Indira đến gặp đạo sĩ Makia và ngỏ lời: “Xin Ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôn thờ và một tôn giáo để sống theo”. Đạo sĩ Makia liền đưa Indira đến một tòa nhà rộng lớn nơi đó mỗi vị thần được dành cho một gian phòng riêng. Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batda, đạo sĩ giới thiệu: “Đây là vị thần sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới.” Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác.
Trước vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu: “Đây là nữ thần Sopha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.” Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác.
Cuối cùng, hai người đến trước một vị thần bị treo trên thập tự giá. Indira tò mò hỏi: “Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế?” Đạo sĩ chậm rãi trả lời: “Đây là thần của những người [K]itô.”
Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành môn đệ của Đấng chịu treo trên thập tự. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi: “Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một vị đề nghị cất hết mọi đau khổ, một vị đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chết nhục nhã trên thập tự như thế?”
Indira giải thích: “Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông vì người ta không thể nào cất đi những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn và người ta cũng không thể nào tránh đau khổ được. Nhưng nhìn vào vị thần của người kitô chấp nhận đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hòa sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập tự kia và muốn làm đồ đệ Người. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người kitô sống để được trở thành người kitô”.
Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người công giáo để xin lãnh bí tích rửa tội. Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như sắp đánh giết nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời tục tĩu vô lễ. Bảng ghi “Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng. Indira hỏi đạo sĩ: “Đây là đâu vậy?” Đạo sĩ trả lời: “Đây là làng của người công giáo.” Nghe thế, Indira vội vã nói: “Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không muốn trở thành một người [K]itô [hữu] nữa. (Trích “Món quà giáng sinh”) [1]
Con đường Chúa đã đi và khuyên ta nên đi thật là đẹp, nhưng ta thường tránh né và đi hướng khác. Điều này khiến cho ta thành vật cản cho người khác đến với Chúa. Việc Chúa Giêsu quở trách thánh Phêrô hôm nay nhắc nhớ ta về việc Người đã mắng Satan khi nó đưa Người lên đỉnh núi cao để Người nhìn thấy những sự giàu sang của thế gian rồi dụ Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4:9). Chúa Giêsu đã rất thẳng thắn khi không hứa hẹn vinh hoa phú quý hay địa vị cao sang mà chỉ kêu gọi các môn đệ hãy vác thập giá mình mà theo Người. Phần thưởng duy nhất Chúa hứa với các ông không phải là của cải hay địa vị trần gian, nhưng là hạnh phúc thiên đường.
Thông thường ai cũng thích sướng và sợ khổ. Chính vì muốn sướng trước nên nhiều người đã chà đạp công lý, bóc lột và đàn áp những người cùng khổ. Nhưng trật tự đúng của cuộc sống thì ngược lại phải khổ trước mới sướng sau. Còn những ai sướng trước rồi khổ sau thì thật là đáng thương. Hạnh phúc thiên đường còn hơn thế nữa, không những là khổ trước sướng sau nhưng là rất khổ và có khi phải mất mạng vì nó.
Các giá trị mà ta theo đuổi có hai chiều kích chính: tạm thời và vĩnh cửu. Cái thứ nhất dĩ nhiên kém hơn cái thứ hai rất nhiều, nhưng vì nó có lợi ngay trước mắt nên nhiều người đã “bỏ mồi bắt bóng”. Khi phải chọn lựa những giá trị vĩnh cửu, ta thường phải hy sinh những giá trị tạm thời. Nếu như hạnh phúc thiên đường là thứ quý nhất trên đời này, thì việc hy sinh của chúng ta để đạt được nó là điều rất đáng giá.
Albert Einstein rất có lý khi nói rằng: “The value of a man should be seen in what he gives and not in what he is able to receive.” (Giá trị của một người được nhận ra bởi những gì người đó cho đi chứ không phải những gì người đó nhận được).
Sống vị tha giúp ta thăng tiến trên đường trọn lành trong khi sự ích kỷ dìm ta xuống bờ vực của sự chết. Socrates từng thốt lên rằng: Những ham muốn sâu thẳm nhất thường dẫn đến sự căm ghét chết người nhất. Khi sống cuộc sống thiên về vật chất và dục vọng, con người sẽ tạo ra cho mình nhiều kẻ thù và kết quả của nó là sự chia rẻ và huỷ diệt.
Thánh Phanxicô Xaviê đã từ bỏ cương vị giáo sư của mình mà gia nhập dòng Chúa Giêsu khi nghe thánh Ignatius nhắc lại lời Chúa: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9:25). Với sự thành công rực rỡ trong việc đưa các linh hồn trở về với Chúa, thánh nhân đã được tuyên phong làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo.
Còn Thánh Phanxicô Assisi thì nói rằng: “Người ta chẳng hưởng được gì từ những của cải mà họ để lại trên đời này, nhưng họ sẽ nhận lại được phần thưởng từ Thiên Chúa nhờ lòng bác ái và sự bố thí của họ” [2]. Với sự nhận thức này, thánh nhân đã từ bỏ tất cả để sống cho lý tưởng phục phục tha nhân và người nghèo.
Với sự suy tư sâu sắc về cuộc đời, thánh Gioan Vianney thốt lên rằng: “Một cuộc đời là tất cả những gì chúng ta có và chúng ta sống khi chúng ta tin vào cuộc sống đó. Nhưng hy sinh những gì mà mình là và sống mà không có niềm tin, thì còn khủng khiếp hơn là chết” [3]. Ở đây thánh nhân nhấn mạnh rằng khi ta đánh mất giá trị của bản thân mình và chúng ta không còn lý tưởng để sống theo niềm tin của mình nữa thì ta sẽ thật khốn nạn.
Một điều quan trọng hơn có tính định hướng cho sự hy sinh của chúng ta đó là đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ ra cho ta. Phêrô bị quở trách vì ông đòi Chúa phải theo ý mình mà quên rằng ông phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn này nhiều khi đi ngược lại với ước muốn của riêng mình. Nó vượt lên trên sự trao đổi “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” nhưng lại tìm thấy giá trị của hành động mình khi ta vâng phục Thiên Chúa vì ta tín thác và yêu mến Người trên hết mọi sự. Có lẽ Phêrô vẫn mang não trạng của người Do Thái, mong muốn một Đấng Cứu Thế kiểu Đa-vit, dẫn quân đánh đuổi ngoại bang và lên ngôi vua để lãnh đạo đất nước ông.
Chúa Giêsu đã làm gương cho ta khi Người vâng phục thánh ý của Chúa Cha và chấp nhận đau khổ và chết nhục nhã trên thập tự giá. Cái chết đó của Người đã làm thay đổi thế giới. Chúng ta tin rằng nó đem đến ơn cứu độ cho những ai tin và sống theo tinh thần của Phúc Âm. Nó đập tan mọi giấc mơ về một thế giới mạnh được yếu thua, một thế giới đầy tàn bạo và xáo trộn. Nó đã giúp nhân loại nhận ra hoà bình thực sự không dựa trên bạo lực nhưng được kiến tạo bởi tình yêu, hy sinh và tha thứ. Nhân loại sẽ không một ngày bình yên nếu họ chỉ quen sử dụng bạo lực và kích thích hận thù.
Mohandas Karamchand Ghandi và Martin Luther King là những người đã được Chúa Giêsu truyền cảm hứng để áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Cả hai nhân vật này đều đã bỏ mạng, nhưng cuộc đấu tranh của họ lại đem đến kết quả mỹ mãn. Cái chết của Ghandi đã đưa lại sự tự do cho người Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh và giảm nhẹ việc sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo; còn sự hy sinh của Luther King đã góp phần giải phóng người da đen tại Hoa Kỳ và trên thế giới thoát khỏi sự đối xử đầy bất công.
Con đường mà Chúa Giêsu chỉ cho ta cho thấy chính là cách mà ta nhận ra động lực cho hành động của mình và mau mắn làm theo. Động lực đó phải đến từ ý muốn của Thiên Chúa chứ không phải đến từ ý muốn loài người. Do vậy mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa giúp ta hành động phù hợp với thánh ý Người hơn. Mối quan hệ này giúp ta nhận ra được và làm theo ý muốn của Người. Ngược lại, ai sống xa lạ với Thiên Chúa và những lời dạy của Người qua tiếng nói lương tâm và các lời giảng dạy chân chính sẽ dễ dàng thốt ra những lời sai trái, gây tổn thương, chia rẻ và làm những việc chết người.
Lạy Chúa, xin cho con biết quý trọng và xây dựng mối liên hệ mật thiết với Ngài và nhờ đó mối quan hệ của con với tha nhân cũng trở nên tốt đẹp hơn. Xin hãy dạy dỗ chúng con biết quý trọng sự hy sinh và khiêm tốn để chúng con cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh đầy tình thương. Xin cho con chấp nhận và yêu quý con đường hẹp mà Chúa đã đi, để qua đó con đường về quê Trời dành cho con sẽ được rộng mở thênh thang. Amen.