Ý thức rằng đức tin là một món quà vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại, chúng ta nhận ra rằng nơi đức tin không phải là thứ có thể mua bán hay trao đổi, cũng không chỉ dựa trên sự hiểu biết hay suy đoán. Đức tin không phải là một sự chấp nhận mù quáng mà là nền tảng vững chắc xuất phát từ Lời. “Logos đã trở thành tâm điểm của đức tin Kito giáo vào Thiên Chúa. Logos có nghĩa là Lý trí, là Ý nghĩa, nhưng cũng là Lời- nghĩa là một Ý nghĩa vừa là Lời, vừa là Tương quan đồng thời mang sức sáng tạo.” (Trích Đức tin Kito giáo hôm qua và hôm nay, p.32).
“Hiểu để tin và tin để hiểu” (Intellige ut credas, crede ut intelligas) (St. Augustino). Trong tác phẩm “De Trinitate” (Về Ba Ngôi), Thánh Augustinô đã khẳng định về lý trí giúp con người hiểu biết về tạo vật và các chân lý tự nhiên, trong khi đức tin giúp tiếp cận những mầu nhiệm sâu xa hơn về Thiên Chúa. Bằng cách này, lý trí là cầu nối đưa con người đến với đức tin, và đức tin soi sáng cho lý trí trong hành trình tìm kiếm chân lý. Điều này khẳng định rằng đức tin không phải là một sự chấp nhận mù quáng, mà là một sự đón nhận chân lý qua lý trí được soi sáng bởi mạc khải. Và được xây dựng từ niềm tin bên trong vào tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính. Ba Ngôi Vị đều là thực thể đó, nghĩa là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần linh” (Sách GLHTCG 253).
“Lời tuyên xưng ‘Tôi tin’ phải hiểu như thế nào và mang ý nghĩa gì trong bối cảnh cuộc sống hôm nay cũng như trong mối tương quan với toàn thể thực tại. Những gì chúng ta có thể nghe, thấy và sờ chạm được chưa phải là tất cả, và thế giới con người sống không chỉ nằm trong giới hạn của các quan năng.” (Trích Đức tin Kito giáo hôm qua và hôm nay,p.48-49). Trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, con người dễ rơi vào tình trạng cô đơn và khủng hoảng tâm linh, dẫn đến việc tìm kiếm những kinh nghiệm thần bí hoặc bất kỳ sự tiếp xúc nào với thế giới siêu nhiên. Chính vì thế, những câu chuyện về thị kiến và các thông điệp từ thế giới bên kia thường thu hút đông đảo người tìm đến, với hy vọng tìm thấy dấu vết của ân sủng giữa bão bùng tin tức. Tuy nhiên, đức tin chân chính không chỉ dựa vào những dấu hiệu bề ngoài, mà là một cuộc gặp gỡ sâu xa với Thiên Chúa trong tâm hồn.
“Khi mà trở ngại chính của đức tin, khoảng cách giữa hữu hình và vô hình, giữa Thiên Chúa và không phải là Thiên Chúa - đã bị che khuất và chi phối bởi một trở ngại thứ yếu là quá khứ và hiện tại, bởi sự đối nghịch giữa tiến bộ và truyền thống cũng như bởi đòi buộc gắn bó với quá khứ mà đức tin dường như đòi hỏi” (Ibid.p. 52). Như Thánh Phaolô đã viết: 'Không ai có thể nói rằng: “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.' (1Cr 12,3). Việc sống đức tin không phải là điều dễ dàng, nhất là trong một thế giới hiện đại đầy cám dỗ và thách thức. Nhưng chính trong những thách thức này, “đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.” (Gc 1,3). Do đó, đức tin đòi hỏi sự kiên trì và trung thành, chứ không phải sự tìm kiếm các dấu hiệu hay phép lạ nhất thời.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khi trình bày trong “Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay” đã nhận định: “Nại đến truyền thống có nghĩa là nại đến điều gì đó chắc chắn, không sợ sai lầm. Thế nhưng ngày nay thì người ta có cảm tưởng ngược lại: Truyền thống là là cái gì đó lỗi thời, đã hoàn toàn thuộc về quá khứ. Trong khi đó “tiến bộ” mới là miền đất hứa, đem lại ý nghĩa đích thực cho thực tại. Môi sinh của con người là tiến bộ, là tương lai, chứ không phải là truyền thống, là quá khứ.” (P.52) Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục phân tích rằng sự đối lập giữa truyền thống và tiến bộ không nên được hiểu một cách tuyệt đối. Người nhấn mạnh rằng truyền thống không phải là một thực thể bất biến, mà là một quá trình sống động, luôn mở ra để đón nhận những hiểu biết mới và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Truyền thống và tiến bộ không loại trừ lẫn nhau, mà có thể bổ sung cho nhau để tạo nên một đức tin phong phú và sâu sắc hơn. Việc truyền thống trong đức tin Công giáo không đơn thuần là việc bảo thủ giữ nguyên những quy tắc, cứng nhắc với những luật lệ và nghi thức cổ xưa. Thay vào đó, nó là một dòng chảy sống động, liên tục truyền tải và làm phong phú thêm đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc giữ gìn truyền thống là cách chúng ta kết nối với quá khứ và đảm bảo rằng những giá trị cốt lõi, cái nôi nguyên thủy của đức tin vẫn luôn hiện diện và có ý nghĩa trong cuộc sống thực tại. Sự đổi mới đích thực không bao giờ đi ngược lại truyền thống, mà là sự phát triển tự nhiên từ truyền thống, giúp đức tin được truyền tải một cách sống động hơn trong bối cảnh hiện đại.
Mặc dù việc một người khoác lại “chiếc áo” từ thế kỷ 17-18 có thể bị thế hệ trẻ cho là lạc hậu, điều này không có nghĩa là những giá trị của thời đó hoàn toàn không còn phù hợp. Chiếc áo ấy không chỉ là biểu tượng của truyền thống, mà còn nhắc nhở chúng ta về một di sản quý giá cần được trân trọng. Tuy nhiên, truyền thống không phải là thứ bất biến và cứng nhắc. Cũng giống như việc chúng ta có thể tân trang, điều chỉnh trang phục cho phù hợp với thời đại, đức tin Kitô giáo cần được thể hiện trong ngôn ngữ và hình thức phù hợp với bối cảnh hiện đại, mà không đánh mất bản chất cốt lõi. Khi truyền thống và đổi mới kết hợp hài hòa, chúng sẽ giúp đức tin trở nên sống động và phát triển, đâm rễ sâu vào lòng xã hội.
Người già, với ký ức và sự khôn ngoan của họ, giúp chúng ta không quên những giá trị nền tảng và tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. Trong khi đó, người trẻ mang đến sự đổi mới, kêu gọi hy vọng và sáng tạo, giúp đức tin hòa nhập vào xã hội hiện đại một cách năng động và hiệu quả hơn. Truyền thống và đổi mới vì thế không đối lập, mà bổ sung cho nhau, cùng hướng đến việc củng cố đức tin trong một thế giới luôn thay đổi. Như lời của các Giám Mục Châu Mỹ Latinh đã phát biểu trong Hội nghị lần thứ V của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribe (CELAM) tại Aparecida, Brazil, vào năm 2007 rằng: chúng ta “không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ”, chúng ta cần phải chuyển đổi “từ một nên mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo.” (Documento de Aparecida- Tài liệu Aparecida)
Cũng vậy, từ xưa đến nay, việc tham dự Thánh lễ và cử hành các Bí tích trực tiếp tại nhà thờ luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin Công giáo. Thánh lễ là trung tâm của đời sống Kitô hữu, nơi các tín hữu quy tụ để thờ phượng, lãnh nhận các Bí tích, và kết nối với cộng đồng đức tin.
Khi đại dịch khiến các nhà thờ phải đóng cửa, việc cử hành Thánh lễ trực tiếp trở nên khó khăn. Giáo hội đã nhanh chóng tìm ra cách để thích nghi bằng việc truyền hình trực tuyến các buổi Thánh lễ, giúp người tín hữu tiếp tục tham gia dù họ đang ở nhà. Việc sử dụng nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook, Zoom, Google meeting, hay các ứng dụng di động đã mang Thánh lễ đến với hàng triệu người trên khắp thế giới. Đồng thời, nhiều linh mục và giáo xứ cũng tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tổ chức các buổi cầu nguyện, hội thảo giáo lý và chia sẻ Lời Chúa.
Điều này cho thấy rằng, dù phương thức cử hành Thánh lễ có thay đổi, nhưng bản chất của đức tin – việc tôn thờ Thiên Chúa và gắn kết cộng đồng – vẫn được giữ nguyên vẹn. Truyền thống cốt lõi của Giáo hội không bị mất đi, mà được củng cố thông qua những phương tiện mới. Việc đổi mới cách thức truyền bá và thực hành đức tin đã giúp Giáo hội tiếp tục hiện diện mạnh mẽ trong đời sống tín hữu, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Quả thật, tương lai của đức tin Kitô giáo không nằm ở việc trở lại quá khứ mà là sự tiến lên phía trước với lòng trung thành mới mẻ trong việc gắn bó với Lời Chúa và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đồng thời biết thích ứng với những thách thức và thay đổi của thời đại. Điều này đòi hỏi một sự can đảm để đổi mới mà không đánh mất căn tính đức tin, luôn tìm kiếm những phương thức sáng tạo để loan báo Tin Mừng trong một thế giới không ngừng biến đổi.
Bên cạnh đó, chúng ta không thể đòi các dân tộc của mỗi châu lục, khi diễn tả đức tin Kitô giáo của mình, phải bắt chước các cách diễn tả mà các nước Châu Âu đã phát triển vào một thời điểm trong lịch sử của họ, khi sự khác biệt nhau về nền văn hóa.
Sự phong phú và đa dạng của đức tin phải được tôn trọng và thể hiện trong bối cảnh văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Vì chúng ta không được phép bó gọn đức tin vào trong những giới hạn về sự hiểu biết và cách diễn tả của một nền văn hóa. Điều không thể tranh cãi là không một nền văn hóa duy nhất nào có thể diễn tả hết mầu nhiệm ơn cứu chuộc trong Đức Kitô. Giáo hội luôn công nhận và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc, nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng đức tin Kitô giáo không bị giới hạn trong bất kỳ một nền văn hóa nào. Điều này được nhấn mạnh trong Công đồng Vatican II, hiến chế Lumen Gentium, khi khẳng định rằng “Vì được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời, Giáo Hội không để bị ràng buộc theo kiểu độc chiếm hay không thể tách rời được với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào. Trung thành với truyền thống cá biệt và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể liên kết với nhiều hình thức văn hóa khác nhau, nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn.” (số 58)
Thật vậy, chỉ những ai đến với người khác không phải để lôi kéo họ vào đời sống mình, mà để giúp họ trở thành chính mình một cách trọn vẹn hơn, mới hiểu được bản chất thật sự của sứ vụ truyền giáo, như lời ĐGH Phanxico đã dạy, “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Đúng hơn, Giáo hội phát triển thông qua ‘sự thu hút’”, để có được một cuộc “trở về” đúng đắn của người theo Chúa. (trích bài giáo lý về Niềm say mê truyền giáo số 8). “Sự thu hút” trong Giáo hội không phải là dựa vào sức mạnh vật chất hay quyền lực thế gian, mà là sự thu hút từ tình yêu và lòng nhân ái. Thực chất, Giáo hội phát triển mạnh mẽ qua chứng tá của sự sống, khi các Kitô hữu sống trọn vẹn đức tin và thể hiện tình yêu của Thiên Chúa qua những hành động hàng ngày. Cuối cùng, mọi canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy vào chính mình. Như Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh trong Diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thường Lệ Lần thứ ba rằng: “Việc cần phải nói lại cho rõ mục đích đặc biệt về tôn giáo nơi việc truyền bá phúc âm hoá. Việc truyền bá phúc âm hoá sẽ mất đi lý do hiện hữu nếu nó lìa khỏi cái trục tôn giáo xoay vần nó: vương quốc của Thiên Chúa, trước hết, là ở ý nghĩa hoàn toàn thần học” (AAS 66 - 1974, p. 562).