Thật khó để mong đợi một khoa trưởng về tâm thần ở Hoa Kỳ đứng lên và nói về tội. Nhưng đó là điều mà Bs. Karl Menninger đã thực hiện trong cuốn sách của ông “Whatever Became of Sin?” (bất cứ gì cũng trở thành tội?)
Bs. Menninger thực sự bối rối trước những người không nhìn nhận tội cá nhân của mình. Ông lại càng bối rối hơn nữa khi họ từ chối không nhìn nhận tội xã hội của họ.
Bs. Menninger muốn nói gì về tội xã hội? Ông muốn nói tội vi phạm bởi xã hội. Ông muốn nói tội vi phạm bởi một nhóm người hay ngay cả các quốc gia.
Đây là một vài thí dụ: cả thành phố không ngó ngàng gì đến người nghèo, cả nước chất đầy kho vũ khí, cả thế giới hủy hoại môi trường.
Điều đáng sợ về các tội xã hội này là các cá nhân, như bạn và tôi, không nghĩ là họ có trách nhiệm về các tội đó. Chúng ta không nhận mình có tội. Và chúng ta phủi tay không nhận trách nhiệm.
Điều thật khác biệt là thái độ của Đức Giêsu khi chấp nhận trách nhiệm về các tội xã hội.
Để biết thái độ của Đức Giêsu là gì, chúng ta chỉ cần nhìn đến bài phúc âm hôm nay và tự hỏi: Tại sao Đức Giêsu bước vào sông Giođan để chịu phép rửa bởi ông Gioan?
Ông Gioan cũng có cùng thắc mắc đó khi ông nhìn thấy Đức Giêsu bước vào dòng sông này.
Mátthêu nói rằng khi Đức Giêsu tự mình đến chịu phép rửa, “Ông Gioan tìm cách thay đổi ý định của Người. Ông Gioan nói, ‘Lẽ ra tôi phải được thanh tẩy bởi Ngài, nhưng Ngài lại đến với tôi!’” (Mt 3:14).
Vậy, tại sao Đức Giêsu bước vào sông Giođan để được thanh tẩy bởi ông Gioan? Vì ông Gioan nói rõ là phép rửa của ông chỉ cho người tội lỗi mà thôi. Nó dành cho những ai khinh thường Thiên Chúa.
Nếu Đức Giêsu đã không làm điều này, tại sao Người lại tự mình muốn nhận phép rửa?
Điều này đưa chúng ta trở về điểm của Bs. Menniger về các tội xã hội, đó là, những tội vi phạm bởi các nhóm hay các quốc gia.
Khi được sinh vào thế giới chúng ta, Đức Giêsu tự đồng hóa với giống người. Người trở nên một phần tử của một thế giới tội lỗi, một thế giới với những người mà vịnh gia đã nói, “Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi, chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không.” (Tv 14:3)
Và đó là lý do Đức Giêsu bước vào dòng sông này để chịu phép rửa bởi ông Gioan.
Điều đó không phải vì cá nhân Đức Giêsu là một tội nhân và cần hoán cải. Đúng hơn, đó là vì Người là một phần tử của loài người tội lỗi, mà cần được hoán cải.
Chính vì lý do này Người đã bước vào dòng sông để chịu phép rửa.
Đó là để nhìn nhận rằng Người tự đồng hóa với giống người một cách thật hoàn toàn đến độ Người không thể tách rời khỏi đó – ngay cả tội lỗi của loài người.
Đó là để nhìn nhận rằng loài người, mà Người là một phần tử, cần thú nhận rằng nó đã phạm tội và cần hoán cải.
Đây là lý do Đức Giêsu bước vào sông Giođan để chịu phép rửa bởi ông Gioan.
Điều này đưa chúng ta đến việc áp dụng những điều này vào thực tế đời sống của chúng ta. Điều này nói gì với chúng ta hôm nay?
Trước hết, nó nói rằng, cũng như Đức Giêsu, tất cả chúng ta là phần tử của giống người.
Thứ hai, nó nói rằng, cũng như Đức Giêsu, tất cả chúng ta phải là các phần tử có trách nhiệm về giống người. Chúng ta không thể tự nhủ, “Tôi không tán thành một số điều mà loài người đang làm, nhưng tôi không chịu trách nhiệm về các việc làm đó.”
Cả thành phố làm ngơ với người nghèo đến độ nhân quyền bị lãng quên và bị chà đạp – đây là điều chúng ta không thể đứng ngoài, vì chúng ta là công dân của thành phố.
Cả nước chất đầy kho vũ khí đến độ việc tiêu hủy giống người trên toàn cầu là một khả dĩ nghiêm trọng – đây là điều chúng ta không thể đứng ngoài. Chúng ta phải có trách nhiệm về điều đó, vì chúng ta là công dân của một quốc gia.
Cả thế giới tiêu hủy môi trường đến độ lớp ozone của trái đất đang bị tiêu hủy – đây là điều chúng ta không thể đứng ngoài. Chúng ta phải có trách nhiệm về điều đó, vì chúng ta là công dân của hành tinh này.
Điều này nêu lên một câu hỏi lớn. Chúng ta, mỗi người, có thể làm gì về các tội này? Tối thiểu chúng ta có thể làm ba điều.
Trước hết, chúng ta có thể nhìn nhận rằng các tội và tình trạng này thì có thật. Chúng ta có thể chống với sự cám dỗ vùi đầu trong cát và làm như các tội này không có thật, hoặc tệ hơn nữa, cho rằng chúng sẽ tự biến đi.
Nhìn nhận các tình trạng tội lỗi này và thành thật đối diện với chúng là những gì tất cả chúng ta có thể thi hành – là điều mà chúng ta phải thi hành. Đó là một khởi điểm cần thiết.
Thứ hai, chúng ta có thể lên tiếng chống với các tội xã hội. Điều đó không chỉ là quyền lợi nhưng còn là bổn phận của chúng ta.
Thứ ba, tất cả chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn đặc biệt để biết cách đối phó với những hoàn cảnh này.
Vì chúng là những tình trạng cần mọi sự hướng dẫn mà chúng ta có thể. Chúng là những tình trạng phức tạp. Chúng không phải là những tình trạng trắng đen để thừa nhận những giải pháp trắng đen.
Tấm gương của Đức Giêsu trong bài phúc âm hôm nay là một lời mời gọi hành động cho mọi người chúng ta.
Nó là một lời mời gọi hãy nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là phần tử của giống người – cũng như Đức Giêsu.
Nó là một lời mời gọi hãy thi hành điều gì cụ thể, dù đó là lên tiếng phản đối những tình trạng này, hay cầu xin sự hướng dẫn, hay trực tiếp tham dự vào các giải pháp.
Nếu chúng ta, là phần tử của Nhiệm Thể Chúa Kitô, không làm gì cả thì ai sẽ làm? Đây là lời mời gọi mà bài phúc âm hôm nay đưa ra cho chúng ta.
Nó là một lời mời gọi mà chúng ta phải thành khẩn suy nghĩ. Nó là một lời mời gọi mà tất cả chúng ta phải đáp trả một cách cụ thể nào đó.