Hoa Kỳ là một quốc gia giầu mạnh về kỹ thuật, kinh tế, và thương mãi. Riêng về thương mãi, vào khoảng cuối thế kỷ 18, một yếu tố đặc biệt đã giúp ngành thương mãi ở Hoa Kỳ phát triển rất mạnh, đó là “customer service” (phục vụ khách hàng). Không những khách hàng được niềm nở tiếp đón, được hướng dẫn cách lịch thiệp, mà một món hàng đã mua, đã sử dụng thì vẫn có thể đổi, hay trả lại món hàng đó mà không cần lý do chính đáng.
Dĩ nhiên, có nhiều người lợi dụng sự phục vụ này để có lợi cho mình. Chúng ta nghĩ đó là sự thiệt hại, nhưng khoa thống kê cho biết sự phục vụ khách hàng tốt đẹp thì có lợi gấp trăm lần so với sự thiệt hại, và các tốn phí để giữ lại khách hàng cũ thì không đáng kể so với số tiền phải bỏ ra để tìm khách hàng mới. Sự phục vụ khách hàng thì có lợi hơn là sự thiệt hại.
Sự kiện này giúp chúng ta hiểu được phần nào lời khôn ngoan của Chúa Giêsu về sự phục vụ được thấy rải rắc trong các phúc âm, đặc biệt là bài hôm nay, Chúa nói, “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (43a-44). Chúng ta thử tìm hiểu lợi ích của sự phục vụ theo tinh thần Kitô Giáo.
Trước hết, sự phục vụ giúp người khác thấy được giá trị của con người. Loài người chúng ta – bất kể già trẻ, giầu nghèo, tốt xấu, có địa vị hay không – tất cả đều có giá trị vì được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nhưng tội lỗi nói chung đã làm lu mờ giá trị đó. Khi Chúa Giêsu khuyên người làm lớn, người đứng đầu phải phục vụ người dưới, Chúa muốn khôi phục lại giá trị này, bởi vì, thực tế cho thấy, khi cha mẹ phục vụ con cái, hay giáo sĩ hoặc một người đứng đầu các đoàn thể phục vụ giáo dân hay những người dưới, người được phục vụ sẽ cảm nhận rằng họ có giá trị.
Trong gia đình, phục vụ con cái không chỉ có nghĩa là nuôi ăn, dọn dẹp, “hầu hạ” con cái, nhưng sự phục vụ ở đây còn có nghĩa sâu xa hơn là giúp cho con cái thấy được giá trị của một con người qua việc cha mẹ lắng nghe, đối thoại và tôn trọng con cái. Ngược lại, khi cha mẹ già và được con cái lo lắng, thăm viếng, chăm sóc, người già sẽ cảm thấy họ vẫn còn có giá trị.
Trong giáo xứ, giáo dân sẽ cảm thấy họ có giá trị khi ý kiến của họ được tôn trọng, và khả năng của họ được sử dụng trong việc xây dựng Nước Trời. Đây là một đặc điểm và sự khôn ngoan của Kitô Giáo và cũng là một thách đố cho giới lãnh đạo. Nhưng đó là điều Chúa Giêsu đã cảnh cáo các môn đệ trong bài phúc âm hôm nay, “những người được coi là thủ lãnh Dân Ngoại thì sai bảo dân, và những người làm lớn thì áp đặt quyền hành trên họ. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy.”
Hàng ngũ lãnh đạo trong các tổ chức Giáo Hội, dù là đoàn thể đạo đức hay giáo xứ, thì không thể dùng quyền hành như người đời để điều khiển, sai khiến các tín hữu, bởi vì hai lý do: thứ nhất, tín hữu sẽ không cảm thấy có giá trị khi bị sai khiến, bị điều khiển, và khả năng đặc biệt của họ không được sử dụng để đem lại kết quả tốt đẹp hơn – đó không phải là sự khôn ngoan. Thứ hai, sự sai khiến, áp đặt quyền hành sẽ làm người lãnh đạo mù quáng, không thấy được sự sai lầm của mình – đó cũng không phải là sự khôn ngoan về phương diện tu đức.
Sự xây dựng Giáo Hội là việc tự nguyện, không nhằm mục đích tư lợi, do đó, nếu hàng ngũ lãnh đạo trong Giáo Hội dùng quyền hành như người đời để tìm lợi ích riêng cho mình – dù là tài chánh hay danh vọng, hay bất cứ gì khác – không tín hữu nào muốn tiếp tay xây dựng Giáo Hội, bởi vì không ai muốn bị lợi dụng. Nói cách khác, người tín hữu Kitô kính trọng hàng ngũ lãnh đạo là vì sự hy sinh của họ chứ không phải vì uy quyền. Và sự hy sinh được thấy qua sự phục vụ.
Điểm thứ hai Chúa Giêsu muốn đề cao là kết quả của điểm thứ nhất, đó là tình yêu. Sự phục vụ đòi hỏi sự hy sinh. Sự phục vụ càng tốt đẹp, càng hết khả năng của mình thì phải hy sinh nhiều. Và sự hy sinh nói lên giá trị của tình yêu. Ai yêu nhiều thì hy sinh nhiều. Đó là tấm gương của Chúa Giêsu, và hy sinh cho tha nhân theo đường lối phúc âm chứ không phải theo ý riêng của mình, mới là điểm quan trọng.
Ích lợi của sự phục vụ không chỉ dừng lại ở người được phục vụ, nhưng còn đem ích lợi cho giới lãnh đạo, những người phục vụ theo gương Chúa Kitô.
Ích lợi thứ nhất là sự khiêm tốn. Đức tính khó khăn nhất trong việc trau dồi các nhân đức là sự khiêm tốn. Khiêm tốn là nhìn nhật sự thật về chính mình. Chính khi phục vụ cách chân thành người phục vụ sẽ nhận ra ưu và khuyết điểm của mình dễ hơn. Để phục vụ chân thành, người phục vụ cần lắng nghe. Lắng nghe người dưới thì không dễ cho một người cấp trên, nhưng nếu nghĩ đến sự cứu độ cho bản thân thì lắng nghe là một cơ hội tốt để luyện tập nhân đức khiêm tốn.
Cha mẹ trong gia đình cũng nên nghe theo ý kiến con cái hơn là độc đoán quyết định để bớt đi “cái tôi” của mình. Các ban chấp hành của các tổ chức Công Giáo cũng nên nghe theo ý kiến chung của mọi hội viên hơn là theo ý riêng của hàng ngũ lãnh đạo nếu họ muốn hội đoàn phát triển, bởi vì, khi ý kiến hội viên được lắng nghe, họ sẽ cảm thấy mình có giá trị và muốn tiếp tay xây dựng.
Ích lợi thứ hai là sự tự chủ của người phục vụ. Sự tự chủ trong Kitô Giáo không có nghĩa là thi thố quyền hành, thỏa mãn ý riêng của mình để chứng tỏ khả năng lãnh đạo, nhưng tự chủ là chiến thắng được bản tính “hư hỏng tự nhiên” của con người để thực sự làm chủ được lời nói, hành động, lối sống của mình với mục đích xây dựng Nhiệm Thể của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu muốn những người lãnh đạo trong Giáo Hội phải trở nên “người nô lệ cho mọi người,” điều đó không có nghĩa Chúa hạ thấp phẩm giá của một con người mà ngược lại, Chúa muốn chúng ta khôi phục lại phẩm giá đích thực của một con người bằng sự chiến thắng bản tính hư hỏng vì tội nguyên tổ – tính ích kỷ, kiêu căng, bốc đồng, và nhiều tham vọng xấu xa. Chúa muốn chúng ta làm chủ được chính mình chứ không nô lệ cho tội lỗi.
Khi còn sống ở trần gian, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ như một đầy tớ, đó không phải là một việc hèn hạ mà đó là một minh chứng cho chúng ta thấy rằng, người vĩ đại là người chiến thắng được bản tính tự nhiên của con người.
Đây là sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa tổ chức ngoài đời và tổ chức trong Giáo Hội. Ở ngoài đời, người ta dùng đủ mọi cách, dù tốt hay xấu, để có chút quyền hành, để thỏa mãn ý riêng của mình và để thấy họ có giá trị. Ngược lại, trong Giáo Hội, giới lãnh đạo không thể dùng quyền hành để điều khiển Giáo Hội bởi vì điều đó sẽ dẫn đến chủ nghĩa giáo quyền (clericalism) làm băng hoại Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Đời sống của Chúa Kitô cho thấy ai càng chiến thắng được bản thân, càng khiêm tốn thì lại được coi là người làm lớn. Và người cao trọng nhất trong Giáo Hội là người giúp cho tất cả mọi người khác thấy được họ có giá trị, và chính vì giá trị ấy mà họ bớt đi những hành động xấu xa tội lỗi. Đây là điều Chúa Giêsu đã thực hiện cho chúng ta. Chúa đã hy sinh chịu chết để chuộc lại bản tính tốt đẹp của con người và để giúp chúng ta cảm nhận được rằng phẩm giá con người là điều cao trọng hơn tất cả.
Tóm lại, sự phục vụ theo gương Chúa Giêsu đem lại hai kết quả: thứ nhất, loài người nhận biết giá trị cao quý của mình và sống xứng đáng với phẩm giá ấy; thứ hai, sự phục vụ giúp giới lãnh đạo khiêm tốn và chế ngự được bản tính yếu hèn của con người để có thể thực sự mở rộng vương quốc của Thiên Chúa.