Một câu chuyện kể rằng một người đàn ông đang cầu nguyện với vị mục tử của mình tại bàn thờ. Anh lặp lại lời cầu nguyện mà mục tử đã nghe nhiều lần trước đây. “Lạy Chúa, xin hãy lấy mạng nhện ra khỏi cuộc đời con.” Khi anh ta nói điều này, vị mục tử cắt ngang: “LạyChúa, xinhãy giết con nhện đi.”
Nhiều lần chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta một số tội lỗi, nhưng chúng ta lại lưu luyến với nguồn cám dỗ trong cuộc sống của mình. Đối với Chúa, khi ta thống hối ăn năn và quay đầu thì mọi chuyện tội lỗi trong quá khứ của ta coi như đã xoá sạch. Ngược lại, cho dù ta đã tuyên xưng đức tin của mình nhưng rồi ta lại lỗi nghịch cùng Chúa và xúc phạm tha nhân thì lúc đó ta đã không làm theo ý Chúa Cha.
Hôm nay chúng ta nghe dụ ngôn về hai người con, người thứ nhất hứa sẽ làm vườn nho nhưng rốt cuộc lại không đi, trong khi người con thứ hai thì không chịu đi nhưng sau cùng lại làm việc người cha sai bảo. Giá trị của một người được đánh giá bởi những gì người đó làm và cống hiến, chứ không phải là những lời hứa suông.
Có những người xem ra rất cứng lòng tin vào Chúa, nhưng khi đã trở lại thì lại rất nhiệt thành và đạo đức. Ta đã biết thánh nữ Maria Macđalêna, thánh Batolomêo, thánh Tôma tông đồ, thánh Augustinô, thánh Phêrô và thánh Phaolô...
Nguyên nhân khiến ta không muốn làm việc cho Chúa và cho ích lợi chung của nhân loại thường xuất phát từ sự ích kỷ. Ta thường làm điều gì có lợi cho bản thân ta hơn là cho người khác. Để thắng được tính ích kỷ trong ta, ta phải nhận ra lý tưởng của ơn gọi. Muốn được vậy ta phải nhận ra sự cao trọng của Đấng đã mời gọi ta, và sự cao trọng của sứ vụ ta được Chúa mời gọi. Thánh Tôma tông đồ là một tấm gương về việc này khi người thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Từ đó ông đã ra đi rao giảng Tin Mừng và đã chết vì lời chứng của mình.
Thánh Phaolô không những đã không tin vào Chúa Giêsu mà còn tìm cách bắt bớ những tín hữu của Chúa, nhưng khi đã được mạc khải về thân phận của Chúa Giêsu, ông không những đã tin nhưng còn trở thành một nhà truyền giáo xuất sắc dám chịu đau khổ và chết cho lời chứng của mình.
Một lần nọ, khi tôi đang làm cha quản nhiệm tại Giáo xứ Chúa Thánh Thần ở Đài Bắc, tôi đã mời một tay trùm xã hội đen về giáo xứ tôi trong một dịp tĩnh tâm, không phải để giảng lời Chúa, nhưng là để làm chứng về sự trở lại kỳ diệu của mình. Anh ta đã lãnh đạo trên hai trăm tay xã hội đen, những người sẵn sàng cầm dao cầm súng để chém giết theo lệnh của anh ta. Khi anh ta vào trong tù, anh ta chê bai vị linh mục giảng đạo là toàn nói chuyện tầm phào. Nhưng có điều làm anh ta thắc mắc là ông Giêsu là ai mà ông cha này lúc nào cũng nói tới. Một lần nọ, anh ta xin vị linh mục cho anh một cuốn Phúc Âm mà vị linh mục luôn cầm theo bên mình để nói về Đức Giêsu. Khi nhận được cuốn sách, anh bắt đầu đọc và càng đọc càng say mê. Anh đã bắt đầu cầu nguyện và được Chúa Giêsu chữa anh khỏi bệnh nghiện thuốc phiện. Anh nói rằng mỗi khi ra tù là anh lại tiếp tục sử dụng ma tuý cho dù anh đã tụng kinh niệm Phật suốt ngày. Nhưng Chúa Giêsu đã cho anh khỏi hẳn căn bệnh nghiền này khi anh quỳ gối xin với Người. Anh đã xin nhập đạo Công Giáo và hăng say làm chứng về tình yêu của Chúa.
Một nguyên nhân khác khiến ta không muốn làm việc cho Chúa là vì ta chán nản, sợ hãi và mệt mỏi. Êlia đã có rất nhiều trải nghiệm kỳ diệu về phép lạ mà Chúa dùng ông để thực hiện như: khiến trời hạn hán trong hơn ba năm (1V 17: 1) rồi xin Chúa cho mưa trở lại (1V 18:41-45), được quạ cho ăn (1V 17: 4), làm một hũ bột và một bình dầu không cạn (1V 17:14) ), khiến con trai của một góa phụ sống lại (1V 17:22), và đánh bại các tiên tri của Baan bằng cách gọi lửa từ trời xuống (1V 18:38).
Nhưng khi cuộc đọ sức với những người thờ thần Baan khiến Vua A-kháp và vợ ông là I-de-ven tức giận đến nỗi bà thề sẽ giết ông chết. Êlia không thể chịu nổi áp lực trở để tiếp tục làm nhà tiên tri của Đức Chúa Trời nữa; ông muốn từ bỏ tất cả công việc của mình và thưa cùng Đức Chúa rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi” (1V 19:4). Sau khi được Chúa sai thiên thần đến cho ăn uống và an ủi, ông đi liên tiếp 40 ngày đường và đã đến núi Khô-rếp. Khi đã nhận ra được tiếng gọi của Chúa, ông liền can đảm tiếp tục hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao cho ông.
Cuộc đời tại thế của mỗi người chúng ta đều có một sứ vụ mà Chúa đã trao để ta hoàn thành. Nhiều khi ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi và thất vọng. Những lúc đó ta cần bắt chước tiên tri Êlia, không phải là lên núi Khô-rếp, mà hãy tìm đến Thiên Chúa trong sự tĩnh lặng và cầu nguyện. Đó là một chặng dừng bước để được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, nhằm tiếp tục hoàn thành sứ vụ gian khổ mà ta đã nhận được từ Thiên Chúa.
Ta cũng có thể đóng vai vị thiên thần đã giúp đỡ tiên tri Ê-li-a để nâng đỡ những ai đang chịu nhiều đau khổ vì ích chung của Giáo Hội và nhân loại. Nhiệm vụ Chúa trao cho ta có thể là một nhà lãnh đạo để chăn dắt dân Chúa, có thể là một nhà truyền giáo đem ánh sáng Tin Mừng đến cho dân ngoại, có thể là một tu sĩ chuyên tâm cầu nguyện cho các linh hồn trở lại, có thể là một nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ nhà thơ, nhà văn, hay một người dọn dẹp vệ sinh... Đó cũng có thể là người độc thân chuyên lo việc Chúa và việc xã hội, có thể là người cha, người mẹ để duy trì nòi giống và cộng tác với Chúa trong việc đào tạo những người con đức độ và hữu ích cho nhân loại. Bất kỳ công việc chân chính nào đem lại ích lợi cho tha nhân, nếu ta làm vì lòng mến Chúa và yêu người, đều giúp ta thăng tiến trong đời sống thiêng liêng và có công đức trước mặt Chúa Cha.
Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến nhắc nhở con mỗi khi con sai phạm làm mất lòng Chúa và mỗi khi con chểnh mảng trong việc bổn phận của con; nhờ vậy con sẽ chuyên tâm làm việc cho Chúa và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.