Vào thế kỷ mười một, vua Henry III của xứ Bavaria, vì quá mệt mỏi với sinh hoạt triều đình và những trách nhiệm nặng nề của một vị vua, ông đến gặp viện phụ Richard của một đan viện trong vùng để xin được nhận vào làm một tu sĩ chiêm niệm, và sống cả cuộc đời trong đan viện này. Viện phụ Richard nói, “Thưa Hoàng Đế, ngài có hiểu rằng lời khấn ở đây là sự vâng phục hay không? Điều này sẽ khó cho ngài vì ngài là một vị vua.” Vua Henry trả lời, “Tôi hiểu. Toàn thể đời tôi sẽ vâng phục viện phụ, theo như Chúa Kitô dẫn dắt ngài.” Viện phụ Richard nói, “Vậy tôi sẽ nói cho ngài biết những gì phải làm. Hãy trở về với ngôi vua của ngài và trung thành phục vụ ở nơi mà Thiên Chúa đã đặt ngài.”
Khi vua Henry từ trần, người ta tuyên bố rằng, “Vị vua này đã học cách cai trị bằng sự vâng phục.” (Steve Brown).
Câu chuyện của vua Henry minh họa rất hay ý nghĩa của các bài đọc hôm nay. Đường lối của Thiên Chúa thì rất khác với đường lối của chúng ta, nó vượt trên mọi mong đợi của loài người, nhưng kết quả thì lâu bền và vô cùng lớn lao.
Trong bài đọc một, chúng ta nghe những than thở của ngôn sứ Giêrêmia, ông được gọi làm ngôn sứ khi còn trẻ, khoảng 13 tuổi. “Ông được Chúa gọi làm ngôn sứ để công bố việc tàn phá thành Giêrusalem sắp xảy đến bởi quân xâm lăng từ phương bắc, bởi vì dân Ít-ra-en từ bỏ Thiên Chúa để thờ cúng tà thần Baal. Dân tộc này đã xa rời lề luật của Thiên Chúa đến độ họ phá vỡ giao ước, khiến Thiên Chúa phải rút lại các phúc lành. Giêrêmia được Chúa hướng dẫn để công bố rằng dân tộc Giu-đa sẽ phải đau khổ vì đói, bị xâm chiếm, cướp bóc, và bị giam cầm trong phần đất của những người xa lạ.” (Jeremiah – Wikipedia).
“Vì thông điệp của ông là sự tàn phá và vũ lực, Giêrêmia trở nên trò cười trong xứ Giuda. Bị dân chúng khinh miệt và chế nhạo, bị xỉ nhục bởi những người lãnh đạo tôn giáo, Giêrêmia cảm thấy ông bị Thiên Chúa dối gạt.” (theo Dr. Claude Mariottini) như chúng ta nghe trong phần đầu của bài đọc một.
Sau đó, người Babylon đã xâm chiếm xứ Giuda, tàn phá thành Giêrusalem vào năm 587 TTL và những người lãnh đạo phải đi lưu đầy. Ngôn sứ Giêrêmia vẫn ở lại Giêrusalem nhưng sau đó bị buộc phải lưu đầy sang Ai Cập. Chúng ta không biết chi tiết về cái chết của ngôn sứ này, nhưng ảnh hưởng của ông rất lớn sau khi chết. Ảnh hưởng của ông được thấy trong sách Êdêkien, một số thánh vịnh, và sách Đanien. (theo Jeremiah, USCCB.org).
Trong bài phúc âm, sau khi Chúa Giêsu cho các môn đệ biết “Người phải lên Giêrusalem và chịu đau khổ vì các kỳ mục, thượng tế, và luật sĩ, rồi bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại,” – đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua – thì ông Phêrô không thể chấp nhận được quan điểm đó. Đối với ông, Đức Giêsu, là Mêsia, sẽ chiến thắng quân thù và phục hồi vương quốc Ít-ra-en, đó là vinh dự cao nhất của Đức Giêsu theo cái nhìn của ông Phêrô, và nhờ đó ông sẽ có một số lợi điểm cho chính ông. Tuy nhiên, đó không phải là đường lối Thiên Chúa cứu chuộc thế gian, bởi đó phản ứng của Đức Giêsu rất mạnh mẽ khi gọi Phêrô là “Xatan, hãy lui ra sau ta! Anh cản lối của ta. Suy nghĩ của anh không như Thiên Chúa, mà của loài người.” Với Đức Giêsu, vinh dự cao nhất là vâng lời thánh ý của Thiên Chúa với bất cứ giá nào.
Chính trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu, “Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ mình, vác thập giá của mình, và theo tôi.” Từ bỏ mình có nghĩa thay đổi đường lối của mình theo đường lối của Thiên Chúa. Nó không có nghĩa là chúng ta không đáng kể hay không có giá trị. Không phải vậy. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Chúng ta có giá trị. Chúng ta có phẩm giá mà Con Thiên Chúa đã nhập thể để khôi phục lại bản tính của loài người, mà nó bị hoen ố bởi tội nguyên thủy.
Sự hiểu biết này thì quan trọng cho tín hữu Kitô trong thế giới hôm nay. Chúng ta phải phát triển trọn vẹn khả năng, tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để xây dựng cộng đồng, xã hội hầu đem lại ích lợi chung cho mọi người. Nhưng chúng ta phải để ý đến nguy cơ, đó là, để được thành công, chúng ta có thể dùng đủ loại mánh lới trong thương trường dù nó không tốt, không công bằng, hoặc chúng ta lợi dụng người khác để đạt được tham vọng của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng quên đi các giới răn của Thiên Chúa chỉ vì muốn thành công. Chúng ta phải nhớ lời của T. Phaolô trong bài đọc hai, “Anh chị em đừng có chiều theo đời này, nhưng hãy được biến đổi bởi canh tân tâm trí, hầu có thể nhận ra những gì là ý định của Thiên Chúa, những gì là tốt, đẹp lòng Chúa, và hoàn hảo” (Rom 12:2). Nhất là, chúng ta phải lưu ý đến sự cảnh cáo của Chúa Giêsu: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất… Có ích lợi gì khi người ta được cả thế giới mà phải mất mạng sống?” (c. 25b-26a).
Một thập giá khác mà chúng ta phải chấp nhận, đó là hậu quả của tội nguyên thủy. Như T. Phaolô viết cho tín hữu thành Rôma, “Tôi không hiểu tôi làm gì. Vì tôi không làm điều tôi muốn, nhưng lại làm điều tôi ghét… Tôi không làm điều tốt tôi muốn, nhưng lại làm điều xấu tôi không muốn” (Rom 7:15, 19), chúng ta không làm chủ được cách cư xử của chúng ta. Bởi đó có sự ghen tương, đố kỵ, tức giận, phẫn uất, tham lam, dục vọng, báo thù, bất chính, hành vi xấu xa mà chúng gây ra sự đau khổ và sự chết cho nhiều người.
Không ai muốn đau khổ, nên chúng ta xin Chúa giúp đỡ. Chúng ta hy vọng Người sẽ làm những “phép lạ”. Nếu Chúa thi hành, chúng ta vui mừng, cảm tạ, nhưng nếu không, chúng ta phải nhớ rằng nguyên do là vì tội lỗi. Bởi đó, thay vì đổ lỗi cho Chúa, chúng ta luyện tập để làm chủ lối sống của chúng ta theo các giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúng ta phải tin rằng sự sống đời này chỉ tạm thời và hạnh phúc của nó thì cũng thế. Chúng ta tìm kiếm đời sau, đó là mái nhà thật và là cùng đích của chúng ta. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về điều này khi Người nói, “ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”
Sự sống của Thiên Chúa thì bất diệt và phải đạt được. Tuy Thiên Chúa ban cho cách rộng rãi, nhưng chúng ta phải cố gắng thì mới đạt được sự sống ấy. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách luyện tập qua Mầu Nhiệm Vượt Qua. Người đã chấp nhận trải qua sự thống khổ, sự chết trên thập giá, rồi chỗi dậy sau ba ngày nằm trong mộ, và lên trời vinh hiển. Mầu nhiệm vượt qua của chúng ta có nghĩa chúng ta chịu đau khổ khi rèn luyện bản thân, chết đi con người cũ của mình, và chỗi dậy thành một người mới. Đó là một khuôn mẫu cho đời sống chúng ta.
Một khi chúng ta cố gắng trở nên con người mới qua mầu nhiệm vượt qua, chúng ta sẽ thấy được chân lý trong những lời của Chúa. Như Chúa Giêsu nói, “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Ga 8:32b), chúng ta sẽ được thoát khỏi sự nô lệ cho vật chất, cho các tiêu chuẩn của thế gian khiến chúng ta phải mệt mỏi, và chúng ta sẽ vững mạnh hơn về tinh thần và đức tin.
Các cảm nghiệm này sẽ giúp chúng ta hiểu được lời than thở của ngôn sứ Giêrêmia, “Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa. Nhưng rồi như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt; tôi nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao chịu nổi”. Đức tin là một hành trình từ tối tăm đến ánh sáng, từ tuyệt vọng đến hy vọng, và từ ghét bỏ đến yêu thương. Tình yêu Thiên Chúa sẽ thôi thúc chúng ta phải loan truyền cho mọi người.
Tóm lại, sự dạy bảo của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay không cản trở chúng ta phát triển khả năng của mình cho tới mức trọn vẹn. Ngược lại, Chúa khuyến khích chúng ta hãy phục hồi bản thân cho tới mức độ cao nhất của con người bằng cách chuyển hướng đường lối của chúng ta sang đường lối của Thiên Chúa.