Bài Phúc Âm hôm nay kết thúc phần trả lời của Đức Giêsu cho yêu cầu của ông Philíp: “Hãy cho chúng con thấy Chúa Cha” (14:8). Phần mở đầu và kết thúc của đoạn này thì lập lại cùng một ý tưởng nhưng ngược chiều: “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy” (c. 15) và “những ai biết các giới răn của Thầy và tuân giữ chúng, họ là những người yêu mến Thầy” (c. 21). Kiểu văn chương đó được gọi là “bao gồm” được đặc trưng bởi sự “đảo ngược tương đồng.” Bản văn “bao gồm” trong những câu này thì có ý định được coi như một đơn vị.
Đơn vị này (cc. 16-20) gồm ba ý tưởng căn bản, còn được lập lại trong tính tương đồng.
(1) Thánh Thần đến với cộng đồng này như đấng bảo trợ, phù giúp, cố vấn (c. 16); Đức Giêsu sẽ trở lại (c. 18). Khuôn mẫu này được lập đi lập lại trong diễn từ giã biệt. Đức Giêsu thay phiên dùng sự diễn tả “Thầy sẽ sai Thánh Thần” với “Chính Thầy sẽ trở lại.” Là một và cùng dữ kiện căn bản được thấy trong từng câu, rằng Thiên Chúa không bỏ rơi cộng đồng này nhưng luôn ở với họ.
(2) Các thần dữ không thấy cũng không biết Thánh Thần (c. 17a); các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh, là nguồn sức sống của họ (c. 19a). Nhìn thấy và không nhìn thấy là những chủ đề chính trong Phúc Âm Gioan. Ở đây các lực lượng xấu xa (thế gian) đối nghịch với thế lực của Sự Sống Phục Sinh (các môn đệ).
(3) Các môn đệ biết Chúa Thánh Thần vì Người ở với và ở trong họ (c. 17b); các lực lượng xấu xa không nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh, nhưng các môn đệ nhận biết sự hiện diện của Người trong tình yêu hỗ tương mà họ công khai và tự do bày tỏ (cc 19b-20).
Một số hiểu biết sâu xa từ văn hóa Địa Trung Hải giúp tín hữu ngày nay có được sự hiểu biết tốt hơn về kiểu lập lại của Gioan.
Trước hết, sự bí mật, nói dối, và gian trá là các chiến thuật chính yếu trong nền văn hóa này để bảo vệ vinh dự của một người. Thường thật khó để biết sự thật; luôn luôn nghi ngờ người khác nói dối. Tuy điều này làm cho đời sống rất khó khăn, nền văn hóa này cung cấp các chiến thuật để xác nhận rằng sự thật đang được nói. Người ta viện dẫn Thiên Chúa để làm chứng cho điều họ nói. Điều răn cấm dùng danh Chúa cách vô cớ là sự cấm đoán cầu khẩn Chúa làm chứng dối. Một điều răn như thế gợi ý rằng người ta có thói quen cầu khẩn Chúa để làm chứng dối.
Các chiến thuật khác để xác nhận sự thật thì gồm những câu tỉ như “Xin Chúa làm như thế cho tôi nếu tôi không nói thật,” hoặc “Một khi tôi sống” (có nghĩa “tôi không nói dối”), hoặc trong Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu lập lại sự khẳng định “Amen, Amen,” mà một số bản dịch giải thích là “Quả thật, Thầy bảo thật anh em…” Ngay cả Đức Giêsu cũng phải bảo đảm người khác rằng Người không lừa gạt hay nói dối họ.
Việc sử dụng đến máy thử nghiệm đồ thị đa giác (polygraph) và các phương tiện tương tự của văn hóa Tây Phương ngày nay khiến người ta khó thấy được sự chán nản của người xưa khi cố gắng khám phá sự thật. Việc Đức Giêsu bảo đảm Thần Khí sự thật là Thánh Thần, quả thật đó là tin mừng.
Thứ hai, tín hữu ngày nay có thể cảm thấy khó chịu về sự tương phản mà Gioan thường vạch ra giữa “chúng ta” (tín hữu) và “chúng nó” (thế gian, các lực lượng xấu xa). Nếu Gioan và cộng đồng của ông nghe có vẻ hơi hoang tưởng, có lẽ nhận xét đó đúng.
Nền văn hóa Trung Đông thì có tính cách luận chiến, đó là, dễ xung đột. Tổ chức nền tảng của xã hội là gia đình lớn và rất rộng mở. Người ở ngoài gia đình thì bị nghi ngờ là một kẻ thù, âm mưu xấu đối với gia đình, tìm cách hãm hại gia đình. Sự thật chỉ dành cho gia đình và bà con thân thuộc được mở rộng không xa hơn ngôi làng. Không ai ở ngoài làng có quyền được biết bất cứ gì.
Xu hướng của văn hóa này bị thách đố bởi sự dạy bảo của Đức Giêsu là hãy yêu thương nhau và hãy noi gương tình yêu hiện có giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Giới răn yêu thương của Đức Giêsu mở rộng ra ngoài gia đình và làng mạc.
Sự đề cập của Gioan đến “thế gian” hay các lực lượng xấu xa thì chắc chắn xuất phát từ thái độ thù nghịch căn bản của văn hóa này đối với những người không phải bà con, nhưng nó còn được dựa trên sự nhận biết rằng một số người từ chối không tin vào Đức Giêsu và thông điệp của Người và đôi khi còn có hành động thù nghịch (td, tống xuất ra khỏi hội đường).
Vì họ sống trong một nền văn hóa khác biệt, tín hữu Hoa Kỳ ngày nay mong đợi Chúa Thánh Thần đóng vai trò gì trong đời sống của họ?