Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Pt Giuse Trần Văn Nhật

VINH DỰ CỦA THIÊN CHÚA

(St 18:20-32; Luca 11:1-13)

Có hai đứa nhỏ đến ở nhà ông nội trong dịp nghỉ hè, trước khi đi ngủ, theo thói quen chúng quỳ gối đọc kinh Lậy Cha. Đọc kinh xong, đứa lớn cầu xin Chúa giúp cho nó trở nên một người tốt. Ngay lập tức, đứa nhỏ lớn tiếng thêm vào, “Xin Chúa nói ông nội con mua cho con chiếc xe đạp.” Nó lập đi lập lại lời cầu này thật lớn tiếng. Đứa lớn quay sang nó và nói, “Mày không cần phải nói lớn như vậy, Chúa đâu có điếc!” Đứa nhỏ hạ thấp giọng nói, “Chúa không có điếc, nhưng ông nội lãng tai nên phải nói lớn để nội nghe thấy.” Qua ngày hôm sau, ông nội đi mua cho cháu chiếc xe đạp vì ông không muốn bị mất ngủ với lời cầu kiểu này.

Câu chuyện kết thúc với sự hóm hỉnh, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy một ý nghĩa khác qua nguyên tắc vinh dự và xấu hổ hay sỉ nhục. Ông nội không muốn xấu hổ vì không đáp trả lời cầu xin của đứa cháu, do đó ông mua cho nó chiếc xe đạp để chứng tỏ vinh dự của một người trong vai trò ông bà. Điều này phản ánh nền văn hóa Địa Trung Hải mà ông Abraham và Đức Giêsu từng sống ở trong đó.

Theo các học giả Kinh Thánh, điều trước hết và trên hết trong xã hội Trung Đông là vinh dự hay danh dự. Người ta cố gắng bảo vệ vinh dự mà họ có được qua dòng dõi gia đình hay tự họ kiếm được qua lối sống chính trực và sẵn sàng chấp nhận sự thách đố. Chúng ta thấy điều này trong bài đọc một khi ông Abraham trả giả với Thiên Chúa để cứu người dân thành Sôđôm và Gômora. Thiên Chúa đã chấp nhận sự thách đố này để chứng tỏ sự độ lượng và nhân từ vô cùng của Người. Do đó, ngay cả chỉ có 10 người tốt lành trong hai thành phố lớn thì Thiên Chúa cũng không trừng phạt cả thành. Thiên Chúa muốn bảo vệ danh dự của một Đấng vô cùng nhân từ.

Với người miền Địa Trung Hải, Thiên Chúa là một ông chủ bảo trợ (patron) vĩ đại, là người sẵn sàng ban phát mọi thứ cho các thân chủ (client) của mình. Đây là một tục lệ phổ thông của người Địa Trung Hải xưa. Để có được các nhu cầu hàng ngày, họ tìm đến những người có quyền và của cải để xin người ấy bảo trợ. Một khi được ông chủ chấp nhận, họ trở thành các thân chủ và sẽ được coi như người nhà của ông chủ. Do đó, Đức Giêsu dạy các môn đệ hãy cầu nguyện với Thiên Chúa không chỉ như các thân chủ cầu xin với ông chủ nhưng còn cầu xin như với cha của mình.

Khi xin ai giúp đỡ, điều đầu tiên là chúng ta phải ca ngợi, chúc tụng và nói lên bản chất bao dung, hào phóng của người ấy. Do đó, chúng ta mở đầu kinh Lạy Cha với lời chúc tụng và nhắc đến vinh dự của Thiên Chúa. Câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng” cũng có thể được hiểu là xin Chúa “hãy trở thành sự thật như ngài thực sự là” (John J. Pilch). Chúng ta tuyên xưng bản chất thực sự của Thiên Chúa. Chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao và chúng ta muốn được ở trong vương quốc của Người. Nhưng chúng ta cũng nhận biết rằng, vương quốc của Thiên Chúa chỉ trở thành hiện thực khi mọi người tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, do đó, chúng ta nguyện cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” là nơi chân lý và sự vinh hiển của Thiên Chúa được sáng tỏ. Sau đó, chúng ta mới xin cho những gì chúng ta cần, căn bản là lương thực hàng ngày.

Nếu kinh Lạy Cha ngừng ở đây, kinh đó không nói lên một sự thật rằng Thiên Chúa là cha chung của mọi người. Chúng ta đọc “lạy Cha của chúng con” chứ không phải “của riêng con” để nhận biết rằng chúng ta là anh chị em, do đó, chúng ta không chỉ cầu xin cho mình nhưng còn cầu xin cho người khác.

Vì hậu quả của tội nguyên tổ, loài người có khuynh hướng ích kỷ. Chúng ta trở nên tham lam, ghen ghét, tức giận nhau vì vật chất, địa vị, và danh vọng, v.v. Nói tóm, chúng ta không yêu thương nhau như con cái của một Cha trên trời. Chúng ta xúc phạm đến nhau. Chúng ta phá vỡ sự tương giao với nhau và với Thiên Chúa, bởi vì, chúng ta sống theo ý riêng của mình chứ không theo ý Chúa. Do đó, nếu chúng ta xin Chúa tha thứ cho mình thì chúng ta cũng phải tha thứ cho anh chị em.

Sau cùng, chúng ta xin Chúa đừng để chúng ta sa chước cám dỗ nhưng giúp chúng ta vững mạnh trong đức tin, đức cậy, đức mến để đừng phạm tội. Sau khi dạy kinh Lạy Cha, Đức Giêsu kể câu chuyện của một người có người bạn bất thình lình đến nhà vào ban đêm mà anh ta không có gì để thết đãi, nên anh mới chạy đến một người bạn khác để xin thực phẩm. Để hiểu ý nghĩa câu chuyện này, chúng ta phải biết tục lệ của người Địa Trung Hải.

Trong xã hội thời xưa, một kỳ lão trong làng thì phải chăm sóc và bảo vệ một người lạ đến làng mà họ không có bà con thân thuộc để người này khỏi bị tấn công hay ngay cả bị giết bởi những người độc ác. Đây là tục hiếu khách. Hiển nhiên, người trong câu chuyện này thì nghèo, không có thực phẩm dư trong ngày, nên anh ta mới chạy đến người bạn xin thức ăn để tiếp đãi người khách chỉ vì lòng hiếu khách. Đây là một vinh dự nhưng cũng là một thách đố. Để có vinh dự này, anh ta phải chấp nhận sự thách đố là thức dậy vào ban đêm để đi tìm thức ăn cho người khách.

Người có thực phẩm dư là người giầu, nhưng lại không muốn chia sẻ. Ông bào chữa cho thái độ của mình với lý do là “cửa đã đóng, các con đã đi ngủ với tôi, tôi không thể thức dậy lấy bánh cho anh được” (c. 7). Và Đức Giêsu nói, “nếu người kia không thức dậy để cho người này các thực phẩm vì tình bạn, họ cũng sẽ thức dậy để cho người này bất cứ gì anh cần vì sự kiên trì.” (c. 8).

Chữ “kiên trì”, theo bối cảnh văn hóa Địa Trung Hải, phải được dịch là “không xấu hổ”. Nài nỉ xin thực phẩm vì lòng hiếu khách thì không xấu hổ. Người giầu có phải thức dậy để cho thực phẩm nhằm tránh bị xấu hổ, vì ông biết rằng sáng hôm sau, cả làng sẽ biết đến lối đối xử của ông với người bạn.

Qua sự hiểu biết này, Đức Giêsu muốn đảm bảo chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta cầu xin vì vinh dự của Người. Chúa sẽ nhận lời chúng ta cầu xin để minh chứng rằng Người vô cùng độ lượng và nhân từ. Nhưng trên thực tế, chúng ta không có được tất cả những gì chúng ta xin, dù chúng ta rất kiên trì, rất thành khẩn cầu xin. Chúng ta phải hiểu điều này như thế nào?

Nhiều người mất đức tin khi xin Thiên Chúa mà không nhận được điều họ xin. Để tránh điều này, trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Người hành động hay không thì tùy theo ý muốn của Người. Nếu Thiên Chúa không thi hành điều chúng ta xin thì không có nghĩa Người không hiện diện. Hoặc nếu thi hành những gì chúng ta không muốn thì không có nghĩa Thiên Chúa vô tâm. Nếu chúng ta coi Thiên Chúa là Ông Chủ vĩ đại của mình, chúng ta phải tin rằng bất cứ hành động nào của Chúa là để vinh danh Người. Nói cách khác, Chúa sẽ không ban cho chúng ta những gì chúng ta xin nếu điều đó đưa chúng ta đến một lối sống đáng xấu hổ. Hoặc, tốt hơn nữa, chúng ta vui lòng chấp nhận những đau khổ, những nghịch cảnh nhưng vẫn tin rằng đường lối của Thiên Chúa thì tốt hơn của chúng ta để vinh danh Người.

Ngoài ra, chúng ta có thể vinh danh Chúa qua lối sống của chúng ta. Thiên Chúa coi chúng ta như một người bạn, là người trưởng thành trong đức tin, do đó, chúng ta có thể minh chứng đức tin qua đời sống hàng ngày. Để vinh danh Chúa, chúng ta sẵn sàng chia sẻ của cải cho những ai có nhu cầu, chúng ta tha thứ lỗi lầm của nhau và cố gắng tìm kiếm thánh ý Chúa thay vì ý muốn của chúng ta để xây dựng Nước Thiên Chúa.

Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện theo thứ tự như sau: trước hết là chúng ta thờ lạy và chúc tụng Chúa. Kế đến chúng ta xin Chúa tha thứ các thiếu sót, lỗi lầm của mình. Sau đó, chúng ta cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa ban, và sau cùng chúng ta mới dâng lên Chúa các nhu cầu của chúng ta để xin Chúa nhận lời.

Điều đáng buồn là nhiều người đến với Thiên Chúa như đến với một cái máy bán đồ ăn, thức uống. Họ cho vào cái máy này một ít tiền để nhận được điều họ muốn. Họ không coi Thiên Chúa như một Ông Chủ tối cao của mình, và điều đó không làm vinh danh Chúa.

Các bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng vinh danh Thiên Chúa là bổn phận của chúng ta, là con cái của Đấng Tối Cao. Để được vinh dự là con Thiên Chúa, chúng ta phải chấp nhận những thách đố, đó là hãy sống làm sao để Thiên Chúa luôn được vinh danh.

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU