Cha Walter Ciszek bị lính Nga bắt trong Thế Chiến II. Người bị kết tội là “gián điệp của Vatican,” và bị 23 năm tù trong các trại lao động ở Siberia. Sau cùng khi ra khỏi tù, cha đã viết một cuốn sách về các cảm nghiệm này. Cha lấy tên sách là Người Đã Dẫn Dắt Tôi.
Trong sách có nhiều câu chuyện cảm động về những hy sinh của các tù nhân khi rước Mình Thánh Chúa trong tù. Một câu chuyện đáng được nhắc đến. Trước khi chia sẻ câu chuyện ấy, chúng ta cần biết một chút về quá khứ.
Trong thời Thế Chiến II, trước khi có Công Đồng Vatican II, luật Giáo Hội buộc phải kiêng ăn uống 24 giờ trước khi rước Mình Thánh Chúa. Hãy nhớ đến điều này khi lắng nghe Cha Ciszek kể trong sách:
Tôi từng thấy… các tù nhân đành mất giấc ngủ cần thiết và thức dậy sớm trước khi chuông reo để dự Thánh Lễ cách lén lút … Chúng tôi sẽ bị phạt nặng nếu việc tham dự Thánh Lễ bị khám phá, và luôn luôn có những tên mật thám…
Tất cả những điều này gây khó khăn khi có nhiều tù nhân tham dự, do đó chúng tôi thánh hiến thêm bánh và phân phát Mình Thánh cho các tù nhân khác khi có thể. Đôi khi điều đó có nghĩa là chúng tôi chỉ có thể gặp họ khi trở về doanh trại vào ban đêm trước khi ăn tối.
Tuy thế, những người này thực sự đã giữ chay cả ngày dài và lao động kiệt lực mà không ăn uống gì từ sau bữa ăn tối hôm trước, chỉ để rước Mình Thánh Chúa – đó là ý nghĩa của bí tích này đối với họ!
Nói cách khác, nó giống như bạn và tôi không ăn uống gì kể từ lúc này ngày hôm qua. Trong khi đó, chúng ta còn phải lao động muốn gẫy lưng trong nhiệt độ dưới số không. Đó là ý nghĩa của Mình Thánh đối với Cha Ciszek và các tù nhân.
Câu chuyện này là một câu chuyện thích hợp cho lễ Mình Thánh Chúa. Chữ Corpus Christi tiếng Latinh có nghĩa “thân thể của Chúa Kitô”. Vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa chúng ta tôn kính Thân Thể của Chúa Kitô.
Tại sao chúng ta lại dành riêng một ngày để kính Thân Thể Chúa Kitô? Không phải là chúng ta kính Mình Thánh Chúa trong mọi Thánh Lễ hay sao? Vậy tại sao lại có ngày đặc biệt này?
Chúng ta cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa với cùng lý do như chúng ta cử hành Ngày Người Cha. Đó là vì loài người chúng ta có khuynh hướng cho là điều dĩ nhiên những món quà đặc biệt như Mình Thánh Chúa Kitô và như các người cha của chúng ta.
Đó là một trong những thảm kịch lớn của đời sống khi chúng ta có khuynh hướng đánh mất sự cảm kích một số quà tặng rất quý báu mà chúng ta có. Tại sao lại như vậy?
Các nhà tâm lý nói rằng nếu chúng ta chú ý đến mọi tiếng động nghe được hoặc mọi mầu sắc thấy được, có thể nói chúng ta sẽ trở thành điên. Để bảo vệ chúng ta khỏi bị điên, chúng ta quen thuộc hóa các tiếng động và mầu sắc này. Chúng ta cản trở và gạt chúng ra ngoài sự chú ý.
Tỉ như, nếu chúng ta nghe tiếng lạch cạch đánh máy chữ ở phòng bên cạnh, tai chúng ta không còn nghe được âm thanh ấy nữa. Các nhà tâm lý gọi tiến trình này là “quen thuộc hóa”.
Nhưng quen thuộc hóa có một khía cạnh tiêu cực. Nó có sự hạn chế. Chúng ta có khuynh hướng quen thuộc hóa mọi thứ sau một thời gian – cảnh hoàng hôn, bông hoa, bạn hữu, cha mẹ, và ngay cả Mình Thánh Chúa Kitô. Chúng ta mất sự nhận thức về các điều ấy. Chúng ta không còn phấn khởi về các điều ấy. Chúng ta coi các điều ấy là điều dĩ nhiên.
Quen thuộc hóa là một trong những lý do chính tại sao thiền trở nên phổ thông. Mục đích của thiền là giúp chúng ta đừng quen thuộc hóa. Nó giúp chúng ta lại trở nên nhạy cảm trước cảnh đẹp của hoàng hôn, bông hoa, và bạn hữu.
Để có ý tưởng về cách hoạt động này, thử chú ý đến một vật quen thuộc, tỉ như một cánh hoa, như thể bạn nhìn thấy nó lần đầu tiên. Hoặc chú ý đến ai đó bạn yêu mến, như cha của bạn, như thể lần đầu tiên bạn nhìn thấy người và muốn in sâu vào tâm khảm hình ảnh cuối cùng này của ông.
Điều này đưa chúng ta trở về Mình Máu Thánh Chúa. Ngày lễ này đề ra cho chúng ta một lời mời và một thách đố.
Trước hết, lời mời. Mình Máu Thánh Chúa mời chúng ta tự hỏi, Thánh Thể có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta có còn quý trọng như trước đây chúng ta rước lễ lần đầu tiên không? Điều này có ý nghĩa thật nhiều đối với chúng ta như đối với các tù nhân trong sách của Cha Ciszek không?
Nếu câu trả lời của chúng ta là không, chúng ta đối diện với một thách đố. Nó cũng giống như thách đố mà Ngày Người Cha đặt ra cho chúng ta. Nó như thế này:
Làm thế nào chúng ta có thể làm sâu đậm hơn sự quý trọng Thánh Thể một cách cá biệt?
Làm thế nào chúng ta có thể làm sâu đậm hơn sự quý trọng người cha của chúng ta một cách cá biệt?
Làm thế nào chúng ta lại trở nên phấn khởi coi hai điều này như quà tặng quý báu cho chúng ta?
Một cách thi hành là làm những gì người thiền thi hành. Cố gắng suy niệm về Mình Thánh Chúa Kitô như thể bạn mới khám phá ra điều đó lần đầu tiên.
Emilie Griffin, bà trong kỹ nghệ quảng cáo ở Nữu Ước, và trở nên người Công Giáo vài năm trước đây. Bà viết một cuốn sách thu hút được gọi là Turning. Bà viết:
Một sự sùng kính Thánh Thể ngày càng gia tăng – và một niềm tin vào sự Hiện Diện Thật – đã lôi kéo tôi về với Giáo Hội Công Giáo… Khi sự sùng kính Thánh Thể của tôi gia tăng, tôi lại càng hấp dẫn với đạo Công Giáo.
Và như thế chúng ta phải cố gắng suy niệm về Thánh Thể theo cách bà Emilie Griffin đã làm khi bà khám phá ra mầu nhiệm khôn lường này lần đầu tiên.
Tôi có thể kết thúc với hai đề nghị được không?
Thứ nhất, trong tuần lễ trước mặt hãy thêm một lời cảm tạ trong phần kinh nguyện hàng ngày của bạn vì món quà của Chúa Kitô là Thân Thể của Người ban cho chúng ta.
Thứ hai, trong Thánh Lễ khi bạn xếp hàng lên rước lễ, hãy tập trung tư tưởng đến người mà bạn sẽ lãnh nhận khi thừa tác viên thánh thể nâng bánh lễ lên và nói, “Mình Thánh Chúa Kitô.”
Bạn sẽ lãnh nhận Thân Thể sống động của Chúa Kitô.
Bạn sẽ lãnh nhận cùng Đức Kitô đã sinh ra ở Bêlem.
Bạn sẽ lãnh nhận cùng Đức Kitô đã chết trên thập giá.
Bạn sẽ lãnh nhận cùng Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết.
Khi bạn nghĩ về điều này, nó thật vô cùng khó khăn để mường tượng. Nhưng qua đức tin, chúng ta biết đó là sự thật.
Chỉ có một Thiên Chúa đầy yêu thương mới có thể ban cho chúng ta một món quà không thể tưởng được như thế.