Hôm nay, khi mừng lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có lẽ chúng ta hơi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao Giáo Hội lại có một ngày đặc biệt để kính Mình Máu Thánh Chúa, bởi vì qua mỗi Thánh Lễ hàng ngày hay hàng tuần, chúng ta đều được nhắc nhở đến sự hy sinh của Chúa Kitô qua Mình & Máu của Chúa.
Ngày lễ này được cử hành ngay sau Chúa Nhật kính Ba Ngôi Thiên Chúa, có lẽ Giáo Hội muốn nói với chúng ta rằng cũng như Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm -- không thể hiểu bằng lý lẽ thông thường -- thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô cũng không thể dùng trí tuệ hay khoa học để giải thích.
Nói như thế không có nghĩa, người Công Giáo tin tưởng một cách mù quáng vào Thiên Chúa và Thánh Thể, nhưng chúng ta tin Thiên Chúa có Ba Ngôi nhờ sự mặc khải của Chúa Giêsu, và mầu nhiệm Thánh Thể cũng đã được Chúa Giêsu nói trước trong Phúc Âm và đã được minh chứng qua các phép lạ trong lịch sử Giáo Hội mà khoa học không thể giải thích được.
Ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa được Giáo Hội thiết lập trong khoảng thế kỷ 12 sau khi có hai phép lạ xảy ra. Đầu tiên là ở bên Bỉ khi thánh nữ Juliana (1193--1258) được thị kiến thấy một mặt trăng xuất hiện suốt cả ngày, đặc biệt trên mặt trăng có một giải băng đen vắt ngang qua. Chúa Giêsu hiện ra với chị trong một giấc mơ để giải thích rằng mặt trăng ấy tượng trưng cho niên lịch phụng vụ và băng đen đó để ám chỉ một sự thiếu sót, đó là không có ngày kính Mình và Máu Thánh Chúa.
Chị Juliana đến gặp giám mục địa phương là ĐGM Robert ở Liège để xin thiết lập ngày lễ này, và người đã đồng ý cho thiết lập lễ này trong các giáo phận ở nước Bỉ vào năm 1246. Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây mà được tiếp tục vào 17 năm sau.
Lúc bấy giờ một linh mục người Đức, Cha Peter ở Prague, cảm thấy bối rối vì không tin rằng bánh và rượu, sau lời truyền phép của cha, lại có thể biến thành Mình và Máu của Chúa Giêsu, do đó, cha đã làm một cuộc hành hương lên Rôma để cầu nguyện trước mộ thánh quan thầy Phêrô để xin ơn đức tin.
Sau vài tuần lễ đi bộ từ Prague đến Rôma và cầu nguyện trước mộ thánh quan thầy, cha không thấy gì khác biệt. Chán nản, vị linh mục này cùng với một nhóm hành hương trở về quê cũ. Trên đường về, khi đến ngày Chúa Nhật, những người hành hương yêu cầu Cha Peter cử hành Thánh Lễ, và họ đã dừng chân tại nhà thờ Thánh Christina ở Bolsena, nước Ý. Thánh Lễ diễn ra như thường lệ, nhưng ngay trước phần “Lậy Chiên Thiên Chúa”, khi Cha Peter bẻ bánh và đặt một mẩu nhỏ vào chén thánh thì bánh thánh trong tay người bắt đầu chảy máu. Máu đổ xuống cả khăn thánh và bàn thờ. Các tín hữu la hét, sợ hãi. Lúc bấy giờ Đức Giáo Hoàng Urban IV đang có mặt ở Orvieto, cách đó khoảng 10 dặm, nên giáo dân đã chạy đến trình với giáo hoàng về sự kiện này. Điểm lý thú ở đây là Đức Giáo Hoàng Urban IV trước đây là ĐGM Robert ở Liège nước Bỉ, người đã từng thiết lập ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa ở Bỉ. Qua phép lạ này đức giáo hoàng hiểu rằng Chúa Kitô muốn thiết lập ngày lễ này cho toàn thể Hội Thánh. Hiện nay, khăn thánh có vết máu này đang được lưu giữ ở vương cung thánh đường Orvieto.
Bên cạnh ý nghĩa mầu nhiệm của Thánh Thể, trong ngày lễ hôm nay Giáo Hội còn muốn nói với chúng ta một ý nghĩa quan trọng khác được thấy qua các bài đọc.
Trong bài đọc một, lúc bấy giờ, dân Israen đã gần đến Đất Hứa sau 40 năm lang thang trong hoang địa và ông Môsê đã nhắc lại những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho họ sau khi đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Đặc biệt là khi họ đói, Thiên Chúa đã ban man-na -- một loại bánh kỳ lạ -- để họ nhớ rằng “người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”.
Lời nhắc nhở của ông Môsê cũng có giá trị với chúng ta ngày nay. Đời sống mỗi người đều trải qua những thăng trầm, gian khổ, nhưng dù giầu hay nghèo, dù địa vị nào đi nữa, phải thành thật nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào đời sống chúng ta bằng những việc kỳ lạ. Dĩ nhiên, chúng ta biết ơn Chúa, nhưng sự biết ơn ấy được thể hiện như thế nào trong đời sống chúng ta?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử nghĩ xem tại sao Giáo Hội yêu cầu tín hữu phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật? Ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, hiểu biết về Kinh Thánh qua các bài đọc, Giáo Hội còn muốn nhắc nhở chúng ta về sự hiệp thông giữa các phần tử trong cùng một Thân Thể của Chúa Kitô như T. Phaolô đã nói trong bài đọc hai: chúng ta “ăn cùng một bánh và uống cùng một chén”, và bánh ấy là Mình Chúa Kitô, và chén rượu ấy là Máu Chúa Kitô.
Trong Thánh Lễ, phần quan trọng là lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Tiếng Mỹ gọi là “Eucharistic communion” -- hiệp thông Thánh Thể. Chữ hiệp thông ở đây mang nhiều ý nghĩa hơn là chữ “rước lễ”. Rước lễ chỉ đón nhận mà không chia sẻ. Nhưng chữ hiệp thông có nghĩa chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô, và bởi vì chúng ta “ăn cùng một bánh và uống cùng một chén,” chúng ta còn hiệp thông với nhau -- chúng ta là một thân thể! Đây là điểm thường bị bỏ quên.
Nhìn lên tượng chịu nạn chúng ta thấy ý nghĩa của sự hiệp thông Thánh Thể. Hiệp thông với Chúa là theo chiều dọc từ trên đi xuống. Chúng ta không chia sẻ gì cho Chúa khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô mà chúng ta chỉ đón nhận sự sống thần linh của Chúa vào linh hồn chúng ta. Sự hiệp thông này có đem lại kết quả hay không thì tùy thuộc vào tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô. Tương tự như mưa xuống đất có sinh kết quả hay không thì tùy thuộc vào phẩm chất của đất -- cứng hay mềm, sỏi đá hay nhuần nhuyễn. Chúng ta có thể lãnh nhận Mình Máu Chúa hàng ngày, nhưng chúng ta yêu Chúa như thế nào?
Hai giới răn quan trọng nhất trong lề luật được Chúa Giêsu tóm lược trong phúc âm là “mến Chúa, yêu người”. Tình yêu Thiên Chúa phải được thấy qua tình yêu của chúng ta đối với người khác -- đây là sự hiệp thông theo chiều ngang và rất quan trọng, bởi vì không có chiều ngang thì đó chưa phải là thánh giá. Chúa Giêsu giang đôi tay tựa trên thanh gỗ ngang tương tự như Người trông nhờ vào chúng ta để đem Tin Mừng của Chúa cho mọi người qua một đời sống gương mẫu, và qua những hy sinh đầy bác ái của chúng ta. Đó là sự hiệp thông chiều ngang và điều đó chứng tỏ chúng ta yêu thương Chúa Kitô bằng cách hy sinh cho người khác như Chúa đã hy sinh cho chúng ta.
Đây là lý do Giáo Hội luôn kêu gọi chúng ta hãy nhớ đến những người kém may mắn để chia sẻ tiền của, cơm ăn, áo mặc. Trong một bản tin của Vatican vào tháng Sáu, 2017, ĐGH Phanxicô nói, “Nếu chúng ta thực sự muốn gặp gỡ Chúa Kitô, chúng ta phải chạm đến Thân Thể của Người trong những thân xác khốn khổ của những người nghèo, đó là một đáp ứng với sự hiệp thông bí tích được ban cho trong bí tích Thánh Thể.” Đức giáo hoàng nói tiếp, “Thân Thể Chúa Kitô, được bẻ ra trong phụng vụ thánh, có thể được thấy qua nghĩa cử bác ái và chia sẻ, trong diện mạo và trong những người dễ bị tổn thương nhất của anh chị em chúng ta.” Và ĐGH Phanxicô đã thiết lập Ngày Người Nghèo Thế Giới (World Day of the Poor) sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 33 Thường Niên. (http://www.catholicnewsagency.com/news/for-first-world-day-of-the-poor-francis-encourages-a-personal-encounter-12201/)
Thập giá Chúa Kitô là sự điên rồ đối với thế gian, nhưng với chúng ta, đó là sự cứu độ, không những cho bản thân mà còn cho người khác. Chúa Kitô đã đem sự sống thần linh cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể với hy vọng rằng chúng ta sẽ yêu thương Chúa đến độ chính chúng ta trở nên “cơm bánh” cho người khác. Điều đó cũng có nghĩa, việc tham dự Thánh Lễ sẽ không trọn vẹn ý nghĩa nếu chúng ta không sống sự hiệp thông Thánh Thể với tình yêu.