Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Pt. Giuse Trần Văn Nhật

TƯƠNG QUAN TÌNH YÊU

Gioan 16:12-15

Trên thế giới ngày nay, theo thông tin trên mạng, có khoảng 4,200 tôn giáo khác nhau, nếu tôn giáo có thể hiểu là một hệ thống tin tưởng không nhất thiết phải có sự hiện diện của Thượng Đế. 1

Điều đó cho thấy, tự bản chất, con người hướng về thế giới siêu hình. Khi đứng trước những điều khó hiểu, có vẻ huyền bí thì người ta gán ghép tính cách thần thánh cho điều đó, như ngày xưa người ta thờ các thần mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, v.v., và ngay cả thú vật cũng được coi là thần thánh như trong các giáo phái ở Ấn Độ. Nói tóm, óc tưởng tượng của con người thì vô hạn và dĩ nhiên không đúng sự thật.

Đứng trước các vấn đề siêu hình, loài người chúng ta giống như những người mù sờ vào một con voi – người sờ vào cái tai thì nói con voi giống như cái quạt, sờ vào cái chân thì voi giống như cột đình, v.v. – nói cách khác chúng ta chỉ biết được một phần rất nhỏ của thế giới siêu hình mà trong đó Thượng Đế là một tổng thể vô cùng vĩ đại với biết bao điều bí ẩn.

Nghĩ cho cùng, loài người chúng ta không thể biết được Thượng Đế như thế nào nếu chính Người không tự tỏ mình ra – chúng ta gọi đó là sự mặc khải của Thiên Chúa. Trong Kitô Giáo, sự Mặc Khải này được ghi lại trong các Sách Thánh của Do Thái Giáo thời Cựu Ước, và sau cùng trong các Phúc Âm, các Thánh Thư thời Tân Ước.

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa mặc khải qua miệng các ngôn sứ, nhưng vào thời Tân Ước, chính Thiên Chúa nói với loài người qua Chúa Giêsu. Những gì chúng ta được biết về Thiên Chúa là nhờ Chúa Giêsu, và qua đó chúng ta biết rằng chỉ có một Thiên Chúa nhưng lại có Ba Ngôi mà loài người chúng ta phân biệt là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là một mặc khải quan trọng nhất của Kitô Giáo, nhưng cũng là một điều vô cùng khó hiểu. Làm thế nào Thiên Chúa vừa là một lại vừa là ba cùng một lúc? Giáo Hội gọi đây là mầu nhiệm vì chúng ta không thể thấu hiểu bằng lý lẽ con người, nhưng chúng ta phải tin vì được chính Chúa Giêsu tiết lộ.

Tỉ như trong bài phúc âm hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần như sau: Thần Khí sự thật “sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Chúng ta hiểu câu này là Chúa Thánh Thần sẽ loan báo những gì của Chúa Giêsu cho chúng ta, nhưng Chúa nói tiếp, “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; vì thế, Thầy đã nói rằng Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Gioan 16:14-16). Chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu lẫn lộn giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong công việc loan báo, nhưng có lẽ, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là một.

Còn Chúa Giêsu thì sao? Theo lẽ thường tình, cha sinh ra con, và con sẽ được hưởng những gì là của cha, nhưng ở đây Chúa Con lại nói, “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”! Như vậy chẳng lẽ Chúa Con lại có trước Chúa Cha? Nghĩ cho cùng, chúng ta không thể nào giải thích một cách hợp lý nếu cho rằng có ba chúa khác nhau theo thứ tự như loài người chúng ta.

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi được Giáo Hội cử hành ngay sau lễ Chúa Thánh Thần với hàm ý rằng nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, Thần Chân Lý, chúng ta sẽ chấp nhận được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ đó, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài ý nghĩa để áp dụng vào đời sống.

Trước hết, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có nghĩa Thiên Chúa không cô độc mà có sự tương quan với nhau. Sự tương quan giữa Ba Ngôi, theo Thánh Gioan, là tình yêu. Tình yêu thì phải có đối tượng, nếu không có đối tượng mà chỉ yêu chính mình thì đó là sự ích kỷ, không còn là tình yêu. Vì vậy, câu nói “Thiên Chúa là tình yêu” của Thánh Gioan chỉ hợp lý nếu có Ba Ngôi.

Tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi cho thấy không ai có thể sống cô độc, không dân tộc nào có thể tự mình tồn tại, chính vì vậy, người ta lên án chiến tranh, đề cao sự hợp tác phát triển giữa các dân tộc, chống lại sự kỳ thị chủng tộc.

Áp dụng vào đời sống gia đình, chúng ta phải trân quý và duy trì tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em trong một nhà. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vật chất ngập tràn trong xã hội khiến chúng ta bị ảnh hưởng, thường nghĩ đến chính mình nhiều hơn nghĩ đến người khác; chúng ta muốn hưởng thụ hơn là phục vụ lẫn nhau. Từ đó, tình gia đình phai nhạt, vợ chồng dễ đổ vỡ, anh chị em không còn thân thiết với nhau, con cái ít nghĩ đến cha mẹ để thăm viếng, nâng đỡ lúc già yếu. Khi thiếu tình thương, nhân loại sẽ đau khổ.

Một bài học khác được nhận thấy qua Ba Ngôi Thiên Chúa là người ta có thể khác biệt về đặc tính nhưng bình đẳng về phẩm giá. Để phân biệt Ba Ngôi Thiên Chúa, các nhà thần học thường đề cập đến đặc tính của Ba Ngôi qua công việc: Ngôi Cha được cho là tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con cứu chuộc loài người, và Ngôi Thánh Thần thánh hoá nhân loại. Dù công việc nào Ba Ngôi vẫn là một Thiên Chúa.

Tương tự, loài người chúng ta có thể làm những công việc khác nhau nhưng tất cả đều có phẩm giá của một con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa, công việc có thể thấp kém so với người khác, nhưng không vì thế mà người ấy kém giá trị. Một người phế tật hay già yếu thì không thể làm được công việc của một người khỏe mạnh, nhưng họ vẫn phải được tôn trọng như những người khác. Ở Hoa Kỳ, người phế tật có những ưu tiên được dành cho họ, tỉ như chỗ đậu xe riêng, không phải xếp hàng, v.v., điều đó nhắc nhở chúng ta về phẩm giá con người.

Trong gia đình, con cái tuy còn nhỏ, chưa có khả năng làm những công việc có giá trị nhưng cha mẹ nên tôn trọng con cái, đừng làm chúng cảm thấy xấu hổ khi bị la rầy. Sự tôn trọng này sẽ giúp con cái tự tin hơn, dễ thành công hơn nơi học đường và ngoài xã hội. Sự khác biệt giữa cha mẹ Công Giáo và người đời là chúng ta phải sống thế nào để con cái thấy rằng giá trị của một con người thì không phải là bằng cấp, giầu có, hay chức quyền mà là một đời sống chính trực và biết nghĩ đến người khác để hy sinh phục vụ. Sự phục vụ đem lại giá trị cho con người, và vì giá trị đó, họ sẽ cố gắng tránh xa tội lỗi.

Điểm sau cùng, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,” chúng ta được nhắc nhở về vinh dự được làm con Thiên Chúa, được sống trong Thiên Chúa khi chúng ta thể hiện tình yêu trong đời sống hàng ngày. T. Gioan viết, “Thiên Chúa là tình yêu, và ai sống trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Như thế, để cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa một cách thực tế, chúng ta không cần đến óc tưởng tượng để hình dung ra làm thế nào ba-có-thể-là-một, và một-có-thể-là-ba, chúng ta cũng không cần đến kiến thức uyên thâm của các nhà thần học, nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong những tương quan đầy yêu thương giữa những người trong gia đình, trong cộng đồng, trong giáo xứ, trong tình bằng hữu, và trong sự hiếu khách khi tiếp đãi người khác.

Và như thế, để biết đến Thiên Chúa, chúng ta không phải đi xa đến những nơi hành hương nổi tiếng, mà ngay trong gia đình, Thiên Chúa đã có mặt khi chúng ta xây dựng gia đình thành một tổ ấm đầy tình thương, hoặc khi chúng ta tiếp tay xây dựng cộng đoàn, giáo xứ. Chính lúc đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của cuộc đời. Chính lúc đó, chúng ta mới thấy chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban ơn thêm sức để chúng ta có thể sống mầu nhiệm tình yêu trong sự hiệp thông với người khác, như thế, mọi lời nói, hành động của chúng ta sẽ hướng đến mục đích duy nhất là “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen”.

1. (https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_religions_and_spiritual_traditions)

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU