Độc giả Tây Phương ngày nay thường thắc mắc về các vấn đề sức khỏe mà có vẻ Đức Giêsu đã giải quyết rất hữu hiệu. Cơn sốt của bà mẹ vợ ông Phêrô, người dân bị khổ sở bởi các ác thần, “nhiều loại bệnh tật” (c. 35) được trình bày cho Đức Giêsu, tất cả nêu lên nhiều thắc mắc. Những thắc mắc căn bản là, điều gì thực sự xảy ra? Đức Giêsu có thực sự làm như thế không?
Các nhà nhân chủng học về y khoa ngày nay đưa ra một số hiểu biết sâu sắc. Họ phân biệt bệnh tật (disease) như một loại trục trặc về y sinh có ảnh hưởng đến một cơ phận, và đau yếu (illness) như một tình trạng mất giá trị nhân bản mà trong đó hệ thống xã hội bị gián đoạn và ý nghĩa đời sống không còn. Sự điều trị được nhắm đến bệnh tật; nó hiếm khi xảy ra. Sự chữa lành được nhắm đến sự đau yếu; nó luôn xảy ra cho tất cả dân chúng. Mọi người tìm ra một ý nghĩa mới trong đời bất kể sự khó khăn là gì.
Hầu như không thể biết được những bệnh tật gì đã ảnh hưởng đến những người mà họ đã tìm đến Đức Giêsu để được giúp đỡ. Nhưng các bản văn cho biết các hậu quả xã hội của những tai họa này và Đức Giêsu đã cứu chữa các hậu quả đó cũng như các tai họa, bất kể là gì. Hãy xem xét bà mẹ vợ của ông Phêrô.
Trong thế giới Địa Trung Hải xưa, người phối ngẫu lý tưởng là một cô em họ (first cousin), con gái của một em trai của người cha của chú rể. Hơn nữa, các bà vợ thường về nhà chồng, vì các con trai tiếp tục sống với cha của mình ngay cả sau khi kết hôn. Nhưng họ có một chỗ riêng trong một căn nhà thường rộng lớn.
Mẹ vợ của ông Phêrô, là vợ của người em trai của cha ông Phêrô, phải sống trong nhà của chồng bà. Nếu ông ấy chết, bà phải sống với một trong những con trai, hoặc nếu các con chết bà phải trở về gia đình cũ. Sự kiện bà ở trong nhà của ông Phêrô, điều đó gợi ý rằng có lẽ bà không còn ai trong gia đình để chăm sóc bà. Trong thế giới Trung Đông, đây là một số phận tệ hơn bất cứ bệnh tật nào, quả thật, tệ hơn cái chết. Như thường xảy ra trong sứ vụ của Đức Giêsu, sự thách đố này thì nhiều hơn cơn sốt của người phụ nữ.
Trong thế giới cổ xưa, các y sĩ chuyên nghiệp không cố chữa người ta. Nếu họ thất bại, họ có thể bị tử hình. Họ thích nói về những đau yếu hơn, theo kiểu triết gia-y sĩ. Đây là những y sĩ mà Tân Ước ám chỉ khi (không thường xuyên) dùng chữ này (Mc 2:17; 5:26; Luca 4:23; 8:43; Col 4:14).
Các thầy lang thường nhiều hơn và rất sẵn sàng dùng đôi tay của họ dù có nguy cơ thất bại. Dân quê dễ lui tới với những người chữa lành như thế và thường nhờ đến họ. Trong các Phúc Âm, Đức Giêsu được trình bày như một thầy lang: một ngôn sứ đầy thần khí và một bậc thầy có quyền lực trên các thần ô uế và nhiều loại đau yếu.
Một yếu tố rất kiên định trong sinh hoạt chữa lành của Đức Giêsu là Người phục hồi bệnh nhân trở về tình trạng, vai trò, và vị trí thích hợp trong cộng đồng. Người cùi được tuyên bố là sạch thì được trở lại cộng đồng thánh thiện của Thiên Chúa. Người chết được phục hồi sự sống thì trở lại thành phần tử của gia đình mình.
Trong bài phúc âm hôm nay, Đức Giêsu cầm tay bà mẹ vợ của ông Phêrô và giúp bà ngồi dậy. Bất cứ ai quen thuộc với văn hóa Địa Trung Hải thì biết rằng họ sẵn sàng đụng chạm với nhau hơn là người Hoa Kỳ sợ vi trùng. Họ đứng gần nhau khi nói chuyện, và thường va chạm. Không phải sự va chạm đơn giản của Đức Giêsu là điều quan trọng; sự va chạm của Người truyền đi sức mạnh của Người. Trong một trường hợp khác, một bà chỉ chạm đến áo khoác của Người thì cũng đã lấy đi sức mạnh của Người mà Người không biết, và bà này được lành (Mc 5:30).
Bà mẹ vợ ông Phêrô ngay lập tức bắt đầu phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ, điều đó chứng tỏ Đức Giêsu thực sự đã chữa lành cho bà. Bà đủ mạnh để tiếp tục lại vị trí, vai trò và chức năng bình thường của bà trong nhà. Đức Giêsu đã phục hồi ý nghĩa cho đời sống của bà. Theo kiểu cách thông thường vùng Địa Trung Hải, bà đền đáp sự ưu ái bằng cách phục vụ Người và những ai đi với Người.
Sự giảng dạy và tác vụ chữa lành của Đức Giêsu thách đố các nỗ lực không ngừng cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ. Trên hết, người ta cần ý nghĩa trong đời sống. Đó là ý nghĩa của sự chữa lành.