Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Pt Giuse Trần Văn Nhật

HÀNH TRÌNH KIẾM CHÚA

1 Sm 3:3b-10, 19; 1 Cor 6:13c-15a, 17-20; Jn 1:35-42

Hôm nay là Chúa Nhật II Thường Niên, và bước vào mùa thường niên Giáo Hội dùng các bài đọc, có thể nói, tiêu biểu cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Có người được rửa tội từ nhỏ, có người được rửa tội khi trưởng thành để lập gia đình hay khi họ nhận được một ơn đặc biệt nào đó từ Thiên Chúa và họ hoán cải. Nhưng đức tin không phải là một giây phút xác tín mà là một hành trình, trong đó, điều quan trọng nhất là chúng ta phải cố gắng gặp gỡ chính Thiên Chúa. Gặp gỡ như thế nào? Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta thử nhìn đến những gì được coi là cần thiết cho sự gặp gỡ này.

Trước hết, Thiên Chúa mời gọi chúng ta theo Chúa mỗi người một cách khác nhau. Nếu chúng ta được rửa tội ngay khi còn nhỏ, có lẽ chúng ta giống như Samuen trong bài đọc một, cậu được Chúa gọi nhưng không nhận ra tiếng Chúa, cho đến khi được ông Êli, một tư tế trông coi đền thờ, có kinh nghiệm hướng dẫn, thì mới biết đó là tiếng Chúa gọi.

Tương tự như vậy, nhiều người trong chúng ta tự hào là “đạo gốc từ trong nôi”, nhưng nếu không được hướng dẫn, không có sự tiến bộ trong sự hiểu biết giáo lý, “gốc” đó sẽ không bám rễ sâu vào lòng đức tin và hậu quả là nhiều người bị mất “gốc” – họ sẽ gặp khó khăn để nhận biết đâu là tiếng Chúa.

Trong bài Phúc Âm, ông Anrê từng là môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, nhưng khi được biết về Đức Giêsu, ông đã đi theo Người. Ngày xưa, chữ “đi theo” có nghĩa ở với, sống với ai đó để lắng nghe, và học hỏi từ người ấy. Ông Anrê đã sống với Đức Giêsu và học hỏi được nhiều điều nên sự hiểu biết của ông về Đức Giêsu cũng thay đổi. Lúc đầu ông chỉ coi Đức Giêsu là một ráp-bi (giáo sĩ Do Thái) nhưng sau một thời gian “đi theo” Đức Giêsu, ông đã giới thiệu về Đức Giêsu là “Mêsia” – Đức Kitô, Đấng Cứu Thế.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể theo Chúa để lập gia đình với một người Công Giáo hoặc sau khi được một phép lạ nào đó, nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở các bí tích mà không tìm hiểu thêm, không đào sâu thêm về đạo, không tìm cách gặp gỡ, thân tình với Thiên Chúa, có thể chúng ta không có cái nhìn chính xác về Thiên Chúa.

Nhiều người coi Thiên Chúa như một quan tòa hung dữ, chỉ rình bắt chúng ta khi phạm tội, do đó chúng ta tránh tội, không phải để cuộc đời chúng ta tốt hơn, nhưng để khỏi bị Chúa phạt! Như thế, chúng ta sẽ giữ đạo qua các hình thức bên ngoài, không có lợi gì cho đời sống tâm linh của chúng ta. Đạo sẽ trở nên một gánh nặng thay vì đem lại bình an và niềm vui. Khi không sống lời Chúa dạy, chúng ta sẽ không quảng đại thông cảm, khó tha thứ người khác, thiếu nhân từ và không khiêm tốn nhận lỗi, ngay cả đối với những người thân trong gia đình.

Cũng có người coi Thiên Chúa là đấng ban phát giống như máy bán thực phẩm, chỉ cần cho vào máy số tiền ấn định là máy tự động tuôn ra thức ăn, đồ uống chúng ta muốn. Nói chung, chúng ta chỉ đến với Thiên Chúa khi có nhu cầu, ngoài ra, Thiên Chúa không có ảnh hưởng gì đến lối sống của chúng ta. Một trong những nguy hiểm của cái nhìn này là chúng ta dễ mất đức tin khi xin mà không được. Nhiều người đến đủ mọi nơi linh thiêng để cầu xin nhưng vẫn không được điều mong muốn xảy ra và họ trở nên hoài nghi, cay đắng vì “tiền mất mà tật vẫn mang.”

Có thể nói điểm khó khăn nhất trong hành trình đức tin là tìm hiểu ý định của Thiên Chúa và sống theo thánh ý đó. Làm thế nào để biết được ý định của Thiên Chúa? Trong lịch sử Giáo Hội, những người được Thiên Chúa hiện ra để trực tiếp nói với họ thì rất ít. Nhưng, qua các sự kiện trong các bài đọc hôm nay, có thể nói, Thiên Chúa nói với chúng ta qua người khác. Samuen biết được Đức Chúa là nhờ ông Êlia. Ông Anrê biết được Đức Giêsu là nhờ ông Gioan Tẩy Giả. Ông Simon biết được Đức Giêsu là nhờ lời giới thiệu của ông Anrê. Và phần còn lại là sự quyết tâm của chính chúng ta. Chúng ta có muốn chấp nhận đó là ý định của Thiên Chúa hay không? Hoặc chúng ta chỉ coi đó là ý kiến của người khác và tiếp tục sống theo đường lối, ý muốn riêng tư của mình?

Một khi đã tìm kiếm và thấy được ý Chúa qua người khác, nhưng làm thế nào để biết đó là ý định và đường lối của Thiên Chúa? Ngoài những mặc khải trong Kinh Thánh, có lẽ động lực quan trọng nhất để có thể nhận biết ý định của Thiên Chúa là lòng yêu quý sự thật. Bởi vì Thiên Chúa là Sự Thật, khi chúng ta yêu quý và tìm kiếm sự thật, Thiên Chúa sẽ tỏ hiện ý định của Người cho chúng ta.

Thực tế cho thấy sự thật thì khó chấp nhận và không được yêu quý, bởi vì, sự thật thường trái với những gì chúng ta mong muốn và phải trả với một giá khá đắt.

Thử nghĩ đến trường hợp của ông Gioan Tẩy Giả. Lúc bấy giờ, ông nổi tiếng là một ngôn sứ dám nói và dám làm, bởi đó có nhiều người đi theo ông để làm môn đệ. Nhưng thay vì bảo vệ danh tiếng của mình, thay vì duy trì số môn đệ đông đảo cho mình, ông Gioan Tẩy Giả đã can đảm sống theo ý định của Thiên Chúa, bởi vì ông từng khao khát mong chờ đấng cứu thế và khi được thấy sự thật ông đã giới thiệu chính hai môn đệ của mình đi theo Đức Giêsu – “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Noi gương ông Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng phải có lòng khao khát chân lý, muốn biết những sự thật có lợi cho đời mình và cũng phải hy sinh tự ái, hy sinh cái tôi, hy sinh lợi ích riêng tư của mình để sống cho sự thật đó.

Trong gia đình, nhiều khi Thiên Chúa muốn nói với các đấng bậc cha mẹ qua con cái, nhưng nếu cha mẹ không yêu quý sự thật, họ sẽ không nhận ra đó là điều Chúa muốn. Trong giáo xứ, hay các tổ chức tôn giáo, những người lãnh đạo sẽ gặp khó khăn khi nghe những lời phê bình của người cấp dưới nếu họ không yêu quý sự thật. Nhưng như Chúa Giêsu đã nói, “Sự thật sẽ giải thoát” chúng ta, và để được giải thoát chúng ta phải trả bằng một giá nào đó.

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ 20 cũng có nhiều mục sư Anh Giáo hay Tin Lành nói chung đã trở về với Công Giáo khi họ đi tìm sự thật về Kitô Giáo. Sự hoán cải của họ cũng phải trả một giá rất đắt. Sau nhiều năm khó nhọc để gầy dựng một giáo đoàn hàng ngàn người (megachurch), lợi tức hàng tháng của họ không phải ít, chưa kể danh tiếng của một mục sư. Nhưng họ đã can đảm từ bỏ tất cả để trở về với đạo Công Giáo. Cũng có những mục sư kéo theo cả giáo đoàn của mình, như Alex Jones ở Detroit kéo theo khoảng 700 người trở lại Công Giáo cùng với ông, bây giờ ông chỉ là một phó tế (không có lương) của Giáo Hội Công Giáo.

Các bài đọc hôm nay cho thấy đức tin là kết quả của một hành trình cam go, nhiều thách đố và nhiều hy sinh. Hành trình ấy sẽ càng khó khăn hơn nếu chúng ta không có người đồng hành. Ngoài những người đồng hành là cha mẹ, vợ chồng, anh chị em hay ngay cả con cái trong gia đình, chúng ta còn có các giáo sĩ, giáo dân trong giáo xứ hay trong các hội đoàn đạo đức, nhưng người đồng hành quan trọng nhất phải là Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu thường xuyên trong các bí tích khi đi xưng tội, rước lễ, hay xức dầu thánh, nhưng để Chúa thực sự đồng hành với chúng ta, chúng ta phải tỏ rõ ý định của mình bằng cách gặp gỡ với Chúa thường xuyên hơn qua những giây phút thinh lặng, suy nghĩ về các sự kiện lớn nhỏ xảy ra hàng ngày trong cuộc đời. Càng gặp gỡ và thân tình với Chúa Giêsu bao nhiêu, chúng ta càng có bình an, niềm vui và nhất là dễ nhận ra ý định của Thiên Chúa. Điều khó khăn còn lại là chúng ta có từ bỏ ý riêng của mình để sống theo ý Chúa hay không.

Bí tích rửa tội mở đầu một hành trình mà trong đó chúng ta tập luyện, trau dồi bản thân để ngày càng trở nên giống Chúa Kitô hơn.

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU