Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Nguyễn Huệ Nhật - AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?

NHỮNG MÂU THUẪN GIỮA CÁC TÔN GIÁO & CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM SAU 1975

Sau khi chế độ Ngô Ðình Diệm sụp đổ, tiếng súng ngoài tiền tuyến càng ngày càng vọng về thành phố rõ hơn. Cuộc chiến leo thang, lòng người lại thêm ly tán dẫn đến sự sụp đổ chế độ chính trị Việt Nam Cộng Hòa và miền nam Việt Nam hoàn toàn bị rơi vào tay cộng sản giữa năm 1975. Ðảng cộng sản Việt Nam đã bất chấp pháp lý quốc tế và quốc nội, bất chấp chính nghĩa dân tộc, cam tâm huy động và khai thác xương máu của nhân dân miền Bắc và một số ở miền Nam để dùng vũ khí, tài lực, ý lực, thế lực, nhân lực của cộng sản quốc tế nhằm tiêu diệt chế độ Việt Nam Cộng Hòa một cách thành công, trong khi miền nam Việt Nam không có nhân tài, không có đoàn kết và không biết cách sử dụng ưu thế đồng minh trong thế giới tự do mà tiêu biểu nhất là Hoa Kỳ. Hoa kỳ không còn lợi thế để viện trợ và để chiến đấu cho một đồng minh kém cỏi và thiển cận như miền nam Việt Nam nên thà rút lui trong danh dự để toan tính một chiến lược toàn cầu qui mô hơn. Lợi dụng tình thế đó, cộng sản Bắc Việt đã ngang ngược chiếm đoạt miền nam Việt Nam bằng bạo lực và dĩ nhiên họ cũng chỉ là con bài của cộng sản quốc tế nên chẳng những không hề quan tâm đến lòng dân mà còn dùng chính sách độc tài, độc đảng phi nhân để kềm kẹp toàn dân dưới hình thức cưỡng bách cả nước vào tình trạng thống nhất giả tạo dưới lá cờ máu của chủ nghĩa cộng sản vô thần.

Bên trong sự thống nhất đất nước giả tạo đó, xã hội Việt Nam vẫn còn nhiễu nhương và lụn bại cho đến hôm nay. Những thành phần tôn giáo thiên cộng, tiêu biểu nhất là Phật Giáo Ấn Quang đã bị cộng sản vắt chanh bỏ vỏ một cách tàn nhẫn. Còn lại những bộ mặt cộng sản nhà nòi núp bóng cà sa và các tổ chức tôn giáo khác đã lộ nguyên hình lang sói. Một số thành phần trong Phật Giáo Việt Nam và các tôn giáo khác đã nổi lên chống lại tội ác của cộng sản sau 1975 đều bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn đau xót nhất: bị tử hình, thủ tiêu, tù đày, bôi nhọ, giam lỏng... Trong hoàn cảnh khốn cùng đó vẫn có những người nghiến răng lách mình qua được sức ép của tử thần để được sống ngoi ngóp. Nhưng đó chỉ là sự trì hoãn của sự chết phần xác. Còn sự chết phần hồn thì vẫn kiên nhẫn đợi chờ một sự chững cứu âm thầm. Nhưng nhiều khi nó yên lặng và kiên nhẫn quá khiến người ta không nhận ra dấu vết của những người thật sự có linh hồn muốn vun trồng nguồn cội tâm linh cho dân tộc Việt. Nhiều người tìm đến đức tin trong Chúa. Ðạo Chúa phát triển dưới hình thức hội thánh hầm mộ. Lưỡi gươm vô thần cộng sản đã không ngớt giáng lên họ. Nhiều người đã phải chịu tử đạo hoặc tù đày Nhiều người đã sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa nay mở mắt bàng hoàng trước tội ác cộng sản, nhưng họ thiếu ý chí, mất hết kiên nhẫn và dễ dàng tuyệt vọng hoặc quay lại cay đắng đổ tội cho nhau. Hàng trăm ngàn thương binh Việt Nam Cộng Hòa chịu đau đớn, nghèo thiếu cả vật chất lẫn tinh thần. Tình trạng nầy đã giúp cộng sản tung hoành tội ác tiêu diệt văn hóa, truyền thống, đạo đức dân tộc một cách mau chóng mà không mấy ai quan tâm nữa. Nhiều người đã tìm ra lối thoát trong Ơn Cứu Rỗi của Chúa Jesus Christ và nhận được sự sống đầy phước hạnh trong nghịch cảnh như bản thân tôi là một ví dụ. Dù phải trả cái giá đắt đến mức nào đi nữa, Ðạo Chúa cũng đang lan tràn từ thành thị đến thôn quê, và nhất là các vùng rừng núi, trong khi các tôn giáo phải lách mình qua các tổ chức tôn giáo quốc doanh của cộng sản để tiếp tục bị cộng sản vô thần đen tối lái đi.

Sự sống sáng láng và sự chết tối tăm vẫn còn tranh chiến giữa quê hương tôi. Cuộc chiến không vũ khí, không bạo lực đối đầu với cường quyền khát máu, nhưng nhiều phép lạ vẫn cứ xẩy ra. Nhiều con cái Chúa lấy những câu Kinh Thánh sau đây để làm thực phẩm nuôi linh hồn mình hàng ngày: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm sự gian ác. Vì chẳng bao lâu chúng sẽ bị phát như cỏ, và héo như cỏ tươi xanh. Hãy tin cậy Thiên Chúa và làm điều lành. Khá ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Người. Cũng hãy khóai lạc nơi Thiên Chúa, thì ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước..... “ (Thi-thiên 37:1.... Xin độc giả đọc hết thi thiên nầy thì sẽ thấy rõ hơn)

Người Bạn Can Ðảm Sống

Sau 30/4/1975, một số tướng lãnh trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết, một số đã chạy ra nước ngoài yên thân hoặc biện bạch về sự thất bại của mình bằng hồi ký. Còn hầu hết đều lọt vào cái bẫy “học tập cải tạo” theo chính sách lừa mị khoan hồng của cộng sản Bắc Việt. Không bao lâu sau đó, nhiều phong trào yêu nước đã nổi dậy chống lại cộng sản, nhưng hầu hết họ chỉ bộc phát nhất thời và thiếu tổ chức chặt chẽ nên bị cộng sản đánh tan một cách dễ dàng. Tôi có dính dấp với tổ chức chống cộng của thầy Tuệ Sỹ và thầy Lê Mạnh Thát, nhưng tôi đã sớm tách ra ngoài vì nhận thấy các thầy có lòng nhưng chưa có bản lĩnh chính trị và không có một chút kinh nghiệm quân sự nào. Tổ chức chống cộng nầy cũng đã sớm tự động đình chỉ vì một số người bị bắt. Một trong những người đã bị bắt đầu tiên là anh Lê Ðăng Pha, người bạn thân của tôi. Lê Ðăng Pha đã bị kết án 15 năm tù cùng với bản án Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát. Sau khi Lê Ðăng Pha được thả ra một thời gian, chúng tôi gặp nhau và trao đổi với nhau nhiều tâm sự cá nhân. Nhân đó tôi viết một bài thơ ngắn có chữ KHÔNG dưới đây để diễn tả tâm trạng của Lê Ðăng Pha, một người cựu tu sỹ, vốn là bạn thân của tôi từ khi còn ở trong chùa cho đến nay, dù cả hai chúng tôi không còn đi tu nữa. Người cựu tu sỹ nầy đã được làm thị giả lâu năm cho hai vị cao tăng đáng kính trọng vào bậc nhất trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thuộc hệ thống Phật Học Viện Miền Trung. Ðó là Hoà Thượng Thích Trí Thủ và Hòa Thượng Thích Thanh Trí. Thuộc lớp tu sỹ trẻ hơn tôi vài tuổi trong hệ thống Phật Học Viện Trung Phần, Lê Ðăng Pha là một người đàng hoàng và hiểu biết. Ông có một sự hiểu biết về giáo hội Phật Giáo thuộc loại “nội giám”. Ông mồ côi sớm và được gởi vào chùa mặc áo tu từ khi còn rất nhỏ. Tôi có thể nói rằng chưa có ai được gần gũi và được yêu mến lâu dài đối với hai vị cao tăng trên như Lê Ðăng Pha. Anh được hai vị cao tăng trên tin cậy và mối quan hệ hệ tình cảm thầy trò của hai vị cao tăng nầy đối với Lê Ðăng Pha là vô cùng mật thiết.

Lê Ðăng Pha bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt vào khoảng 1981 hay 1982 gì đó vì bị kết tội tham gia các hoạt động chống cộng sản. Trong thời gian bị tù, anh đã khai nhận có tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu) và Tuệ Sỹ. Thật ra khi Pha bị bắt, công an cộng sản đã nắm quá rõ tất cả những chi tiết về đường lối và phương tiện hoạt động của hai thầy Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát; do đó nếu Pha không nhận thì cũng chẳng có gì che giấu được nữa. Pha nghĩ đằng nào chúng cũng đã biết hết rồi, nếu mình che giấu chỉ tỏ ra hèn nhát mà thôi. Công khai chứng tỏ mình chống lại tội ác cộng sản để bị giết cũng xứng đáng hơn là chối mà vẫn bị giết. Lời khai của anh được thu băng và giữ lại trong hồ sơ chấp pháp. Vài năm sau khi Pha bị bắt, công an cộng sản mời Hòa Thượng Thích Trí Thủ lên văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam/ TP Hồ Chí Minh để người nghe cuộn băng lời khai của anh ấy. Hòa Thượng Thích Trí Thủ là một người giàu tình cảm, nhất là đối với Lê Ðăng Pha, một đệ tử thân tín được người yêu mến, gần gũi và tin cậy như tình cha con. Thông thường người tu sỹ (không có con đẻ) yêu đệ tử thân tín của mình hơn cả tình cha con nữa. Ðứa con thân yêu nầy của Hòa Thượng Trí Thủ đã bị cộng sản giam cầm suốt mấy năm biệt tăm. Thế mà khi nghe tiếng nói sang sảng của anh trong máy ghi âm, hòa thượng không được gặp mặt anh mà lại còn phải đối đầu với lời buộc tội của công an liên can với đứa con yêu dấu ấy. Chắc chắn một người giàu tình cảm như Hòa Thượng Trí Thủ đã phải rúng động, vì đó cũng là lúc mà người biết rằng niềm hy vọng hợp tác với Lê Duẩn để phục hưng Ðạo Pháp của mình từ bấy lâu nay đang thành mây khói trong phút chốc bất ngờ.

Sau khi cho Hòa Thượng Trí Thủ nghe xong lời khai của Lê Ðăng Pha, công an cộng sản đưa người về Chùa Già Lam, Gò Vấp. Về đến Chùa, Hòa Thượng đã vỡ lẽ ra rằng toàn bộ ngôi chùa Già Lam đã bị lục lọi khám xét tan hoang. Những đứa con yêu quý khác cũng đã bị bắt. Chắc chắn là người không còn một cơ hội nào để nói lời vĩnh biệt. Tôi không biết trong lúc nầy bài thơ thiền có câu “Nhậm vận thịnh suy vô bố uý” của Thiền Sư Vạn Hạnh còn ảnh hưởng gì trong tâm hồn Hòa Thượng Trí Thủ hay không, nhưng tôi nghĩ rằng người vô cùng đau đớn do cơn sốc giữa tình riêng và nghĩa chung. Ðứa con yêu dấu của mình vừa là nạn nhân đau khổ, vừa là chứng nhân oan nghiệt đối với chính mình, cũng như với chức vụ, với trách nhiệm quan trọng của mình trước tiền đồ Ðạo Pháp. Những nan đề ập đến cùng một lúc; nào là danh dự bản thân, tiền đồ Phật Giáo, tình cảm đối với các đệ tử thân tín, niềm hy vọng vào những đứa học trò ưu tú nhất cho sự nghiệp chung... Người tu hành nhạy cảm hơn người thường về những nguyên nhân của sự đau khổ như “sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ “, “ái biệt ly khổ”, “cầu bất đắc khổ”, “oán tăng hội khổ”... (của tám nguyên nhân đau khổ trong hệ thống giáo lý Phật giáo). Ngay trong giờ phút hoang mang tột độ ấy, Hòa Thượng Trí thủ lại bị thêm một cú sốc bất ngờ nữa khi người dùng điện thoại hỏi thăm công an nhốt các thầy cô Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Nguyên Ðạo, Trí Hải ở đâu để sai người gởi áo quần, mền gối, thức ăn và bàn chải đánh răng vào cho họ.

Hòa Thượng Trí thủ là một vị cao tăng chân tu có uy tín bậc nhất đối với tổng bí thư Lê Duẩn. Người là bạn thân với Lê Duẩn thời còn nhỏ ở trường tiểu học Bích La. Người được Lê Duẩn đặt hết lòng trông cậy vào việc xóa bỏ toàn bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quốc doanh. Ngay lúc đó người vẫn cả tin rằng tối thiểu người cũng còn tư cách để hỏi thăm công an về tin tức các vị đệ tử đang bị giam ở đâu. Thế nhưng trong cuộc điện đàm cuối cùng ấy, người đã bị họ mắng thẳng thừng như mắng một kẻ tội đồ rằng: “Cái đầu của ông chưa bị gông là may phước cho ông lắm rồi, nay còn hỏi tới mấy con chó đó để làm gì nữa?” Ðây là một cú đánh hiễm độc vào tấm lòng thật thà, cả tin của một bậc chân tu. Một cú đánh tâm lý đã gây chấn động dữ dội cho Hòa Thượng Trí Thủ. Tôi nghĩ rằng Cộng Sản Việt Nam đã dự liệu, tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện quỷ kế của họ đối với hòa thượng. Tôi cũng nghĩ rằng thoạt đầu họ chỉ muốn dùng lời khai của Lê Ðăng Pha để hạ bệ vị cao tăng này sau khi đã lợi dụng ông vào mục đích xóa bỏ hiến chương Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhưng họ không ngờ Hòa thượng Trí Thủ đã xỉu ngay tức khắc khi nghe những lời mắng mỏ vô lễ nhất của công an qua cú điện điện thoại ấy. Trước khi từ trần, người đã kể lại nội dung câu chuyện nầy trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh tại bịnh viện Thống Nhất Bảy Hiền. Chỉ hai ngày đêm sau đó, người tắt thở tại bịnh viện. Hòa Thượng Trí Thủ thị tịch ngày 2/4/1984. Một vị hòa thượng khả kính, khả ái, suốt đời đi tu và đóng góp nhiều công lao cho Phật Giáo Việt Nam. Suốt đời hành đạo, Hoà thượng Trí Thủ chưa hề bị ai mắng mỏ một lời thô lỗ như thế bao giờ. Người là một người cả tin đến nổi dám đem sự nghiệp và uy tín mình để đánh đổi một cơ may rằng tổng bí thư Lê Duẩn không thể bội tín sau khi mình đã làm tròn nhiệm vụ thống nhất Phật Giáo theo đường lối của đảng cộng sản Việt Nam. Hòa Thượng Trí Thủ đã không lường trước được hậu quả do người thỏa hiệp với loài ma cộng sản vô thần!

Thật ra sau hai năm Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh hoạt động, khi nhiệm kỳ thứ nhất của ngài là Trị Sự Trưởng Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh sắp kết thúc, cộng sản Việt Nam nghĩ rằng vai trò của Hòa Thượng đã xài xong. Bây giờ phải hạ bệ người xuống. Ðó là lý do chính mà họ đã giáng lên người một cú đánh tàn bạo khiến người bị vỡ tim mà chết. Nguyên nhân cái chết của người đã được các bác sỹ xác nhận là hoại tử cơ tim. Theo tôi, người đã bị một cú sốc tâm lý đến nỗi vỡ tim như Từ Hải. Từ Hải cả tin và nóng nảy nên chết ngay tức khắc bởi cơn sốc vỡ tim. Hòa thượng Trí Thủ cũng cả tin nhưng thâm trầm nên chết chậm hơn sau cơn sốc vỡ tim. Tôi tin rằng thoạt đầu cộng sản chỉ muốn làm mất uy tín của Hoà Thượng Trí Thủ để bứng người ra khỏi chức Trị Sự Trưởng của Phật Giáo quốc doanh mà thôi. Nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên: họ đã không lường trước được sức khỏe tinh thần của một vị cao tăng như ngài Trí Thủ. Sau này lịch sử sẽ vĩnh viễn ghi lại âm mưu chính trị quá độc ác của đảng cộng sản đã một lúc làm chết hai vị cao tăng khả ái nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam cận đại.

Ðể có một cái nhìn kỹ hơn vào vấn đề tâm lý và đạo học, tôi nêu lên ba chữ Nếu đối với cái chết của Hoà Thượng Thích trí Thủ. Ba chữ Nếu ở đây chỉ để cho chúng ta suy nghĩ sâu hơn về Hòa Thượng Thích Trí Thủ, một con người có thực chứng tu niệm hay người chỉ là một con người bình thường như chúng ta qua trình độ hiểu biết, quá trình tu chứng, cũng như bản lãnh và lương tâm của ngài:

Nếu như hành động hợp tác với cộng sản của Hòa Thượng Trí Thủ phát xuất từ tuệ giác của một vị Bồ Tát, thì tại sao ngài không biết trước sự thất bại của mình? Vì hậu quả của sự hợp tác ấy đã đưa người đến cái chết bất đắc kỳ tử, còn Phật Giáo Việt Nam bị cộng sản léo lái hoàn toàn.

Nếu như hòa thượng Trí Thủ đã có sự bình an do công đức tu hành của mình, thì sau khi bị Cộng Sản Việt Nam lừa phỉnh một cách tháu cáy như thế, người vẫn coi mọi sự như chữ KHÔNG của Phật Giáo, chứ đâu đến nỗi phải chết tức tưởi như thế (nhậm vận thịnh suy vô bố uý cơ mà!).

Nếu Hòa Thượng Trí Thủ là một người có bản lĩnh, có nghị lực, có đầu óc mưu lược như một bậc nhân tài, thì khi gặp sự phản bội trắng trợn của Lê Duẩn, người có thể tương kế tự kế để tìm cách gỡ rối cho bản thân, cho đệ tử và cho Phật Giáo Việt Nam, chứ đâu đến nỗi vỡ tim mà chết!

Ở đây, Hòa Thượng đã đem hết lòng thành của một bậc trượng phu quân tử để lái Lê Duẩn vào quỹ đạo Phật Giáo, nhưng tiếc thay ý định của người đã bị Lê Duẩn nghiền nát sau khi lợi dụng người xong. Trong thực tế thường tình của thế gian mờ tối nầy, lương tâm con người càng thích nghi với kẻ ác bao nhiêu thì càng bị trả giá bấy nhiêu.

Bởi thế, tôi suy gẫm và rút ra một kinh nghiệm rằng bản ngã con người dù cao thâm, đạo hạnh đến mấy mà không được đặt trong ánh sáng của Thiên Chúa thì cũng phải chịu chung số phận với kẻ ác. Con người chúng ta đã có tội, nên hãy đến với thập tự giá của Chúa Jesus Christ để tội lỗi của mình chết trong sự chết cứu chuộc của người, nhiên hậu chúng ta mới được tái sanh trong sự sống đời đời của người. Từ đó chúng ta có một lương tâm mới, một sự khôn ngoan mới và có Lời Chúa làm ngọn đèn soi bước chân đi mà không bị vấp như đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ cũng như tất cả các cao tăng khác mà tôi đã biết. Chính cái bản ngã của con người mới là đối tượng bị phán xét, vì họ cho rằng họ có thể tự thoát ra khỏi tội lỗi và tự vượt ra khỏi tình trạng sanh lão bịnh tử, nhưng kỳ thật không có một ai tự mình giải thoát khỏi tội lỗi và sanh lão bịnh tử được cả; kể cả thái tử Tất Ðạt Ða sau khi đã thành Phật rồi nhưng cũng cứ già, bịnh và chết như mọi người. Ðúng như KinhThánh đã chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27).

Ðúng 08 ngày sau khi Hòa Thượng Trí Thủ qua đời, Hòa Thượng Thanh Trí, vị hòa thượng khả kính và là bạn thân thiết nhất của Trí Thủ cũng đã chết tương tự như thế. Hòa Thượng Thanh Trí là vị cao tăng đã được tiến cử vào chức Chủ Sám tang lễ của Hoà Thượng Trí Thủ. Trong khi làm chủ sám lễ tang cho Hòa Thượng Trí Thủ tại chùa Già Lam, Hòa Thượng Thích Thanh Trí đã bị ngất xỉu trước chánh điện. Khi ấy tôi vừa đào xong huyệt mộ cho Hòa Thượng Trí Thủ. Tôi chạy lên chánh điện để phụ một tay dìu Hòa Thượng Thích Thanh Trí xuống nhà khách. Chúng tôi dìu người xuống phòng khách tại lầu một, dãy nhà bên tả của chùa Già Lam. (Tôi được hai vị hòa thượng nói trên yêu mến đặc biệt vì nhiều lý do: đã tình nguyện tự thiêu, là đồng hương với họ, là tăng sinh Phật Học Viện, và bổn sư của tôi là Hòa Thượng Kim Tiên có mối liên hệ thâm tình với hai vị hòa thượng. Cho nên lúc đó dù tôi đã tin Chúa, nhưng không ai ngăn cản tôi đến gần người, trong khi nhiều người đã chen vào, nhưng đều bị mời ra). Cũng như Hòa Thượng Trí Thủ khi mê man, hòa thượng Thanh Trí vẫn còn trong trạng thái nhận biết ngoại cảnh gần và có thể diễn tả một số ý nghĩ của mình rất hạn chế. Hòa Thượng Thanh Trí không chấp nhận đến bịnh viện Thống Nhất. Có thể người nghĩ rằng cộng sản sẽ giết người như họ đã giết Hòa Thượng Trí Thủ. Người đòi phải được chở ra một ngôi chùa tại Long Thành để điều trị bằng thuốc nam. Võn vẹn một tuần lễ sau đó, người đã tắt thở trong chùa nầy.

Thanh Trí đã từng can ngăn Trí Thủ về việc bắt tay với Lê Duẩn. Mặc dù rất yêu kính Trí Thủ, nhưng Thanh Trí đã từng giận Trí Thủ đến nỗi không chịu ngồi ăn chung tại Chùa Báo Quốc vào năm 1980 khi Trí Thủ ra Huế để vận động thành lập Phật Giáo quốc doanh. Thanh Trí rất ngán cộng sản, vì người đã chứng kiến vụ sát hại tập thể trong tết Mậu Thân ở Huế năm 1968. Lúc đó cô Sandra Johnson, một người bạn của thầy giáo tôi bị Việt Cộng bắt. Cô ấy đã bị áp giải lên chùa Báo Quốc để tìm tôi, nhưng lúc đó thầy Thanh Trí dấu tung tích tôi. Nếu không, chính tôi cũng đã bị chôn sống rồi! (Thầy Thanh Trí kể lại cho tôi câu chuyện người con gái Mỹ từng quen tôi bị Việt Cộng giải lên chùa Báo Quốc để hỏi thăm tôi. Sau thời gian đó chùa Báo Quốc đã hoang tàn, thầy Thanh Trí và tăng chúng về tạm trú tại chùa Diệu Ðế).

Sau khi nghe tin nhị vị đại lão Hòa Thượng đã mất, các bậc cao tăng hải ngoại như Hòa Thượng Thích Mãn Giác tuyên bố trên đài BBC rằng Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã bị Cộng Sản Việt Nam bức tử. Một sự trùng hợp và “may mắn” cho tôi khi tôi bị công an đến thăm dò tin tức về phản ứng của phật tử và các tín đồ theo các tôn giáo khác (như Tin Lành và Công giáo) về cái chết của hai vị cao tăng nói trên. Mỗi khi họ đến dò hỏi tôi, tôi cũng tìm cách thăm dò họ để hiểu thêm về ý nghĩa của những cái chết như thế theo góc độ của người cộng sản. Họ càng khai thác tin tức nơi tôi, càng vô tình tạo cơ hội cho tôi khai thác tin tức nơi họ. Do đó tôi có được một số tin tức khá chính xác về hai cái chết quan trọng này. Cũng nhờ chút kinh nghiệm tôi có được với cộng sản khi họ bắt giam tôi tại Sài Gòn và thẩm vấn tôi về giai đoạn Phật Giáo Việt Nam đấu tranh, đặc biệt là về việc tự thiêu của tôi. Nhờ đó tôi hiểu tâm địa lươn lẹo của người cộng sản. Trước đó, tôi cũng đã biết ít nhiều về sự xâm nhập tôn giáo của cộng sản khi tôi nhận lời mời của anh Ðỗ Trung Hiếu để làm việc trong Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước. Sau khi tôi trở thành con cái Chúa, kinh nghiệm về cộng sản của tôi lại giàu thêm nhờ đụng chạm với nhiều công an mọi cấp từ nhiều cơ sở khác nhau. Còn một nguồn thông tin nữa đến từ người em ruột của tôi. Em tôi cũng là một cựu đại đức bị cộng sản lôi kéo vào ngành công an tôn giáo sau 30/4/1975. Em tôi luôn luôn đến thăm dò tôi để lấy tin tức về phản ứng của giới tôn giáo mỗi khi có những biến cố liên quan. Người em của tôi làm việc chung với một anh Việt Cộng tên là Sáu Sơn (tục danh là Thiên). Sáu Sơn là cháu ruột đại đức Giác Quang, quản sự nội xá đại học Vạn Hạnh. Trong hệ thống sư môn, Giác Quang gọi tôi bằng sư thúc. Trước khi đất nước mất vào tay cộng sản năm 1975, Sáu Sơn được nuôi trực tiếp tại đại học Vạn Hạnh. Trong cuộc hành quân lục xét chùa Già Lam vào năm 1984 để bắt các đệ tử ưu tú của Trí Thủ, cả Sáu Sơn và em tôi đều nằm trong ban chỉ huy. Nhờ biết khai thác tin tức, tôi đọc được mối nghi ngờ của cộng sản Việt Nam. Họ nghi rằng nhân đám tang Hòa Thượng Trí Thủ, có thể xẩy ra một cuộc biểu tình hoặc tự thiêu. Dù chưa tìm thấy dấu hiệu về một cuộc tự thiêu hay biểu tình nào, họ cũng huy động khoảng ba ngàn công an mặc thường phục để tham dự lễ tang của Hòa Thượng Trí Thủ. Ðể nắm chắc việc ngăn ngừa một vụ biểu tình hay tự thiêu khả dĩ của Phật Giáo, chính quyền cộng sản không cho phép đưa xác hòa thượng về Huế như giáo hội đã yêu cầu. Hơn thế nữa, họ chỉ cho chôn xác hòa thượng ngay trong khuôn viên của chùa Già Lam chứ không được đưa ra ngoài. Con đường Lê Quang Ðịnh ở Gò Vấp lúc đó chật ních người từ chợ Bà Chiểu lên đến chợ Gò Vấp. Khó khăn vất vả vô cùng mới có thể đi bộ từ ngã tư Ngô Tùng Châu (cũ) và Lê Quang Ðịnh để vào chùa Già Lam. Nếu để ý một chút, người ta có thể nhận ra rất nhiều người đàn ông trẻ tuổi mặc thường phục đi dự lễ mà không vô chùa. Họ đi lui đi tới ngoài đường khiến cho con đường đông nghẹt. Trong các con hẻm bao quanh chùa Già Lam, tịnh xá Ngọc Phương, chùa Dược Sư và chùa Liên ỨỨỨỨng có nhiều đàn ông mặc thường phục đứng rải rác canh chừng. Bên trong chùa cũng đầy cả đàn ông đứng khắp mọi nơi từ ngoài sân vườn, vào tận các tăng phòng và trong chánh điện. Các anh công an có quá khứ là thầy tu, kể cả em ruột của tôi, đều vắng mặt, trừ Sáu Sơn. Tôi được biết các anh đó phải chịu trách nhiệm vòng ngoài chùa Già Lam, tức là các chùa chiền khác trong thành phố Saigòn-Gia định, nhằm canh chừng những dấu hiệu khả nghi để kịp thời báo động cho ban chỉ huy đang “tham dự” đám tang. Lực lượng công an cộng sản đã làm một công hai việc: vừa ngăn ngừa biểu tình chống đối và được tiếng “bảo vệ trật tự” cho tang lễ của một cán bộ tôn giáo trung ương.

Cộng sản không muốn giáo hội đưa nhục thể của Trí Thủ từ Sài Gòn về Huế, vì sợ có thể có biểu tình và thêm nhiều tai tiếng trong dân chúng. Nhưng họ đã thất bại trong việc này. Kết quả là quan tài của Hòa Thượng Thanh Trí Trí được đem ra Huế theo Quốc Lộ Một qua sự hộ tống của một đoàn quân đi đầu. Ðến mỗi tỉnh phái đoàn ghé vào chùa làm lễ. Do đó tiếng vang về cái chết của hai vị cao tăng càng được loan xa dù báo chí cộng sản không đăng tin. Em ruột tôi nằm trong ban chỉ huy hộ tống quan tài của hòa thượng Thanh Trí về Huế. Ông Ðỗ Trung Hiếu đứng đầu chỉ huy phái đoàn. Sau khi phái đoàn tới Huế, một tang lễ vô cùng đông đúc được Phật Giáo Thừa Thiên thực hiện. Ðám tang được tăng cường bởi mấy tiểu đoàn công an mặc thường phục, tay cầm nhang, nhưng trong lưng lại lận súng và lựu đạn cay. Có lẽ đây là cơ hội cho ông Ðỗ Trung Hiếu nhận lấy một bài học chính trị gian ngoa của cộng sản Việt Nam để ông ăn năn sám hối quay về với dân chúng, chấp nhận trả giá tù đày do bàn tay sắt máu của “đồng chí mình”. Sau này ông Ðỗ Trung Hiếu nói với tôi: “Không có một sự tù tội nào đau đớn cho mình bằng sự tù tội do chính đồng chí của mình bắt giam mình”.

Những ngày đó, đức tin của Chúa Jesus Christ trong tôi còn rất mới mẻ dù có sự dạn dĩ vui mừng. Khi ấy tôi rất nhạy bén và nặng lòng với những biến cố đau thương của thầy mình. Tôi cảm thấy khi mình được ở trong Chúa, Người mở con mắt tâm linh để nhìn thấy những vấn đề niềm tin và tôn giáo một cách mới mẻ hơn, rõ ràng hơn, cặn kẽ hơn, để phân biệt được đâu là chân lý giải thoát, đâu là những thể lệ sơ học của thế gian mà Phao-lô viết trong thư Cô-lô-se 2:20-24. Ở trong Chúa tôi hiểu rõ hơn những gì u uất của những vị cao tăng cũng như tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của họ đối với Phật Giáo. Tôi hiểu rằng họ đã bị Cộng Sản Việt Nam lợi dụng quá thô bạo đến nỗi bị vỡ tim mà chết chứ không phải tự sát. Sau khi tôi nhận được sự sống từ Thiên Chúa, lòng tôi được thay đổi và tâm trí tôi được bình tĩnh sáng suốt một cách lạ lùng. Tôi có được sự vui mừng bình an, và trạng thái tâm hồn tự do khi đọc Lời Chúa. Sự bình an và vui mừng đến trong tôi ngay khi tôi bị công an cộng sản hỏi cung, bị họ hăm dọa, hay là khi trở về thăm chùa... Nơi đâu tôi cũng muốn người ta hỏi mình về Chúa Jesus Christ để được nói cho họ nghe về Người, mặc dù lúc đó trình độ hiểu biết Kinh Thánh của tôi rất ít ỏi. Ðó là một trạng thái bình an, vui mừng và thanh thản hạnh phúc trong tâm hồn khiến cho tôi bừng lên một sức sống mới mà không thể che giấu được như Chúa Jesus đã phán trong sách Giăng 4:13-14 rằng: “Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, chảy văng ra cho sự sống đời đời”. Bởi niềm vui sướng lạ lùng trong Chúa mà tôi về thăm thầy, thăm bạn trong chùa giữa một hoàn cảnh mỉa mai của đất nước và Ðạo Pháp. Thật ra niềm vui của Chúa đã chiếm lấy tâm hồn tôi ngay khi tôi chưa đọc hết quyển KinhThánh. Tôi đã được Chúa cho thấy tính cách khác nhau của sự sống trong Chúa và sự chết chóc trong chùa để nhận biết thêm sức sống và lòng tin quyết vào sự mầu nhiệm của Ðức Tin trong Chúa Jesus Christ. Chính công an cộng sản cũng như các thầy trong chùa, mà tiêu biểu nhất là thầy Tuệ Sỹ đã ngạc nhiên về sự bình an của tôi khi tôi thăm viếng đàm đạo với anh em trong chùa.

Năm 1996, sau khi Lê Ðăng Pha được phóng thích vài năm, chúng tôi mới có thể bắt liên lạc với nhau. Sở dĩ chúng tôi khó gặp nhau như thế là vì tôi đã tin Chúa nên bị theo dõi và bị thẩm vấn liên miên; còn Lê Ðăng Pha thì bị quản chế dài hạn tại Ðà Lạt. Trong thời gian đó, tôi nghĩ rằng hồ sơ xuất cảnh “đoàn tụ gia đình” của tôi đã xong, chỉ còn chờ lấy vé máy bay lên đường (xem chương sáu). Tôi cố tìm gặp Lê Ðăng Pha để hàn huyên trước khi từ giã quê nhà. Dịp đó, hai anh em chúng tôi sống chung với nhau được vài tháng. Tôi dẫn anh ấy đi một vòng suốt ba miền Nam, Trung, Bắc để thăm quê hương, thăm thầy và thăm bạn. Trên chuyến du lịch đặc biệt ấy, tôi đọc được những nỗi khổ sâu sắc của Pha. Ðó là sự hiểu lầm rất oan nghiệt trong nội bộ Phật Giáo đối với anh ta. Người ta cho rằng vì lời khai của anh mà dẫn đến hai cái chết tức tưởi của hai vị đại lão hòa thượng. Ðồng thời nhiều vị cao tăng ưu tú khác đã bị kết án tử hình, rồi chuyển qua 25 năm tù giam nhờ sự can thiệp của tổng thống Bush kế nhiệm Tổng Thống Regan. Sau khi ra khỏi tù, anh ấy bị bạn bè và phật tử mắng mỏ, mỉa mai là “đồ giết thầy phản đạo”. Nhưng Lê Ðăng Pha là một người rất rắn rỏi, cương nghị, đã tỏ ra bất khuất trước bạo quyền cộng sản Việt Nam, đã hùng hồn tố giác tội ác cộng sản Việt Nam trong ngày xử án chung với các thầy tại Sài Gòn. Anh ấy đã trải qua 12 năm “học tập cải tạo”... Thế mà sau khi ra khỏi nhà tù, Lê Ðăng Pha không thể chịu nỗi sự buồn bã mỗi lần nhắc lại sự việc mình bị hiểu lầm. Là một người trong cuộc, tôi biết anh ấy phải chịu đựng nỗi đau oan nghiệt nầy vất vả lắm. Khi còn ở trong tù, anh ấy nghe tin hai vị chân sư của mình đã tuẫn tiết một cách tức tưởi và bí mật. Sau hơn 12 năm trong tù, anh ấy còn sống để trở về nghe những lời lẽ và thái độ nghi kỵ đầy xét đoán của những người đồng đạo mà mình không thể nào phân trần hay giải oan. Như vậy anh ấy buồn là phải lắm. Suốt mười hai năm trong tù, anh ấy đã sống nhờ ăn ké thực phẩm thăm nuôi của các vị khác, vì anh ta đã bị nghi là “phản đạo giết thầy” nên không được thăm nuôi đầy đủ. Ai chưa ở tù trong chế độ Cộng Sản Việt Nam thì cứ tưởng tượng xem thử người tù lâu năm không được thăm nuôi dưới chế độ đó phải sống như thế nào cả vật chất lẫn tinh thần? Pha cho tôi biết rằng cộng sản Việt Nam đã nắm tất cả bằng cớ chống cộng của Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ trước thời gian họ bắt thầy Chơn Nguyên nữa. (Thầy chơn Nguyên đã bị bắt trước Lê Ðăng Pha mấy năm). Tất cả văn thư do thầy Tuệ Sỹ viết tay và đánh máy đều có trong tay cộng sản trước khi Chơn Nguyên bị bắt gần “mật khu” Bình Tuy. Khi khám xét chùa Già Lam sau này, công an còn thu được cả chục ký tài liệu của tổ chức Việt Nam Tự Do lưu trử trong thư viện nhà chùa Già Lam. Trước khi đổ bể, công cuộc chống Cộng đã tự động ngưng sau vụ một Việt Kiều tại Pháp chở vũ khí về Việt Nam, đã bị bắt và bị tử hình. Dù công cuộc chống cộng đã ngưng hoạt động, nhưng các thầy tu chống tội ác cộng sản thiếu kinh nghiệm bảo mật vẫn cứ để tất cả tài liệu ấy trong thư viện chùa Già Lam một cách hớ hênh. Cộng sản Việt Nam nắm được tất cả chứng cớ ấy từ lâu, nhưng họ làm bộ lơ đi để lợi dụng vai trò và uy tín của Trí Thủ nhằm thành lập Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Sau đó, họ mới lập mưu tính kế hạ người xuống để thao túng Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Trong thời gian đang lợi dụng vai trò và uy tín của Hòa Thượng Trí Thủ, họ không dại gì mà đụng đến các đệ tử của người. Thế mà những người trong giáo hội cứ cho rằng hai vị Hòa Thượng đã chết tức tưởi là do lời khai của Lê Ðăng Pha. Cộng sản chuyên làm điều ác rồi phao tin đồn đổ tội cho nạn nhân của họ. Nếu chịu khó suy nghĩ, chúntg ta sẽ thấy rằng đây là chiến thuật ném đá dấu tay của cộng sản. Ấy vậy mà suốt mấy chục năm nay các thầy tu Phật Giáo vẫn còn tiếp tục bị mắc bẩy như thường. Tôi không thể diễn tả được nỗi đau đớn của anh bạn tôi. Nhưng tôi cảm thông được nỗi khổ của anh ấy vì sau khi tin Chúa, tôi đã phải chịu đựng những lời mắng mỏ nặng nề của nhiều người thân quen và đồng đạo cũ trong chùa. Cả hai anh em chúng tôi thừa biết cộng sản Việt Nam có tài tạo những tin đồn như thế để hạ gục những con người có lòng với đại sự, đồng thời che đậy tội ác của họ. Tiếc thay nhiều người phật tử và kể cả một số tu sỹ quen tính chủ quan, sẵn sàng nhảy vào cái bẫy tin đồn của công an chìm cộng sản trà trộn gieo sự phân rẽ vào trong hàng ngũ tôn giáo và dân tộc. Ma quỷ có khả năng điều khiển lòng người!

Tháng 9 năm 1996 Lê Ðăng Pha và tôi về thăm chùa Báo Quốc. Chúng tôi thả bộ ra vườn chùa, nơi khu lăng tẩm các vị tổ. Ðây là vùng đất kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi: đọc sách, học bài, trốn tìm, ăn vụng trái cây cúng trên bàn thờ, nói chuyện tầm phào với nhau vào những buổi trưa hè, nghe lén hàng xóm chưởi lộn... Lê Ðăng Pha nhắc đến những kỷ niệm của thầy mình khi cả hai chúng tôi cùng vịn tay vào hai ngôi lăng được xây giống hệt nhau cho hai vị thầy yêu kính: Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Thanh Trí. Người ta nói rằng phí tổn cho mỗi ngôi lăng như thế là 15 cây vàng thời giá 1984. Nhân đó tôi nhớ câu nói của Chúa Jesus đã cáo trách các vị thầy tu Do Thái Giáo rằng: “Khốn thay cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy” (Ma-thi-ơ 23:27). Tôi đọc câu KinhThánh trên cho Lê Ðăng Pha nghe.

Ðứng trước hai ngôi lăng hùng vĩ, mỗi người chúng tôi đeo đuổi một ý nghĩ riêng. Một người đang chiêm nghiệm Lời Chúa Jesus, người kia nghĩ đến đạo pháp, dân tộc, và những kỷ niệm tuổi thơ, những oan khúc khó giải bày của mình... Bất giác, chúng tôi cùng nhắc lại những kỷ niệm thân tình của Hòa Thượng Thanh Trí lúc sinh tiền. Ấy là đôi khi người lặng lẽ đặt tay lên vai chúng tôi để cùng đi bộ một chặp chừng năm mười phút giữa sân chùa, hay sau vườn cây chùa Báo Quốc. Khi chúng tôi nhắc lại kỷ niệm nầy, bỗng nhiên mạch thơ trong tôi xuất hiện thành lời. Tôi đọc lên để tặng Lê Ðăng Pha. Bài thơ nói lên tấm lòng của anh trước hai cái chết của thầy mình. Nghe xong mấy câu thơ đơn giản mà nét mặt Pha trở nên vui vẻ hẳn ra. Chúng tôi cảm thấy như đã trút một gánh nặng lên trên chỗ thầy mình nằm. Pha nói: “Chữ hay nhất trong bài thơ nầy là chữ KHÔNG của Phật Giáo”. Anh ấy cũng nói thêm:: “Mặc dù anh Huệ Nhật đã theo Chúa, nói gì cũng ưa nhắc tới Chúa; nhưng trong bài thơ nầy, anh còn để phảng phất mùi tương chao thiền vị”. Bài thơ ngắn ấy như sau:

Con đi thầy vỗ lên vai
Con về thầy đã ra ngoài cõi KHÔNG
Dấu tay thầy vẫn in lòng
Nghĩa xưa chỉ có bụi hồng báo ân
Biển dâu đã mấy xa gần
Tay thầy còn gọi bước chân con về.

Lê Ðăng Pha đã đặt tên cho bài thơ nầy là Tay Thầy. Anh ấy cũng xem bài thơ phản ảnh một phần tâm trạng của mình và cảm thấy được một sự an ủi cảm thông cho mình.

Nhân đây, tôi còn nhận thấy thế giới tôn giáo và chính trị thường lợi dụng những cái chết của những người nổi tiếng để kích thích quần chúng, khoe khoang hiếu đạo, lể nghĩa giữa cõi phù du. Tôi nhớ lại Chúa Jesus Christ phán: “Hãy theo ta, để kẻ chết chôn người chết” (Ma-thi-ơ 8:22b). Sau nầy tôi mới hiểu rằng những kẻ còn sống mà cứ lấy sự tự tử, tự thiêu ra để hơn thua, hoặc biến tang lễ thành những cuộc biểu tình nhằm kích động quần chúng, hoặc để khủng bố tinh thần kẻ thù, hoặc để khoe khoang đạo đức giả, thuê người khóc mướn, đội bao gai, làm tang nhiều ngày trống kèn inh ỏi, v. v. đều bị Chúa xem là “người chết chôn người chết” (Ma-thi-ơ 8:22). Ở đây một chữ chết mà chỉ cho hai giới người: một người đã chết về tâm linh và thân xác, còn một giới người khác chưa chết về thân xác nhưng đang chết về tâm linh. Khi tâm linh một người đã chết, nghĩa là họ sống xa cách Thiên Chúa, họ hay tạo ra những cái chết thân xác để gây chiến tranh, thù hận hay khoe khoang đạo đức giả như xây mồ mả, lăng tẩm để làm đình làm đám với nhau.

Tại Sao Bị Hàm Oan Mà Lê Ðăng Pha Không Tự Tử?

Lê Ðăng Pha, pháp danh Nguyên Thảo, một người ở chùa lâu năm. Không mấy ai trong giới tu sỹ Phật Giáo Việt Nam mà không biết anh ấy.

Người tù 12 năm dưới chế độ cộng sản vừa mới được thả ra thì không bao giờ được yên ổn cả. Nào là bị quản chế, nào là phải đi trình diện cảnh sát địa phương. Ði đâu cũng chỉ có một tờ lệnh tạm tha trong mình. Tồi tệ hơn nữa, anh bạn tôi còn bị phật tử và anh em đồng đạo hiểu lầm một cách cay nghiệt. Thế nhưng anh ấy không tự sát. Thật là đáng khen. Thông thường một người tu sỹ trong Phật Giáo gặp oan ức như vậy, rất dễ bị cám dỗ đưa đến sự tự tử. Nhưng anh bạn tôi đã chịu đựng một sự thật phủ phàng mà vẫn can đảm sống. Tại sao anh ấy can đảm và có nhiều nghị lực như thế? Có thể điều đơn giản sau đây là một lý do chăng?

Tôi nhớ lại một điểm đặc biệt của Lê Ðang Pha khi anh ta còn tu trong chùa. Ðó là rất ít khi Lê Ðăng Pha vào chùa tụng kinh. Anh ta ít khi chịu mặc y vàng trang trọng mỗi khi tụng kinh. Mấy lần anh ta từ chối thọ Cụ Túc Giới dù được quý thầy cân nhắc. Trong khi đó tất cả những người đi tu đều mơ ước được thọ giới, được lên bậc. Thậm chí có người đã đê đầu đảnh lễ chư tăng để xin cho bằng được cơ hội thọ Cụ Túc Giới. Lê Ðăng Pha đã ở chùa từ bé, được làm thị giả các bậc cao tăng tột đỉnh, được đào tạo chính quy, thế mà anh ấy vẫn không chịu thọ Cụ Túc Giới. Anh ấy cứ làm một chú tiểu thọ Ngũ Giới và mặc chiếc áo nhật bình đơn giản. Nhưng tuổi đạo, khả năng và tư cách thì ngang tầm với các bạn đồng môn đã ra gánh vác công tác phật sự. Lê Ðăng Pha học giỏi, tính nghệ sỹ, làm thơ, viết văn khá sâu sắc, từng làm quản lý tờ báo Hoằng Pháp của Viện Hóa Ðạo. Anh hát nhạc Trịnh Công Sơn khá hay. Anh từng là bạn nối khố với cả bộ trưởng văn hóa Nguyễn Khoa Ðiềm khi còn ở Huế. Nhiều bạn bè chí cốt của anh từ trong chùa là Việt Cộng chính cống đang có chức có quyền tại Huế, như Lê Văn Dần, giám đốc nhà xuất bảnThuận Hóa; như Võ Quê và Bửu Chỉ, một họa sỹ Việt Cộng rất có uy. Pha luôn luôn tỏ ra chống lại tội ác cộng sản và thẳng thắn phê bình những vị cao tăng nào đã đưa Phật Giáo Việt Nam vào mê hồn trận của cộng sản Hồ Chí Minh. Anh ta chịu oan chịu khổ cho đến khi ra khỏi tù, bị quản chế, bị cô đơn, không vợ con, dù đã gần 50 tuổi (năm 1996). Nhưng anh ta không tự sát. Theo tôi, đó là nhờ tuổi thơ anh ta được hầu thầy, được tự do không tụng kinh công phu sớm chiều như tất cả những vị khác. Những vị thầy tu siêng năng tụng kinh, nhất là tụng những bài sám nguyện như bài Quy Mạng Thập Phương, Bài Ðệ Tử Chúng Con Từ Vô Thủy, v. v. là những người dễ bị huân tập tính trầm cảm và âm thầm nuôi ý định tự sát. Ðọc tụng quá nhiều kinh Phật dễ đưa người ta vào cõi chết. Từ âm điệu, ngôn ngữ, ý nghĩa đến dụng cụ nhạc khí trong nhà chùa đều mang mầu sắc tang chế và tạo ra không khí u trầm buồn bã khiến người ta nẩy sinh những triết lý Sắc Sắc Không Không. Theo kinh nghiệm của tôi, những người đi tu thành thật nhất, những người ngồi thiền siêng năng nhất, những người quyết chí tu hành nhất là những người khám phá ra những thất bại nội tâm của mình rõ nhất. Cho nên, họ dễ bị ám ảnh bởi sự tự sát nhất. Ai hết lòng tìm chân lý cao đẹp mà không gặp được thì cũng dễ chán nản thất vọng. Nếu người đó can đảm hơn một chút để tìm đọc Kinh Thánh, chắc chắn sẽ được Lời Chúa giải đáp cho. Nếu người đó cứ tiếp tục sống trong chùa thì dễ bị trầm uất. Càng bị trầm uất, người tu hành càng thích vào nơi thâm u tịch mịch để ngâm nga kinh kệ hơn. Tiếng kinh kệ ngâm nga, tiếng chuông chùa ngân buồn bã dễ ru hồn người đi sâu thêm vào trạng thái trầm cảm. Trong khi đó, những người lợi dụng áo tu để tạo sự nghiệp ích kỷ thì khác. Họ tụng kinh qua loa không hết lòng cho nên ý nghĩa và âm điệu chết chóc trong Kinh Phật không thấm vào tâm hồn họ. Do vậy, họ hăng hái ăn học, sống xông xáo, chấp nhận trả giá để có địa vị và quyền lợi nên dễ lạc quan yêu đời và ham sống hơn.

Người đi tu trong Phật Giáo sống vào thời buổi loạn ly chinh chiến, xã hội phân rẽ, kẻ biểu tình, người đàn áp, kẻ thành công người thất bại... Dần dần bị cuốn hút vào quan niệm xã thân, nhập thế, cứu độ trần gian chứ không còn chuyên tâm về giáo lý xuất thế, ly thân để giải thoát nữa. Họ tự thấy mình là quan trọng, là thiêng liêng. Họ dễ mang mặc cảm tự tôn, hoặc dễ nung nấu ước muốn tự thiêu bởi tham vọng được sự sùng bái của tín hữu. Hồi đó, sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Ðức đã tự thiêu, một thi sỹ đã làm bài thơ Lửa Từ Bi. Bài thơ nầy có nhiều câu ca ngợi cái chết tự thiêu của Quảng Ðức rất xúc động, nhưng tôi không nhớ hết. Cô Hoàng Oanh đã ngâm bài thơ nầy rất hùng tráng. Giọng ngâm ấy đã kích động vào ý nguyện tự thiêu đối với một số người xuất gia và tại gia. Tôi chỉ nhớ vài câu tiêu biểu trong bài thơ lãng mạn ấy: “Chỗ người ngồi, một thiên thu tuyệt trác”. Khi nghe cô Hoàng Oanh ngâm lên, thính gỉa phải xúc động. Nhưng ít ai thấy được ý nghĩa mâu thuẩn của nó với toàn bộ căn bản giáo lý đạo Phật. Giáo lý đạo Phật không bao giờ chấp nhận một cái gì vĩnh hằng. Thế nhưng: “Chỗ người ngồi, một thiên thu tuyệt trác”. Nó vừa thừa nhận tính vĩnh cửu, vừa khơi động lên một cảm xúc cuồn cuộn, réo rắt, uy dũng, hoành tráng, thương đau, lãng mạn, từ bi... đến độ... làm cho người ta cảm thấy muốn chọn sự tự thiêu để đi vào vĩnh cửu thiên thu hơn cả cái “chỗ người ngồi” ở đó nữa! Ðó là cảm giác giữa cái chết đại nguyện và những ngang trái phù du của giới tu sỹ cuồng nhiệt đấu tranh trong thời loạn.

Họ đã nhân danh tự do tôn giáo để đấu tranh chống lại các chính phủ miền nam Việt Nam. Dù họ đã vô tình hay cố ý làm lợi cho cộng sản, ngày nay họ cũng đã bị vắt chanh bỏ vỏ. Trong khi chưa tiêu diệt hết tôn giáo, cộng sản phải gom tôn giáo vào đường lối quốc doanh để đưa tôn giáo vào sự triệt tiêu tận gốc rễ. Kẻ thù cuối cùng của cộng sản là truyền thống đạo đức con người và đức tin thiêng liêng của con người được thể hiện qua tôn giáo. Nhưng đức tin thật của Chúa Jesus Christ trong con người không bị lệ thuộc hoàn toàn vào hình thức tôn giáo, do đó cộng sản không thể nào tiêu diệt được. Ai có Chúa Jesus cư trú trong đời sống mình là người chẳng những không sợ cộng sản vô thần mà còn giảng Tin Lành Cứu Rỗi cho cộng sản vô thần nữa. Cộng sản vô thần gian ác nhưng không mạnh lắm đâu. Khi có Ðức Tin thật của Thiên Chúa và sống theo Lời Chúa, sự nhân từ nhịn nhục của Chúa Cứu Thế qua chúng ta sẽ chiến thắng sự gian ác tối tăm của cộng sản dễ dàng. Ngay khi người tin Chúa bị giết chết, hạt giống đạo vẫn được gieo vào trong tâm tư kẻ sát nhân để kêu gọi hắn ăn năn. Cảm tạ Chúa, đó là chân lý, là phước cho người nào chịu sự bắt bớ vì danh Người.

© 2025 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU