỏ bé của chúng ta làm cho Người thì có giá trị lớn lao. Nói cho cùng, tất cả là nhờ vào tình thương vô biên của Thiên Chúa.
Khi bước vào cuối niên lịch phụng vụ, Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ để nhắc nhở chúng ta hãy nhớ đến sự vô cùng nhân từ của Chúa Kitô, Vua Tình Thương, để sống lời dậy bảo của Người; và chúng ta tin rằng, thế giới này sẽ chấm dứt, mọi sự trên đời này sẽ qua đi, nhưng những hành động bác ái mà chúng ta làm cho người khác sẽ có giá trị trong sự phán xét, bởi vì Chúa Giêsu đã nói, “mỗi lần các ngươi làm [việc từ thiện] cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”