Trong lịch sử triết học, con người luôn khắc khoải đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Tôi sinh ra từ đâu? Cuộc sống này có mục đích gì? Ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của tôi là gì? Sau cuộc sống đời này, tôi sẽ đi về đâu?... Qua đó cho thấy con người muốn hiểu rõ về bản chất của mình là gì? Chính vì thế mà trong truyền thống triết học đã có rất nhiều khái niệm trình bày về con người, nhưng khái niệm quen thuộc và tiêu biểu hơn cả nơi triết học bên Tây phương thời Cổ đại mà đỉnh cao là Platon và Aristote. Theo Platon thì con người là sự nhập vào của một linh hồn trong thân xác, khi linh hồn đó bị trừng phạt vì phạm tội. Với Aristote cho rằng: con người là một sự thống nhất giữa linh hồn và thân xác, giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ và khăng khít với nhau. Tuy nhiên cả hai học thuyết này vẫn chưa thoả mãn được những thắc mắc của con người, nhưng nó đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng thời kỳ Trung cổ nói chung và Kinh viện nói riêng qua hai vị triết gia và cũng là hai vị đại thánh của Giáo Hội Công giáo, Thánh Augustinô (354 - 430) đã “rửa tội” cho tư tưởng triết học của Platon và Thánh Tôma Aquinô (1225 – 1274) đã “Kitô hóa” triết học của Aristote.
Chúng ta cùng tìm hiểu nhãn quan của hai thánh về con người theo nội dung sau: (I) Cấu tạo con người, (II) Nhận thức của con người, (III) Đức tin và lý trí con người, (IV) Tự do và sự ác.
Vì chịu ảnh hưởng của hai học thuyết trong triết học Cổ đại nên quan niệm của Thánh Augustinô và Tôma về “con người” cũng có những điểm giống và khác nhau. Tuy nhiên, những điểm khác nhau này không có gì ảnh hưởng hay sai lạc với đức tin duy nhất của các đấng ấy.
Cả hai vị thánh của chúng ta đều đồng nhất về cấu tạo của con người gồm linh hồn và thân xác. Chúng ta biết vào cuối thế kỷ IV, học thuyết của Platon đã có những ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội nhờ vào Thánh Augustinô, người đã đề xuất một phong trào thần học và tạo nên một ảnh hưởng lớn lao và lâu dài trong giới tri thức Công giáo. Trong học thuyết của mình, Thánh Augustinô đã khẳng định: Vũ trụ là do Thiên Chúa sinh ra theo tính tất yếu, ý chí và tự do của Người. Mặt khác trên cơ sở những tín điều Kitô giáo và học thuyết trường phái Platon về con người, Thánh Augustinô đã đi đến định nghĩa: “Con người là một sự thống nhất linh hồn và thể xác, trong đó linh hồn đóng vai trò quyết định.” Với Thánh Tôma Aquinô, do ảnh hưởng của học thuyết Aristote, nên người khẳng định: “Con người được cấu tạo bởi linh hồn và thân xác, chúng liên kết chặt chẽ với nhau và có thể nói là chúng không còn là hai nhưng chỉ là một, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, trong đó linh hồn là mô thể của thân xác.” Qua hai tư tưởng của hai vị thánh nhân mà Giáo Hội đã đồng nhất quan điểm và giảng dạy: “Nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác được cấu tạo từ vật chất, thành một thân xác của con người sống động. Trong con người, tinh thần và vật chất không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất.”1
Dưới đây người viết sẽ trình bày quan điểm của hai thánh nhân về thân xác và linh hồn của con người.
1. Thân xác
Vào những giai đoạn đầu của Giáo Hội sơ khai, trong quá trình rao giảng, các giáo phụ cảm thấy dễ đối thoại hơn với tư tưởng của Platon. Bởi vì học thuyết của ông coi trọng những thực thể thiên giới và coi cái vật chất trần gian này chỉ là rác rưởi và bất toàn, trong đó có thân xác con người. Nó được cấu tạo từ những yếu tố vật chất trong thiên nhiên, nên nó cũng phải chết và trở về với thiên nhiên. Thánh Augustinô có cùng quan điểm như trên về cấu tạo thân xác con người.
Tuy nhiên, vào thời Trung cổ, bên Âu Châu đã bị thu hút bởi một nền triết học mới được du nhập, đó là tư tưởng của triết học Aristote. Vị triết gia này đã tìm ý nghĩa đời sống con người trong vũ trụ vật chất, ở những thực tại hữu hình, đề cao vai trò của cá nhân và thân xác. Thánh Tôma nhận thấy những chân lý trong học thuyết của Aristote và đã lấy đó làm nền tảng để viết một thiên khảo luận triết học và thần học về con người. Thánh Tôma không hề coi thường thân xác con người, vì thân xác con người là dấu hiệu cho ta nhận thấy: con người là một ngôi vị và là phương tiện. Hơn nữa, thân xác thể hiện con người là một ngôi vị, một cá thể hay chủ thể độc lập, và “thân thể là một cái tôi của con người.”2 Quả thực, nếu không có thân xác thì sẽ không có con người và cũng không phải là con người, điều này ai trong chúng ta cũng biết rõ.
Cả hai vị thánh của chúng ta có cùng chung một quan điểm là thân xác con người sẽ được sống lại, khi các đấng chống lại học thuyết trường phái Maniche (học thuyết này cho rằng không có sự sống lại về thân xác con người). Thánh Augustinô trong tác phẩm De quantitate animae (388) có đề cập đến sự sống lại của thân xác: “Chúng ta cũng thấy rằng sự sống lại của thân xác, điều mà có kẻ tin một cách gượng ép, có người từ chối một cách thẳng thừng, còn chúng ta có thể xác tín điều đó cũng như chúng ta xác tín rằng mặt trời một khi lặn rồi sẽ mọc trở lại”3. Với Thánh Tôma, trong tác phẩm Demalo viết: “Tuy sự phục sinh thân xác là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng nó cũng đáp ứng với một khát vọng tự nhiên của con người”. Từ những quan điểm trên của hai vị cũng là giáo lý của Giáo Hội về sự sống lại của thân xác con người: “Vậy con người không được khinh miệt đời sống thân xác, nhưng trái lại con người phải coi trọng thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng, vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và phải được sống lại trong ngày sau hết”.4
2. Linh hồn
Về linh hồn con người, chúng ta sẽ tìm hiểu về bản chất, vai trò và sự khao khát của nó.
a. Bản chất của linh hồn.
Hai vị thánh của chúng ta đều cho rằng bản chất của linh hồn là bất tử. Dựa theo nguyên tắc trong luân lý, các đấng chứng minh: Bởi vì trong cuộc sống đời thường, chúng ta không thể có được sự công minh chính trực, không có sự công bằng nơi tất cả mọi hành động đang diễn ra. Do đó, ta thường thấy nhiều người ở hiền nhưng luôn gặp phải tai ương giáng họa ập đến do những hành động xấu xa, bỉ ổi của người khác gây ra. Hơn nữa, ta lại thấy kẻ ác thì luôn vênh váo, hiên ngang thật là bất công. Cho nên cần phải có một thế giới bên kia là nơi có sự phân minh rõ ràng, phải có một công lý thực sự, phải có sự thưởng phạt do những hành động của mình khi còn sống gây ra.
Như vậy linh hồn phải bất tử để tham dự vào đời sống sau này, nó sẽ được trả công phúc hay bị luận phạt do hậu quả của cuộc sống trên dương gian. Với Thánh Augustinô trong cuốn “Tự Thuật,” người đã tin mạnh mẽ vào sự bất tử của linh hồn. Vì thế người đã diễn đạt lại tín lý của Kitô giáo một cách tương hợp với triết thuyết của Platon: “Linh hồn là bất tử. Bây giờ anh có tin tưởng chăng vào những tranh luận của mình; có niềm tin chăng vào chân lý; linh hồn hét lên rằng nó sống trong anh, rằng nó bất tử, rằng dù cái chết thân xác có đến với tôi cũng không thể cướp đi nơi nó trú ngụ.”5
Linh hồn con người là một thực thể tinh thần, tức là vừa vô chất vừa thực tại. Nó vô chất vì nó không phải được cấu tạo bởi những vật chất như thân xác, nên nó sẽ không bị chi phối bởi thời gian và không gian vật lý, nghĩa là nó không có trương độ, không cân đo đong đếm được; điều đó không ai phủ nhận, nhưng dù nó có vô chất nhưng nó vẫn có sự liên hệ với thân xác. Thánh Tôma đã nói: “Nhờ có yếu tố tinh thần, mà con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, có phẩm giá cao quý vì được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng. Linh hồn thiêng liêng, bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể.”6
b. Vai trò của linh hồn
Thánh Agustino đã định nghĩa: linh hồn như một thực thể được phú bẩm với lý trí, có khả năng vận hành thân xác; linh hồn chính là nguồn sống của con người. Thánh nhân đã trình bày rất rõ ràng rằng: “Giờ đây ta mới nói đến ngươi, linh hồn của ta ơi, ngươi là phần tốt đẹp của ta đó; vì ngươi đã làm cho khối thân xác ta nhanh nhẹn lên, đem lại sự sống cho nó, mà không một thân xác nào có thể đem lại sự sống cho thân xác khác như vậy được. Nhưng Chúa ngươi thậm chí còn mang lại cho ngươi Nguồn của sự sống.”7
Thánh Tôma trên hành trình truy tìm chân lý, người đã gặp triết thuyết của Aristote như kẻ đồng hành và khi nói về vai trò của linh hồn, thánh nhân đã lấy lại học thuyết của Aristote “coi linh hồn như hình thức của thể xác, linh hồn đúng là nguyên lý về tổ chức và đời sống của thể xác.”8 Người khẳng định rằng nhờ linh hồn mà thân xác trở nên thân thể của con người (khác với xác của thú vật). Hồn là mô thức hoàn chỉnh làm cho hữu thể sống và chuyển động. Vì là mô thức, nên nó điều khiển được các hoạt động của thân xác con người chúng ta.
c. Sự khao khát của linh hồn
Nơi con người chúng ta diễn ra rất nhiều hoạt động. Có những hoạt động thuộc hạ đẳng hay là thượng đẳng, lại có những hoạt động tìm đối tượng thỏa mãn nhu cầu về sinh lý và thể xác, nhưng cũng có nhiều hoạt động tìm đối tượng để thỏa mãn về tinh thần, thỏa mãn những đối tượng của trí năng và ý chí nơi ta. Những cái thuộc hạ đẳng như mắt thấy tai nghe chỉ hoàn toàn là tương đối, nó chỉ phản ánh được phần nào vẻ đẹp của Đấng Sáng Tạo là Thiên Chúa. Thế nên ta nhìn lắm thì cũng sinh ra nhàm, mà nghe lắm cũng sinh ra chán tai. Tất cả dường như không làm cho linh hồn cảm thấy thỏa mãn. Vì thế, linh hồn luôn mang trong mình một sự khao khát, một cuộc tìm kiếm nơi là Chân Thiện Mỹ, là hạnh phúc vĩnh cửu, đó là nhận định chung của hai vị thánh.
Thánh Augustinô đã diễn tả sự khao khát mãnh liệt của linh hồn về phía Chân Thiện Mỹ tuyệt đối như sau: “Lạy Thượng Đế, con biết chắc con mến yêu Thượng Đế... Con yêu Thượng Đế, vì chính Thượng Đế là Chúa con, là sự sáng, là thanh âm, là mùi thơm, là lương thực, là ấp ủ lòng con, nơi giãi sáng một thực tại không có không gian nào chứa nổi, nơi vang dội một giọng hát không thời gian nào chấm dứt, nơi hương thơm tỏa một mùi hương không gió nào phân ly, nơi có của ăn không biết no, nơi có của luôn luôn thưởng thức mà không biết chán. Đó chính là điều con yêu mỗi khi con yêu Thượng Đế của con.”9 Nơi linh hồn ta luôn khao khát đến Chân Thiện Mỹ tuyệt đối nên nó không thể bằng lòng với những gì là vật chất tương đối. Vì linh hồn con người thuộc giới thiêng liêng với những hành động thiêng liêng, nên nó chỉ đạt được và thỏa mãn được khát vọng trong giới thiêng liêng mà thôi. Sự khao khát đó rất mãnh liệt đến nỗi Thánh Augustinô đã thốt lên rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa và lòng con luôn khắc khoải cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa”10
Với Thánh Tôma, thánh nhân biết con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng ngoài giá trị của mạc khải, người đã cố gắng đi sâu vào trong chính bản tính của con người để cho ta thấy được rằng cơ cấu của con người tự nó hướng về Thiên Chúa. “Con người mở rộng ra với Thiên Chúa bởi vì con người luôn khao khát đạt tới chân lý thực tại và sự thiện toàn mỹ. Con người tìm về Thiên Chúa không phải chỉ muốn thỏa mãn óc lý luận, muốn biết nguồn gốc của vũ trụ, nhưng còn vì muốn được hạnh phúc, được sự thiện tuyệt đối.”11
3. Mối tương quan giữa linh hồn và thân xác
Điểm chung của hai vị thánh đều đồng ý rằng: con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Người, nên việc linh hồn kết hợp với thân xác không phải là một tình trạng tội lỗi. Thánh Augustinô đã khẳng định: “Con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người, con người không còn có thể được coi như hậu quả của một thế hệ, của một sự thoát thai như kết quả sa ngã của một linh hồn lý tưởng trong một thể xác được tạo ra từ một chất liệu không tạo ra được…”12.
Với Thánh Tôma, người nhận định: “Con người là một hợp thể gồm cả xác hồn. Linh hồn không hiện hữu trước khi có con người. Linh hồn và xác gắn bó với nhau cho đến nỗi Thánh Tôma nói tới khát vọng tự nhiên của thân xác là được sống lại, bởi vì linh hồn sẽ bất toàn khi tách rời khỏi thân xác.”13
Những quan điểm trên, dường như đang chống lại tư tưởng về con người trong thuyết luân hồi ở thời Thượng cổ nơi dân Ai cập, và trong giáo lý Phật giáo. Về sau, học thuyết này đã có mặt ở triết học Hy Lạp nơi Pythagore và Platon. Họ cho rằng: hồn đã có trước ở trong một thế giới bên kia và mỗi linh hồn thì tương ứng với một tinh tú, do phạm tội nên bị phạt phải xuống hạ giới nhập vào một thân xác khác. Trong khoảng thời gian đó nếu họ sống tốt thì sẽ được trở về với tinh tú của mình, còn nếu không tốt thì phải tiếp tục bị nhập vào một thân xác khác, kể cả xác các loài động vật…
Tuy linh hồn kết hợp với thân xác không phải là một tình trạng tội lỗi, thế nhưng khi đọc hay nghiên cứu các tác phẩm của Thánh Augustinô, ta thấy thánh nhân vẫn coi trọng những sinh hoạt của linh hồn hơn thân xác. Người còn xem linh hồn như là một thực thể riêng biệt và độc lập, nó chỉ tham dự với lý tính và có khả năng chi phối, điều khiển thân xác. Chính vì thế mà sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác trong con người không phải là lý tưởng. Ý tưởng đó chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm đầu tay của thánh nhân như tác phẩm De fide et Symbolo (393). Người viết: “Linh hồn trở nên nhẹ nhõm hơn khi trút bỏ những điều mà thân xác chất lên nó và tôi luyện mình theo sự hài hòa thần tính của Đức Khôn Ngoan.”14 Đến đây, có người đặt câu hỏi: Sao mà tư tưởng của Thánh Augustinô về vấn đề linh hồn và thân xác còn lờ mờ mà chưa phân định cho rõ? Điều này là do thánh nhân đã bị ảnh hưởng nhiều trường phái khác nhau như học thuyết Maniche, Platon rồi sau đó mới biết đến Kitô giáo qua Thánh Ambrosio; một lý do nữa là những tác phẩm mà thánh nhân viết là dành cho những đối tượng khác nhau nên có nội dung, kiến thức cần thiết dành cho họ là khác nhau.
Với Thánh Tôma thì rõ ràng và minh bạch hơn trong những quan niệm của người về linh hồn kết hợp với thân xác. Người trình bày: Việc linh hồn kết hợp với thân xác không gây trở ngại gì cho phẩm giá cao quý, cũng như tính bất diệt của linh hồn. Không có hồn, xác sẽ không có hình thức và nếu không có xác thì sẽ không có các cơ quan cần thiết để đạt đến tri thức. Chính vì thế mà ta không thể xem thường thân xác, không thể phủ nhận những cố gắng của thân xác giúp cho linh hồn có được sự sống đời sau. Như vậy, sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác là sự kết hợp hài hòa, gắn kết với nhau. Qua đó ta thấy được sự tài tình trong sự sáng tạo của Thiên Chúa.
Trong nhận thức của con người, có một thế giới khả niệm mà ta có thể trực giác được nhờ tri thức, đó chính là nhận định của Thánh Augustinô cũng như Thánh Tôma trong những luận chứng chống lại thuyết hoài nghi. Thánh Augustinô đã khẳng định: “Nếu tôi lầm, thì tôi hiện hữu.” Tức mỗi khi chúng ta trực giác về tư tưởng và về sự hiện hữu của tôi thì đó là một điều hiển nhiên và chắc chắn, vì có sự lầm lẫn thì cái người lầm lẫn đó phải có (tức sự hiện hữu). Khi nó hiện hữu, thì nó phải có khả năng trực giác về cái tư tưởng của nó, như thế nó mới khẳng định là nó có sự sai lầm hay không. Vậy phải có một thế giới khả niệm mà ta có thể trực giác được nhờ tri thức.
Trong việc đồng hóa giữa tân thuyết Platon và Kitô giáo, Thánh Augustinô nói: Có một thế giới khả niệm, đó là một thực tại vô hình thiêng liêng và quý hơn những gì trong không gian và thời gian (thoát ra khỏi thuyết duy vật Manes), thế giới khả niệm đó chính là logos (Ngôi Lời – Đức Kitô).
Hai thánh nhân còn khẳng định rằng: trong việc nhận thức khả giác, sự vật khả giác không thể tạo ấn tượng trực tiếp lên trí khôn hay tinh thần. Bởi vì khả giác và chủ thể nhận thức không cùng một loại thực tại với nhau, một đàng là sự vật khả giác còn đàng khác thì thuộc về tinh thần, một cái vật chất và một cái vô chất thì không thể tác dụng trực tiếp lên nhau được, nên cần phải có một khâu trung gian, đó là những hình ảnh và các ý niệm; từ những hình ảnh khi tác động tới trí khôn nó phải rút ra một ý niệm bằng cách trừu tượng và tổng quát hóa những gì ta khả giác được từ sự vật rồi đưa đến nhận thức của trí khôn.
Trên đây là những quan điểm chung của hai thánh nhân, nhưng vì hai người chịu ảnh hưởng bởi hai học thuyết nên sẽ có những điểm khác nhau.
Thánh Augustinô, do ảnh hưởng của học thuyết Platon, nên người cho rằng: trong con người thì đã có sẵn những nguyên lý của lý trí và các nguyên tắc của luân lý, cũng như những quy luật cho mọi tư tưởng và hành động, nó có trước và tự lập với những hoạt động của các giác quan nơi con người. Mặt khác, đối tượng của nhận thức bằng giác quan thì luôn luôn thay đổi, nên nó chưa phải là nhận thức đích thực, loại nhận thức này ngay ở các loài động vật cũng có. Chính vì thế mà Thánh Augustinô không đề cao vai trò của các giác quan trong việc nhận thức. Người đi lên một loại nhận thức cao hơn, đó là nhận thức bằng lý trí. Trong loại nhận thức này thánh nhân đã chia ra làm hai loại: lý trí hạ đẳng (khoa học) và lý trí thượng đẳng (minh triết). Đối tượng của khoa học là những sự vật trong thế giới hữu hình, khả giác và mục đích của nó là thực dụng; còn với minh triết thì đối tượng nhận thức đó chính là Thượng Đế và thế giới trường cửu. Khoa học thì hướng về thực dụng còn minh triết thì hướng về chiêm ngắm. Theo thánh nhân, nhận thức đích thực của con người là minh triết và để đạt được trình độ nhận thức minh triết thì cần phải có ơn Chúa soi sáng, thánh nhân gọi là thuyết “sự soi sáng” của Thượng Đế.
Với Thánh Tôma, người đề cao vai trò và khả năng của các giác quan và cảm giác của con người. Thánh nhân khẳng định rằng: không có gì trong trí khôn mà không thông qua giác quan, dù những nguyên lý căn bản của lý trí có mầm mống trong ta (theo Thánh Augustinô) thì cũng cần phải nhờ đến kinh nghiệm để xuất hiện và phát triển. Cảm giác là kết quả của đối tượng khả giác và chủ thể nhận thức, dù rằng khả năng nhận thức của con người vượt hẳn so với các thú vật, nhưng chúng ta muốn khám phá nơi vật cụ thể thì cần phải nhờ đến trực giác giác quan. Tuy nhiên, nó chỉ áp dụng được cho một số đối tượng, nhưng ta cũng không thể xem thường vai trò và khả năng của giác quan và cảm giác trong sự nhận thức của con người.
Cả hai vị đại thánh đều khẳng định có sự liên kết chặt chẽ và bổ túc cho nhau giữa đức tin và lý trí con người. Giữa chúng không có gì là mâu thuẫn, ngược lại nó bổ túc và phong phú hóa cho nhau, đây là một trong những cách giải quyết vấn đề lớn trong triết học thời Trung cổ.
Thánh Augustinô cho rằng: “Hãy tin để hiểu và hãy hiểu để tin.”15 Sau này được Thánh Anselmô quảng diễn rằng: “Đức tin đi tìm sự hiểu biết”; tức là chúng ta phải chấp nhận những lý thuyết do đức tin đề ra, sau đó dùng lý trí để nghiên cứu, tìm hiểu và đào sâu thêm. Vì chỉ có nơi con người mới biết tin, nên lý trí đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết cho lòng tin của mỗi chúng ta. Như vậy đức tin và lý trí bổ túc cho nhau: “Lòng tin và lý trí cả hai đều đến từ Thiên Chúa.”16
Còn với Thánh Tôma thì người khẳng định: giữa đức tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học là hai lĩnh vực khác nhau. Tuy giữa chúng có những điểm khác biệt nhau, nhưng không phải là nghịch lý, đối kháng nhau vì cả hai cùng lớn lên và tồn tại trong đời sống của con người, “Thiên Chúa của niềm tin cũng là Thiên Chúa của lý trí.”17 Có thể nói được rằng, triết học đem lại tri thức không hoàn hảo về những gì mà thần học có khả năng nói một cách rõ ràng và đầy đủ hơn nhằm dẫn dắt tới sự cứu rỗi vĩnh hằng. Do đó, niềm tin hoàn thiện lý tính, còn thần học thì hoàn thiện triết học. Niềm tin định hướng cho lý tính nhưng không loại bỏ lý tính.
Thánh Tôma còn nhận định rõ ràng rằng: “Lý trí và đức tin không có gì đối chọi. Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người, đã muốn thông truyền sự tốt lành của Người cho con người và đã mời gọi con người vào chia sẻ hạnh phúc với Người.”18 Chính vì thế, con người cần sẵn sàng sử dụng toàn bộ kho tàng lý tính mà Thiên Chúa ban cho, để nhận thức được con người thật của mình và điều chỉnh lối sống sao cho phù hợp, xứng đáng với Đấng là đối tượng duy nhất của niềm tin. Từ quan niệm chung của hai vị thánh mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong đoạn mở đầu Thông điệp Fides đã viết: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn lên trong sự chiêm ngắm chân lý.”
Tuy giữa đức tin và lý trí không có sự đối chọi hay mâu thuẫn, thế nhưng qua cách trình bày trên cho ta thấy được phần nào về sự đề cao vai trò của đức tin hơn là lý trí trong quan niệm của Thánh Augustinô. Nếu chúng ta để cho lý trí chỉ quy vào sức mạnh của nó không thôi thì sẽ tạo ra những thất bại và sự hoài nghi, như thế thì làm sao ta có thể biết được điều mà mình sẽ tin tưởng. Hơn nữa vì tội lỗi nên đã làm cho mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa cũng không còn được như thủa ban đầu, nên lý trí cũng không thực sự là lý trí nữa, nhưng với sự trợ giúp, hỗ trợ của lòng tin thì nó sẽ lấy lại bản chất của chính nó. Chúng ta nhận thấy nơi Thánh Augustinô chưa phân biệt được rõ ràng giữa hai lĩnh vực triết học và thần học, giữa lý trí và đức tin. Thánh Augustinô khẳng định rằng: Trên con đường tìm kiếm chân lý, nhờ ánh sáng của đức tin, lý trí sẽ có được những cột mốc chỉ đường vững chắc và nhờ đó có thể giúp con người tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc của lý trí.
Khác với Thánh Augustinô thì Thánh Tôma lại đề cao vai trò của lý trí hơn, bởi chịu ảnh hưởng học thuyết Aristote: “Con người là con vật có lý tính” nên người cũng đồng quan điểm như trên. Nhờ trí tuệ con người thành một ngôi vị, chính lý trí nâng con người từ một cá thể lên ngôi vị. Thánh Tôma định nghĩa: “Một ngôi vị là một bản thể phân biệt với một hữu thể khác, có hữu thể riêng trong một bản tính có trí tuệ.” Trí tuệ con người với khả năng trừu tượng giúp nhận thức được những hiện thể cũng như tiềm thể thuần túy, vì trí năng của ta không thể nhận thức trực tiếp được, nên lý trí buộc phải trừu tượng để rút những yếu tính của đối tượng giúp ta nhận thức được sự vật trên. Như vậy, ngoài phạm vi tôn giáo thì con người có thể hiểu biết mà không cần đến ơn phù hộ trực tiếp của Thiên Chúa, bởi trí khôn chúng ta cũng có thể khám phá ra được nhiều điểm về Thiên Chúa như: sự hiện hữu, tính duy nhất, Đấng là Chân-Thiện-Mỹ...
1. Tự do
Tự do là quà tặng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con người, đó là một mỹ hiệu. Hai vị thánh của chúng ta có cùng quan điểm như thế. Vậy phải chăng tự do là khả năng chọn lựa bất cứ thứ gì, làm bất cứ điều gì mà mình muốn? Không ai ngăn cản mình hành động, kể cả những hành động đi ngược lại với bản thân mình, mặc dù có sự phê phán của lý trí, lương tâm, hình phạt…
Nếu thực sự đó là tự do thì ta khẳng định rằng đó là khuyết điểm lớn nhất của tự do, bởi nó có khả năng tiêu diệt chính mình. Như thế tự do sẽ mâu thuẫn với tự do, vì con người không còn được tự do nhưng đã trở thành nô lệ cho cái tôi, cho ước muốn tội lỗi. Vậy đâu là tự do đúng nghĩa mà người ta cho nó là một mỹ hiệu?
Thánh Augustinô cho rằng tự do không phải là quyền quyết định như một trọng tài, cũng không phải là khả năng chọn lựa giữa thiện ác, phải trái, nhưng đó là “khả năng vươn lên tới sự thiện mà không bị ràng buộc.” Bởi tự do là món quà mà Thiên Chúa đã đặt để nơi con người, giúp con người có thể tìm đến và kết hợp với Thiên Chúa, nhằm đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, mà hạnh phúc ấy chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Vì thế, khi lệ thuộc vào Thiên Chúa con người không hề mất tự do, ngược lại con người càng được tự do hơn.
Mặt khác theo siêu hình học: “Sở dĩ con người có tự do là vì con người có lý trí, có ý muốn, và đối tượng của ý muốn chính là sự thiện.” Đó cũng là quan điểm của thánh Tôma Aquinô, người viết: “Nếu ai trình bày cho tôi một đối tượng toàn thiện, ý chí tôi bó buộc phải hướng về, nhưng trước một đối tượng tương đối thiện, ý chí tôi có thể chấp nhận hay chối từ. Tôi có tự do.”
Chính bởi có tự do nên con người có trách nhiệm trong những chọn lựa của mình, hoặc tốt lành thánh thiện hoặc làm cho tội lỗi lan tràn và sự ác hoành hành.
2. Sự ác
Trong niềm tin, người Công giáo luôn khẳng định và đặt niềm tin ở một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã tạo dựng nên vũ trụ và con người cách tốt đẹp. Thế nhưng, họ phải đối diện với câu hỏi về sự ác. Nếu Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện thì tại sao sự ác lại xuất hiện trong vũ trụ mà Người tạo dựng? Phải chăng Người không đủ quyền năng để tạo dựng một vũ trụ hoàn hảo, không có sự ác? Phải chăng Người không toàn thiện nên mới để cho con người phải đau khổ và phải chiến đấu với sự ác? Hai vị thánh của chúng ta đã giúp cho Giáo Hội trong việc giải đáp những vấn nạn này. Các đấng quả quyết rằng sự ác không phải là tất yếu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa (chống lại học thuyết Maniche: cho rằng giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối cùng tồn tại song song với nhau trong thế gian). Thiên Chúa của chúng ta không phải là nguyên nhân của sự ác hay điều xấu.
Thánh Augustinô đã trình bày rằng: “Con người có tự do nên có sự ác.” Người đã chống lại học thuyết nhị nguyên khi cho rằng cái ác tự nó không có thực chất, đó chỉ là sự xa rời Thiên Chúa, hay sự vắng mặt của một sự thiện phải có. Làm ác chẳng qua là một khuyết điểm của tự do thôi. Người đã phân biệt các cấp độ của sự ác thành ba cấp là: siêu hình học, đạo đức và vật lý.
Theo quan điểm của siêu hình học, cái ác tự thân nó như là cái không có trong vũ trụ. Theo đạo đức học, cái ác là việc con người vi phạm những lời răn, những giáo huấn của Chúa, tức là đã phạm tội. Nó phát xuất từ những khát vọng và mong muốn vô đạo đức, nên đã xa rời cái thiện, hay do sự sa ngã của thiên thần và loài người đã lạm dụng tự do của mình và rời bỏ Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối. Còn theo quan điểm vật lý thì cái ác thể hiện qua bệnh tật, đau khổ và cuối cùng là cái chết mà nguyên nhân là do tội nguyên tổ nên con người phải gánh lấy hình phạt tội của mình.19
Thánh Tôma thì cho rằng, cội nguồn của cái ác vật lý và đạo đức là khả năng tồn tại có thể như đột biến và cái chết. Thể xác không có can hệ với cái ác, thế nhưng thể xác bắt tinh thần phạm tội, còn tinh thần thì làm cho thể xác suy đồi. Người khẳng định rõ: “Cái ác là không phục tùng Thiên Chúa, là làm mất mối liên hệ và ký ức về sự phụ thuộc mang tính nền tảng vào Chúa. Cội nguồn của cái ác là ở sự làm suy đồi tinh thần và tự do.”20
Qua những gì chúng ta đã trình bày quan niệm về con người dưới nhãn quan của Thánh là Augustinô và Tôma Aquinô, chúng ta có thể đưa ra một nhận định tổng quát về tư tưởng của các đấng như sau:
Thánh Augustinô, qua những biến cố trong cuộc đời đã tạo nên trong người một luồng tư tưởng mà thiết nghĩ nó được xuất phát từ trong con tim, từ hoàn cảnh sống, vì thế mà những quan niệm của thánh nhân, nhất là về con người nó mang tính chủ quan nhiều hơn. Khởi đầu là một người tài ba xuất chúng, nhưng lại sống trong sự phóng đãng thời trai trẻ, sự hưởng thụ khoái lạc vật chất chỉ mang lại cho người một cảm giác gì đó mau qua chóng tàn. Điều đó dường như người đã cảm nghiệm được và thêm tác động của Thánh Ambrôriô mà người đã được rửa tội và trở thành một tín hữu Công giáo, linh mục và giám mục. Người đã cảm nghiệm được những ân ban tuyệt vời mà Thiên Chúa đã dành cho người. Người cảm thấy rằng con người của mình khi sống trong tình trạng tội lỗi thì chỉ nhờ vào tình yêu thương của Thiên Chúa ta mới được giải thoát. Chính vì thế mà người đã đề cao vai trò ân sủng Thiên Chúa hơn là những hành động, những cố gắng của con người, thánh nhân đề cao sinh hoạt của linh hồn hơn là thân xác, của đức tin hơn là lý trí. Thánh nhân đã khám phá ra những điều kỳ diệu nơi con người theo hướng từ trên xuống, tức là những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Còn nơi Thánh Tôma, người được mệnh danh là: “Người thánh thiện nhất trong các nhà thông thái và thông thái nhất trong các vị thánh.”21 Thánh nhân đi từ cuộc sống con người trong đời thường đến thế giới huyền nhiệm và siêu nhiên. Vì thế người đề cao vai trò của thân xác, của lý trí con người trong việc truy tìm chân lý, người cố gắng kéo thế giới huyền nhiệm gần với con người cách cụ thể. Chính vì thế mà những tư tưởng của thánh nhân về con người dễ hiểu hơn, ngay cả với những người không có niềm tin tôn giáo.
Tóm lại điều quan trọng mà cả hai vị thánh cùng khẳng định đó là: Con người là một công trình tạo dựng kỳ diệu và tốt đẹp của Thiên Chúa, là cầu nối giữa thế giới huyền nhiệm siêu nhiên và thực tại vũ trụ này. Qua đó ta nhận biết một điều chắc chắn rằng Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp.