Trong một lần phát thanh năm 1969, Cha Joseph Ratzinger (sau này là Giáo Hoàng Bênêđích XVI) đã có những nhận xét sau đây về Giáo Hội tương lai:
Từ những khủng hoảng hôm nay, Giáo Hội tương lai sẽ xuất hiện – một Giáo Hội đã mất mát rất nhiều. Giáo Hội sẽ trở nên nhỏ bé và sẽ phải khởi sự lại từ đầu với ít nhiều từ nguyên thủy. Giáo Hội sẽ không còn ở trong những dinh thự đồ sồ được xây cất khi phồn thịnh. Khi số hội viên của Giáo Hội sút giảm, Giáo Hội cũng sẽ mất nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Trái với thời đại trước đây, Giáo Hội sẽ được coi như một tổ chức tự nguyện, việc gia nhập chỉ bởi sự tự do quyết định. Là một tổ chức nhỏ, Giáo Hội sẽ có nhiều đòi hỏi về sự chủ động nơi cá nhân các thành viên. Chắc chắn Giáo Hội sẽ khám phá ra các hình thức thừa tác vụ mới và sẽ phong chức linh mục cho những Kitô Hữu đã được chuẩn y, họ theo đuổi một số chuyên nghiệp nào đó. Trong nhiều giáo đoàn nhỏ hơn hoặc trong các nhóm xã hội tự túc, việc chăm sóc mục vụ sẽ thường được cung cấp theo kiểu cách này. Cùng với điều này, thừa tác vụ của các linh mục sẽ không thể thay thế được giống như trước đây. Nhưng trong mọi sự thay đổi mà người ta có thể tiên đoán, Giáo Hội sẽ tìm thấy bản chất của mình một cách mới mẻ và với sự tin tưởng hoàn toàn vào điều luôn luôn ở trọng tâm của Giáo Hội: đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cho đến tận thế. Trong đức tin và sự cầu nguyện, Giáo Hội sẽ lại nhìn nhận các bí tích là cách thờ phượng Thiên Chúa và không còn là một vấn đề tinh thông phụng vụ.
“Giáo Hội sẽ là một Giáo Hội về tinh thần nhiều hơn, không lạm dụng một huấn lệnh về chính trị, đùa bỡn đôi chút với phe Tả cũng như phe Hữu. Giáo Hội sẽ có những khó khăn, vì tiến trình kết tinh và gạn lọc sẽ lấy đi nhiều năng lực quý giá của Giáo Hội. Điều đó sẽ làm Giáo Hội nghèo nàn và khiến Giáo Hội trở nên một Giáo Hội của người hiền lành. Tiến trình này sẽ nhiều gian truân hơn, vì phải gột rửa những tư tưởng hạn hẹp về giáo phái cũng như sự ngoan cố cao ngạo. Người ta có thể tiên đoán là tất cả những điều này sẽ cần thời gian. Tiến trình này sẽ lâu dài và mệt mỏi cũng như con đường từ thuyết tiến bộ sai lạc vào lúc hoàng hôn của cuộc Cách Mạng Pháp – khi một giám mục có thể nghĩ là thông minh nếu ông coi thường giáo lý và ngay cả ám chỉ rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa thì không có gì chắc chắn – cho đến sự canh tân của thế kỷ mười chín. Nhưng khi thách đố của sự gạn lọc này qua đi, một sức mạnh lớn lao sẽ tuôn chảy từ một Giáo Hội có tinh thần hơn và đơn giản hơn. Con người trong một thế giới đầy kế hoạch sẽ tự thấy mình vô cùng cô độc. Nếu họ hoàn toàn mất viễn ảnh về Thiên Chúa, họ sẽ cảm thấy sự nghèo nàn của mình thật đáng sợ. Sau đó họ sẽ thấy rằng một đàn tín hữu nhỏ bé lại là điều hoàn toàn mới. Họ sẽ khám phá ra Giáo Hội như một hy vọng mà nó có ý nghĩa cho họ, một câu trả lời mà họ thường tìm kiếm trong thầm kín.
“Và như thế, đối với tôi, Giáo Hội chắc chắn đang phải đương đầu với thời kỳ khó khăn. Sự khủng hoảng thực sự đã bắt đầu. Chúng ta sẽ phải đếm những biến động kinh hoàng. Nhưng tôi cũng chắc chắn về điều vẫn tồn tại sau cùng: không phải Giáo Hội của đảng phái chính trị, vì nó đã chết rồi, nhưng Giáo Hội của đức tin. Giáo Hội có lẽ không còn là một sức mạnh xã hội thống trị cho đến mức mà Giáo Hội có được như gần đây; nhưng Giáo Hội sẽ vui thích bừng nở cách mới mẻ và được coi như mái nhà của con người, ở đó họ sẽ tìm thấy sự sống và niềm hy vọng vượt trên cả sự chết.”