Các sử gia không nhất trí trong việc ấn định lằn ranh giữa thời Trung đại và thời Cận đại. Ở đây, chúng tôi không theo sát tiêu chuẩn của các nhà sử học nhưng chỉ muốn nêu bật sự chuyển hướng về thần học và phụng vụ.
Theo sự nhận xét của đức Giáo hòang Bênêđictô XIV, trong số những người tiên phong đã sử dụng ngòi bút để cổ động lòng tôn kính Thánh Giuse phải kể đến hai nhân vật: linh mục Jean Gerson, chưởng ấn đại học Paris (1363-1429) và Cha Isiđôrô de Isolanis, dòng Đaminh (k.1475-k.1528).
1/ Cha Jean Gerson. Tên thật là Jean de Charlier (Gerson là tên của nguyên quán). Là chưởng ấn của đại học Paris từ năm 1395 lúc mới được 32 tuổi, cha dốc hết nhiệt tình vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng của Giáo Hội lúc đó, bị phân chia giữa hai giáo hoàng Rôma và Avignon.
Cha đã viết nhiều bức thư, bài thơ và bài giảng để ca ngợi sứ mạng và sự thánh thiện của Thánh Giuse cũng như thỉnh cầu giáo quyền thiết lập lễ tôn kính thánh cả. Những bài giảng đầu tiên bắt đầu từ năm 1413, đặc biệt với khảo luận bằng tiếng Pháp “Considérations sur saint Joseph”, đưa ra những lý do để cổ động lòng tôn sùng thánh nhân. Tác phẩm chính là một trường thi (2957 câu) bằng tiếng latinh tựa đề Josephina (khoảng năm 1414-16), thuật lại cuộc đời của Thánh Giuse kể từ biến cố truyền tin cho đến lúc lìa đời. Sau cùng, trong thời gian họp công đồng Constance, cha đã thuyết trình trước nghị phụ một bài giảng nhân lễ sinh nhật Đức Mẹ (8/9/1416) mang tính cách thuyết minh để thúc đẩy việc thành lập lễ Thánh Giuse Sermo de nativitate gloriosae Virginis Mariae et de commendatione virginei sponsi eius Joseph. Cha đề nghị thiết lập nhiều lễ kính: ngày ly trần, cuộc thành hôn với Đức Maria, và cha đã soạn sẵn bản văn phụng vụ.
Ngoài những động lực dựa trên các nhân đức của Thánh Giuse (khiêm tốn, hiền hoà, tận tâm phục vụ), Cha Gerson thâm tín rằng thánh nhân là người có thế lực để chuyển cầu cho Hội Thánh đang trải qua thời kỳ phân ly. Cha lập luận rằng Thánh Giuse là gia trưởng ở Nazareth, và được Đức Maria và Chúa Giêsu suy phục. Uy tín này vẫn còn được duy trì ở trên trời. Cha Gerson, một nhà thần học bênh vực đạo lý Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, cũng muốn cho Thánh Giuse được thánh hoá từ lòng mẹ giống như Thánh Gioan Tiền hô. Đường hướng thần học của cha là học hỏi Thánh Giuse dựa theo thần học về Đức Maria, xét về các nhân đức và đặc ân. Một hình ảnh khác cũng được phổ biến nhờ Cha Gerson là “tam vị ở dưới trần” (Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse) được trình bày như phản ánh mầu nhiệm “tam vị” ở trên trời.
2/ Cha Isiđôrô Isolani. Chúng ta không biết chắc chắn về năm sinh và năm chết của Cha Isiđôrô Isolani. Chỉ biết rằng cha làm bề trên tu viện S. Maria delle Grazie tại Milanô (nơi có bức họa nổi tiếng Bữa Tiệc ly của Lêônarđô Vinci) vào năm 1528.
Trước đó, từ năm 1517, cũng tại Milanô, cha đã xuất bản tác phẩm thần học De imperio militantis Ecclesiae. Nhiều tác phẩm khác được phát hành tại Pavia vào những năm kế tiếp (chẳng hạn những khảo luận chống lại Luthêrô (Disputationes catholicae quinque, 1522), cho thấy cha đã được thuyên chuyển đây đó để dạy học. Cũng vào năm 1522 tại Pavia, cha cho phát hành cuốn tổng luận thần học về Thánh Giuse, tuy cha bắt đầu biên soạn quyển này từ năm 1514, tại Fontanellato, cạnh tu viện có nhà thờ dâng kính Thánh Giuse. Có lẽ cha chỉ dừng lại tu viện Fontanellato chừng hai ba năm, bởi vì vào năm 1517 cha đã trở về Milanô rồi. Cha qua đời khoảng năm 1528.
Như đã thấy trên đây, những bài giảng, suy niệm hoặc khảo luận về Thánh Giuse đã ra đời từ thời các giáo phụ. Tuy nhiên, Cha Isolani là người đầu tiên biên soạn một quyển sách thần học trình bày mạch lạc về người dưỡng phụ của Chúa Giêsu, với tựa đề Summa de donis S. Joseph. Lúc xuất bản tại Bologna (nơi cha đang làm giám học magister studii) năm 1522, Cha Isolani đã đề tặng tác phẩm lên đức giáo hòang Ađrianô VI.
Tác phẩm được chia thành bốn phần, (giống như bốn mùa trong năm). Mỗi phần được chia thành nhiều chương, mỗi chương là một đề tài được trình bày theo lối văn của Summa Theologica, nghĩa là: vấn nạn; thân bài; giải đáp.
(a) Phần thứ nhất gồm 17 chương, bàn về các hồng ân mà Thánh Giuse đã lãnh nhận trước khi kết hôn với Đức Maria.
Trước hết (ch.1-2) tác giả phân tích sáu nhân đức dựa theo danh tánh (danh là người ) I.O.S.E.P.H., đó là: iustitita (công chính), oboedientia (vâng lời), sapientia (khôn ngoan), experientia (kinh nghiệm), patientia (nhẫn nhục), humilitas (khiêm nhường). Dù sao, tác giả không quên ý nghĩa của danh từ Iosef trong Cựu Ước có nghĩa là “Gia-vê ban thêm” (Iehôsef, augmentum, dựa theo sách Sáng thế 30,24).
Thêm vào đó là các hồng ân: xứ sở (ch.3), dòng dõi (ch.4-8), sự thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ (ch.9-10). Theo tác giả, sự thánh thiện được ban nhằm đến chức vụ sẽ đảm nhận trong tương lai. Nếu ta chấp nhận được ông Giêrêmia và ông Gioan Tẩy giả được thánh hóa ngay từ lòng mẹ bởi vì họ được tuyển chọn làm tiên tri cho Đấng Cứu thế sẽ đến, thì tại sao lại không thể nghĩ đến một đặc ân tương tự cho Thánh Giuse là kẻ đã ẵm bế, che chở, nuôi dưỡng Chúa Kitô?
Hai chương 11-12 bàn đến hồng ân duyên dáng (pulchritudo: đẹp trai?). Không thể nào hình dung một người luôn sống bên cạnh Đức Giêsu và Mẹ Maria mà dung mạo xấu xí, già khụ! Người ta sẽ đàm tiếu chết! Sau khi nói đến ơn đồng trinh (ch.13-14), ơn nghề thợ mộc (ch.15), tác giả kết thúc phần thứ nhất với hồng ân các nhân đức trong cuộc đời Thánh Giuse: khôn ngoan (prudentia), công chính (iustitita), đạo đức (pietas), thanh khiết, đầy tình mến thương, thanh bần (ch.16-17).
(b) Phần thứ hai, gồm 15 chương, bàn đến những hồng ân mà Thánh Giuse nhận được sau khi hết hôn với Đức Maria. Đứng đầu là hồng ân được kết duyên với Đức Maria (ch.1-2), rồi đến tuổi tác (ch.3) và các đức tính do cuộc hôn nhân: bảo vệ Đức Maria và Hài nhi, dưỡng phụ Đức Giêsu, ơn công chính (ch.4-5), ơn được chứng kiến cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elisabeth (ch.6), được thiên sứ truyền tin (ch.7-8), được Đức Maria yêu quý (ch.9), được thờ lạy Chúa giáng sinh (ch.10), được đặt tên cho Hài nhi (ch.11), được thiên thần năng hiện đến (ch.12), được sống kề bên Chúa Cứu Thế và thánh mẫu (ch.13), được tìm thấy Hài nhi trong đền thánh (ch.14) và sau cùng là ơn mến Chúa Giêsu hết lòng (ch.15).
Đây là phần súc tích nhất về thần học, khi tác giả phải bảo vệ hôn nhân đích thực của Đức Maria với Thánh Giuse đồng thời với đức trinh khiết của hai vị. Nên biết là khi nói về tuổi tác vào lúc kết hôn, tác giả cho rằng Thánh Giuse không trẻ lắm nhưng cũng không già lắm. Người thuộc tuổi trung niên, chín chắn, để có thể cáng đáng chức vụ dưỡng phụ Chúa Cứu thế.
(c) Trong phần thứ ba (22 chương), tác giả dành ra 9 chương đầu để đối chiếu Thánh Giuse với những phúc lành (benedictiones) được Chúa ban cho các tổ phụ (Ađam, Noe, Giacop, Giuse, Balaam, Môsê).
Hơn các thánh tổ phụ của Cựu Ước, Thánh Giuse còn được lãnh nhận các hồng ân thời Tân Ước: ơn được lãnh bí tích rửa tội (ch.10), ơn thanh tịnh (ch.11), bảy ơn Chúa Thánh Thần (ch.12), hồng ân bảy mối phúc thật (ch.13-16).
Sau cùng, tác giả so sánh Thánh Giuse với các thánh tông đồ, các ngôn sứ, thánh sử, mục tử (ch.17-22).
(d) Phần thứ bốn bàn về những ơn của thánh nhân khi chết và ơn được vinh hiển hồn xác trên trời. Tuy thú nhận là một vấn đề khó khăn, nhưng tác giả đã dành ra 10 chương để bàn về lúc từ trần (ch.1), về việc xuống ngục tổ tông (limbô, ch.2), về sự vinh quang cả hồn lẫn xác (ch.3), về ba triều thiên (tử đạo, đồng trinh, tiến sĩ, ch.4), và ơn các hoa trái (ch.5). Ba chương 6-8 bàn về lễ phụng vụ kính Thánh Giuse. Chương 9 lược thuật tiểu sử Thánh Giuse dựa theo bài đọc của phụng vụ Đông Phương (dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng latinh năm 1340), nơi mà Thánh Giuse được kính hằng năm vào ngày 20 tháng 7. Chương chót kể lại phép lạ một người có lòng sùng kính Thánh Giuse được thánh nhân đón tiếp vào thiên đàng.
Kết luận là bài lễ phụng vụ (officium sancti Ioseph) do tác giả soạn và được đức Ađrianô VI châu phê. Nên biết là từ năm 1508, Dòng Đa Minh đã mừng kính Thánh Giuse trong lịch phụng vụ nhưng các bản văn kinh nguyện lấy từ phần chung (Commune confessorum). Cha Isolani sọan thêm phần riêng.
Tất cả các sử gia đều nhìn nhận tác phẩm của Cha Isolani như nền tảng cho sự phát triển thần học về Thánh Giuse, một thứ thần học đúng nghĩa, dựa trên Kinh Thánh, các giáo phụ, các tiến sĩ Giáo Hội, các luận cứ (chứ không phải theo truyền kỳ hay cảm tình ướt át).
Những tác phẩm của Cha Gerson và Isolani đã trở nên nguồn tài liệu dồi dào cho các nhà giảng thuyết và thần học trong các thế kỷ kế tiếp.
Thánh Francois de Sales (1567-1622), Sur les vertues de st Joseph. Les vrais entretiens spirituels n.19.
Giám mục Bénigne Bossuet (1627-1704) với hai bài giảng: Depositum custodi và Quaesivit sibi Deus
Trong số những người nhiệt thành cổ động lòng sùng kính Thánh Giuse vào thời cận đại, chúng ta không thể nào bỏ qua thánh Têrêsa Avila (1515-1582). Tên Thánh Giuse được đặt cho đan viện cải tổ ở Avila năm 1562, và 11 đan viện khác (trong số 17 đan viện được thiết lập). Dù sao, tất cả đan viện Cátminh đều đặt tượng Thánh Giuse cũng với châm ngôn “Ite ad Joseph” (do sáng kiến của Cha Jeronimo Gracian).
Nhiều dòng tu ra đời vào thời cận đại cũng nhận Thánh Giuse làm quan thầy, như sẽ thấy trong chương tới.
Những lễ kính Thánh Giuse bắt đầu từ vài giáo phận hay dòng tu, dần dần được đưa vào lịch phụng vụ phổ quát:
Trong mục này, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển về tư tưởng thần học và lòng tôn kính Thánh Giuse trải qua lịch sử. Đó là những dữ kiện sẽ được các văn kiện Tòa Thánh sử dụng như sẽ thấy trong mục tới. Trước khi kết thúc, chúng ta hãy lượt qua vài đường hướng thần học về Thánh Giuse trong những thế kỷ gần đây.
Từ sau công đồng Trentô, thần học công giáo bắt đầu phát triển nhiều thiên độc lập tựa như: thần học hộ giáo (Apologetica), Giáo Hội học (Ecclesiologia), Thánh Mẫu học (Mariologia). Theo đà đó, cũng có người muốn phát triển bộ môn thần học về Thánh Giuse (Josephologia). Giữa hai mốc điểm đó, chúng ta hãy rảo qua vài đường hướng:
Các tác giả thường có khuynh hướng trình bày Thánh Giuse với những ân huệ được ban kèm theo ơn gọi, cũng tựa như Đức Maria: trinh khiết, vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời.
Kể từ công đồng Vaticanô II, người ta chú trọng hơn đến vai trò phục vụ ơn cứu độ. Điều này giả thiết một sự thay đổi phương pháp, dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền hơn là các suy diễn. Việc nghiên cứu thần học được thực hiện cách riêng do những trung tâm sau đây:
Thêm vào đó là nhiều Hội nghị thần học quốc tế về lịch sử lòng tôn kính Thánh Giuse trải qua các thời đại, được tổ chức tại Roma (1970), Toledo (1976), Montréal (1980), Kalisz (Ba lan, 1985), Mexico (1989), Roma (1993), Malta (1997), San Salvador (2001), Kevelaer (2005).