Sách Giáo Khoa Trẻ Em Có Gì Sai Lầm?

T

iến Sĩ Paul C. Vitz là giáo sư tâm lý học của Ðại Học Nữu Ước, và là phụ khảo tại viện Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Ðình ở Hoa Thịnh Ðốn, DC. Vào năm 1986, ông là tác giả một nghiên cứu về sách giáo khoa trong các trường học ở Hoa Kỳ, "Censorship: Evidence of Bias in Our Children's Textbooks." (Cơ Quan Kiểm Duyệt: Bằng Chứng Về Thiên Kiến Trong Sách Giáo Khoa Trẻ Em)

Mới đây, ông Vitz cũng vừa nhìn đến sách giáo khoa trung học và cùng với tổ chức "Institute for American Values" công bố một phúc trình có nhan đề "The Course of True Love: Marriage in High School Textbooks." (Lớp Học Tình Yêu Ðích Thực: Hôn Nhân trong Sách Giáo Khoa Trung Học). Trong khi công nhận có một vài cải tiến, ông Vitz cũng nhận thấy nhiều thiếu sót đáng lo ngại, nhiều sự kiện sai lầm, và nguyên tắc giáo dục thiếu sót, dựa vào quy tắc tâm lý lỗi thời và quan điểm hôn nhân không đầy đủ.

Sau đây là phần phỏng vấn của tờ Catholic Faith & Family.

CF&F: Ông đã dành nhiều thời giờ để nghiên cứu sách giáo khoa. Tại sao vậy?

Ô. Paul Vitz: Sách giáo khoa thì quan trọng. Như ông C.S. Lewis đã viết, "Ai có quyền kiểm soát sách giáo khoa thì người ấy nắm quyền kiểm soát tương lai hơn cả các chính trị gia".

Cha mẹ có nhiệm vụ phải biết những gì con cái họ đang được chỉ bảo. Có thật chúng đang được giáo dục, hay bị lệ thuộc vào ý thức hệ chính trị được nguỵ trang là "giáo dục"?

Hai trăm năm trước đây, mục tiêu chính của giáo dục tại Hoa Kỳ là đời sống luân lý. Trẻ em đến trường để học biết phải trái cũng như biết đọc biết viết.

Khoảng 100 năm trước, mục tiêu không còn là đời sống luân lý, mặc dù nó vẫn còn được củng cố -- và được chuyển hướng sang đời sống tri thức.

Trong thời đại chúng ta, mục tiêu là đời sống cảm xúc. Sách giáo khoa ngày nay nói chung rất ngớ ngẩn, nhắm đến cảm xúc và giá trị tương đối của luân lý.

CF&F: Bản phúc trình sau cùng của ông nói rằng có những điều tốt và điều xấu. Ðâu là những điều tốt?

Ô. Vitz: Tôi nhận thấy có những cải thiện quan trọng trong sách giáo khoa trung học về vấn đề hôn nhân và đời sống gia đình. Một cách tổng quát sách giáo khoa coi trọng vấn đề hôn nhân và coi đó là một quyết tâm quan trọng của mỗi một người.

Sách đề nghị sự khiết tịnh trong vấn đề tình dục cho thiếu niên, hầu như vì lý do sức khoẻ. Sách đưa ra những nguy cơ về sức khoẻ và những hậu quả xấu của sinh hoạt tình dục sớm. Sách kể ra những khó khăn của sự ly dị và của người cha hay mẹ cô độc. Vấn đề lập gia đình của thiếu niên thực sự bị can ngăn.

Ðó là những thay đổi quan trọng kể từ thập niên 1980.

CF&F: Ðâu là những điều xấu?

Ô. Vitz: Sách giáo khoa vẫn chưa đúng với danh nghĩa của nó. Về phương diện hiểu biết rất kém, thường có những chi tiết rất nghèo nàn, và có khi lại bị sai bởi những dữ kiện sai lầm. Sách có khuynh hướng bỏ qua hay cố ý làm lệch lạc các nghiên cứu về lý do quan trọng của hôn nhân, và những gì giúp hôn nhân thành công. Sách không đề cập đến Thiên Chúa và chiều kích tâm linh, bất kể sự kiện là ở Hoa Kỳ, khoảng 80% hôn nhân được cử hành tại các nơi thờ phượng.

Thật vậy, trong hầu hết sách giáo khoa rõ ràng là không thấy chữ "hôn nhân" (marriage). Nó thường bị thay thế bằng những chữ rất hợp về phương diện chính trị như chữ "quan hệ" (relationship). Ðó là một ý đồ nhằm hợp thức hóa mọi loại "quan hệ," kể cả đồng tính luyến ái.

CF&F: Theo sự thẩm định của ông, các sách giáo khoa thì trống rỗng về phương diện cảm xúc, trí tuệ và luân lý. Ông có thể giải thích điều này?

Ô. Vitz: Tôi muốn nói sách giáo khoa về văn chương, y học và khoa học xã hội, hơn là khoa học tự nhiên.

Về sự trống rỗng trí tuệ, tôi muốn nói sách không đưa ra những ý tưởng khơi dậy sự suy tư hay thách đố. Sách không khuyến khích các em tìm hiểu thêm vấn đề, ngoại trừ một vài điều đúng về phương diện chính trị, tỉ như chữ "tốt lành" (goodness) nói chung. Sách trống rỗng về phương diện luân lý vì ít khi sách đưa ra những căn bản để giúp các em thẩm định giá trị luân lý.

Thí dụ, sách không dạy việc ăn cắp hay nói dối là sai lầm. Sách cũng không nói sự siêng năng là tốt. Sách kể những câu chuyện rất tầm thường, nhiều cảm xúc và lãng mạn, như muốn dạy các em trở nên người dễ xúc động hơn là một người dựa trên lý trí. Khó mà tìm thấy những giá trị thực, kể cả trong các chuyện cổ tích.

CF&F: Ông còn dùng những chữ "không dựa trên dữ kiện" và "nghèo nàn về tài liệu".

Ô. Vitz: Ðúng vậy, nhiều khi không thể tưởng được. Thí dụ, có cuốn sách thổi phồng sự kiện các em chết dưới tay những người lạm dụng ở quốc gia này đến 500 lần.

Một cách tổng quát, sách giáo khoa không chú ý đến quan hệ nhân quả giữa sự đổ vỡ gia đình và các khó khăn trong gia đình, kể cả việc lười biếng học hành, sự đánh đập con cái, sự lợi dụng và thờ ơ đối với con cái, sự nghèo khổ, thiếu niên phạm pháp, và lợi dụng tình dục trẻ em.

Mặc dù các nghiên cứu cho thấy người tình nhân của bà mẹ thường là thủ phạm việc lạm dụng con cái, sách giáo khoa thường im lặng về vấn đề này. Với tôi, đó là "không dựa trên dữ kiện."

Sách giáo khoa không đếm xỉa đến sự quan trọng của người cha. Sách bỏ qua cuộc nghiên cứu hiện nay về việc sống chung chạ, đó là vấn đề trầm trọng vì giới trẻ ngày nay sống chung chạ với nhau rất nhiều.

Có bằng chứng cho thấy việc sống chung chạ sẽ đưa đến việc gia tăng đánh đập con cái và thường dẫn tới sự ly dị trong tương lai. Sống chung chạ không tốt để chuẩn bị hôn nhân, nhưng một lần nữa, sách giáo khoa lại im lặng.

CF&F: Ông đề cập đến "tín ngưỡng của sự tự trọng" và nói rằng điều đó có thể làm hại các em. Ông có thể giải thích thêm?

Ô. Vitz: Sự tự trọng thì giống như hạnh phúc -- bạn không thể nào có được bằng cách chiếm đoạt. Ðó là phó sản phẩm.

Cả người lớn lẫn trẻ em có được sự tự trọng một cách gián tiếp từ hai điều.

Thứ nhất, bởi thi hành một điều gì tốt lành, hoàn thành một điều gì có giá trị, tỉ như học chơi đàn, thành lập đội thể thao, hay kiên trì với một công việc được giao phó. Nhưng điều đó có nghĩa rất có thể bạn bị thất bại.

Cách thứ hai có được sự tự trọng là từ người yêu thương bạn một cách thành thật và đối xử với bạn như một con người.

Các phụ huynh phải biết rằng nguyên tắc tâm lý về sự tự trọng được đề cao trong sách giáo khoa là của một vài tâm lý gia thời xưa, họ nổi tiếng trong các thập niên 50, 60 và 70, tỉ như Abraham Maslow.

Sự tự trọng là một nguyên lý như nhiều nguyên lý khác, nhưng trong sách giáo khoa tôi đọc, nó được trình bầy như một chân lý tuyệt đối, như một lề lối, một phương cách để hiểu biết con người.

Nhưng sự thật là các nguyên lý về sự tự trọng không đứng vững theo thời gian. Dùng các nguyên lý ấy như căn bản cho sách giáo khoa thì không khác gì xây nhà trên cát.

CF&F: Ðâu là những hậu quả của việc sử dụng ấy?

Ô. Vitz: Khi "tín ngưỡng của sự tự trọng" được coi là căn bản, sẽ đưa đến kết quả là Thiên Chúa và tôn giáo bị loại bỏ, cái nhìn về thế giới được trưng ra cho các em là một cái nhìn chán nản và tăm tối.

Một cách căn bản, các em được bảo rằng chúng cô độc, người mà chúng có thể trông nhờ vào là chính chúng, động lực của con người là sự ích kỷ. Lý do tại sao người ta muốn thiết lập mối quan hệ, kể cả hôn nhân, là vì ích lợi mà quan hệ ấy đem lại cho các cá nhân đơn độc và những nhu cầu của họ.

Thí dụ, cuốn "Health: Skills for Wellness" khẳng định, "Hơn bất cứ yếu tố nào khác, sự tự trọng có ảnh hưởng trực tiếp trên mọi khía cạnh của sức khoẻ - tâm thần, xã hội và thể chất." Hoặc cuốn "Making Life Choices": "Sự quan hệ quan trọng nhất trong đời bạn là sự quan hệ với chính bạn."

Nhưng bất kể sự ca ngợi không cùng về tự trọng, cuộc khảo cứu mới đây cho rằng việc chú ý đến sự tự trọng rất có thể nguy hiểm, nhất là khi thầy cô và người lớn hỗ trợ cho một sự tự trọng vô lý nơi trẻ em.

Một điều thú vị khác cần để ý là một nguyên tắc tâm lý cần phải mất 10 đến 20 năm mới được gạn lọc để áp dụng cho quần chúng hay sách giáo khoa.

Ngay bây giờ, một số tâm lý gia đưa ra giả thuyết rằng "cái tôi" không có thật. Họ nói rằng không có cái tôi, hoặc đó chỉ là một ảo tưởng do quyền lực xã hội tạo ra. Ðây là "sự đả phá cái tôi."

Chúng ta nên thận trọng khi giả thuyết ấy được đưa vào sách giáo khoa trong 10 năm tới.

CF&F: Ông có thể khuyên các cha mẹ phải thẩm định thế nào về sách giáo khoa của con em?

Vitz: Hãy để ý về phương diện hôn nhân, tình yêu và gia đình. Ðiều đó thường được đề cập đến trong sách về y học và khoa học xã hội.

Ðể ý đến các tác giả và các loại câu truyện mà họ trình bầy. Mỗi câu truyện là một loại luân lý đưa các em về hướng này hay hướng khác.

Ðặc biệt nhất là để ý đến những gì thiếu sót. Thí dụ, làm thế nào mà sách giáo khoa không đề cập đến đời sống đức tin ở Hoa Kỳ, một khi quốc gia chúng ta được coi là đạo đức nhất thế giới? Bỏ qua điều đó là sự lừa dối.

Tôi tin rằng khi cha mẹ càng thận trọng xem đến sách giáo khoa và học trình của con em, thì họ càng nghĩ đến việc cho con cái theo học trường tư.

CF&F: Có gì khác biệt giữa sách giáo khoa trường công và trường đạo?

Ô. Vitz: Thật không may là không luôn luôn có sự khác biệt. Một số trường Công Giáo dùng sách giáo khoa cũng giống như trường công. Một số tiểu bang cung cấp sách giáo khoa cho trường Công Giáo một cách miễn phí hoặc giá rất hạ.

Khi mới bắt đầu để ý đến sách giáo khoa, tôi thật bàng hoàng khi thấy trường Công Giáo chỗ tôi ở cũng dùng một loại sách như trường công. Hậu quả là học trình của một số trường Công Giáo lại được quyết định bởi các trường đời.

CF&F: Cha mẹ có thể làm gì khi thấy có những điều họ không thích trong sách giáo khoa của con em?

Ô. Vitz: Trước hết, hãy nói chuyện với con cái. Hãy cho chúng biết những khác biệt với điều Giáo Hội dạy, với những sự thật, vân vân.

Thứ đến, hãy nói với thầy cô. Thường thì thầy cô không muốn nghe hoặc coi thường phụ huynh, nhưng các cha mẹ phải nhớ rằng họ thường tài giỏi hơn và có học thức hơn là người dạy con cái mình.

Vả lại, cha mẹ mới là người lo lắng đến lợi ích của con cái hơn là thầy cô. Do đó, đừng ngại lên tiếng. Nếu đó là vấn đề lớn, bạn cần có sự hậu thuẫn của các phụ huynh khác.

Theo ý kiến tôi, nếu cha mẹ than phiền về việc xoá bỏ chữ "hôn nhân" trong sách giáo khoa, thì hãy nói với thầy cô rằng việc sử dụng chữ "quan hệ" và "đào-kép" (partner) thì thực sự xúc phạm đến phụ huynh và là điều sỉ nhục đối với cá nhân họ, do đó cần được thay đổi.

Nếu bạn bị coi là người tin tưởng mù quáng hoặc bị kết tội ép buộc đức tin trên người khác, thì hãy nói rằng: "Quý vị nghĩ xem. Quý vị lấy đi chữ 'hôn nhân', chữ 'vợ chồng'. Lấy đi tôn giáo và Ðức Kitô. Tại sao quý vị làm như vậy? Ðó không phải là sự kiểm duyệt, hoặc vấn đề chính trị hay sao?"

CF&F: Cha mẹ có thể làm gì để đảm bảo phẩm chất giáo dục của con em, nhất là khi họ không có khả năng để cho con em theo học trường tư?

Ô. Vitz: Cố gắng lấp đầy khoảng cách biệt đó bằng cách kể cho con cái nghe những câu chuyện hay trong sách vở hoặc trong băng thính thị, những câu chuyện thực sự có giá trị về phương diện tài liệu và khuyến khích các em sống tốt lành.

Hãy để các em nghe những câu chuyện ấy khi ở bàn ăn. Hãy giải thích cho chúng biết sự sai lầm của sách giáo khoa. Tùy theo tuổi tác, hãy cho chúng biết các dữ kiện về đời sống gia đình và vấn đề xã hội.

Dĩ nhiên, cha mẹ phải sống những giá trị mà họ tin tưởng và muốn trao truyền lại cho con cái.

Hãy cho con cái biết về nguyên tắc hôn nhân Công Giáo. Nó thật đẹp và tuyệt diệu, nhưng thường bị giấu kín.

Giáo Hội đem cho chúng ta sự hiểu biết tuyệt vời về người nam và người nữ cũng như về tình yêu và sự tự hiến. Chỉ khi nào chúng ta có thể đưa các nguyên tắc mỹ miều này vào tâm hồn con người, nhất là trẻ em, thì lúc ấy mới có những thay đổi tốt đẹp.

Trẻ em khao khát cái nhìn cao thượng về tình yêu và hôn nhân, nhưng sách giáo khoa không đem lại cho các em điều gì khác hơn là sự hời hợt bên ngoài.