Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ

MỤC VỤ CHO NGƯỜI BỆNH TRẦM CẢM

Thế giới ngày càng xuất hiện nhiều chứng bệnh tâm lý. Năm 1987, Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối nhiễu tâm thần (DSM - III - R: Diagnosis and Statistical Manual of Mental Disordess) của Hội tâm thần học Hoa Kỳ, đã định nghĩa và mô tả trên 200 rối nhiễu tâm trí. Hiện nay, ấn bản DSM IV, xuất bản năm 1994, có tới 687 đơn vị phân lọai. Trong số những rối nhiễu tâm thần, bệnh trầm uất / trầm cảm được đánh giá là một trong những chứng rối nhiễu tâm thần phát triển rộng.

Chứng bệnh này, không chỉ phát triển ở các nước phương tây, nhưng hiện nay cũng đang hoành hành nơi những quốc gia đang trên đường phát triển. Tại Việt Nam, trầm cảm xuất hiện ở mọi lứa tuổi, chiếm tỉ lệ khoảng 2 - 5% dân số.

Đứng trước tình hình này, Giáo Hội nhận thấy việc dấn thân chăm lo cho những bệnh nhân trầm cảm là điều vô cùng cần thiết. Trong ba ngày từ 13 - 15/11/2003 vừa qua, tại Roma, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Mục Vụ Sức Khỏe đã tổ chức hội nghị quốc tế về căn bệnh này. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II cũng rất quan tâm và đưa ra cho chúng ta nhiều chỉ dẫn quan trọng.

Trong vai trò một linh mục giải tội và chăm sóc mục vụ tại giáo xứ, các linh mục không thể không gặp những bệnh nhân này. Làm thế nào để giúp đỡ họ? Nhân dịp ngày quốc tế bệnh nhân, xin được cùng qúy cha khám phá đôi nét về căn bệnh này và đôi nét mục vụ cho họ như lời mời gọi của Đức Thánh Cha: "cần có một kiến thức sâu xa về căn bệnh đó, hầu thăng tiến những sự chăm sóc hoàn hảo hơn và một sự nâng đỡ thích ứng hơn với những người bệnh và gia đình họ" (Diễn văn tại hội nghị - 14/11/2003)

1. Nhận dạng người bệnh trầm cảm

1.1. Bệnh trầm cảm/ trầm uất (Depression), là một tình trạng tâm thần có đặc trưng là buồn cực độ. Có 2 dạng: rối nhiễu lưỡng cực và trầm cảm đơn cực.

  • Rối nhiễu lưỡng cực (Bipolar Disorder): typ rối nhiễu tình cảm trong đó ứng xử của con người luân phiên giữa những giai đoạn hưng cảm và trầm cảm.
  • Trầm cảm đơn cực (Unipolar Depression): typ rối nhiễu tình cảm gây ra trầm cảm nặng nề, tràn lan mà không bị ngắt quãng bởi những giai đoạn hưng cảm, còn gọi là trầm cảm lâm sàng (Clinical Depression). Loại này chiếm tỉ lệ cao hơn trong số người bệnh. Một số triệu chứng có thể gặp thấy những người bệnh này:
  • Tính khí gây khó chịu: buồn chán, thất vọng, mất hứng thú hoặc khoái cảm trong hầu hết các sinh hoạt thường ngày.
  • Giảm sức thèm ăn, sút cân đáng kể.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Luôn mang trong mình mặc cảm tội lỗi, nghĩ mình không ra gì và tự trách mình.
  • Năng lực tư duy hoặc năng lực tập trung giảm, hay quên.
  • Có những ý nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
  • Nhìn tương lai bi quan.

1.2. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Hiện nay, các nhà tâm lý có 4 cách tiếp cận để tìm hiểu nguyên nhân của trầm cảm. Đó là: tiếp cận nhận thức, tâm động, ứng xử và sinh học. Một số nguyên nhân thường được chú ý tới là:

  • Do nếp nhận thức tiêu cực dẫn tới một cái nhìn tiêu cực về các sự kiện trong cuộc sống bản thân. Theo Aaron Back, một nhà nghiên cứu hàng đầu về trầm cảm, cho rằng loại này có 3 dạng: nhìn tiêu cực về bản thân, nhìn tiêu cực về các trải nghiệm và nhìn tiêu cực về tương lai. Kiểu nhìn tiêu cực này làm cho người bệnh tê liệt ý chí.
  • Do cảm nghĩ thiếu tự lực dẫn đến thiếu tin tưởng vào bản thân và tự trách mình.
  • Do những xung đột vô thức và những tình cảm thù địch bắt nguồn từ thời thơ ấu khiến cho người bệnh luôn tự phê mình và mặc cảm tội lỗi. Đây là kinh nghiệm mà S. Freud rút ra từ những bộc lộ của những bệnh nhân.
  • Do khả năng giao tiếp, ứng xử trong đời sống xã hội kém.
  • Do những biến cố quan trọng trong cuộc sống, nhất là những biến cố liên quan đến một sự mất mát như: cái chết của người thân, cuộc ly hôn, mất việc làm, mất mát do chiến tranh, thiên tai, bị đe dọa, bị tai nạn,...
  • Do tệ nạn xã hội như: nghiện ngập rượu chè, ma túy, mê tín dị đoan...
  • Do thua thiệt trong đời sống xã hội.
  • Do luôn phải kìm chế những cơn giận.
  • Khi ý nghĩa và tình cảm bị định hướng sai lệch thì sẽ kéo theo bệnh trầm cảm, và suy nghĩ trở nên đầy tính ảo tưởng hoặc thậm chí tâm thần.

Các tham dự viên tại hội nghị mục vụ sức khỏe còn đưa ra thêm một số nhận định về nguyên nhân của căn bệnh này.

Theo Đức Hồng y Poupard: Trong nền văn hóa hiện đại có những yếu tố gây ra những nứt nẻ trong tận sâu kín của nhân tính. "Nó làm biến tính con người và làm hại sự phát triển hài hòa của con người". "Nguyên do của sự mất mát sự hiệp nhất cá tính nằm trong những tư tưởng thống trị của nền văn hóa có khuynh hướng làm giảm giá trị của việc làm, làm biến tính những mối liên hệ giữa những con người, cả trong tình bạn cũng như trong đời sống xã hội (có khuynh hướng) đóng kín sự phát triển trí tuệ trong một con đường bế tắc, và đánh lạc hướng con người trên con đường dẫn đến Thiên Chúa".

Đức Hồng Y Javier Lozano Barragan cho rằng: "khi con người mất Thiên Chúa, họ trở thành yếu đuối và đơn độc như kẻ lang thang trong sa mạc".

Đức Thánh Cha trong diễn văn chào mừng, Ngài nhắc đến nguyên nhân do "chuyện lục đục lứa đôi, tranh chấp trong gia đình, vấn đề khó khăn trong công việc, tình trạng cô đơn..., gây ra một sự nứt nẻ, hay đến cả sự cắt đứt những mối liên hệ trong xã hội, trong việc làm và gia đình". Bên cạnh đó, nền văn hóa tiêu thụ, "sự thỏa mãn tức thời của các dục vọng, sự chạy đua để đạt được đời sống thỏai mái về vật chất ngày càng lớn mạnh" cũng là nguyên nhân khiến con người dễ mắc bệnh trầm cảm do thiếu nền tảng đời sống thiêng liêng.

2. Mục vụ

Khi xuất hiện những rối nhiễu tâm lý, phần lớn bệnh nhân tìm đến với các nhà tư vấn không chuyên, thường là chỗ quen biết. Những nhà tư vấn này có thể là; những thành viên trong gia đình, bạn thân, các bác sỹ, các luật sư, giáo viên... để được nâng đỡ và cho lời khuyên. Có những người đi tìm lời khuyên nơi bạn nhậu, người thợ hớt tóc,... hoặc bất kỳ ai lắng nghe họ. Những người có tín ngưỡng thường tìm đến với những cố vấn tôn giáo. Người bệnh trầm cảm cũng thường có ứng xử bước đầu như thế. Trong thực tế xã hội hiện nay, những nhà tư vấn không chuyên này cũng đã góp phần không nhỏ làm giảm nhẹ những bất cập hoặc những xung đột bị dồn nén của nhiều người bệnh.

Cố vấn tôn giáo, theo đúng nghĩa trong trường hợp này, là những người được đào tạo đặc biệt về kiến thức thuộc bộ môn tôn giáo chuyên việc điều trị các rối loạn tâm trí. Những người này sẽ phối hợp với hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn và tâm linh.

Tuy thế, bất cứ linh mục, tu sỹ và cả những người phụ trách các đoàn thể nào... trong giáo xứ cũng có thể làm được công việc gần gũi và trợ giúp những người mắc chứng trầm cảm.

Xin được xem xét công việc chúng ta dưới hai góc độ: tâm lý và tâm linh.

Dưới góc độ tâm lý, khi những bệnh nhân này đến với chúng ta, chúng ta có thể làm được một số công việc như sau:

  • Bằng phương pháp trò chuyện, giúp cho người bệnh khám phá mối tương quan giữa triệu chứng bên ngoài và những xung đột không giải quyết được bị che đậy bên trong, mà dường như chính chúng là những nguyên nhân gây ra những triệu chứng này. Đây gọi là liệu pháp tiếp cận tâm động (Psychodynamic Approach).
  • Giúp người bệnh điều chỉnh lại các ứng xử của bản thân họ. Sự thay đổi các ứng xử sẽ điều chỉnh được các triệu chứng. Đây gọi là liệu pháp ứng xử (Behavior Therapy).
  • Giúp người bệnh thiết lập lại nhận thức khiến thân chủ thay thế những đánh giá về bản thân đã thường xuyên bị lệch lạc, giúp họ loại trừ những nguyên nhân gây rối loạn. Đây gọi là liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy). Phương pháp nhận thức dạy cho người ta quay trở lại suy nghĩ về chính mình, đồng thời đừng suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.
  • Giáo Sư Mark Williams, Phân Khoa Tâm Lý Viện Đại Học Wales, còn đề nghị phương pháp trầm tư có chủ đích, một phương pháp có dạng như kiểu Thiền bên Phật Giáo, có thể giúp ngăn chận hiện tượng trầm cảm tái phát. Nói cách khác, giúp cho bệnh nhân chú ý tới hiện tại sống của mình, tập trung cao độ vào từng hành động của mình. Nhờ đó, họ chấp nhận được sự thực về mình và tìm cách thay đổi nó nhờ sự trợ giúp của chuyên viên chứ không phải tìm cách lẩn trốn nó.

Dưới góc độ tâm linh, xin được tổng hợp một vài ý kiến của các tham dự viên tại hội nghị quốc tế về mục vụ cho bệnh nhân trầm cảm:

  • Khơi dậy lại trong tâm hồn những bệnh nhân lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Hồng y José Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, nhận định rằng: "Đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, biểu trưng nhân tố bảo đảm ý nghĩa cho cuộc sống. Đức tin trong Đức Kitô Phục Sinh mở cho con người hy vọng, lạc quan để làm nảy sinh một trạng thái cho tâm hồn ngược chiều hoàn toàn với tình trạng trầm cảm, kẻ nào tin thực sự trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô và trong sự bắt chước giống Ngài phải được nói là không bao giờ bị trầm uất".
  • Theo Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng giám mục giáo tỉnh Bombay (Ấn Độ), giúp bệnh nhân quy chiếu đến đức cậy, dẫn dắt họ đến niềm hy vọng được khỏi bệnh và ngay cả đến những phép lạ, và thúc đẩy họ chiến đấu để đương đầu với những thách đố đầy khó khăn. Ngài phát biểu: "Lòng trông cậy là một phương thuốc mãnh liệt chống lại bệnh trầm cảm và là một phương thức mãnh liệt để chữa khỏi bệnh đó".
  • Theo Đức thánh cha Gioan Phaolo II, "Tình trạng trầm uất luôn luôn là một cơn thử thách thiêng liêng". Vì thế, "phải tìm ra những con đường mới hầu để mỗi người xây dựng nhân vị của mình bằng cách trau dồi đời sống thiêng liêng, nền tảng của mọi cuộc sống chín chắn.... một con đường để khám phá những khía cạnh khác của chính mình và những hình thức của sự gặïp gỡ với Thiên Chúa". Cụ thể: "giúp đỡ bệnh nhân tìm lại được sự quý mến chính bản thân mình, lòng tin tưởng trong chính những khả năng của mình, sự hứng thú cho tương lai và ý chí muốn sống". Bằng cách: "đọc và suy gẫm thánh vịnh,...lần chuỗi mân côi, tham dự thánh lễ, gia nhập các đoàn thể....". Ngài cũng nhắc nhở chúng ta, trong khi giúp đỡ bệnh nhân đó "với sự kiên nhẫn và tế nhị, bằng cách luôn luôn giữ trong tâm tưởng lời cảnh cáo của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: những trẻ em, những người bé nhỏ bước những bước nhỏ bé....Vì thế, phải đưa đôi bàn tay giúp đỡ những bệnh nhân, giúp họ hiểu được sự âu yếm của Thiên Chúa.

Sau một thời gian, nếu việc giúp đỡ của chúng ta không đem lại hiệu quả, nên đề nghị họ đến với các trung tâm sức khỏe tâm thần để được điều trị bằng thuốc.

Mục Lục

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo.
Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU