Tường thuật về biến cố Truyền Tin trong phúc âm hôm nay thì rất quen thuộc với những ai đọc Kinh Truyền Tin vào buổi trưa hàng ngày, hoặc lần chuỗi Mai Khôi mùa Vui. Biến cố này còn được đưa vào Phụng Vụ thành một ngày lễ – lễ Truyền Tin – được cử hành vào ngày 25 tháng Ba, đúng chín tháng trước lễ Giáng Sinh 25 tháng Mười Hai và cùng bài phúc âm như hôm nay.
Điều này cho thấy biến cố Truyền Tin là một sự kiện quan trọng mà qua đó Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giêsu thành thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hay nói cách khác, Đức Giêsu không có người cha trần thế như chúng ta. Đức Giêsu là thần-nhân (God-man), một người có hai bản tính: Thiên Chúa và loài người.
Người Công Giáo chúng ta không ai hồ nghi bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu, nhưng ngoài sự kiện đó, trong tâm tình chuẩn bị mừng Chúa giáng trần, và trong ý nghĩa của các bài đọc mùa Vọng ba tuần qua, chúng ta có thể học được điều gì qua biến cố Truyền Tin để áp dụng vào đời sống?
Đức Trinh Nữ Maria thường được ca tụng là người khiêm nhường. Trong chuỗi Mai Khôi mầu nhiệm I Mùa Vui chúng ta đọc, “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được lòng khiêm nhường.” Chúng ta thử tìm hiểu thế nào là khiêm nhường được nhận thấy nơi Đức Trinh Nữ Maria.
Nhiều người cho rằng khiêm nhường là nhún mình. Tỉ như một người được khen ngợi là xinh đẹp hay tài giỏi nhưng lại từ chối lời khen đó thì được coi là người khiêm nhường. Nhưng qua câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria, khiêm nhường không phải là nhún mình, không phải là từ chối một sự thật về chính mình. Khi nghe sứ thần Gabrien báo tin rằng người sẽ là mẹ của “Con Đấng Tối Cao, … sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời”, Đức Trinh Nữ Maria không nhún mình từ chối vinh dự đó, nhưng người nói lên một sự thật, “Làm sao việc này có thể được, vì tôi không có quan hệ với người nam?”
Lúc bấy giờ, Trinh Nữ Maria đã đính hôn với Thánh Giuse nhưng chưa kết hôn, không biết đến chuyện vợ chồng nên làm thế nào để có thể làm mẹ được! Đức Trinh Nữ Maria nhìn đến một sự kiện thực tế chứ không nhìn đến vinh dự được làm mẹ “Con Đấng Tối Cao.” Đức Trinh Nữ nhìn đến bổn phận và khả năng thi hành – như vậy, có thể nói, khiêm nhường nghĩa là biết mình: biết rõ những gì mình có và đồng thời cũng biết rõ những gì mình không có, nhờ vậy, một người khiêm nhường thì không huênh hoang về những gì họ thực sự không có hay không thể.
Biết mình thì không dễ bởi vì bản tính loài người có xu hướng chỉ nhìn thấy cái hay cái tốt của mình mà lại thường nhìn thấy cái dở cái xấu của người khác. Làm thế nào để biết mình? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cũng nhận thấy một đặc điểm khác trong câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria.
Kinh Truyền Tin tiếng Việt Nam viết: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền,” câu này không sát với Phúc Âm nên không giúp chúng ta thấy một đặc tính quan trọng, đó là, sự tôn trọng người khác.
Câu trong phúc âm viết, “Xin hãy thể hiện điều đó cho tôi theo như lời ngài nói” (May it be done to me according to your word - NABRE), chứ không phải “xin vâng”. Sự “xin vâng” bao hàm một ý nghĩa thấp kém, tỉ như con cái phải vâng lời cha mẹ, người dưới phải vâng lời bề trên, v.v., thiếu sự bình đẳng và tôn trọng. Nhưng “xin hãy thể hiện điều đó cho tôi” bao hàm ý nghĩa tự do lựa chọn và quyết tâm.
Biến cố Truyền Tin không phải là một mệnh lệnh, một sự áp đặt của Thiên Chúa trên Trinh Nữ Maria. Các nhà thần học cho rằng, để khởi đầu công trình cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa đã chọn Trinh Nữ Maria làm mẹ của Đức Giêsu, “Con của Đấng Tối Cao,” ngay sau khi Adong và Evà sa ngã – dĩ nhiên, từ lâu trước khi Đức Trinh Nữ được thành thai trong lòng mẹ của mình. Tuy vậy, khi đến ngày giờ, Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của con người, và Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabrien đến với Trinh Nữ Maria để báo tin, hay nói cách khác, để hỏi ý kiến xem người có đồng ý mang thai làm mẹ của Đấng Cứu Thế hay không.
Tôn trọng người khác là dấu hiệu của người khiêm nhường. Nếu người kiêu căng thường khinh dể người khác thì ngược lại người khiêm nhường lại biết tôn trọng người khác. Khi thực sự tôn trọng người khác, chúng ta sẽ nhận ra ưu điểm của họ và khuyết điểm của chính mình. Chúng ta sẽ khiêm tốn hơn để sửa đổi, để khôi phục lại phẩm giá của một con người. Có thể nói hành trình cứu độ được mở đầu với đức tính khiêm nhường.
Đặc điểm thứ hai được nhận thấy nơi Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin là đức tin nơi Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng một khi Đức Trinh Nữ đã được nhìn thấy sứ thần của Thiên Chúa thì làm sao mà không tin được? Nhưng thử đặt mình vào hoàn cảnh của Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ vùng Trung Đông ở thế kỷ thứ nhất, chúng ta mới hiểu được sự thử thách lớn lao mà Đức Trinh Nữ Maria phải trải qua.
Văn hóa Trung Đông không cho phép nam nữ độc thân được gần nhau, nếu con gái chưa chồng mà mang thai đó là sự sỉ nhục cho gia đình nên đôi khi chính người cha phải giết con để bảo vệ danh dự cho gia đình. Để bảo vệ các thiếu nữ, nhà nào cũng kín cổng cao tường để người ngoài không thể nhìn vào trong và họ cũng không thể dễ dàng xâm nhập được, thế nhưng, sứ thần Gabrien đã xuất hiện với Trinh Nữ Maria dưới hình dáng của một người đàn ông bình thường – không có ánh sáng chói lòa, không có tiếng sấm rung chuyển nhà cửa – Đức Maria run sợ nhiều hơn là tin tưởng!
Sau khi được trấn an là “đừng sợ”, và sau khi được sứ thần cho biết người sẽ là mẹ của “Con Đấng Tối Cao,” có thể nói Trinh Nữ Maria đã nhìn thấy những hậu quả của việc mang thai lạ lùng này, vì lúc bấy giờ người chỉ mới đính hôn với ông Giuse thì làm sao giải thích được tác giả của bào thai trong lòng mình? Chưa kể tất cả những hoạch định, những mơ ước riêng tư của một cô gái sắp thành hôn cũng phải thay đổi. Cả một tương lai mờ mịt hiện ra trước mắt chỉ để chùn bước những ai yếu đức tin.
Đức Trinh Nữ Maria tin rằng Thiên Chúa đã trao cho người một vinh dự vô cùng lớn lao và đồng thời một thử thách cũng vô cùng lớn lao. Nếu không chấp nhận sự thử thách thì cũng không có vinh dự. Câu trả lời “Xin hãy thể hiện điều đó cho tôi theo như lời ngài nói” không thể xuất phát từ một tâm hồn hời hợt, bốc đồng và nhát sợ, nhưng từ sự quyết tâm và tin tưởng rằng sự cứu độ của Thiên Chúa đòi hỏi nhiều thách đố mà với những ai có lòng tin, thách đố là cơ hội để thể hiện đức tin trong cuộc sống chứ không để trốn tránh.
Sống đức tin là từ bỏ ý riêng của mình và cố gắng sống theo thánh ý của Thiên Chúa, đó là kết quả của sự khiêm nhường. Trong ý nghĩa đó, noi gương Đức Trinh Nữ Maria, có thể nói cả cuộc đời của chúng ta là một mùa Vọng để cố gắng từ bỏ ý riêng của mình, cố san bằng những kiêu căng, ngạo mạn vì thiếu tôn trọng người khác, cố lấp đi các hố sâu của tham vọng ích kỷ, và nhất là để khiêm nhường nhận biết các khuyết điểm của chính mình và sửa đổi.
Chúa Giêsu đã giáng trần cách đây hơn 2,000 năm, đã bao nhiêu lần chúng ta được nghe T. Gioan Tẩy Giả kêu gọi hãy chuẩn bị đón Chúa đến vào dịp lễ Giáng Sinh, nhưng có lẽ chúng ta vẫn còn bận rộn với sinh hoạt đời thường mà không thực sự nghĩ rằng Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ giờ phút nào – nhất là hiện nay trong cơn đại dịch Covid-19.
Xin Thiên Chúa giúp chúng ta thực sự chuẩn bị tâm hồn để trở nên một máng cỏ cho Hài Nhi Giêsu.