Cha George Anderson là tuyên uý cho một nhà tù hết sức nghiêm khắc tại Riker's Island thuộc tiểu bang New York. Cha thành lập một nhóm bàn việc cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa cho một số tù nhân. Nhóm này thường đọc đoạn Kinh Thánh nói về người Samaritanô nhân hậu trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Sau đó họ thường yên lặng suy gẫm đoạn Thánh Kinh đó rồi chia sẻ với nhau về cách thức áp dụng tinh thần của đoạn Kinh Thánh đó vào cuộc sống hằng ngày của họ.
Một buổi tối nọ, có một tù nhân tên Richard, thuộc khu những người rối loạn tâm thần, lần đầu tiên đến chia sẻ với nhóm. Cha Anderson mô tả câu chuyện xảy ra như sau:
“Đó là một buổi tối lộng gió vào tháng Ba. Trong phòng không đủ ấm. Người bạn ngồi đối diện với Richard chỉ mặc một chiếc áo mỏng và chiếc quần dài nên đang lạnh run. Trên vai Richard thì khoác những hai chiếc mền. Thế là trong lúc chúng tôi đang bàn luận về ý tưởng tương trợ lẫn nhau, đột nhiên Richard đứng lên, tiến đến người bạn tù kia, và choàng một chiếc mền lên người bạn ấy.”
Cử chỉ không lời của Richard gây ấn tượng mãnh liệt cho cả nhóm hơn bất cứ mọi lời đang thốt ra. Nó cũng nêu ra được điểm quan trọng mà chính Chúa Giêsu đã đề cập trong bài Phúc Âm hôm nay.
Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân là hai tình yêu đi đôi với nhau như hai mặt của một đồng tiền không thể tách rời nhau được. Nói cách khác, chúng ta không thể cầu nguyện với Chúa bằng những lời thật dễ thương giống như những tù nhân đã cầu nguyện trong nhóm chia sẻ của họ, nếu chúng ta không đối xử với những người bên cạnh chúng ta bằng những hành động và cử chỉ đầy yêu thương.
Thánh Gioan tông đồ đã nhấn mạnh điểm này trong lá thư thứ nhất của người. Người nói thẳng thừng: “Nếu ai nói rằng mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, kẻ ấy là một tên nói dối. Bởi vì hắn ta không thể yêu mến Chúa là Đấng hắn không thấy, nếu hắn không yêu người anh em hắn là kẻ hắn thấy được. Chính Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta huấn lệnh này: 'Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình'” (1 Gn 4: 20)
Các tác giả tu đức nói rằng lệnh truyền của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và lệnh truyền của Người đòi buộc chúng ta yêu mến Thiên Chúa, hai lệnh truyền đó tương quan mật thiết với nhau đến nỗi chúng ta không yêu thương anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa. Thực thế, chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn tiếp xúc được với Thiên Chúa và với linh hồn bất tử của mình nữa. Một câu châm ngôn rất phổ biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau:
”Tôi tìm linh hồn tôi, nhưng hồn tôi nào thấy được. Tôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại lẩn tránh tôi. Tôi tìm kiếm anh em tôi, thì tôi lại gặp được cả ba người tôi muốn tìm”.
Bí quyết để gặp được Thiên Chúa và gặp được chính mình là tìm gặp và yêu thương người lân cận của mình.
Bi đát thay, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình của chúng ta. Không yêu các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào yêu thương những người khác được. Và ngược lại cũng thế. Khi yêu thương các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ yêu thương được những người khác nữa.
Yêu Chúa và yêu tha nhân, hai tình yêu ấy ví như hai anh em sinh đôi dính liền nhau. Khi tìm được người này, chúng ta sẽ gặp được người kia. Và khi không tìm được người này chúng ta cũng sẽ chẳng gặp được người kia.
Bài Phúc Âm hôm nay bao hàm một trong những giáo huấn quan trọng nhất trong toàn bộ Phúc Âm. Nó mời gọi chúng ta tự đặt cho mình một trong những câu hỏi quan trọng nhất.
“Chúng ta đã dành tình thương cho những người trong gia đình mình thế nào?” Nếu chúng ta trả lời là “chưa mặn mà lắm” thì có lẽ tình yêu ta dành cho láng giềng cũng chẳng thể khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu tha nhân, chẳng yêu láng giềng mặn nồng thì chúng ta cũng không thể yêu mến Thiên Chúa nồng nàn được. Ngược lại, nếu chúng ta yêu quí mọi người trong gia đình mình, chúng ta mới có thể yêu quí người hàng xóm và một khi yêu được người hàng xóm, thì chúng ta cũng dễ dàng yêu mến Thiên Chúa.
Cách đây ít lâu, tờ Dallas Morning News (Dallas Tin Sáng) có đăng lá thư của một thiếu phụ nọ viết nhân cái chết của mẹ mình, trong đó có đoạn này:
“Mẹ tôi sống gần chỗ tôi, việc dành chút ít giờ pha cho mẹ một tách trà nóng, hay tỏ ra một cử chỉ yêu thương đối với mẹ lẽ ra đối với tôi phải là một việc rất dễ dàng… khi tôi gọi địên thoại cho mẹ, tôi lại nói quá vắn tắt và vội vàng. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi nghĩ lại những lần tôi cúp điện thoại cho lẹ khi nói chuyện với mẹ. Lúc đó tôi nói với mẹ: 'Tiếc quá, con phải đi ngay, mẹ ạ!'. Thế giới đầy dẫy những người giống như tôi. Tôi hy vọng trong số những người con ấy, nhiều người sẽ nhận ra điều này… và biết rút ra bài học cho mình”.
Tôi chắc chắn nhiều người trong chúng ta cảm thấy những lời nhận xét của thiếu phụ này cũng đúng đối với mình. Chúng ta cũng đã từng cư xử với cha mẹ con cái chúng ta hoặc những ai cần đến tình thương và sự âu yếm của chúng ta, một cách tương tự, như người thiếu phụ trên.
Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta xem xét lại cuộc sống và tự vấn xem chúng ta có giống người thiếu phụ viết lá thư đăng trong tờ “Dallas Tin Sáng” kia không? nếu có thì bài Phúc Âm hôm nay là lời kêu gọi của chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm một điều gì đó để sửa đổi lại thái độ của chúng ta.
Để kết thúc, tôi xin lặp lại những lời trích từ Phúc Âm ngày hôm nay; “Một kinh sư tiến đến hỏi Chúa Giêsu: giới luật nào là quan trọng nhất? Chúa Giêsu trả lời; Giới luật quan trọng nhất là; Ngươi hãy yêu Chúa ngươi hết lòng, và giới luật thứ hai cũng quan trọng như thế: Ngươi hãy yêu láng giềng ngươi như chính ngươi. Không giới luật nào quan trọng hơn hai giới luật này”.