Thánh Bridget ở Thụy Ðiển

(1303?-1373)

Thanh Bridget Thuy Dien
T

ừ lúc bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền tảng cho đời sống của thánh nữ -- luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.

Thánh Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ người đã yêu quý sự Thống Khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha, người kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần người sống một cuộc đời rất khổ hạnh.

Trong thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho người đất đai và cơ sở để thiết lập một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget (hiện vẫn còn).

Vào Năm Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp Âu Châu, người thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. người không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.

Chuyến hành hương sau cùng của người đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con trai. Các biến cố ấy cũng dẫn đến cái chết của người năm 1373. người là quan thầy của nước Thụy Ðiển.

Thánh Catarina ở Siena

(1347 -- 1380)

Thanh Catarina Siena
T

rong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là người coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.

Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong gia đình 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.

Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.

Dần dà, người ta nhận thấy dường như Thánh Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với người để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của người , hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.

Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Thánh Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc người đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.

Người có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. người làm việc không mệt mỏi cho cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và cho sự hòa giải giữa thành phố Florence và đức giáo hoàng.

Người thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Thánh Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của người . Năm 1378, người đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, người đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Một vài tuần trước khi chết, người đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, người trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của người . Con thuyền xô người ngã quỵ và người ta phải khiêng người về nhà. người hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.

Người được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng người là Tiến Sĩ Hội Thánh. người là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.

Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của người , nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối Thoại" mà người chỉ coi đó là "sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi người ngất trí.

Thánh Tôma More

(1478-1535)

T

hánh Tôma More sinh ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, người theo học luật ở Oxford. Sau đó, người là một luật sư và lập gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. người dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái. Chính người là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.

Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp. người là một luật sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, người tiếp tục thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, người được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Ðức Hồng Y Wolsey.

Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng. Vì vua Henry VIII muốn li dị bà Catherine ở Aragon, là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội ở Anh, như nhà vua đã tự xưng nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội và khước từ quyền bính của đức giáo hoàng.

Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Ðôn. Mười lăm tháng sau, người được đưa ra tòa về tội phản quốc. Trước toà, người cho biết là không thể hành động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan toà rằng "tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở đời sau trong thiên đàng hạnh phúc để được cứu chuộc đời đời." Trên đoạn đầu đài, người tuyên bố với đám đông rằng người chết như "một tôi trung của nhà vua -- nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa". người bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.

Năm 1935, người được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là "Vị Tử Ðạo của Ðức Giáo Hoàng" và đặt làm quan thầy của các luật gia.

Thánh Gioan Fisher

(1469-1535)

T

hánh Gioan Fisher thường có liên hệ với Erasmus, Thomas More và những người thuộc phong trào nhân bản thời Phục Hưng. Bởi đó, cuộc đời người không có nét bề ngoài như đời sống các thánh khác. Ðúng hơn, người là một con người học thức, thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ.

Gioan Fisher sinh ở Beverley, Yorkshire Anh Quốc, tốt nghiệp Ðại Học Cambridge, thụ phong linh mục năm 1491 và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. người có tài quản trị nên lần lượt được nhà trường giao cho các chức vụ tổng giám thị, phó chưởng ấn và chưởng ấn. Trong thời gian này, người là cha giải tội của mẹ vua Henry VII và đã khuyên bảo bà dùng của cải một cách bác ái, cũng như đưa môn thuyết giảng vào hai đại học lớn ở Anh. Cũng chính thời gian này, người làm bạn với Erasmus và Thomas More.

Vào năm 1504, người được làm giám mục ở Rochester và cai quản giáo phận nghèo nàn này trong ba mươi năm; người đích thực là một giám mục, sống làm gương cho các linh mục và chú ý đến đời sống tâm linh của họ. Chính Ðức Giám Mục Fisher là một văn bút và vị giảng thuyết sáng giá. Các bài giảng của người về ăn năn sám hối được tái bản đến bảy lần trước khi người từ trần. Với sự tràn lan của giáo phái Luther, người đã tham dự vào các cuộc tranh luận. Tám cuốn sách của người chống với lạc giáo đã đem lại cho người địa vị hàng đầu của các thần học gia Âu Châu. Cần nhận xét ở đây là Ðức Gioan Fisher không bao giờ dùng lời lẽ hạ cấp để nhục mạ đối phương như trong các cuộc tranh luận thời bấy giờ, nhưng người dùng lý lẽ để khuyên bảo những người lầm đường lạc lối.

Vào năm 1527, người được yêu cầu xem xét vấn đề hôn nhân của vua Anh là Henry VIII. Nhà vua muốn li dị hoàng hậu hiện thời là bà Catherine ở Aragon vì bà không sinh được con trai nối dõi. Ðức Fisher đã làm vua Henry tức giận khi tuyên bố hôn nhân cũ của nhà vua vẫn còn giá trị, và sau này Ðức Fisher còn từ chối không chấp nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh Quốc như nhà vua tự xưng.

Trong mưu toan hãm hại Ðức Fisher, đầu tiên vua Henry buộc tội người là không phúc trình các "mặc khải" chống đối nhà vua của sơ Elizabeth Barton. Sau đó người bị triệu đến để thề chấp nhận Ðạo Luật Thừa Kế. Tất cả các quan trong triều đều tuyên thệ ngoại trừ Ðức Giám Mục Fisher và Thomas More, cả hai từ chối vì Ðạo Luật này hợp pháp hóa sự li dị của Henry cũng như chấp nhận ông là thủ lãnh của Giáo Hội Anh. Cả hai người bị tống ngục Tower, khi ấy Ðức Fisher đã sáu mươi lăm tuổi và bệnh tật đang làm hao mòn sức khỏe của người .

Vào năm 1535, đức giáo hoàng tấn phong Ðức Gioan Fisher làm hồng y, nhà vua lại càng thêm tức giận và đã gài bẫy để đưa người ra tòa về tội phản quốc. người bị kết án và bị hành quyết, thi thể người bị để nằm nguyên ngày trên giàn chém và đầu của người bị treo trên cầu Luân Ðôn. Hai tuần sau, Thomas More cũng bị xử tử.

Ðức Gioan Fisher và Thomas More được phong thánh năm 1935.

Thánh Têrêsa Avila

(1515-1582)

Thanh Teresa Avila
T

hánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó người trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: người là một phụ nữ; người là người chiêm niệm; người là người tích cực sửa đổi.

Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới dành cho nam giới vào thời đó. người là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. người không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, người thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, người có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

Têrêsa là một phụ nữ "vì Chúa", một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn người thuộc về Chúa. Sự hoán cải của người không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. người bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi người nỗ lực cải cách. Tuy nhiên người vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; người chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, người luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của người về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của người : thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

Têrêsa cũng là một phụ nữ "vì tha nhân." Qua sự chiêm niệm, người dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính người và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. người sáng lập trên sáu tu viện mới. người đi đây đó, viết lách, chiến đấu -- luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân người , trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người người gặp, người là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho người một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. người là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

Thánh Gioan Thánh Giá

(1541 -- 1591)

Thanh Gioan Thanh Gia
G

ioan là thánh vì cuộc đời người là một nỗ lực quả cảm dám sống trọn với tên của người : "Gioan của Thánh Giá". Sự điên rồ của thập giá cuối cùng đã được thể hiện. Câu nói bất hủ của Ðức Kitô: "Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ta" (Máccô 8:34b) là câu chuyện cuộc đời Thánh Gioan. Mầu Nhiệm Vượt Qua -- từ sự chết đến sự sống -- đã được thể hiện trong cuộc đời Thánh Gioan như một người cải cách, một nhà thơ thần bí và là một linh mục thần học.

Sinh ở Tây Ban Nha năm 1541, Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ. Cha người đã hy sinh của cải, danh vọng và sự an nhàn khi kết hôn với cô con gái của người thợ dệt và vì lý do đó đã bị gia đình từ bỏ. Sau khi cha người từ trần, mẹ người cố gắng đùm bọc gia đình trong khi họ lang thang đầu đường xó chợ để kiếm việc làm. Những tấm gương hy sinh ấy đã giúp Gioan theo đuổi tình yêu vĩ đại của chính người dành cho Thiên Chúa.

Dù gia đình đã tìm được việc làm, nhưng vẫn không đủ ăn nên Gioan phải lang thang giữa thành phố giầu có nhất Tây Ban Nha. Năm mười bốn tuổi, Gioan được nhận vào làm việc trong bệnh viện với nhiệm vụ trông coi các bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên dại. Chính trong sự đau khổ và nghèo nàn này, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm hạnh phúc không ở nơi trần gian, nhưng ở nơi Thiên Chúa.

Sau khi Gioan gia nhập dòng Camêlô, Sơ Têrêsa Avila nhờ người tiếp tay trong công việc cải cách. Cả hai đều tin rằng nhà dòng phải trở về với đời sống cầu nguyện. Nhiều tu sĩ Camêlô cảm thấy bị đe dọa bởi sự cải tổ này nên một số tu sĩ đã bắt cóc thánh nhân. người bị nhốt trong một xà lim nhỏ hẹp và bị tra tấn ba lần một tuần bởi chính các tu sĩ. Trong cái tăm tối, lạnh lẽo, và cô quạnh của xà lim, tình yêu và đức tin của người bừng lên như lửa. người mất hết tất cả ngoại trừ Thiên Chúa -- và Thiên Chúa đã đem cho người niềm vui vĩ đại trong cái xà lim nhỏ bé đó.

Sau chín tháng tù đầy, Cha Gioan vượt ngục bằng lối cửa sổ duy nhất của xà lim mà người đã leo lên đó bằng sợi dây được kết bằng tấm vải trải giường, và đem theo tất cả các bài thơ huyền bí mà người sáng tác trong thời gian tù đầy. Vì không biết mình đang ở đâu, người phải theo một con chó để đi vào thành phố. người trốn trong bệnh xá của một tu viện và ở đây người đọc thơ cho các nữ tu nghe. Từ đó, cuộc đời người tận tụy cho việc chia sẻ và dẫn giải tình yêu Thiên Chúa.

Lẽ ra cuộc đời nghèo khổ và tù đầy đã biến người thành một con người yếm thế cay đắng. Nhưng ngược lại, người đã trở thành một người đam mê bí ẩn, sống với sự tin tưởng rằng "Có ai thấy người ta yêu mến Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu?" và "Ở đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu -- và bạn sẽ tìm thấy tình yêu."

Vì niềm vui chỉ xuất phát từ Thiên Chúa nên Thánh Gioan tin rằng những ai tìm kiếm hạnh phúc ở trần gian này thì giống như "một người đang chết đói mà há miệng đớp lấy không khí." người dạy rằng chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợi dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa.

Là một tu sĩ dòng Carmel, người cảm nghiệm sự thanh luyện tinh thần; là vị linh hướng, người cảm được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác; là một thần học-tâm lý gia, người diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ trong các văn bản của người . Hầu hết các văn bản của người đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật, con đường hiệp nhất với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện. Một cách độc đáo và mạnh mẽ, Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Phúc Âm: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là người "của Thánh Giá." người từ trần năm 49 tuổi -- cuộc đời thật ngắn ngủi, nhưng trọn vẹn.

Thánh Phanxicô Sales

(1567 -- 1622)

Thanh Phanxico Sales
C

ha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Ðịa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. người được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do người viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, người rất thành công.

Khi 35 tuổi, người là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, người tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của người đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. người thực hành câu châm ngôn của chính người là, "Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm."

Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của người là "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức" và "Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa", người còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà người được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của người , đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. người muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như người viết trong cuốn "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức": "Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng... Ðã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian."

Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của người , Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Ðức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.

Thánh Jeanne de Chantal

T

hật là một hôn nhân lạ đời! Ngay khi cô Jeanne về nhà chồng thì mới biết căn nhà ấy sắp sửa bị tịch thu. Chồng của cô, ông Christophe, không chỉ thừa hưởng chức nam tước mà còn làm chủ một đống nợ kếch sù.

Nhưng cô Jeanne không bước vào hôn nhân với hai bàn tay trắng. Cô còn đem theo một đức tin sâu đậm được khuôn đúc từ cha cô là người thảo luận đức tin với con cái hàng ngày và cho phép con cái đề cập đến bất cứ điều gì -- kể cả những điều mâu thuẫn. Cô còn có một tâm hồn từ bi mà bạn bè thường nói, "Ngay cả những chuyện khôi hài nhạt nhẽo cũng trở nên thú vị khi được cô kể lại."

Những đức tính này đã giúp cô Jeanne, người phụ nữ Pháp hai mươi tuổi, có đủ khả năng quản lý và trông coi mọi tài sản để thoát cảnh nợ nần và lại được sự quý mến của nhân viên. Bất kể những lo lắng về tài chánh, hai vợ chồng luôn luôn hoà thuận. Họ tận tụy cho nhau và có được bốn người con.

Một phương cách để bà Jeanne chia sẻ những ơn sủng của gia đình là chia sẻ thực phẩm cho những người nghèo đến xin ăn. Các người ăn xin sau khi nhận thực phẩm thường đi vòng sau nhà để xếp hàng xin ăn lần nữa. Khi được hỏi tại sao bà lại để những người này qua mặt như vậy, bà Jeanne trả lời, "Nếu Thiên Chúa cũng từ chối khi tôi trở lại với người với cùng một lời cầu xin ấy thì sao?"

Hạnh phúc gia đình bà vụn vỡ khi ông Christopher bị giết chết trong một tai nạn săn bắn. Trước khi từ trần, ông đã tha thứ cho người giết ông. Tuy nhiên, phải mất một thời gian thì bà Jeanne mới cho thể tha thứ được. Lúc đầu bà cố gắng chào hỏi người này khi gặp ở đường phố. Khi không thể thực hiện được điều đó, bà tìm cách mời họ đến nhà. Sau cùng bà đã có thể hoàn toàn tha thứ cho người này đến độ nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa con của họ.

Tất cả những khó khăn ấy như đã thúc giục bà tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cầu nguyện và một đời sống tâm linh sâu đậm hơn. Lòng trông cậy Thiên Chúa của bà khiến Thánh Phanxicô de Sales phải kinh ngạc, người là giám mục, là cha linh hướng và cũng là một người bạn tốt của bà.

Với sự hỗ trợ của Ðức Cha Phanxicô, bà Jeanne thành lập tu hội Thăm Viếng dành cho những người vì lý do sức khỏe hay tuổi tác đã bị các dòng khác hắt hủi. Bà tin rằng mọi người đều có cơ hội để sống ơn gọi của mình bất kể tình trạng sức khoẻ.

Thánh Vinhsơn Phaolô viết về bà như sau: "Bất kể những đau khổ của đời sống, khuôn mặt của bà không bao giờ mất vẻ bình an. Và bà luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Tôi coi bà như một trong những linh hồn thánh thiện nhất mà tôi đã từng gặp."

Bà từ trần ngày 13 tháng Mười Hai 1641. Hưởng thọ sáu mươi chín tuổi. Bà được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII phong thánh năm 1767.

Thánh Vinhsơn Phaolô

(1580? -- 1660)

Thanh Vinhson Phaolo
C

ảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt Vincent để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.

Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được Vincent giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Lúc đầu Cha Vincent quá khiêm tốn nên không nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, người trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai, hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh Sơn. Các linh mục này, với các lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.

Sau này Cha Vincent tổ chức các nhóm bác ái để trợ giúp tinh thần cũng như thể chất của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của Thánh Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái, "mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố." người huy động các bà giầu có ở Balê để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. người hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. người là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.

Ðáng để ý nhất, Vincent là một người hay cáu kỉnh -- ngay cả bạn hữu của người cũng công nhận điều ấy. người cho biết, nếu không có ơn Chúa người sẽ "rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng." Nhưng người trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.

Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt người làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh Sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ thánh Vinh Sơn.

Thánh Phanxicô Xaviê

(1506-1552)

Ð

ức Kitô hỏi, "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt. 16:26a). Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.

Vào lúc đó, Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Balê. người không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Ignatius ở Loyola, đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tinh thần dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatius, và năm 1534 người gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatius (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các người khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của đức giáo hoàng.

Từ Venice, là nơi người thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó người dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, người đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.

Bất cứ chỗ nào người đến, người đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. người dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi người không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng, qua các thư từ người để lại chúng ta được biết, người luôn luôn tràn ngập niềm vui.

Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. người học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của người . Từ Nhật Bản, người mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. người đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.

Năm 1622, người được Ðức Giáo Hoàng Piô X phong thánh và đặt làm quan thầy các công cuộc truyền giáo nước ngoài.

Thánh Bartholomew de Las Casas

(1474-1566)

Thanh Batolomeo de Las Casas
B

atôlômêo de Las Casas sinh ở Seville, Tây Ban Nha năm 1474. Khi Kha Luân Bố trở về từ Tân Thế Giới năm 1492, đem theo các người nô lệ như chiến lợi phẩm thì lúc ấy Batôlômêo là một thanh niên giầu sang và có địa vị trong xã hội. Batôlômêo có cử nhân luật ở Ðại Học Salamanca, là nơi các linh mục Ða Minh đang tranh đấu với sự bất công trong xã hội. Vào năm 1502, Batôlômêo theo người cha đến Hispaniola (bây giờ là Cộng Hòa Dominique và Haiti), là nơi gia đình người có nhiều đất đai và sử dụng rất nhiều người nô lệ là thổ dân ở đó.

Năm 1510, dòng Ða Minh đến Hispaniola. Ngay từ lúc đầu, các nhà thuyết giáo đã lớn tiếng chống đối hệ thống nô lệ. Người thực dân Tây Ban Nha thật sững sờ, kế đến là tức giận và sau cùng họ tìm cách trục xuất các cha Ða Minh. Batôlômêo là một trong những người nghe Cha Anthony Montesinos rao giảng về sự bất công đối với người nô lệ bản xứ. Sau một thời gian cầu nguyện chàng giao công việc chăm sóc đồn điền cho một người bạn và có ý định đi tu. Kết quả là Batôlômêo trở thành vị linh mục và Thánh Lễ mở tay được cử hành ở Hispaniola.

Không lâu sau khi chịu chức, người được bổ nhiệm làm tuyên uý cho đạo quân Tây Ban Nha đi xâm chiếm Cuba. Bất kể lời hứa với người là họ sẽ nhẹ nhàng trong việc sử dụng vũ lực; Cha Batôlômêo chứng kiến cảnh thảm sát người thổ dân một cách dã man. Hoàn toàn vỡ mộng, vào năm sau người giong buồm về Tây Ban Nha, và năm 1515 người đưa vấn đề thổ dân ra trước Hội Ðồng Người Thổ Dân. Trong hai năm liền Cha Batôlômêo bào chữa cho chính nghĩa của người dân bị trị và xin nhà vua hãy chấm dứt hành động vũ lực vô nghĩa. Vua Ferdinand, muốn tránh nhúng tay vào nội vụ nên đã sai Cha Batôlômêo trở lại Hispaniola với danh nghĩa "Người Bảo Vệ Thổ Dân" cùng với nhiều điều luật để chấn chỉnh vấn đề. Không bao lâu, Cha Batôlômêo thấy rằng luật lệ mà không có sức mạnh thì chỉ là mớ giấy vụn. Do đó, cha lại giong buồm trở về Tây Ban Nha và xin hậu thuẫn cho các điều luật mà người đã được ban cho. Sau một thời gian tìm hiểu, người thấy rằng vua Ferdinand không có ý ép buộc các người thực dân phải tuân lệnh.

Thật chán nản, Cha Batôlômêo trở về Hispaniola và năm 1522, người trả tự do cho các nô lệ của gia đình và xin gia nhập dòng Ða Minh. Trong vòng tám năm tiếp đó, người cầu nguyện, tịnh niệm và viết lách. Trong những công trình của người , các văn bản người viết có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ tiếp đó.

Vì sự buôn bán nô lệ thời đó quá phổ thông trên toàn thế giới, nên lúc đầu, Cha Batôlômêo tán thành việc du nhập người nô lệ Phi Châu vào các thuộc địa, nhưng sau đó không lâu người đã sám hối về hành động này. Và lỗi lầm này lại được người xưng thú một lần nữa trong khi hấp hối.

Giới trí thức Âu Châu muốn duy trì tính cách hợp pháp của việc buôn bán nô lệ và cố gắng vô hiệu hóa ảnh hưởng của Cha Batôlômêo. Không nản lòng vì sự chống đối hầu như của cả thế giới vào lúc đó, người giải phóng gan dạ đã vượt biển Atlantic mười bốn lần để thuyết phục Nghị Viện Tây Ban Nha ban hành các đạo luật nhân đạo trong việc hoán cải và văn minh hoá người thổ dân một cách hòa bình. Nỗ lực của Cha Batôlômêo được sự thán phục của Hoàng Ðế Charles V cũng như các giáo sư dòng Ða Minh thuộc Ðại Học Salamanca. Có thể nói, tất cả là nhờ nỗ lực của Cha Batôlômêo mà các Luật Mới được ban hành năm 1542.

Vào năm 1544, Cha Batôlômêo được bổ nhiệm là giám mục của tỉnh Chiapas, Mễ Tây Cơ. Nhưng vì quá chán nản với các điền chủ đầy thế lực ở đây nên người về lại Tây Ban Nha năm 1547.

Quãng đời còn lại của Ðức Batôlômêo là để viết lách bảo vệ quyền lợi của người thổ dân, giải thích về các quyền tư sản của những người không phải là Kitô Hữu. người từ trần năm 1566 mà chưa thực hiện được giấc mơ là đem lại quyền bình đẳng và sự đối xử nhân đạo cho người thổ dân.

© Copyright by Nguoi Tin Huu