Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Đỗ Trân Duy

Ý THỨC SỰ HIỆN HỮU THIÊN CHÚA

Nói về Nước Trời, có lẽ không có dụ ngôn nào đầy nghịch lý bằng dụ ngôn “Nước Trời giống như truyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”(Mt 13:44).

Biết trong ruộng có kho báu nhưng ông không nói cho chủ nhân miếng ruộng biết. Chúng ta không biết lý do tại sao, nhưng nếu việc này chấm dứt ở đó thì vẫn tạm chấp nhận được. Nếu giữ im lặng để trục lợi mua mảnh ruộng là có ý gian muốn chiếm đoạt kho báu. Hành động như vậy chẳng khác gì lường gạt. Sự kiện Đức Giêsu đề cao hành vi của người mua ruộng, khiến tâm trí chúng ta vướng mắc trong luân lý về phép công bằng. Ngoài ra, diễn tiến câu truyện cũng không hợp lý. Tại sao người tìm ra kho báu, đã moi nó lên, nhưng không giữ lấy, lại mất công chôn nó vào chỗ cũ? Sau đó mới đóng vai lương thiện đi bán tài sản để lấy tiền mua miếng ruộng như một cuộc trao đổi sòng phẳng.

Đây là lối truyền đạt ra ngoài truyền thống văn hóa của chúng ta. Cốt tủy của vấn đề không phải ở câu truyện, cũng không phải ở lối giảng dậy, nhưng ở sự khôn ngoan (wisdom) của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ tìm ra lời giải khi trí thức bị dồn vào ngõ bí. Câu truyện đưa ra một hoạt cảnh thiếu công bằng vì chúng ta đã nhìn sự kiện trong sự thật tương đối. Đó là hướng nhìn tri thức cá nhân chủ nghĩa (egoism) trong ý niệm nhị nguyên. Nhị nguyên luôn luôn bắt chúng ta so đo giữa hai cực: có - không, của tôi - của anh, xấu - đẹp, v.v., qua đó chúng ta phải chọn một bỏ một. Hoặc là có hoặc là không có chứ không thể vừa có vừa không có. Đức Giêsu muốn dồn tri thức nhị nguyên vào chỗ bí để chúng ta phải bỏ tầng tri thức này. Chúng ta phải chuyển lên tầng giới ý thức cao hơn, nơi không có phân chia so đo đề cao cái tôi, đó là tầng giới nhất nguyên (oneness). Đức Giêsu đã trình bày tầng giới nhất nguyên trong khái niệm “trở nên một”. Người cầu nguyện, “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta… Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một; con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Gio 17: 21-23). Thánh Phaolô cũng nói, “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. (1Cor 6:17). Như vậy trong tầng thức nhất nguyên chỉ có thuần nhận thức về ơn phúc kết hợp với Thiên Chúa. Tất cả những hình ảnh trong dụ ngôn chỉ là những biểu tượng vay mượn để kích động tâm thức này. Trong tầng giới nhất nguyên, chúng ta cũng không còn ý thức về phương pháp giảng dậy, sự kiện trình bày, và ngay cả cái luân lý xã hội của câu truyện. Bởi vì chúng bị loại bỏ ngay khi chúng được đọc lên. Cái Thầy muốn nói không nằm trong thế giới chỉ có sự thật tương đối, nhưng nằm trong thế giới của sự thật tuyệt đối. Đức Giêsu đã nhấn mạnh “Nước tôi không thuộc thế gian này.”

Trở lại dụ ngôn trên, khi chúng ta nghe nói đến kho báu, óc chúng ta bắt buộc nghĩ đến vàng bạc ngọc ngà.v.v. Chúng ta không thể nào liên tưởng đến có một thứ kho báu khác không liên quan đến tiền của. Chúng ta cũng bắt buộc phải nghĩ rằng sau khi mua mảnh ruộng, người mua đó sẽ đào hũ vàng lên mà tiêu xài. Vì vậy chúng ta thấy việc mua bán đó bất công. Chúng ta không để ý thấy câu truyện do Đức Giêsu kể không có đoạn lấy kho báu ra tiêu xài. Cái giá trị của câu truyện chỉ là sự tỉnh thức về sự hiện diện của kho báu mà thôi.

Cho đến lúc này chúng ta đều hiểu rằng kho báu chính là sự hiện hữu của Thiên Chúa và mảnh ruộng chính là tâm hồn của mỗi người. Từ đó chúng ta thấy rằng chính ông chủ mảnh ruộng phải tự đi tìm kho báu cho mình. Bởi vì chấp nhận Thiên Chúa hay không, phải do chính mình mà có. Sau khi đã tìm được chân lý rồi thì buông xả mọi ràng buộc để sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Ý thức về sự hiện hữu Thiên Chúa luôn luôn là một chứng nghiệm nội tâm giống như nhận ra sự hiện diện của kho báu nằm trong ruộng. Chúng ta thường nghĩ Nước Trời là một kho tàng thuộc đời sau. Trên thực tế Đức Giêsu nói, “Nước Trời ở trong các ông” (Luc 17:20-21). Như vậy không phải sau khi qua đời chúng ta mới về Nước Trời. Vấn đề chính là sự tỉnh thức để nhìn ra Nước Trời đang ở trong lòng chúng ta. Chúa Ba Ngôi đang hiện hữu trong chân thân sâu kín của chúng ta ngay bây giờ và ngay tại đây. Nếu tâm hồn chúng ta chưa chấp nhận tin mừng do Đức Giêsu loan báo thì không tìm được Nước Trời.

Dụ ngôn trên đây có hai tác dụng. Thứ nhất, truyện bắt chúng ta vượt tầng tri thức vị kỷ trong ý thức nhị nguyên để vươn tới tầng vô kỷ trong ý thức nhất thể. Thứ hai, truyện cho chúng ta biết Nước Trời ở đâu. Đối với cá nhân ruộng là tâm hồn, Nước Trời ở trong ý thức nội tâm. Đạo ở trong lòng. Đối với xã hội, ruộng là cộng đồng. Trong bài giảng trên núi (Mat 5:1-12), Đức Giêsu cho biết Nước Trời trong xã hội là mối liên hệ cộng đồng. Đó là nền hòa bình, công lý và yêu thương theo dạng yêu hàng xóm như yêu mình.

Có lần Thánh Phaolô nói với dân thành Thessalonica, “Ngày Chúa đến sẽ như kẻ trộm ban đêm” (1The 5:1-2). Trong thế giới trí thức, ai cũng biết kẻ trộm là tên bất lương. Ai lại ví Thiên Chúa tốt lành như kẻ trộm. Nhưng khi chúng ta vượt tầng giới nhị nguyên để nhìn vào chiều sâu của biểu tượng, chúng ta không còn có những câu hỏi trên bề mặt sự thật tương đối của vấn đề. Chúng ta sẽ thấy thuần khiết nhận thức về sự cần thiết của thức tỉnh và tình trạng bất khả tiên đoán của thời điểm cánh chung.

Mục Lục

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo.
Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU