CHỈ MỘT HẠT GIỐNG
Pt. Giuse Trần Văn Nhật
Một ông tài xế tắc-xi chết và đến cửa thiên đường. T. Phêrô tìm tên ông trong Sổ và nói ông cầm lấy cây gậy vàng và áo choàng bạc để vào Thiên Đường. Kế đến là một phó tế. T. Phêrô cũng tìm tên ông trong Sổ, người nhíu đôi lông mày và nói, “Ok, chúng tôi để ông vào, nhưng hãy cầm lấy áo choàng vải và cây gậy gỗ này.”
Phó tế sững sờ và nói, “Nhưng con chỉ mặc áo vải thôi sao. Ngài cho tên tài xế kia gậy vàng và áo bạc. Chắc chắn là con đánh giá cao hơn một tài xế tắc xi chứ!”
T. Phêrô trả lời rất thực tế, “Đây là Thiên Đường, và trên này, chúng tôi thích nhìn đến kết quả. Khi ông giảng, người ta ngủ. Khi ông tài xế lái xe tắc xi, người ta cầu nguyện.” (lấy từ mạng).
Vương quốc Thiên Chúa, hay Nước Trời, được nhắc đến trong các phúc âm nhất lãm (Mátthêu, Máccô, Luca) khoảng 90 lần qua các dụ ngôn của Chúa Giêsu, tỉ như dụ ngôn người gieo hạt giống trên mặt đất, và dụ ngôn hạt cải trong bài Phúc Âm hôm nay.
Ý niệm về vương quốc Thiên Chúa được hình thành từ thời Cựu Ước với bốn đặc điểm sau: 1/ đó là một vương quốc được thiết lập và cai quản bởi Thiên Chúa; 2/ vương quốc ấy thì vô cùng tận; 3/ nó có tính cách hoàn vũ bao gồm tất cả mọi người; và 4/ vương quốc ấy có tính cách tinh thần hơn là thể lý, không có ranh giới địa lý như các quốc gia.
Đến thời của Đức Giêsu, ý niệm về vương quốc Thiên Chúa bị hiểu sai để trở thành một vương quốc ở trần gian chỉ bao gồm Tuyển Dân. Trong khi đó, người Ít-ra-en bị nô lệ cho đế quốc La Mã, nên họ cầu xin và chờ đợi ai đó được Thiên Chúa sai đến để chiến thắng quân xâm lăng bằng vũ lực và giải thoát họ được tự do.
Hiển nhiên, Đức Kitô không thích hợp với sự mong đợi của họ. Người đến thế gian để mở ra một sự hiểu biết mới về Thiên Chúa và nhân loại. Với Người, nhân loại chỉ là một tuy có nhiều dân tộc, và mọi người đều là con cái của Thiên Chúa Cha. Như thế, tất cả là anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa, với Đức Giêsu là con đầu lòng.
Chúng ta có thể nói rằng Đức Kitô muốn khôi phục Vương Quốc Thiên Chúa theo đúng nghĩa, với hiến pháp là các Mối Phúc Thật. Đức Giêsu là hạt cải “sẽ mọc lên và trở nên lớn nhất trong các loại thực vật.” Người ứng nghiệm lời tiên báo của Ngôn Sứ Edêkien trong bài đọc một. Ngọn hương bá “sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng” (Ed 17:22-24).
Chúng ta học được gì qua các dụ ngôn hôm nay?
Dụ ngôn người gieo hạt phải làm thính giả ngạc nhiên, nhất là các nông dân, bởi vì sau khi gieo hạt trên đất, người gieo không làm gì cả để giúp các hạt lớn lên. Nhưng các hạt đã nảy mầm và phát triển. Trước sự thắc mắc của họ, Đức Giêsu nói, “Đất tự động sinh ra hoa màu, trước hết phiến lá, rồi trổ bông, và rồi bông nặng trĩu hạt” (Mc 4:28).
Chúa Giêsu nhắc họ rằng Vương Quốc được thiết lập và quản trị bởi Thiên Chúa, và vương quốc ấy ở ngoài lĩnh vực của con người. Chúng ta không thể hình thành Vương Quốc của Chúa cho riêng chúng ta. Chúng ta không thể định nghĩa Vương Quốc của Chúa theo ý muốn của chúng ta. Đã có lần Chúa Giêsu nói, “Không phải người nào nói với ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ thì sẽ vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý của Cha ta ở trên trời thì mới được” (Mt 7:21). Và trong Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu lại nói, “Bất cứ ai thi hành thánh ý của Thiên Chúa, họ là anh chị em và mẹ của ta” (Mc 3:35). Ý định của Thiên Chúa thì tối cao và quản trị Vương Quốc của Người, đòi hỏi chúng ta phải lưu ý.
Nhưng làm thế nào để biết được ý Chúa? Điều đó được thấy trong các phúc âm. Chúng ta có thể tóm lược bốn khía cạnh chính của thánh ý Thiên Chúa: tin Chúa Giêsu, vâng theo các giới răn của Thiên Chúa, làm việc tốt và có lỏng thương xót, tìm kiếm sự công chính của Thiên Chúa, rao truyền Phúc Âm, và ưu tiên hóa Nước Trời.
Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta là công dân của Nước Trời với trách nhiệm mở mang nước ấy để bao gồm tất cả mọi người, và dẫn đưa họ đến sự sống đời đời qua lời nói và hành động của chúng ta. Nhưng chúng ta phải khởi sự như thế nào?
Thái độ không làm gì của người gieo hạt trong dụ ngôn có thể làm chúng ta nhầm lẫn và khiến chúng ta quên đi trách nhiệm của mình, nghĩ rằng chúng ta phải khoán trắng mọi việc cho Thiên Chúa. Nhưng, cũng như người trong dụ ngôn gieo hạt trên đất, chúng ta cũng phải khởi sự thi hành điều gì đó rất đơn giản, tỉ như một lời nói tử tế, một chào đón niềm nở, một lời khuyên hữu ích, một lối đối xử dịu dàng, một công việc khiêm tốn trong gia đình, hay ngay cả một ly nước cho người xa lạ. Những cử chỉ nhỏ bé này có thể tạo ra sự khác biệt lớn lao, bởi vì Thiên Chúa sẽ thi hành phần còn lại.
Chúng ta có thể tự hỏi không biết những điều nhỏ bé này có kết quả gì không. Trong xã hội có quá nhiều đau khổ: người nghèo, người vô gia cư, người thất nghiệp, người ly dị, trẻ mồ côi, các người góa bụa, và v.v. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ với nguồn năng hạn hẹp của chúng ta? Nghĩ như thế sẽ làm chúng ta tê liệt và rồi tự bào chữa mình để khỏi giúp đỡ gì cả. Chúng ta cần gieo hạt giống.
Ngoài ra, Thiên Chúa không đòi chúng ta phải thành công khi thi thi hành công việc nhưng phải trung thành với ơn gọi của mình. Trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều vị thánh đã trung thành với ơn gọi của mình và đã giúp rất nhiều người tìm thấy hạnh phúc và bình an khi sống phúc âm.
Gần đây, ĐGH Phanxicô đã tuyên thánh cho nhiều người có đời sống thật anh dũng. Trong đó có một thiếu niên, Carlo Acutis, chết vì bệnh bạch cầu (leukemia) vào năm 2006 khi mới 15 tuổi. Trong cuộc đời ngắn ngủi, Carlo đã phát triển lòng sùng kính Đức Mẹ và Thánh Thể. Carlo đã đưa chính cha mẹ và bạn hữu của mình đến với Chúa Giêsu, bênh vực người bị ức hiếp và tàn tật, và tự học điện toán để thành lập một trong mạng ghi lại 136 phép lạ Thánh Thể trên toàn thế giới (http://www.miracolieucaristici.org/en/liste/list.html).
Hồ sơ phong thánh cho Carlo được thiết lập năm 2013. Đầu năm 2020, ĐGH Phanxicô đã phê chuẩn một phép lạ nhờ sự cầu bầu của Carlo, đó là một bé trai người Ba Tây bị bệnh bẩm sinh về tuyến tụy. Vì thế, Carlo được tuyên phong chân phước ở Assissi, nơi chôn cất Carlo. Vào tháng Năm vừa qua (2024), ĐGH Phanxicô lại công nhận một phép lạ thứ hai nhờ sự bầu cầu của Carlo, liên quan đến việc chữa lành một sinh viên đại học bị xuất huyết não sau một tai nạn gây thương tích ở đầu. Phép lạ này dẫn đến việc tuyên thánh có lẽ vào năm 2025.
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy kết quả của Hạt Cải Giêsu. Tất cả được khởi đầu với biến cố Truyền Tin, và Hạt ấy được gieo trong lòng Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Với sự vâng phục và trung thành tuân theo thánh ý Chúa của Đức Trinh Nữ Maria, ơn cứu độ đã đến trong thế gian.
Xin Thiên Chúa mở mắt chúng ta để thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa khi ban cho chúng ta nhiều cơ hội hợp tác với Người trong việc mở mang Nước Trời chỉ bởi gieo các hạt giống tốt trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.