Vua Louis XI nước Pháp (1423-1483) là một người rất mê tín dị đoan. Ông tin vào chiêm tinh, tử vi, và khi nghe có một chiêm tinh gia đã đoán đúng cái chết của một bà công tước trong triều đình trong vòng tám ngày, ông cho rằng chiêm tinh gia này là mối nguy hiểm cần phải loại trừ, do đó, vua Louis đã cho mời ông này vào cung, mà trước đó, vua đã dặn các cận thần là khi vua ra hiệu thì hãy xông vào bắt giữ nhà chiêm tin này và quẳng ông ta ra khỏi cửa sổ từ lầu hai để rơi xuống đất mà chết. Khi gặp mặt, nhà vua nói với chiêm tinh gia, “Ông tự xưng là một chiêm tinh gia thông suốt mọi sự và biết được số phận của người khác, vậy ông hãy nói cho ta biết, số phận của chính ông sẽ như thế nào, và ông sẽ sống được bao lâu.”
Chiêm tinh gia trả lời, “Hạ thần sẽ chết trước bệ hạ ba ngày.” Nhà vua nghe thấy thế thì rụng rời chân tay và huỷ bỏ kế hoạch của mình!
Trong Do Thái Giáo cũng có những người báo trước về tương lai, nhưng khác với các chiêm tinh gia, họ không tự mình tiên đoán điều gì cả, họ chỉ loan báo những gì Thiên Chúa muốn họ nói. Chúng ta gọi họ là ngôn sứ – là sứ giả phát ngôn viên của Thiên Chúa.
Cuộc đời và lời giảng dậy của Đức Giêsu cho thấy Người là một Ngôn Sứ – một ngôn sứ vĩ đại và đặc biệt – bởi vì không như các ngôn sứ khác khi công bố thông điệp của Thiên Chúa họ thường dùng công thức “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán như thế” (Thus says the Lord GOD) – Đức Giêsu không bao giờ dùng đến câu này, vì chính Người là Lời của Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa (x. Gioan 1:1). Do đó, dân chúng thời bấy giờ khi nghe Đức Giêsu giảng dậy họ thấy bàng hoàng sửng sốt vì Đức Giêsu giảng dậy như một người có thẩm quyền.
Đức Giêsu là một ngôn sứ, điều đó có liên can gì đến chúng ta?
Khi được rửa tội, được xức dầu để trở nên một Kitô Hữu, chúng ta được thừa hưởng 3 chức năng của Chúa Giêsu là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Tổng quát, tư tế là để thánh hoá: chúng ta có bổn phận thánh hóa chính bản thân và người chung quanh; vương đế là để cai quản: chúng ta được hưởng dụng các tài nguyên thiên nhiên và bổn phận phải duy trì các nguồn năng ấy; ngôn sứ là để giảng dậy: chúng ta có bổn phận dậy bảo con cái cũng như người khác về đường lối của Thiên Chúa và lên tiếng đề cao những gì là tốt lành, bênh vực những gì là chân lý.
Nhân các bài đọc hôm nay đề cập đến ngôn sứ, chúng ta thử tìm hiểu một vài đặc điểm của ngôn sứ, và áp dụng thế nào vào đời sống.
Trước hết, ngôn sứ là để làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong bài đọc một, Thiên Chúa sai Ngôn Sứ Êgiêkien đến cảnh cáo dân Ít-ra-en, lúc bấy giờ đang chạy theo các tà thần. Chúa nói, “Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: CHÚA là Thiên Chúa phán như vậy! Và dù chúng có để ý hay không muốn tuân phục – vì đây là bọn phản loạn – chúng sẽ biết ở giữa chúng có một ngôn sứ.” Thiên Chúa không sai Êgiêkien đến để được thành công, để được lắng nghe, nhưng để dân Israel biết rằng Thiên Chúa hiện diện giữa họ qua Ngôn Sứ Êgiêkien.
Ngày nay, chúng ta cũng có thể giúp Thiên Chúa hiện diện khi sống vai trò ngôn sứ trong gia đình qua việc dậy bảo, giáo dục con cái theo đường lối của Thiên Chúa, dù chúng có nghe hay không, dù chúng ta có thấy được kết quả hay không. Hoặc can đảm hơn nữa, trong cộng đồng, trong xã hội, chúng ta lên tiếng phản đối những gì xấu xa, nguy hại và đề cao những gì là tốt lành, là chân lý. Chúng ta đề cao sự sống và phản đối việc phá thai. Chúng ta đề cao sự chung thủy vợ chồng hơn là xúi giục sự gian dâm, ly dị. Chúng ta sống vị tha, giúp đỡ hơn là giành dựt, ích kỷ.
Khi chúng ta lên tiếng đề cao những gì là chân, thiện, mỹ, và can đảm sống theo đường lối phúc âm, người đời sẽ nhận ra những lý tưởng cao đẹp nơi chúng ta, và rồi họ sẽ cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Điểm quan trọng khi lên tiếng là động lực bên trong tâm hồn. Chúng ta lên tiếng vì yêu mến người khác, vì muốn họ cũng có được sự bình an và niềm vui khi sống theo đường lối của Thiên Chúa, chứ chúng ta không muốn kết án lối sống của người khác, hoặc để khoe khoang, tự hào về sự tốt lành của chúng ta.
Đây là điểm rất tế nhị. Chúng ta không thể giữ im lặng trước một sự xấu (vì tôn trọng sự tự do của người khác), nhưng chúng ta cũng không thể kết án họ như thể chúng ta là Thiên Chúa. Có một số giáo phái Kitô và cũng có nhiều người Công Giáo dùng sự trừng phạt của Thiên Chúa để dụ dỗ người ta theo đạo, vô tình họ đã trình bày Thiên Chúa theo quan điểm riêng của mình và làm sái lệch hình ảnh của một Thiên Chúa giầu tình thương. Chính tình yêu là sức thu hút chứ không phải sự sợ hãi.
Nói chung, khi sống vai trò ngôn sứ, chúng ta đừng tìm kiếm sự thành công, đừng muốn người khác thay đổi ngay lập tức, nhưng hãy lưu tâm đến việc trung thành làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Thay vì kết án, thay vì xét đoán người khác, chúng ta hãy nói lên sự thật về mọi phương diện: khoa học, chính trị, kinh tế và tôn giáo.
Nói sự thật là một vai trò quan trọng của ngôn sứ và điều đó không dễ, bởi vì sự thật thì mất lòng và có thể gây thiệt hại cho bản thân. Trong cuộc đời của Đức Giêsu, Người đã thẳng thắn tố cáo những sai lầm, những hành động giả dối của các tư tế, luật sĩ và Biệt Phái Do Thái. Khi bị bắt đưa ra trước Thượng Hội Đồng và bị tố cáo là phạm thượng vì tự xưng là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã không từ chối sự thật đó, chính vì vậy Người đã phải chết.
Tại sao người theo Chúa Kitô phải nói sự thật?
Thiên Chúa là Chân Lý, điều đó có nghĩa Thiên Chúa biết tất cả những gì thầm kín trong tâm khảm con người hay được thi hành trong bóng tối để Người có thể xét xử công minh. Do đó, khi nói sự thật là khi chúng ta tuyên xưng đức tin, nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và vì kính sợ Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ nói dối.
Điểm cần lưu ý ở đây là chúng ta phải nói sự thật về khuyết điểm cũng như ưu điểm. Cha mẹ thường nói về khuyết điểm của con cái mà ít khi khen ngợi các ưu điểm. Vợ chồng cũng thường chê bai nhau hơn là khen ngợi nhau.
Mục đích của nói sự thật là để người khác biết rõ về con người của họ – ưu điểm để giúp họ tự tin hơn, và khuyết điểm để giúp họ khiêm tốn hơn. Là tín hữu Kitô, chúng ta nói sự thật vì yêu mến người khác, chúng ta muốn cho họ trở nên tốt hơn; và ngược lại chúng ta cũng phải sẵn sàng đón nhận sự thật và thay đổi, nếu không, điều đó sẽ nguy hại đến đức tin của chúng ta.
Qua bài phúc âm hôm nay, có thể nói đức tin và sự thật có liên quan với nhau. Nếu chúng ta không muốn chấp nhận sự thật, chúng ta sẽ không biết được Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Chân Lý, là Sự Thật. Dân làng Nagiarét, tuy đã nghe biết và đã thấy những việc lạ lùng của Đức Giêsu, nhưng họ không thể chấp nhận được sự thật là Đấng Mêsia có thể trở nên một con người sống giữa họ. Thành kiến về người thợ mộc Giêsu bình thường trước đây vẫn mạnh hơn sự thật đã được chứng tỏ qua những hành động lạ thường của Đức Giêsu.
Từ thành kiến dẫn đến sự phẫn uất. Dân làng Nagiarét phẫn uất vì họ cho rằng Đức Giêsu cũng chỉ là một người bình thường như họ nhưng tại sao lại có được sự khôn ngoan và khả năng lạ lùng như thế! Họ phẫn uất vì ghen tị! Họ phẫn uất vì không khiêm tốn đủ để chấp nhận sự tài giỏi của người khác mà Thiên Chúa đã ban cho!
Thành kiến cản trở đức tin và nó còn cản trở sự thay đổi chính con người chúng ta. Khi có thành kiến, chúng ta không muốn thay đổi quan điểm của mình trước những điều chân thật. Khi có thành kiến, chúng ta trở nên kiêu ngạo, không muốn quy phục bất cứ ai, kể cả Thiên Chúa. Đó là lý do, Đức Giêsu không thể làm những phép lạ chữa lành cho dân làng, vì họ không tin vào khả năng của Người.
Tin có nghĩa từ bỏ những ý nghĩ riêng tư của chúng ta để chấp nhận những gì là sự thật. Khi sống theo sự thật, lời chúng ta nói sẽ là lời Thiên Chúa muốn nói với người khác. Và đó là khi chúng ta đóng vai trò ngôn sứ một cách tuyệt hảo cho Thiên Chúa.
Tóm lại, là một người theo Chúa Kitô, một trong ba chức năng quan trọng của chúng ta là chức năng ngôn sứ - chúng ta là phát ngôn viên cho Thiên Chúa để người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Và để hình ảnh của Thiên Chúa được cảm nhận một cách trung thực, chúng ta phải yêu quý chân lý và thể hiện lòng yêu mến đó bằng chính đời sống của chúng ta.